Bất Động Sản

Công sự trú ấn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ Di tích kiến trúc quân sự đã được phục dựng và bảo tồn tại Viện Kiến trúc Quốc gia

Chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã kết thúc ngót nghét gần 50 năm. Với thời gian gần nửa thế kỷ đã trôi qua – Ngành Xây dựng đã có nhiều đổi thay và không ngừng phát triển cùng với cả nước, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng kiến thiết đất nước. Không biết bao nhiêu công trình xây dựng quy mô, hiện đại đã mọc lên… làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của đô thị và nông thôn ở các vùng miền trong cả nước. Trong bức tranh sống động đó, cũng không ít công trình kiến trúc hiện đang thầm lặng, ẩn náu khiêm mình dưới lòng đất, vốn một thời, đã từng là nơi làm việc, chiến đấu, chỉ đạo công tác của các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các Bộ ngành; là một trong những nơi gắn với lịch sử quá trình hình thành và phát triển của Ngành Xây dựng; là kết quả của trí tuệ và sáng tạo của những đơn vị và cá nhân thiết kế và xây dựng trong chiến tranh; là hiện thân chiến tích sống động phản ánh cuộc kháng chiến chính nghĩa và thần thánh của quân đội và nhân dân Việt Nam… Đó chính là công trình Di tích kiến trúc quân sự hầm trú ẩn đang hiện hữu dưới lòng đất, trong khuôn viên trụ sở làm việc của Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng.

Ý TƯỞNG SÂU SẮC HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 45 NĂM NGÀY THÀNH LẬP VIỆN (26/7/1979-26/7/2024)

Lịch sử hình thành của Ngành Xây dựng bắt đầu từ năm 1958, với Nghị quyết của kỳ họp thứ VIII, Quốc hội khóa I ngày 29/4/1958, Bộ Kiến trúc được thành lập, đây chính là tiền thân của Bộ Xây dựng. Từ đó đến nay, ngày 29/4 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của Ngành Xây dựng Việt Nam.

Năm 1960, trong Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa II (1960-1964) có Bộ Kiến trúc và Ủy ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước. Tháng 6/1973, thành lập Bộ Xây dựng trên cơ sở sáp nhập Ủy ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước với Bộ Kiến trúc.

Đến năm 1979, Ủy ban Xây dựng Cơ bản Nhà nước được thành lập (trên cơ sở tách một phần từ Bộ Xây dựng). Ngày 26/7/1979, Viện Tiêu chuẩn hóa và Điển hình hóa xây dựng, trực thuộc Ủy ban Xây dựng Cơ bản Nhà nước được chính thức thành lập. Đây là cơ quan có chức năng và nhiệm vụ chủ yếu trong việc là đầu mối tổ chức, nghiên cứu hệ thống Tiêu chuẩn xây dựng và Thiết kế điển hình về lĩnh vực xây dựng. Đồng thời, cũng là tiền thân của Viện Kiến trúc Quốc gia ngày nay.

Để hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Viện, Đảng ủy và Ban lãnh đạo Viện đã đưa ra các kế hoạch và công tác chuẩn bị. Trong đó, đặc biệt ý tưởng của Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng PGS.TS Mai Thị Liên Hương, với mong muốn hướng về cội nguồn, tri ân các thế hệ lãnh đạo tiền bối, đi cùng bảo tồn di tích kiến trúc có giá trị lịch sử cách mạng… Ý tưởng đó, cũng chính là đồng thời khai quật, hồi sinh công trình hầm trú ẩn dưới lòng đất trong khuôn viên trụ sở cơ quan Viện.

Cũng từ đây, nhiều nội dung và câu hỏi được đặt ra nếu tiến hành khai quật hầm trú ẩn dưới lòng đất, như: Thiết kế tôn tạo và bảo tồn như thế nào?; Công trình sẽ được sử dụng và kết nối với hệ thống không gian cảnh quan sân vườn của cơ quan ra sao? Việc đặt tên cho di tích kiến trúc và đặc biệt là cần biết rõ lý lịch khoa học của công trình như năm xây dựng, đơn vị xây dựng, tác giả thiết kế,… nhằm bổ sung tư liệu và hồ sơ khoa học cho công trình trong quá trình bảo tồn và khai thác sử dụng sau này. Các công việc này đã được giao trực tiếp cho một số cán bộ thực hiện như Phó Viện trưởng TS.KTS Nguyễn Thành Công, TS.KTS Nguyến Tất Thắng – Phòng Quản lý Khoa học kỹ thuật và Dữ liệu và Ths.KTS Nguyễn Thành Long – Phòng Lý luận phê bình và Lịch sử kiến trúc.

KHAI QUẬT TÌM CỬA HẦM CÙNG ĐI TÌM ĐƠN VỊ VÀ CHÂN DUNG NGƯỜI XÂY HẦM CHỐNG BOM MỸ

Mặc dù công trình hầm trú ẩn đã có từ lâu, cửa hầm dẫn vào lối lên xuống trước đây nổi trên mặt đất, nhưng đã bị lấp nhiều năm do lấy mặt bằng làm chỗ đỗ xe và sân vườn. Do đó, đúng 6h ngày 2/5/2024, Viện đã làm lễ động thổ, khởi công khai quật tìm kiếm vị trí cửa hầm. Và thật may mắn, sau hơn 2 tiếng đào thăm dò, đã phát hiện cửa hầm trong niềm vui của cán bộ viên chức và người lao động.

