Trong kho tàng đồ sộ các di sản văn hóa Việt Nam, các di tích – di sản kiến trúc chiếm một phần không nhỏ và có vai trò rất quan trọng, đó là nơi gìn giữ và lưu truyền các nét đặc trưng văn hóa, thẩm mỹ và lối sống của người dân Việt qua suốt chiều dài lịch sử. Tuy nhiên, do trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, các di tích – di sản kiến trúc của dân tộc đã bị mai một, mất mát nhiều, những gì còn lại đa phần đã xuống cấp, hư hỏng, thậm chí nhiều công trình có nguy cơ sập đổ, biến mất khỏi đời sống xã hội. Vì vậy, để bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc, việc bảo tồn, trùng tu các di tích – di sản kiến trúc là hết sức cần thiết và cấp bách.
Đất nước ta sau gần 40 năm đổi mới, điều kiện kinh tế – xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao đáng kể, dẫn tới nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân đang ngày càng được quan tâm. Ngày 24/11/2021, tại hội trường Diên Hồng, nhà Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong bài phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, đồng chí cũng đưa ra một số giải pháp để chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, trong đó có việc “quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hoá của thời đại”. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong đó có các di tích – di sản kiến trúc rất được toàn Đảng, toàn dân tộc quan tâm và chú trọng. Với những thuận lợi đó, trong những năm qua việc bảo tồn, tôn tạo các di tích – di sản kiến trúc đã được quan tâm đầu tư mạnh mẽ từ phía chính quyền và người dân bao gồm cả hệ thống cơ chế chính sách và nguồn kinh phí.
Hòa trong dòng chảy đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích và Di sản Kiến trúc – Viện Kiến trúc Quốc gia với chức năng nhiệm vụ chính: tổ chức nghiên cứu khoa học về bảo tồn tu bổ tôn tạo di tích – di sản kiến trúc; tư vấn lập quy hoạch chuyên ngành, tư vấn đầu tư xây dựng tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị di tích – di sản kiến trúc; thi công tu bổ tôn tạo di tích – di sản kiến trúc. Trong những năm qua, đơn vị đã thực hiện các dự án bảo tồn, trùng tu di tích – di sản kiến trúc trên cả nước, góp phần vào việc gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Với những trải nghiệm thực tế qua các dự án đã hoàn thành, công tác bảo tồn trùng tu nếu được tiến hành một cách nghiêm túc, bài bản và khoa học sẽ đem lại hiệu quả rất tốt cho sự tồn tại lâu dài của di tích – di sản kiến trúc, đồng thời đóng góp tích cực vào việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội chung. Đối với việc bảo tồn, trùng tu, việc có quan điểm, định hướng ứng xử với mỗi công trình đều có đặc thù riêng không giống nhau, nếu định hướng đúng, công tác bảo tồn sẽ làm tăng giá trị của di tích – di sản kiến trúc, nếu định hướng sai, ứng xử không phù hợp sẽ làm tổn hại, làm mai một, thậm chí làm mất đi những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của di tích – di sản kiến trúc.
“Di sản văn hóa Việt Nam cần được gìn giữ và phát huy trong đó có công tác bảo tồn, trùng tu di tích – di sản kiến trúc với đặc thù các công trình kiến trúc chủ yếu làm bằng chất liệu gỗ, đá và đất nung, thiếu tính bền vững qua thời gian nên cần có 03 cách ứng xử chính: Bảo tồn nguyên trạng; Bảo tồn thích nghi; Bảo tồn tôn tạo các giá trị lịch sử văn hóa.”
Bảo tồn nguyên trạng, nguyên tắc là tôn trọng kiến trúc gốc, gìn giữ tối đa các yếu tố gốc, chỉ thay thế các cấu kiện nguyên gốc trong trường hợp hư hỏng hoàn toàn. Trong trường hợp đó cần xác định chính xác giá trị của di tích về các mặt lịch sử, văn hóa, khoa học… tìm biện pháp phục chế nguyên trạng di tích để phát huy giá trị, phục vụ nhu cầu lưu giữ và truyền đời, góp phần lan tỏa giá trị đích thực của di tích – di sản trong đời sống xã hội.
