Dấu hiệu “khởi sắc” cho nền kinh tế?
Chiều 1/6, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã trình bày các vấn đề liên quan tới tình hình đăng ký, thành lập doanh nghiệp.
Ông Phương cho biết, tình hình đăng ký, thành lập doanh nghiệp là vấn đề nóng hổi, được dư luận quan tâm. Đặc biệt tại phiên Thảo luận Quốc hội, rất nhiều đại biểu quan tâm đến tình hình doanh nghiệp để có cái nhìn tổng thể hơn về nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương giải trình trước Quốc hội về tình hình phát triển doanh nghiệp đã có chuyển biến tốt trong tháng 5 năm nay. Trong tháng 5, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường đạt 20.000 doanh nghiệp, gấp 1,7 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và tăng 10,6% so với cùng kỳ.
Sau 5 tháng, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đã đạt 98.825 doanh nghiệp, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2019 – 2023. Con số này cũng cao hơn con số 97.299 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 5 tháng qua, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong khi chỉ có 97.299 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Vì thế, tính chung cả 5 tháng, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường nhiều hơn so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường không chênh quá nhiều so với số doanh nghiệp mới mở cho thấy tình hình kinh doanh vẫn đang còn nhiều khó khăn.
Tại Phiên thảo luận kinh tế – xã hội của Quốc hội những ngày vừa qua cũng chỉ ra rất nhiều nguyên nhân cũng như những yếu tố tác động đến khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp.
Trong các báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn đề cập khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Nguyên nhân đầu tiên là về thị trường, dòng tiền, khiến sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn.
Tiếp đó là những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Đó là một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Không chỉ về dòng tiền, hay thị trường, thể chế hay chính sách…, khó khăn của doanh nghiệp còn nằm ở vấn đề niềm tin. Thiếu niềm tin, doanh nghiệp không có đủ động lực để tiếp tục rót vốn đầu tư, kinh doanh.
Trong phiên họp Chính phủ sáng nay, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các giải pháp cụ thể, kịp thời, tập trung cho từng lĩnh vực.
Thứ nhất, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề cải cách thủ tục hành chính để làm sao các doanh nghiệp thuận lợi hơn, giảm chi phí tuân thủ có thể gia nhập thị trường thuận lợi.
Thứ hai, cải thiện yếu tố đầu vào, trong đó hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ, bao gồm tiếp tục duy trì và bảo đảm tính chất ổn định, hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng.
Thứ ba, kiến nghị các cấp thẩm quyền tiếp tục xem xét các chính sách giảm thuế; giảm, hoãn phí, lệ phí… để tăng khoản tiền cho doanh nghiệp, hỗ trợ yếu tố đầu vào và các giải pháp cho các yếu tố đầu ra.
Chiều 01/6, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 5/2024 và 5 tháng đầu năm.
Họp báo nhằm đánh giá tình hình Kinh tế – Xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm; tình hình thực hiện 03 CTMTQG; giải ngân vốn đầu tư công cùng một số nội dung quan trọng khác; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá trong thời gian tới.