Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

Có lẽ FPT lại đơn độc trong công cuộc chip bán dẫn giống như xuất khẩu phần mềm cách đây 25 năm

 

Mới đây trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Đỗ Cao Bảo, Thành viên HĐQT Tập đoàn FPT đã chia sẻ lại câu chuyện quyết định xuất khẩu phần mềm của FPT các đây 25 năm. Khi đó, theo ông Bảo, “FPT không có gì trong tay, tiền không, nguồn nhân lực phần mềm không, công nghệ không, thị trường và khách hàng cũng không, FPT chỉ có duy nhất hai thứ, đó là ý chí và khát vọng”. 

Khi ấy, không những người Việt Nam không tin mà cả World Bank cũng không tin, họ khuyên rằng “Việt Nam không có điều kiện để làm phần mềm đâu”, nhà đồng sáng lập FPT kể lại. 

Thế nhưng đến hôm nay, chính với ý chí và khát vọng, Việt Nam đã có hàng trăm nghìn kỹ sư làm phần mềm xuất khẩu, đứng thứ hai thế giới vè xuất khẩu phần mềm, chỉ sau Ấn Độ. Từ không có gì, giờ đây Việt Nam có một ngành phần mềm xuất khẩu, với doanh thu cỡ 6 tỷ USD năm 2023; chỉ riêng hiệp hội công ty phần mềm Việt Nam ở Nhật Bản đã có ít nhất 500 công ty phần mềm.

Với việc Việt Nam sản xuất chip bán dẫn, Chủ tịch FPT, ông Trương Gia Bình đánh giá “Việt Nam đã được chọn, nhiều nước chọn”, “Chip bán dẫn và AI là lời giải để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, để Việt Nam có thể gia nhập nhóm các quốc gia thịnh vượng Đông Bắc Á”, “đây là cơ hội vàng, Việt Nam không thể bỏ lỡ”.

Tuy nhiên, trước các ý kiến phản biện cho rằng “chip bán dẫn không phải là cơ hội”, ông Bảo cho rằng: “Có lẽ FPT lại đơn độc trong công cuộc chip bán dẫn giống như xuất khẩu phần mềm cách đây 25 năm”.

Dưới đây là bài đăng trên trang cá nhân của ông Đỗ Cao Bảo:

Có lẽ FPT lại đơn độc trong công cuộc chip bán dẫn giống như xuất khẩu phần mềm cách đây 25 năm

Cách đây 25 năm, khi FPT quyết định xuất khẩu phần mềm, FPT không có gì trong tay, tiền không, nguồn nhân lực phần mềm không, công nghệ không, thị trường và khách hàng cũng không, FPT chỉ có duy nhất hai thứ, đó là ý chí và khát vọng. Khi ấy, không những người Việt Nam không tin mà cả World Bank cũng không tin, họ khuyên rằng “Việt Nam không có điều kiện để làm phần mềm đâu”.

FPT đã bắt đầu bằng đào tạo, đầu tiên là cử người sang Ấn Độ “thỉnh kinh”. FPT tin rằng con người là quan trọng nhất, bởi thế khi mà các trường đại học trong nước đào tạo không kịp, kỹ năng thực hành và kỹ năng mềm của sinh viên khi tốt nghiệp chưa đủ thì FPT tự mở trường Đại học để đào tạo nguồn lực xuất khẩu phần mềm cho chính mình. Đấy chính là lý do ra đời của trường Đại học FPT.

Việc thứ hai là phải xây dựng hệ sinh thái xuất khẩu phần mềm, Việt Nam nhất định phải có tên, có tuổi trên bản đồ phần mềm thế giới, phải là địa chỉ để các công ty phần mềm Âu, Mỹ, Nhật Bản tự tìm tới hợp tác. Khi ấy, Anh Trương Gia Bình đã đi rủ rê khắp các công ty bạn bè, quen biết trong ngành; rủ HPT, HiPT, CMC, Hồng Cơ, rủ cả Zodiac, một công ty thuần tuý thương mại. Trong số các công ty được rủ, có công ty không theo, có công ty theo một vài năm rồi bỏ. FPT còn mang hết bí quyết làm phần mềm xuất khẩu ra chia sẻ với các công ty khác, qui trình làm phần mềm quốc tế CCMI 5 của FPT sau khi đã ổn định qua thực tiễn đã được FPT chia sẻ và trở thành tài sản chung của các công ty phần mềm Việt Nam. Không có người đồng hành, một mình FPT tự sang Mỹ, sang Nhật, sang Châu Âu mở đường và đã đơn độc một mình như vậy trong suốt 5-7 năm đầu tiên.

