Siam Cement Group (SCG) mới đây công bố kết quả kinh doanh quý 1/2025 với tổng doanh thu từ bán hàng đạt 32.209 triệu Baht (gần 22.400 tỷ đồng), EBITDA đạt 4.232 triệu Baht và lợi nhuận sau thuế là 900 triệu Baht (623 tỷ đồng), giảm gần 50% so với cùng kỳ.
Về cơ cấu, doanh thu từ các công ty thành viên tại Thái Lan đóng góp lớn nhất, chiếm 45%; tiếp đến là Việt Nam và Indonesia, mỗi quốc gia chiếm 14%.
Đáng chú ý, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) – đơn vị do công ty thành viên SCG Chemicals (SCGC) sở hữu 100% vốn – ghi nhận khoản lỗ 2.948 triệu Baht (tương đương 2.042 tỷ đồng), chiếm phần lớn trong khoản lỗ của SCGC.
Trước đó, trong năm 2024, LSP cũng báo lỗ hơn 7.800 tỷ đồng. Ghi nhận tại một báo cáo tổng kết năm 2024, SCG cho biết SCG Chemicals (SCGC) lỗ 7,99 tỷ baht. Khoản lỗ này bao gồm lỗ 10,27 tỷ baht (tương đương 7.800 tỷ đồng) chỉ riêng từ tổ hợp hóa dầu Long Sơn (Long Son Petrochemicals-LSP) tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tổng lỗ từ khi hoạt động thương mại đến nay của LSP lên đến 10.000 tỷ đồng
LSP là chủ đầu tư Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn trị giá 5 tỷ USD – dự án FDI lớn nhất tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và thuộc nhóm hàng đầu cả nước. Đây cũng là tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam, với quy mô 464ha đất liền và 194ha mặt nước (dành cho hệ thống cảng biển).
Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn có tổng công suất thiết kế 1,4 triệu tấn hạt nhựa mỗi năm, cùng nhiều sản phẩm nhựa khác. Các sản phẩm này là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp như bao bì đóng gói, sản xuất nông nghiệp, thiết bị điện, phụ tùng ô tô… Ở công suất tối đa, tổ hợp này dự kiến mang lại doanh thu 1,5 tỷ USD/năm và đóng góp khoảng 150 triệu USD vào ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn vừa đi vào vận hành ngày 30/9/2024 đã phải tạm dừng hoạt động chỉ sau 15 ngày do khó khăn chung của thị trường. LSP cho biết sẽ đưa dự án lọc dầu này hoạt động trở lại nếu biên lợi nhuận cải thiện. Tuy nhiên, thị trường hiện vẫn chịu nhiều sức ép, đặc biệt từ các doanh nghiệp Trung Quốc.
Đối mặt với khó khăn và đặt quyết tâm “lôi ngược dòng” tại nhà máy LSP, hồi tháng 2, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn đã công bố sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD để cải tạo nhà máy, sử dụng ethane làm nguyên liệu mới, đồng thời hoặc thay thế naphtha và propane.
Dự kiến dự án sẽ được xây dựng trong 2,5 năm, hoàn thành cuối 2027. SCG cũng cho biết con số đầu tư ban đầu là 700 triệu USD, nhưng sau đó được tính lại là 500 triệu USD.
Thực tế, SCG là một trong những “tay chơi” M&A tiếng tăm tại Việt Nam ba thập kỷ qua, có mặt từ năm 1992. Hiện“đại gia” Thái Lan đang nắm giữ 55% vốn của Nhựa Bình Minh thông qua công ty con The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd. SCG còn nắm trong tay nhiều thương hiệu VLXD khác, như Prime Group, công ty gạch men hàng đầu Việt Nam.
Trong lĩnh vực bao bì, SCG năm 2015 mua lại 80% cổ phần của Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico). Năm 2020, SCG Solutions Pte. Ltd (Singapore), công ty con của SCG đã mua 94,11% vốn của Bao bì Biên Hòa (Sovi). Năm 2021, SCG mua tiếp 70% cổ phần của Nhựa Duy Tân.
Năm 2017, SCG chi 156 triệu USD để mua lại 100% công ty StarCemt (VCM) – đơn vị sở hữu nhà máy Xi măng Sông Gianh tại Quảng Bình. Cuối năm 2023, SCG đã mua lại 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Starprint Việt Nam với giá 676,8 tỷ đồng (27,8 triệu USD).
Tính đến hiện tại, Tổ hợp hoá dầu Long Sơn có thể xem là khoản đầu tư lớn nhất, mang tính “ván cược” của đại gia Thái này ở Việt Nam.