Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

“Crazy House” – “Ngôi nhà điên” ở Đà Lạt

“Crazy House”, có tên trước đó là Biệt thự Hằng Nga, còn được gọi là “Ngôi nhà điên” – “Ngôi nhà kỳ dị” là một công trình kiến trúc độc đáo của Đà Lạt (có địa chỉ tại số 3 đường Huỳnh Thúc Kháng, TP Đà Lạt, Lâm Đồng). Cùng với những công trình kiến trúc nổi tiếng khác ở Đà Lạt, “Crazy House” là một điểm đến hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua khi đến với “Thành phố ngàn thông”.

Từ bên ngoài, công trình đã toát ra một hình thức kỳ dị

Ngôi nhà trở về với thiên nhiên

“Crazy House” là một công trình đặc biệt, được xây dựng trên một khuôn viên rộng gần 2.000m2, với nhiều không gian liên hoàn có nhiều chức năng như nhà ở, nhà khách, quán cà phê, phòng trưng bày nghệ thuật… Kiến trúc của công trình là sự khác biệt hoàn toàn so với những công trình thông thường ở Việt Nam và trên thế giới. Từ khi ra đời, tòa nhà này đã được công nhận kiến trúc độc đáo, là tòa nhà kỳ dị nhất Việt Nam, đã được nêu bật trong các sách hướng dẫn du lịch và được xếp vào nhóm 10 tòa nhà kỳ lạ nhất trên thế giới theo bình chọn tạp chí Peoples Daily của Pháp.

Những bậc thang đôi mô phỏng gốc cây
Công trình là một phức hệ gồm 4 khối nhà chíng với hệ giao thông rất phức tạp
Mỗi khối nhà có một dáng vẻ khác nhau nhưng đều có đặc điểm chung là kỳ dị

“Crazy House” được xây dựng trên ý tưởng của tác giả thiết kế: Trở về với tự nhiên, đưa con người trở về với thiên nhiên, gần gũi và yêu mến nó chứ không phải tận dụng và huỷ diệt nó. Công trình là một sự mô phỏng thiên nhiên với những đặc tính và cấu trúc của thiên nhiên. Công trình được phát triển trên những hình khối tự do bằng những đường cong và mặt phẳng tự do, không lệ thuộc vào những nguyên tắc kinh điển trong bố cục hình khối bằng những đường thẳng và mặt phẳng như thường lệ. Đặc biệt nơi đây còn sử dụng các không gian mở về bốn phía của gian phòng để tạo sự phong phú cho tầm nhìn bao quanh. Ở đây, người ta có thể liên tưởng những không gian kiến trúc, những tuyến giao thông là những cánh rừng, hang động, núi đá, gốc cây, những con thú… Tất cả đều khác thường và tạo ấn tượng đến kinh ngạc. Có ý kiến ví von rằng: Tất cả mọi thứ có vẻ như thể đã bị nấu tan chảy ở nhiệt độ cao và sau đó đóng băng trong hình dạng kỳ cục.

Những khối nhà được bố trí đan xen cùng vườn cây xanh
Hệ thống cầu thang và hành lang nối kết từ nhà này qua nhà kia tạo thành một tuyến tham quan

Chủ nhân của công trình là TS.KTS Đặng Việt Nga. Sau khi tốt nghiệp Tiến sỹ ở Liên Xô, bà về Việt Nam năm 1972 và làm việc ở Hà Nội. Bà chuyển vào sống và làm việc ở Đà Lạt từ năm 1980. Với tình yêu Đà Lạt, bà quyết định sống ở đây đến cuối đời. “Crazy House” ra đời bởi sự thích thú của bản thân, sự đam mê trong sáng tạo nghệ thuật kiến trúc của tác giả và cũng là mơ ước đóng góp một điều gì đó cho Đà Lạt. Bà là người trực tiếp thiết kế và chỉ đạo thi công xây dựng công trình này hoàn thiện cơ bản trong khoảng thời gian từ 1990-2010. Công trình được thiết kế như một ngôi nhà ở của chính chủ nhân, kết hợp với khách sạn cho khách thuê phòng, và cũng là một điểm tham quan đầy lôi cuốn.

Và cầu thang đi cả trên mái nhà
Khối nhà có hình dáng ngôi nhà rông Tây Nguyên được trang trí rất cầu kỳ

Nhưng cần phải nói thêm rằng, công trình “Crazy House” từ bản vẽ đến hiện thực là một chặng đường dài nhiều khó khăn. Chính quyền Thành phố Đà Lạt ban đầu không cấp phép xây dựng cho một công trình kỳ dị không tuân thủ theo một nguyên tắc kiến trúc – xây dựng nào, không căn cứ theo một tiêu chuẩn kỹ thuật nào. Tác giả đồ án đã phải bền bỉ và nhẫn nại thuyết phục, mất rất nhiều công sức. Và cuối cùng, với tài năng và uy tín nghề nghiệp của mình, bà đã thuyết phục được chính quyền để có được giấy phép xây dựng – Đó mới chỉ là sự khởi đầu. Tiếp theo là vốn đầu tư. Ở thời điểm đó, có thể nói chủ nhân ở hoàn cảnh hai bàn tay trắng. Bà lại phải kiên trì thuyết phục ngân hàng, bạn bè để vay tiền cho công tác xây dựng. Khó khăn chồng chất khó khăn. Việc thi công cũng không hề dễ dàng bởi công trình quá phức tạp, có nhiều thứ không thể thể hiện hết được trên các bản vẽ… Thế nhưng cuối cùng, bằng tình yêu và sự nỗ lực phi thường, bà đã thành công với công trình tâm huyết của mình, tạo dựng một biểu tượng mới cho thành phố Đà Lạt.

