Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

Cùng chịu lệnh trừng phạt, nước dẫn đầu BRICS và quốc gia sở hữu ‘kho báu’ nghìn tỷ USD thúc đẩy phi đô la hóa, chuyển sang giao dịch song phương bằng nội tệ

Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov. Ảnh: Tass

Nga và Afghanistan đang loại bỏ đồng đô la Mỹ và chuyển sang sử dụng cặp tiền tệ Rúp- Afghani trong các giao dịch song phương nhằm chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây.

“Nga và Afghanistan đang chịu lệnh trừng phạt đơn phương bất hợp pháp. Loại bỏ đồng đô la là một trong những lựa chọn”, Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn TASS (Nga).

“Mặc dù vậy, Afghanistan vẫn phải nỗ lực chuyển đổi tiền tệ”, ông nói.

Ông Zhirnov cũng nhấn mạnh quan hệ kinh tế và kim ngạch thương mại giữa Nga và Afghanistan đang tăng lên. “Xuất khẩu của chúng tôi sang Afghanistan đang tăng nhanh”, đại sứ nói thêm.

Ông cho biết các nhà cung cấp sản phẩm từ Nga đang ngày càng mở rộng phạm vi tại Afghanistan. Tuy vậy, có một thách thức đo là: “Thẻ thanh toán gần như không tồn tại ở Afghanistan. Thực tế là không có thiết bị đầu cuối thanh toán nào ở bất cứ đâu, ngay cả ở thủ đô”, đại sứ cho biết.

Việc các doanh nghiệp Nga và Afghanistan chuyển từ sử dụng đô la Mỹ sang đồng Rúp và đồng Afghani cho thấy những thay đổi đáng kể trong động lực kinh tế và địa chính trị quốc tế. Động thái này phản ánh nỗ lực của cả hai nước nhằm tăng cường quan hệ kinh tế và giảm phụ thuộc vào đồng bạc xanh trong bối cảnh bất ổn toàn cầu.

Nga là một trong những thành viên chủ chốt của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ. Hiện, mục tiêu của BRICS là tạo ra một hệ thống tiền tệ quốc tế đa cực để thách thức vị trí của đồng đô la Mỹ với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu duy nhất.

Afghanistan là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới nhưng sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ. Các quan chức quân sự và nhà địa chất Mỹ ước tính nước này sở hữu những mỏ khoáng sản trị giá gần 1.000 tỉ USD. Đáng chú ý, nước này còn có đất hiếm và trữ lượng lithium thuộc hàng lớn nhất thế giới mà chưa được khai thác.

Theo Tass

Nguồn

Exit mobile version