Dâu tây vào suất ăn phục vụ hành khách Vietnam Airlines. |
Sản phẩm quả thứ 3 của Sơn La được đưa vào suất ăn của Vietnam Airlines
Từ ngày 26-30/3, dâu tây Sơn La được đưa vào suất ăn phục vụ hành khách trên các chuyến bay nội địa và quốc tế của Vietnam Airlines, với số lượng 5 tạ/ngày.
Như vậy, sau nhãn và mận hậu, dâu tây là sản phẩm quả thứ 3 của Sơn La được đưa vào suất ăn trên các chuyến bay của Vietnam Airlines. Đây là cơ hội để Sơn La quảng bá, giới thiệu, nâng tầm thương hiệu và giá trị các sản phẩm nông sản.
5 tạ dâu tây Sơn La được Chi nhánh Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Danko Sơn La thu mua từ vùng chuyên canh dâu tây theo quy trình VietGAP, sử dụng phân bón hữu cơ thay thế vô cơ trên địa bàn huyện Mai Sơn, Mộc Châu; được chọn lọc, đóng gói trong đêm và vận chuyển về kho của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Danko tại Hà Nội. Tại đây, nhân viên Công ty tiếp tục chọn lọc và đóng gói để vận chuyển đến kho của Công ty cổ phần suất ăn hàng không Nội Bài.
Tại kho của Công ty cổ phần suất ăn hàng không Nội Bài, dâu tây Sơn La tiếp tục được kiểm nghiệm và đạt 58 chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm, mới được lựa chọn đưa vào suất ăn trên các chuyến bay của Vietnam Airlines.
Ngoài dâu tây tươi được đưa lên phục vụ cho các khách hàng trên các chuyến bay nội địa và quốc tế, Công ty cổ phần suất ăn hàng không Nội Bài còn thỏa thuận đơn hàng với Chi nhánh Công ty cổ phần suất ăn hàng không Nội Bài đơn hàng dâu tây cấp đông để sử dụng cả năm.
Đưa thương hiệu “dâu tây Sơn La” vươn xa
Dâu tây phân loại tại kho của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Danko tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hương |
Hiện nay, tỉnh Sơn La có trên 400 ha dâu tây, sản lượng trên 3.000 tấn quả/năm, trồng chủ yếu ở Mộc Châu, Yên Châu và Mai Sơn. Có 20 HTX sản xuất, kinh doanh sản phẩm quả dâu tươi, mứt dâu, siro dâu; trong đó, quả dâu tươi chiếm từ 80-90% sản lượng. Dâu tây Sơn La có chất lượng thơm ngon; thị trường tiêu thụ chính là thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Cây dâu tây thích hợp trồng ở những nơi có nhiệt độ thấp, độ ẩm cao. Dâu tây được trồng chính vụ vào tháng 9 hàng năm, sau khoảng 3 tháng cây sẽ cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài từ 3 đến 4 tháng tuỳ vào thổ nhưỡng và việc chăm sóc. Bên cạnh đó việc đến tận vườn, tận mắt xem cách người dân chăm sóc, tận tay hái những trái dâu tây chín mọng đang là lựa chọn của nhiều khách hàng ưa khám phá và trải nghiệm.
Định hướng phát triển vùng cây dâu tây gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo sản phẩm an toàn, ngành Nông nghiệp Sơn La đã tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăm sóc theo quy trình VietGAP, hữu cơ; thực hiện tốt các quy định an toàn thực phẩm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”… để sản phẩm quả dâu ngon, sạch, an toàn, tạo lòng tin với người tiêu dùng. Bên cạnh đó là tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường, thu hút các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm, sơ chế, đóng gói, chế biến quả dâu tây.
Với mục tiêu đưa dâu tây tiếp cận thị trường lớn, mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho người dân và doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Hiện nay tỉnh Sơn La đang xây dựng thương hiệu “dâu tây Sơn La”. Từ nay đến năm 2026, Sở Khoa học & Công nghệ sẽ triển khai xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “dâu tây Sơn La” theo các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ; Xây dựng văn bản quản lý và tổ chức hệ thống quản lý sau khi được cấp văn bằng bảo hộ; Xây dựng hệ thống các công cụ quảng bá, giới thiệu sản phẩm; Nâng cao năng lực cho cán bộ và người dân trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận; Theo dõi, nghiệm thu, tổng kết và chuyển giao kết quả.
Đăng ký bảo hộ, xây dựng và triển khai hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận “dâu tây Sơn La” sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng của sản phẩm; làm căn cứ để sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị, từng bước nâng cao thu nhập cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh dâu tây tại địa phương.