Căn phòng này có ô cửa sổ hình mạng nhện và có cầu thang lên lầu
Tuy nhiên, trong “Crazy House” cũng có những không gian của một ngôi nhà bình thường. Đó là nơi sống của chủ nhân. Đây là phòng tưởng niệm người cha của chủ nhân: Cố Tổng bí thư Trường Chinh

Những trải nghiệm khó quên

Tới “Crazy House”, du khách không khỏi ngỡ ngàng bởi kiến trúc đặc biệt của công trình và khó quên bởi hành trình khám phá đầy cảm xúc. Bắt đầu hành trình tham quan, du khách sẽ đi vào một chiếc cổng được thiết kế như một hang động. Tiếp theo đó là các khối kiến trúc kết nối bằng các tuyến giao thông không giống bất cứ ở nơi đâu. Có 4 khối kiến trúc chính, mỗi khối mang một dáng vẻ khác nhau nhưng đều có đặc điểm chung là… kỳ dị, được bố trí xen lẫn cùng vườn cây xanh. Tất cả là một phức hệ như một mê cung, và phức tạp, tỉ mỉ trong chi tiết. Phức hệ mang trường phái kiến trúc biểu hiện này có tới 100 mái và hàng chục không gian, hàng lang, cầu thang, hiên, sảnh…, không giống nhau, không lặp lại. Tất cả như một sự sáng tạo đầy ngẫu hứng mang cảm hứng từ thiên nhiên.

Và đây là phòng khách, sinh hoạt chung
Không gian hoài niệm với những mảnh ký ức

Khi tham quan, du khách đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Có khi đang đi trên hành lang thoáng đãng lại chui vào một không gian tối om, kỳ bí. Có khi leo trên những bậc thang còn đang mải thở vì mệt thì bỗng thấy sáng bừng, đã ở trên mái nhà. Có khi tới một “nút giao thông” mà không biết sẽ rẽ theo ngả nào?… Trên tuyến giao thông, du khách liên tục gặp những gốc cây, cành cây cổ thụ, những phiến đá, những ô cửa sổ kỳ quái, hay tượng người, tượng thú, mạng nhện khổng lồ… Khám phá công trình này cũng là sự thách thức về thể lực và sự gan dạ với du khách bởi có những cầu thang bậc rất cao, hay có những nơi rất cao, chênh vênh không dành cho người yếu tim.

Công trình được thiết kế và thi công vô cùng phức tạp và công phu
Tượng hình một thiếu nữ ở hành lang

Có 3 không gian được định danh trong “Crazy House”. Đó là Vườn Thiên đàng, Vườn Địa đàng và Vườn Thủy cung. Mỗi không gian đều có ý tưởng và sự biểu hiện riêng theo tên gọi. Cũng trong quần thể kiến trúc này còn có 2 gốc cây khổng lồ bằng bê tông, đó là Khách sạn gốc cây và Lâu đài mạng nhện. Đây là khu lưu trú với 10 phòng được thiết kế tiện nghi như khách sạn. Mỗi phòng có một hình thù và nội thất khác nhau, được đặt tên theo ý tưởng trang trí, như phòng Quả bầu, phòng Kangaroo, phòng Gấu, phòng Khỉ, phòng Ong… Du khách có thể có trải nghiệm thật đặc biệt không giống bất cứ nơi đâu khi ở trong những căn phòng này. Ở đây, có thể cảm giác như ở trong hang động nơi rừng rậm thời tiền sử và ban đêm có thể ngắm cả bầu trời sao.

Những ô cửa sổ trổ ra từ vách đá
Khám phá “Crazy House” là một hành trình đầy thú vị và cả mạo hiểm

“Crazy House” cũng là nơi ở của chủ nhân. Trừ phòng ngủ, du khách cũng có thể tham quan khu nhà ở với phòng khách, phòng tưởng niệm cố Tổng bí thư Trường Chinh (thân sinh KTS Đặng Việt Nga), phòng lưu giữ ký ức – kỷ niệm, phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật… Và nếu gặp, du khách có thể trò chuyện với chủ nhân để hiểu thêm về công trình đặc biệt này, cũng như hiểu về tình yêu thiên nhiên, tình yêu Đà Lạt của bà.

Công trình vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện một số hạng mục

Có sự ví von rằng, Đà Lạt là một bảo tàng kiến trúc châu Âu thu nhỏ, bởi nhiều công trình kiến trúc cổ có giá trị qua năm tháng. “Crazy House”, dẫu không phải là một công trình cổ, nhưng có lẽ cũng là một hiện vật thú vị và độc lạ của bảo tàng đó. Hiện tại, mỗi năm “Crazy House” đón khoảng 100.000 lượt khách tới tham quan, là một điểm đến đầy sức hút của Thành phố ngàn thông.

Nguyễn Trần Đức Anh – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc



Nguồn

Exit mobile version