Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

Công dân Hà Nội kỳ vọng Quy hoạch Thủ đô có chất lượng cao: khắc phục khó khăn hiện tại, tạo cơ hội mới cho tương lai

(KTVN) – Sáng 20/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. 

Sông Hồng sẽ phát triển thế nào để trở thành trung tâm phát triển Thủ đô?

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho hay, ông là người may mắn được tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch , vai trò của Sông Hồng trong Quy hoạch Thủ đô sẽ lồng ghép 3 nhiệm vụ: (1) Tiết kiệm 5 tỷ m3 nước sạch để phục vụ sinh hoạt và sản xuất; (2) Rửa trôi nước thải, làm sạch các dòng sông khô hạn ô nhiễm; (3) Tạo cảnh quan để xây dựng hai con đường di sản hai bên sông (trong bản vẽ minh họa quy hoạch vẽ hai con đường sát mép nước sông Hồng). Để hoàn thành 3 nhiệm vụ này, đã có đề xuất của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn: xây dựng 2 đập tràn dâng nước ở trên sông Hồng và trên sông Đuống. Viễn cảnh rất hấp dẫn nhưng những thông tin còn nhiều mâu thuẫn.

Giữ lại 5 tỷ m3 nước xả từ hồ thủy điện trong thời gian rất ngắn đòi hỏi không gian trữ nước rất lớn, nếu có 1.000 km2 thì cột nước cao 5m, trong khi tổng diện tích trong lòng đê hai bên sông của 29km sông Đà và 129km sông Hồng chảy qua Hà Nội chỉ có diện tích 400km2. Quy hoạch Thủ đô hiện tại không mở rộng diện tích giữ nước, chỉ để xuất mở rộng đô thị, thậm chí vẽ nhiều công trình vào lòng sông trong đê.

Nếu muốn giữ nhiều nước sạch thì không thể dùng nước sạch để hòa loãng rửa trôi nước thải, làm vậy thì nước sạch lại thành nước bẩn. Muốn nước sông không ô nhiễm thì phải xử lý nước thải tại nguồn theo mô hình phân tán tới từng khu dân cư, cơ sở sản xuất, trong Quy hoạch Thủ đô không định hướng thu gom xử lý nước thải tại nguồn phân tán mà vẫn giữ nguyên mô hình thu gom tập trung theo lối cũ: đã đầu tư hơn 2 tỷ USD mà nước thải ô nhiễm Hà Nội vẫn gia tăng. Muốn nâng cao mặt nước sông Hồng hiện tại, trước mắt toàn bộ không gian lòng sông trong đê không xây dựng công trình, vì tất cả công trình và hai con đường di sản cũng bị nước nhấn chìm. Nội dung này đã được khẳng định trong Quyết định 368/QĐ-TTg phê duyệt ngày 4/5/2024 về “Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”: “Tăng cường quản lý, sử dụng bãi sông bảo đảm không gian thoát lũ; có biện pháp cụ thể đối với các khu vực dân cư tập trung hiện có nằm ngoài bãi sông. Bảo vệ không gian thoát lũ; cải tạo lòng dẫn, giải phóng các vật cản ở bãi sông, lòng sông; ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm pháp luật về đê điều.” Để Sông Hồng trở thành trung tâm phát triển Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô không chỉ đưa ra mục tiêu mà cần cần bổ sung các dữ liệu tính toán, phân tích; trình bày các bản vẽ minh họa đồng bộ thống nhất trong quy hoạch Thủ đô và chi tiết hóa trong Điều chỉnh Quy hoạch chung.

So sánh 14 tuyến ĐSĐT trong Quy hoạch Thủ đô với đề xuất của City Solution

Ông Hoàng Văn Cường, vừa là Đại biểu Đoàn TP Hà Nội cũng là người tham gia xây dựng Quy hoạch Thủ đô cho biết: xây dựng được 14 tuyến ĐSĐT như trong đề án vạch ra, thành một hệ thống mạng lưới đường sắt đủ khả năng kết nối giao thông cho người dân có thể di chuyển bất kể một địa điểm nào trên khu vực Thủ đô, có thể sử dụng đường sắt thì khi đấy chúng ta sẽ tự động thay thế được các phương tiện giao thông cá nhân. Như vậy, những vấn đề về ùn tắc hay ô nhiễm môi trường hiện nay sẽ được giải quyết thông qua việc phát triển hệ thống đường sắt này.”