Với quan điểm ứng xử này, Trung tâm đã thực hiện công tác tư vấn dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích chùa Viên Dương Quán tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Với quan niệm tôn giáo tín ngưỡng Việt “Tam giáo đồng nguyên”, Chùa Viên Dương Quán ra đời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng. Trong quá trình tồn tại, chùa đã khẳng định giá trị lịch sử ẩn chứa trong mình. Tương truyền ngôi chùa được xây dựng từ thời Lý và thờ Đức Lão Quân, vị Tổ sư của đạo Lão, Ngài viết tác phẩm triết học nổi tiếng “Đạo Đức kinh” vào khoảng thế kỷ thứ 4 trước CN, về sau được các đạo sĩ luyện đan mong tu tiên tôn làm Tổ sư của đạo Lão với danh xưng Thái Thượng Lão Quân. Bên cạnh giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, chùa còn giữ được một số di vật quý tiêu biểu như: hai tấm bia đá, trong đó bia Viên Dương Quán khắc năm Hưng Trị thứ 2 (1589) là một cổ vật đời Mạc hiếm có ở Việt Nam; bảo tồn được hệ thống tượng pháp với cách bài trí và hình thức rất đặc sắc; chùa lưu giữ được quả chuông lớn đúc năm Gia Long thứ 16 (1817), “Viên Dương Quán Chung”. Ngôi chùa đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Thành phố năm 2011.
Về kiến trúc, chùa còn gìn giữ được tương đối nguyên vẹn bố cục mặt bằng với những hoa văn chạm khắc trên cấu kiện gỗ nguyên gốc. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài tồn tại, công trình hiện đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, toàn bộ kết cấu gỗ chịu lực (cột, xà, kẻ, bẩy,…) bị mục mọt, biến dạng, xô lệch, đồng thời qua nhiều lần tu sửa nhỏ trong điều kiện hạn hẹp về kinh tế, thiếu cơ sở khoa học nên kiến trúc chùa bị lẫn nhiều yếu tố ngoại lai cũng như sử dụng chất liệu gỗ không tốt ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ.
Trên cơ sở đó, Trung tâm đã đề xuất phương án bảo quản, tu bổ là: khi can thiệp phải tôn trọng ý tưởng kiến trúc, yếu tố nguyên gốc và giá trị văn hóa hàm chứa trong vỏ kiến trúc của công trình, cần có thái độ trân trọng đối với các yếu tố nguyên gốc và cả các bộ phận của di tích được bổ sung sau này nhưng có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ vì đó chính là những lớp lang lịch sử ẩn chứa trong di tích. Thứ nữa, công tác tu bổ còn đặt ra yêu cầu phải tước bỏ phần bổ sung không chính đáng làm sai lệch các giá trị của di tích, tạo điều kiện cho khách tham quan tiếp cận và hưởng thụ các giá trị đích thực của văn hóa, lịch sử.
Bảo tồn thích nghi là phương pháp bảo tồn các di tích – di sản sống, nằm trong cộng đồng để gìn giữ, chuyển tiếp, bổ sung giá trị và có sự sáng tạo để tiếp tục đưa di tích – di sản thích ứng với xã hội đương đại.
Với quan điểm ứng xử này, Trung tâm đã thực hiện công tác tư vấn dự án Tu sửa cấp thiết tòa nhà VAXUCO tại Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội nhằm mục tiêu trở thành nơi trưng bày hiện vật của Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long. Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là khu Di tích đặc biệt quan trọng trong hệ thống các di tích lịch sử văn hóa của Hà Nội và cả nước, là trung tâm chính trị, văn hóa của nước Việt trong 1.000 năm lịch sử, là Tổng hành dinh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt thời gian chống Mỹ cứu nước và sau này. Với những giá trị đó, tháng 8/2010, Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Tòa nhà VAXUCO là một trong những công trình tiêu biểu có giá trị nổi trội trong khu vực, đặc trưng cho kiến trúc Pháp thời kỳ đầu ở Việt Nam. Do bị để hoang lâu ngày nên hiện trạng kiến trúc công trình đã quá xuống cấp, nhiều chỗ có nguy cơ sập đổ làm mất đi vĩnh viễn giá trị di tích gốc. Mặt khác các hiện vật khảo cổ học sưu tầm được trong quá trình nghiên cứu khảo cổ khu vực Hoàng thành đang được lưu trữ trong kho không đảm bảo điều kiện bảo quản, có nguy cơ hư hỏng mất mát, thêm vào đó các hiện vật này không có điều kiện trưng bày giới thiệu đến công chúng nhằm phát huy giá trị di sản. Trên cơ sở đó, việc tu sửa tòa nhà VAXUCO tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội là hết sức cấp thiết, vừa phải đáp ứng việc bảo tồn các chi tiết kiến trúc nguyên gốc, các vật liệu và kỹ thuật xây dựng từ hơn một trăm năm trước, nhưng đồng thời phải đảm bảo yêu cầu hiện đại, sử dụng làm nơi trưng bày hiện vật của Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long, đưa di sản trở lại với đời sống xã hội, lan tỏa những giá trị văn hóa lịch sử cha ông ta để lại.
