Kinh Tế

Dẹp ‘chiêu trò’ đấu giá đất kiểu 30 tỉ đồng/m2

“Chiêu trò” mới trong đấu giá đất

Sáng 4.12, Công an H.Thanh Oai (Hà Nội) cho biết đang vào cuộc xác minh có hay không dấu hiệu vi phạm liên quan đến 22 thửa đất trên địa bàn được đưa ra đấu giá nhưng thất bại. Hôm 30.11, các thửa đất này được khách hàng trả giá 70 triệu đồng/m2 (giá khởi điểm chỉ là 5,3 triệu đồng/m2), rồi sau đó đồng loạt không tiếp tục trả giá, khiến phiên đấu giá đất phải dừng giữa chừng.

Nhóm người bị tạm giữ sau phiên đấu giá đất ở H.Sóc Sơn (Hà Nội)

ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP

Động thái của Công an H.Thanh Oai diễn ra trong bối cảnh hôm qua 3.12, Công an TP.Hà Nội đã tạm giữ 5 người để điều tra về hành vi vi phạm quy định về đấu giá tài sản. Nhóm này cũng có hành vi trả giá “trên trời”, cao nhất đến 30 tỉ đồng/m2, rồi bỏ cuộc giữa chừng, khiến 36 lô đất ở H.Sóc Sơn đấu giá thất bại.

Liên tiếp các vụ việc diễn ra cho thấy sự xuất hiện của một chiêu trò mới về đấu giá đất. Trước đây, dư luận “nóng hổi” với các phiên đấu giá đất ở vùng ven thủ đô, người tham gia đấu giá trả mức giá cao ngất ngưởng, trúng đấu giá rồi bỏ cọc. Còn hiện nay, chiêu trò mới là tham gia đấu giá, cũng trả giá cao một cách vô lý, rồi đến vòng đấu cuối cùng sẽ không trả giá nữa, khiến phiên đấu giá không thể thành công.

Nếu trúng đấu giá rồi bỏ cọc, người trúng đấu giá ít nhất sẽ bị mất khoản tiền đặt cọc. Còn với việc bỏ đấu giá giữa chừng, người thực hiện chiêu trò này sẽ chỉ mất tiền phí hồ sơ tham gia đấu giá, có lợi hơn rất nhiều. Như lời khai của Phạm Ngọc Tuấn (33 tuổi), người trả giá 30 tỉ đồng/m2 đất ở H.Sóc Sơn, bằng việc không tiếp tục trả giá ở vòng cuối, nhóm này sẽ không mất tiền đặt cọc mà vẫn giữ được cơ hội tiếp tục tham gia đấu giá ở lần tiếp theo để mua được lô đất như mong muốn.

Theo lãnh đạo H.Thanh Oai (Hà Nội), địa phương này tổ chức đấu giá để bán cho người dân thực sự có nhu cầu, nhưng vì nhóm khách hàng đồng loạt dừng trả giá nên phiên đấu giá đã không thể thành công. Việc đấu giá thất bại còn ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách của địa phương.

Trong phiên thảo luận về báo cáo giám sát thị trường bất động sản tại kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV vừa qua, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cho rằng “đấu giá mà không thực chất thì sẽ là công cụ để lũng đoạn, trục lợi”, vì thế phải có giải pháp nghiêm trị và ngăn chặn đối với các hành vi lợi dụng hoạt động đấu giá để trục lợi.

Xây dựng nghị quyết để hướng dẫn?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Kết nối, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nói rằng, việc dừng đấu giá giữa chừng hoặc trúng đấu giá rồi bỏ cọc nếu bình thường sẽ là giao dịch dân sự. Nguyên nhân có thể do vượt quá khả năng tài chính, huy động tiền không kịp hoặc không còn nhu cầu mua nữa.

Tuy nhiên, một số cuộc đấu giá đất ở Hà Nội gần đây, điển hình là vụ việc tại H.Sóc Sơn, việc dừng đấu giá “không bình thường chút nào”. Người tham gia đấu giá có chủ đích từ đầu, bàn bạc, thống nhất kế hoạch nhằm “đạt được một lợi ích nào đó”.

Dẹp 'chiêu trò' đấu giá đất kiểu 30 tỉ đồng/m2- Ảnh 2.

Một khu đất ở Hà Nội được chính quyền sở tại đầu tư để bán đấu giá

Lợi ích mà luật sư Hùng nói có thể là cơ hội kiếm tiền chênh lệch từ các giao dịch “sang tay” sau khi đấu giá thành công, hoặc tạo ra hiện tượng “sốt đất ảo” của khu vực liền kề, từ đó tăng giá bất hợp lý.

Hành vi trên đã gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước cũng như việc tổ chức các phiên đấu giá đất. Thiệt hại không chỉ là chi phí bỏ ra để tổ chức đấu giá, mà còn khiến thị trường bất động sản hỗn loạn, gây hoang mang dư luận, người dân có nhu cầu mua đất với giá trị thực ngày càng khó tiếp cận.

Để xử lý, luật sư Hùng cho rằng có thể áp dụng quy định tại Nghị định 82/2020 với mức xử phạt hành chính từ 7 – 10 triệu đồng, nhưng “phạt như vậy còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe”.

Về xử lý hình sự, điều 218 bộ luật Hình sự quy định tội vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản. Nhưng để có thể truy cứu trách nhiệm, cơ quan tố tụng phải chứng minh người vi phạm có một trong 3 hành vi sau: lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản; lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản; thông đồng dìm giá hoặc nâng giá.

Luật sư Hùng cho rằng việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trả giá cao ngất ngưởng rồi bỏ cọc hoặc dừng đấu giá giữa chừng với mục đích thông đồng dìm giá hoặc nâng giá là không hề dễ dàng. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ việc bỏ cọc hoặc bỏ cuộc đấu giá giữa chừng thời gian qua.

Bởi vậy, ngoài xử lý nghiêm về hành vi vi phạm quy định đấu giá (nếu chứng minh được), cơ quan chức năng cần có thêm các chế tài khác như: bắt buộc người tham gia đấu giá đất phải chứng minh tài chính, nộp tiền ký quỹ để đảm bảo thực hiện hợp đồng, nâng mức tiền đặt cọc, phạt tương ứng 30 – 50% giá trị mà người đấu giá trúng bỏ cọc, cấm người bỏ cọc này được tham gia bất kỳ cuộc đấu giá tài sản nào khác…

Đặc biệt, vị luật sư kiến nghị nghiên cứu xây dựng một nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao để hướng dẫn chi tiết, đưa các hành vi sai phạm liên quan đến hoạt động đấu giá đất. Hoặc nghiên cứu mở rộng phạm vi áp dụng của tội chống người thi hành công vụ theo hướng “dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ” cũng có thể bị xử lý.


Nguồn