Kinh Tế

Đại biểu Quốc hội: Cần khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Đã tới lúc Việt Nam nên khởi động lại dự án điện hạt nhân để đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội, theo các đại biểu Quốc hội.

Tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền và Thủ tướng quy định cơ chế đặc thù triển khai đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Thảo luận chiều 7/11, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng đã tới lúc Việt Nam cần khởi động lại dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong thời gian sớm nhất. “Đây là vấn đề rất hệ trọng, chỉ có điện hạt nhân mới đảm bảo được nhu cầu năng lượng quốc gia”, ông Phạm Văn Hòa, đại biểu tỉnh Đồng Tháp, nêu quan điểm.

Theo ông, việc phát triển điện hạt nhân là một trong những xu thế của thế giới. Một số quốc gia đóng cửa nhà máy điện hạt nhân nhưng đã khởi động lại do nhu cầu năng lượng tăng cao. Tuy vậy, việc tính toán phát triển lại điện hạt nhân cần đảm bảo quốc phòng, an ninh, môi trường.

Trước đây, Việt Nam từng tính xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, nhưng dự án này đã dừng theo quyết định tại Nghị quyết của Quốc hội năm 2016. Năm 2022, khi giám sát về việc thực hiện nghị quyết này của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế cũng từng đề xuất xem xét phát triển loại năng lượng này trên cơ sở đánh giá đầy đủ, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng.




Bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại thảo luận, chiều 7/11. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Đại diện cho địa phương từng được chọn là nơi đặt dự án điện hạt nhân, bà Đàng Thị Mỹ Hương – Phó trưởng đoàn Ninh Thuận – cho biết dự thảo luật nhắc tới điện hạt nhân nhưng việc thực hiện nó như nào lại chưa rõ.

“Cần nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh cho phát triển điện hạt nhân và có lộ trình rõ ràng với loại nguồn điện này”, bà đề nghị. Việc này để tránh lãng phí nguồn lực Nhà nước đã đầu tư nguồn lực đất đai tại hai vị trí chọn đặt dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

Mặt khác, Phó trưởng đoàn Ninh Thuận cũng bày tỏ băn khoăn khi Chính phủ đề xuất giao thẩm quyền quy định cơ chế đặc thù đầu tư dự án điện hạt nhân cho Thủ tướng, thay vì Quốc hội. Thẩm tra trước đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng việc này không phù hợp với thẩm quyền của Thủ tướng, theo Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Việc đầu tư phát triển điện hạt nhân cần có chủ trương thống nhất thực hiện, đảm bảo tính nhất quán, hiệu quả và tạo niềm tin của người dân”, bà Hương góp ý.

Thực tế, điện hạt nhân là nguồn năng lượng quan trọng – nguồn điện nền cho phát triển năng lượng tái tạo. Nó cũng giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng 10% mỗi năm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước đều nghiên cứu tăng gấp đôi, gấp ba lần sản lượng và quy mô nguồn điện này. Tại Nhật Bản và Pháp, ước tính tỷ trọng điện hạt nhân chiếm 20-25%.

Tuy vậy, ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch Halcom đặt vấn đề liệu đã là thời điểm thích hợp để chúng ta làm chủ công nghệ hạt nhân hay chưa.

“Nếu không làm chủ công nghệ, chúng ta sẽ phụ thuộc rất nhiều từ khâu lắp đặt cho đến vận hành, sau này xử lý rác hạt nhân, kể cả vấn đề tháo dỡ nhà máy”, ông nêu.

Để điện hạt nhân được đầu tư, phát triển trong tương lai, ông Hoàng Đức Chính, nguyên Bí thư huyện ủy Lạc Sơn (Hòa Bình) đề nghị bổ sung quy định về xử lý chất thải phóng xạ khi sửa Luật Điện lực. Việc này nhằm tránh lo ngại về môi trường và tăng đồng thuận xã hội khi Việt Nam phát triển loại nguồn điện hạt nhân.

Anh Minh


Nguồn