Quy hoạch Thủ đô đặt kỳ vọng lớn vào 14 tuyến ĐSĐT, nhưng đề xuất Thành phố mới mở rộng về phía Bắc sông Hồng thì tổng chiều dài ĐSĐT chỉ chiếm 22,7%. Việc phân bổ mạng lưới bất tương xứng này không chỉ bất bình đẳng việc tiếp cận ĐSĐT mà còn hạn chế, giảm sức hấp dẫn nguồn lực đầu tư cho phát triển đô thị lẫn ĐSĐT. Đặt mục tiêu người dân dùng ĐSĐT đi tới tất cả các nơi trong thành phố là không phù hợp với nguyên lý quy hoạch. Ngân hàng Thế giới đã công bố trong tài liệu “Hướng dẫn lập quy hoạch ĐSĐT” ( WB-2018): Đầu tư ĐSĐT chi phí lớn nên chỉ phát huy hiệu quả tại những tuyến đường có 20.000-40.000 hành khách/giờ. Những khu vực vắng khách thì phát triển các loại hình phương tiện đầu tư khác: tàu điện nhẹ, Xe Bus nhanh, Bus ưu tiên, Bus thường, Bus nhỏ, thậm chí xe điện nhỏ, xe đạp, đi bộ.Tất cả các thành phố trên thế giới không có nơi nào bố trí ĐSĐT đi “từ cửa đến cửa”, trong khi nhiều thành phố đã đầu tư ĐSĐT vắng khách đang chuyển đổi mô hình, loại phương tiện vận chuyển tối ưu hóa chi phí đầu tư và vận hành. Không có định chế tài chính có tiềm lực thực sự nào quan tâm tới những dự án đầu tư lớn, kéo dài mà mơ hồ khả năng thù hồi vốn.

Quy hoạch 14 ĐSĐT trong Quy hoạch Thủ đô hiện tại không rà soát đánh giá hạn chế bất cập của các dự án đã thực hiện, không khảo sát nhu cầu di chuyển để chọn loại hình tối ưu và có lộ trình thực hiện khả thi, không lồng ghép đa mục tiêu nên cần bổ sung toàn diện trong báo cáo thuyết minh và bản vẽ

Để hoàn thành nhiệm vụ hoàn thành hơn 400km ĐSĐT, Hà Nội cần phát triển mạng lưới giao thông đa phương tiện, vận chuyển nhanh khối lượng lớn trong đô thị (UMRT-URBAN Mass Rapid Transit) bằng cách kết nối, tích hợp, chuyển hóa gần 170km đường sắt quốc gia hiện đi qua thành phố, kết nối với Phúc Yên, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên trở thành “đường sắt ngoại ô” (Commuter – Suburban railway) cùng với 30 km ĐSĐT đã chạy và sắp chạy – Đây là cách làm thành công của các thành phố Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia), Kuala Lumpur (Malaysia), New Delhi, Mumbai (Ấn Độ)… Đồng thời Hà Nội có thể khai thác 200km mặt bằng sẵn có phát triển đường trên cao để ưu tiên xe Bus nhanh, năng lượng sạch hoạt động. Sau 5-10 năm khai thác, khi tích tủ đủ lượng hành khách sử dụng, phát triển công kỹ nghệ trong nước và tập hợp vốn đầu tư sẽ chuyển đổi thành ĐSĐT – Đây là mô hình phổ biến tại Jakarta (Indonesia), Kuala Lumpur (Malaysia), Dhaka (Bangladesh), các thành phố ở Ấn Độ, Trung Quốc. Mô hình UMRT đầu tư thấp, xây dựng nhanh, chi phí vận hành rẻ đang phát triển rất nhanh tại các thành phố đang phát triển, Hà Nội rất nhiều lợi thế do chủ động huy động vốn đầu tư, công kỹ nghệ trong nước. Mô hình này đã được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm do đã thành công trong thực tế, đã được tổng hợp nghiên cứu lý thuyết, tuy vậy Quy hoạch Thủ đô hiện đang không có nội dung này, do vậy cần cập nhật làm rõ trong báo cáo thuyết minh, bản vẽ minh họa.

Tại phiên thảo luận ở hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, các đại biểu cho rằng Quy hoạch Thủ đô là vấn đề của cả nước, mang tầm vóc Quốc gia, do đó, trước khi đề xuất những nội dung mới, các đơn vị tư vấn, lập quy hoạch cần “báo cáo, đánh giá sau 12 năm thực hiện Quyết định số 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Hà Nội, để từ đó thấy được những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân để rút ra bài học cho công tác lập và điều chỉnh quy hoạch Thủ đô”. Các đại biểu đề cập nhiều đến một số vấn đề thành phố hiện nay như giao thông yếu kém; môi trường sinh thái ô nhiễm; nước thải, rác thải nguy hại ngày càng gia tăng; cháy nổ hết sức nghiêm trọng… Đây cũng trở thành vấn đề cấp thiết, bức xúc, rất cần thiết phải tìm ra giải pháp khả thi. Các đại biểu nhấn mạnh nếu không nhìn nhận thấu đáo những tồn tại, bất cập hiện trạng để khắc phục giải quyết lại đặt ra những mục tiêu mới “lãng mạn” thì con cháu sẽ trách chúng ta.

Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội, thành viên Hội đồng khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây Dựng)



Nguồn

Exit mobile version