Trên cơ sở đó, Trung tâm đã đề xuất phương án tu bổ công trình là: tôn trọng các chi tiết kiến trúc nguyên gốc, sử dụng lại tối đa các vật liệu xây dựng nguyên gốc được hạ giải trong quá trình tu bổ để đưa trở lại công trình, lưu giữ giá trị lịch sử; loại bỏ các chi tiết kiến trúc ngoại lai được thêm vào trong quá trình sử dụng trước kia; đưa các biện pháp gia cố kết cấu (gia cố móng bê tông cốt thép, chống đỡ tường, sàn bằng kết cấu thép) và hệ thống kỹ thuật hiện đại (điều hòa thông gió, điện nước, âm thanh ánh sáng, thông tin liên lạc, PCCC) nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng hiện nay của công trình. Tuy nhiên, khi đưa các hệ thống này vào, cần có giải pháp phân biệt rõ ràng giữa các yếu tố nguyên gốc và thành phần mới để tránh ảnh hưởng đến công trình cũng như sự hiểu lầm của du khách khi đến với di sản.
Bảo tồn tôn tạo các giá trị lịch sử văn hóa là: đối với các di tích – di sản kiến trúc có giá trị lịch sử văn hóa nổi trội nhưng kiến trúc hiện trạng không còn hoặc còn ít giá trị nghệ thuật, công tác bảo tồn không nhất thiết là cứng nhắc bảo tồn những gì hiện hữu tại công trình.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tham gia thực hiện công tác tư vấn dự án Tu bổ, tôn tạo di tích Quốc gia Bia và đền Tả Phủ, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Đền Tả Phủ nằm ở trung tâm phố chợ Kỳ Lừa, là một địa chỉ quan trọng trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng của người dân địa phương. Ngày nay, lễ hội đền Tả Phủ là lễ hội lớn nhất của tỉnh Lạng Sơn (lễ hội đã được công nhận là Di sản phi vật thể Quốc gia). Khi tư vấn dự án, Trung tâm đã tiến hành khảo sát hiện trạng và nhận thấy: Đền vốn được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ XVII, trong chiến tranh biên giới (1979), đền bị phá huỷ gần như hoàn toàn, chỉ còn lại 1 tấm bia đá 4 mặt, gọi là “Tôn sư phụ bi”, được dựng năm Chính Hoà thứ 4 (1683), nội dung nêu bật công đức của Ngài Thân Công Tài. Sau này, nhân dân địa phương đã góp nhặt để xây dựng lại đền theo hình chữ Nhị, kiến trúc mang đậm phong cách của tiểu thương người Hoa và đã xuống cấp nghiêm trọng. Phần đất xung quanh đền cũng bị lấn chiếm nhiều nên diện tích đền khá chật chội, không đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Trung tâm đã tiến hành khảo cứu, hồi cố từ các tư liệu lịch sử để dựng lại thân thế sự nghiệp nhân vật được thờ trong đền, lịch sử ra đời, các giá trị lịch sử, văn hoá, nhân văn, giá trị phi vật thể của di tích.
Trên cơ sở giá trị lịch sử văn hóa và vai trò của di tích trong đời sống tôn giáo – tín ngưỡng của nhân dân địa phương, Trung tâm đề xuất phương án tu bổ tôn tạo di tích: hạ giải toàn bộ kiến trúc hiện trạng, xây dựng lại toàn bộ công trình với hình thức bố cục mặt bằng, vật liệu xây dựng, cấu kiện, hoa văn trang trí phù hợp với kiến trúc dân tộc, phù hợp với thuần phong mỹ tục và tập quán thờ cúng theo tôn giáo tín ngưỡng của người dân địa phương nói riêng và người Việt nói chung.
Là một đơn vị làm chuyên môn mang tính đặc thù về lĩnh vực bảo tồn di tích trực thuộc Viện Kiến trúc Quốc gia, Trung tâm Bảo tồn Di tích và Di sản Kiến trúc ý thức được trách nhiệm của mình đối với công cuộc chấn hưng văn hoá của Đảng, Nhà nước và toàn dân, hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên mới, đồng thời hòa nhập nhưng không bị hòa tan vào nền văn hóa chung của nhân loại. Bằng kinh nghiệm thực tế, Trung tâm đã, đang và sẽ tiếp tục đi trên con đường của mình hướng tới mục tiêu bảo tồn, tôn tạo, góp phần lưu truyền những giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam đến với những người dân nước Việt./.
KTS Chu Minh Tú – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích và Di sản kiến trúc