Vâng chính với những ý chí và khát vọng ấy mà ngày nay Việt Nam chúng ta có dăm trăm nghìn kỹ sư làm phần mềm xuất khẩu, trở thành quốc gia đứng số 2 thế giới về xuất khẩu phần mềm, chỉ sau có Ấn Độ. Từ không có gì, giờ đây Việt Nam có một ngành phần mềm xuất khẩu, với doanh thu cỡ 6 tỷ USD năm 2023; chỉ riêng hiệp hội công ty phần mềm Việt Nam ở Nhật Bản đã có ít nhất 500 công ty phần mềm. 

Từ chỉ làm những việc đơn giản, giờ đây FPT đã có sản phẩm FPT.AI bán sang 15 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Nhật, Âu, Mỹ, với 200 triệu người sử dụng; nền tảng AI của FPT được đánh giá là một trong những nền tảng AI hàng đầu thế giới; FPT đã viết phần mềm chạy trên các máy bay thương mại trên hầu hết các chặng bay quốc tế, chạy trên hầu hết các ô tô thương hiệu lớn trên thế giới, đã làm những dự án tỷ USD, những hợp đồng phần mềm 150 triệu đô, 200 triệu đô. Có rất nhiều người đã nhận định rằng hầu hết các công ty phần mềm Việt Nam tiến ra nước ngoài thành công, là nhờ đi theo con đường do FPT mở.

Quay lại chuyện chip bán dẫn hiện nay: khi anh Trương Gia Bình nói “Việt Nam đã được chọn, nhiều nước chọn”, “Chip bán dẫn và AI là lời giải để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, để Việt Nam có thể gia nhập nhóm các quốc gia thịnh vượng Đông Bắc Á”, “đây là cơ hội vàng, Việt Nam không thể bỏ lỡ”, “chỉ cần 3 tháng để chuyển một kỹ sư phần mềm sang kỹ sư chip bán dẫn (đủ để bắt đầu bắt tay vào làm những việc đơn giản, sau đó vừa làm vừa học để sau 18 tháng thì trở thành kỹ sư chip bán dẫn”; tôi đã nghe thấy và đọc được rất nhiều lời chê bai, phản bác, nghi ngờ; nào là “nổ”, nào là “viển vông”, nào là “chẳng có cơ hội nào đâu”, những ý kiến tiêu cực ấy đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng hệ sinh thái bán dẫn của Việt Nam.

Với bối cảnh ấy, tôi buộc phải nghĩ rằng “có lẽ chip bán dẫn sẽ lặp lại giống xuất khẩu phần mềm cách đây 25 năm: FPT lại đơn độc ít nhất 5 đến 7 năm đầu tiên. Như vậy, FPT lại bắt đầu bằng việc đào tạo nguồn nhân lực chip bán dẫn, nỗ lực cao độ trong những hợp đồng đầu tiên trong lĩnh vực chip bán dẫn và AI, bằng việc chen một bàn chân nhỏ vào chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu, để làm nền tảng cho việc xây dựng hệ sinh thái chip bán dẫn của Việt Nam, mở đường cho các công ty Việt Nam khác bước vào hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu.

Cảm ơn nhiều bạn đã phản biện rằng “chip bán dẫn không phải là cơ hội”. Chính vì các phản biện ấy mà FPT càng tin rằng đây là cơ hội lớn, bởi một nguyên lý rất đơn giản là “khi mà ai cũng nhìn thấy đó là cơ hội, thì cơ hội đã qua mất rồi”. Vậy FPT cứ tiến thôi.


Theo Thục Trinh

Nguồn

Exit mobile version