Theo Văn bản tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố của UBND TP Hà Nội, trả lời câu hỏi của cử tri về quy hoạch, thiết kế, thời gian thực hiện dự án xây cầu Tứ Liên, UBND Thành phố cho biết, phương án kiến trúc cầu dây văng, kết hợp văng xoắn đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1291/QĐ-UBND ngày 30/3/2020.
UBND Thành phố đã giao Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông Thành phố tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo Quyết định số 4098/QĐUBND ngày 28/10/2022. Hiện nay, Ban QLDA ĐTXD công trình giao thôngThành phố đang tổ chức công tác chuẩn bị đầu tư.
Cầu Tứ Liên – Kỳ vọng trở thành biểu tượng mới của Hà Nội
Dự án xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Sở GTVT được UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP), tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 20.000 tỷ đồng.
Đây là cây cầu thứ 7 nối trung tâm thành phố và các quận, huyện bên kia sông Hồng, cũng là cầu dây văng thứ 2 sau Nhật Tân được xây dựng tại Hà Nội. Công trình nằm giữa cầu Nhật Tân và Long Biên, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh.
Theo phương án thiết kế được phê duyệt, Tứ Liên là cầu dây văng, kết hợp văng xoắn, tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ, hai hệ trụ cầu chính được tạo hình, kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của Hà Nội. Nhịp cầu dài 1.000m, khoảng cách trụ 500m, đỉnh tháp cao 158m, chịu được động đất cấp 8.
Cầu Tứ Liên có chiều dài 2,9km, cầu chính dài 1km, quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch bảo đảm 6 làn xe cơ giới.
2 Doanh nghiệp hợp tác chia sẻ kinh nghiệm triển khai
Hồi tháng 1 năm nay, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương, Tổng công ty CP Vinaconex đã ký kết biên bản ghi nhớ, các bên thống nhất cùng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai nghiên cứu các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của Hà Nội, tập trung vào 2 dự án trong đó có Dự án đầu tư, xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên.
Vinaconex (mã chứng khoán: VCG) là một trong những đơn vị hàng đầu ngành xây dựng, đã tham gia thi công hàng trăm công trình, tiêu biểu là các dự án đầu tư xây dựng: Nhà máy xi măng Chinfon, Nghi Sơn, Bút Sơn, Cẩm Phả, Yên Bình; Công trình thủy lợi – thủy điện Cửa Đạt (điện lượng cung cấp 430 triệu kWh/năm); Công trình thủy điện Buôn Kuôp, Buôn Tua Shar; Nhà máy nước Sông Đà (công suất giai đoạn I 600.000 m3/ngày/đêm); Sân vận động quốc gia Mỹ Đình; Bảo tàng Hà Nội; Trung tâm Hội nghị Quốc gia; Nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài (công suất 10 triệu hành khách/năm); …
Trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, Vinaconex cũng đã hoàn thành và bàn giao nhiều công trình trọng điểm, tổng mức đầu tư lớn như Đại lộ Thăng Long; cao tốc Nội Bài – Lào Cai; cầu Nhật Tân; cầu Bãi Cháy; Dự án phát triển hạ tầng chính Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Hiện tại Vinaconex đang đẩy nhanh tiến độ thi công tại Dự án đầu tư xây dựng Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), các gói thầu lớn thuộc dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam phía Đông…
Trong lĩnh vực bất động sản, Vinaconex sở hữu quỹ đất lên tới trên 2.000 ha, Vinaconex hiện cung cấp đa dạng các sản phẩm bất động sản thuộc các lĩnh vực như nhà ở, khu đô thị du lịch – nghỉ dưỡng, hạ tầng khu công nghiệp…. Trong đó có thế kể đến các dự án BĐS thuộc phân khúc cao cấp như Dự án Green Diamond 93 Láng Hạ; Dự án Cát Bà Amatina; Dự án Văn phòng cho thuê -Trung tâm Thương mại Chợ Mơ; dự án Kim Văn – Kim Lũ; chuẩn bị triển khai bán hàng tại Dự án khu đô thị Đại lộ Hoà Bình (Móng Cái) và một số dự án khác trên cả nước.
Trong quý 1/2024, VCG đem về 2.650 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vinaconex trong quý I/2024 là 482,6 tỷ đồng, gấp gần 26 lần mức lãi 18,8 tỷ đồng của quý I/2023. Lợi nhuận thuộc về cổ đông Công ty mẹ là 463 tỷ đồng. Vinaconex cho biết nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận năm nay tăng trưởng mạnh là do Tổng công ty đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bất động sản góp phần tăng lợi nhuận trong quý I/2024.
Về phía đối tác Trung Quốc, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (CPCG) được thành lập năm 1986, là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất trên thế giới trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông với ngành nghề trọng tâm là đầu tư, xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng.
Tập đoàn đã được cấp giấy chứng nhận cấp 1 của Trung Quốc về tổng thầu xây dựng đường cao tốc, khu đô thị, công trình thuỷ lợi, kiến trúc và một số lĩnh vực khác. Tập đoàn này hiện đang vận hành khoảng 3.000 khu công nghiệp, các dự án đô thị trên khắp Trung Quốc.
CPCG là doanh nghiệp xếp thứ 96 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu, thứ 19 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc. Đây là doanh nghiệp tư nhân thứ 2 của Trung Quốc nằm trong 500 tập đoàn lớn nhất thế giới.
Tập đoàn đã khởi xướng hình thức đầu tư BT và tham gia xây dựng tại hơn 1.000 thành phố và 3.000 khu công nghiệp bằng cách áp dụng hợp đồng BT, BTO, EPC và PPP.
Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương cũng trực tiếp tham gia vào các dự án của Thượng Hài – Nam Kinh; Thượng Hải – Chu Hải; Bắc Kinh – Thượng Hải…cũng như các dự án trọng điểm quốc gia khác.
Những năm gần đây, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương tích cực mở rộng thị trường ra nước ngoài, đặc biệt là tăng cường trao đổi, hợp tác với 10 nước ASEAN, Trung Tây Á và Trung Đông Âu. Hiện Tập đoàn này đang triển khai các dự án tàu điện ngầm, tàu cao tốc hợp tác với Ukraine, Iran và Malaysia.
Trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại trụ sở Chính Phủ ngày 14/1/2023, ông Nghiêm Giới Hoà, người sáng lập và là Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương từng bày tỏ mong muốn được tham gia các dự án phát triển hạ tầng của Việt Nam theo đúng tinh thần mà Thủ tướng đã chỉ đạo là chất lượng, tiến độ, không đội vốn và tuân thủ pháp luật, báo Chính Phủ đưa tin.