Song song với đó, kế hoạch thiết kế quy hoạch và tu tạo cùng với xác định lý lịch khoa học của căn hầm đã được khẩn trương tiến hành. Tuy nhiên, việc xác minh này không hề dễ, mặc dù căn hầm được tọa lạc nơi trước đây (từ năm 1979) gồm nhiều cơ quan thuộc Ủy ban Xây dựng Cơ bản Nhà nước như Viện Kinh tế Xây dựng, Viện Tiêu chuẩn hóa và Điển hình hóa xây dựng, Viện Nghiên cứu Cơ giới hóa và Công nghệ xây dựng, Trung tâm thông tin, Nhà xuất bản Xây dựng, nhưng các nhân chứng đã mất hoặc còn nhưng đã già yếu hoặc kém minh mẫn.
Qua các tài liệu lịch sử của Quân đội và Ngành Xây dựng, được biết, sau khi đế quốc Mỹ phá bỏ Hiệp định Genève năm 1954, Trung ương Đảng nhận định cuộc kháng chiến của ta còn lâu dài và kẻ thù trực tiếp sẽ là quân đội Mỹ, với âm mưu sẽ leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân. Nhận định của Trung ương là phải giảm thiệt hại tối đa, đặc biệt là thiệt hại về con người. Do đó, Trung ương đã điều động ông Phan Đức Sử (sinh năm 1929), nguyên là chiến sỹ đã có nhiều kinh nghiệm trong kháng chiến chống Pháp, từng tham gia các chiến dịch như chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc này, ông Phan Đức Sử đang đảm nhiệm chức vụ Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn công binh 229 (sau này là Lữ đoàn công binh công trình 229) thuộc Binh chủng Công binh, được giao nhiệm vụ biệt phái sang làm chuyên gia quân sự cấp cao, giúp Hội đồng phòng không nhân dân Trung ương, nghiên cứu xây dựng các công trình phòng chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Hội đồng Phòng không Nhân dân Trung ương lúc này do Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh làm Chủ tịch, thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước làm Phó Chủ tịch.

Ông Sử chính là người đã được thiếu tướng Trần Đại Nghĩa giao cho việc thiết kế các loại hầm “vì kèo”, “hầm bán âm” và hầm ở dạng hố cá nhân. Ông là tác giả thiết kế của nhiều căn hầm có kết cấu và sức chứa khác nhau, được xây dựng ở khắp nơi tại miền Bắc trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Trong suốt gần 10 năm diễn ra chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ (1964-1972), ông Phan Đức Sử là chuyên viên quân sự cao cấp tại Hội đồng Phòng không Nhân dân Trung ương. Sau năm 1972, ông Sử chuyển công tác sang Viện Quy hoạch Xây dựng tổng hợp thuộc Uỷ ban Xây dựng Cơ bản Nhà nước, nay là Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia – Bộ Xây dựng.

Chính nguồn tư liệu lịch sử quý giá này, cộng thêm với những liên hệ và kết nối khác, tác giả đã tìm được đến gia đình ông Phan Đức Sử. Nhưng thật tiếc, ông đã mất năm 2017. Sau khi được trò chuyện với con trai cả của ông Sử là ông Phan Đức Việt, hiện đang là Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Quân đội – Được biết, ông Phan Đức Sử nghỉ hưu năm 1988, trên cương vị Trưởng phòng Quy hoạch nông thôn – Viện Quy hoạch Xây dựng tổng hợp thuộc Uỷ ban Xây dựng Cơ bản Nhà nước, nay là Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia – Bộ Xây dựng. Năm 2015, ông được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đồng thời, anh Việt cũng cho biết, bản thân anh và ông Sử có nhiều gắn kết với Bộ Tư lệnh Công binh và giới thiệu tác giả sang liên hệ làm việc để tìm hiểu về căn hầm. Từ đây, mọi bí mật và hồ sơ khoa học về căn hầm dần được làm sáng tỏ.

CÔNG SỰ TRÚ ẨN TẠI VIỆN KIẾN TRÚC QUỐC GIA – DI TÍCH KIẾN TRÚC QUÂN SỰ ĐƯỢC HỒI SINH VÀ CẦN ĐƯỢC GÌN GIỮ BẢO TỒN

Sau khi mở được lối lên xuống hầm, việc quy hoạch và thiết kế tu tạo căn hầm cùng kiến trúc cảnh quan sân vườn, cũng như thi công xây dựng, đã giao cho Ths.KTS Nguyễn Thành Long đảm nhiệm. Toàn bộ thiết kế đã được xin đóng góp ý kiến của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện. Các công việc này, Lãnh đạo Viện cũng báo cáo Bộ và nhân chuyến công tác xuống làm việc với Viện ngày 14/5/2024, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã được thị sát và nghe báo cáo sơ bộ về quá trình cải tạo và tôn tạo căn hầm.

Đồng thời, ngày 17/5/2024, Viện đã có công văn số 123/VKTQG gửi Bộ Tư lệnh Công binh về việc xác minh đơn vị và cá nhân thiết kế và xây dựng hầm trú ẩn tại 389 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội.

Về phần khảo sát để lấy số liệu thiết kế tu tạo và bảo tồn – Đây là căn hầm được xây dựng hoàn toàn ngầm dưới lòng đất, riêng lối dốc lên xuống nửa chìm nửa nổi, với kết cấu bê tông cốt thép toàn khối, có chiều dày trung bình từ 0,3m-0,4m. Diện tích xây dựng khoảng 35m2, diện tích sử dụng khoảng 23m2. Chiều cao thông thủy của căn hầm khoảng 1,8m, chiều cao từ sàn đáy hầm đến cốt sân trong khuôn viên khoảng 3,9m. Bên trong căn hầm, có một lỗ thông hơi kiêm lối thoát hiểm lên phía trên mặt đất, đặt ở trung tâm của hầm, kết nối lên trên bằng hình thức thang khỉ sắt thẳng đứng. Theo các tài liệu lịch sử, căn hầm này đã từng phục vụ công tác và sinh hoạt cho một số đồng chí nguyên là lãnh đạo Trung ương như cố GS.VS Trần Đại Nghĩa, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước, giai đoạn 1964-1971; Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước, giai đoạn 1969-1973…

Sau khi nhận được công văn đề nghị của Viện về việc xác minh các thông tin về căn hầm, ngày 23/5/2024, Binh chủng Công binh Hà Nội đã đến khảo sát về căn hầm; ngày 28/5/2024, Viện Kiến trúc Quốc gia đã sang làm việc với Bộ Tư lệnh Công binh và ngày 29/5/2024, Cục Công trình thuộc Bộ Tư lệnh Công binh phối hợp với một số cán bộ thuộc Viện đã cho khảo sát, đo đạc, nhận định, đánh giá… về căn hầm.

Sau một thời gian làm việc, đối chiếu với các tài liệu lưu trữ lịch sử và thực tiễn… ngày 5/6/2024, Cục Công trình thuộc Bộ Tư lệnh Công binh đã chính thức thông báo kết quả cho Viện về lý lịch khoa học của căn hầm như sau:

Tên công trình: CÔNG SỰ TRÚ ẨN
Quy mô (sức chứa): 10 người
Do Trung đoàn 259 thuộc Cục Công binh thiết kế và xây dựng năm 1965.

(Sở dĩ không gọi là “hầm” mà gọi là “công sự” vì công trình vừa sử dụng tránh bom đạn, vừa chỉ huy, chỉ đạo công tác trong thời chiến; Đây là công trình có thiết kế ở dạng áp dụng thiết kế điển hình, phục vụ cho các đồng chí lãnh đạo ở các cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội; Thiết kế này sử dụng cửa hầm bằng thép, kết hợp có khoang tiêu giảm sức ép của bom nối liền với lối lên xuống hầm). Sau hơn một tháng thi công và hoàn thiện các thủ tục – Ngày 7/6/2024, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng PGS.TS Mai Thị Liên Hương đã cùng Ban lãnh đạo Viện dự lễ cắt băng khánh thành công trình Di tích Công sự trú ẩn cùng toàn thể cán bộ nhân viên và người lao động trong Viện.

Đến ngày 21/6/2024, Bộ tư lệnh Quân khu Thủ đô và Ban chỉ huy quân sự quận Ba Đình đã sang làm việc với Viện, đề nghị phối hợp và hướng dẫn các thủ tục để đưa di tích công trình kiến trúc quân sự vào việc duy tu, bảo tồn cũng như khai thác sử dụng, nhất là đề cập tới việc trở thành tài sản dự phòng khi đất nước có chiến tranh xảy ra.

Năm 2024, Viện Kiến trúc Quốc gia kỷ niệm 45 năm ngày thành lập (26/7/1979-26/7/2024). Việc phục dựng, tôn tạo và bảo tồn di tích kiến trúc Công sự trú ẩn thể hiện sự quan tâm và tri ân của tập thể Viện đối với các bậc tiền bối nguyên là lãnh đạo Đảng, Chính phủ, ngành Xây dựng… đã từng sống và làm việc tại di tích này. Đồng thời, cũng thể hiện sự quan tâm đến bảo tồn và khai thác các di tích kiến trúc có giá trị, một trong những chức năng và nhiệm vụ của Viện, được quan tâm và thực hiện theo Luật Kiến trúc. Đó cũng chính là quà tặng có ý nghĩa sâu sắc nhất của các thế hệ cán bộ viên chức và người lao động hôm nay, dành cho kỷ niệm 45 năm hình thành và phát triển của Viện Kiến trúc Quốc gia./.

TS.KTS Nguyến Tất Thắng – Phòng Quản lý Khoa học kỹ thuật và Dữ liệu



Nguồn