Tăng trưởng xuất khẩu bỏ xa Trung Quốc, Ấn Độ
Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), năm nay xuất khẩu dệt may của Việt Nam dự kiến xấp xỉ 44 tỉ USD, tăng gần 11% so với năm 2023 và vươn lên vị trí thứ 2 sau Trung Quốc.
Nửa đầu năm, toàn ngành vẫn đối mặt nhiều khó khăn, song nửa cuối năm có sự đảo chiều bất ngờ. “Không phải thị trường tốt lên, cầu tăng mạnh mà quan trọng nhất đến từ may mắn chuyển dịch đơn hàng. Một số thị trường đối thủ của dệt may Việt Nam bị bất ổn chính trị, điển hình là Bangladesh, dẫn tới khách hàng chuyển hướng đặt hàng từ Bangladesh sang Việt Nam”, ông Hiếu nói.
Ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó chánh văn phòng HĐQT Vinatex, chia sẻ theo thống kê từ cơ quan hải quan các nước và Việt Nam, năm 2024 Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong các nước xuất khẩu dệt may, sau Việt Nam là Ấn Độ.
Đến hiện tại, xuất khẩu dệt may của Ấn Độ tăng trưởng khoảng 7%. “Ấn Độ có lợi thế địa lý rất gần Bangladesh, lại sản xuất các dòng sản phẩm khá cơ bản, tương đồng với Bangladesh. Vì vậy, trong xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Bangladesh sang các nước khác, có lẽ Ấn Độ hưởng lợi nhiều nhất”, ông Cầm nói.
Với quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới là Trung Quốc, 11 tháng năm 2024, tổng trị giá mới đạt 273,4 tỉ USD, tăng 0,2%.
Điểm đáng chú ý được ông Cầm nhấn mạnh là, xuất khẩu hàng may mặc – mặt hàng đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam của Trung Quốc chỉ đạt 144 tỉ USD trong 11 tháng, giảm 2,8%. Trong khi đó, hàng dệt sợi – mặt hàng thế mạnh mà Việt Nam không thể cạnh tranh, Trung Quốc đã xuất khẩu được 129 tỉ USD, tăng 3,7%.
Đặc biệt lưu ý phục hồi xuất khẩu dệt may của Bangladesh
Dự báo nửa đầu năm 2025, ngành dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt. Các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, EU có tín hiệu phục hồi kinh tế; thu nhập, chi tiêu của người dân được cải thiện.
Tuy nhiên, từ năm 2025, với sự phục hồi trở lại của xuất khẩu dệt may Bangladesh, cùng với việc khách hàng ngành may hiện không chốt đơn hàng dài mà chỉ chốt đơn ngắn… sự cạnh tranh gay gắt sẽ trở lại. Bangladesh được nhiều khách hàng lựa chọn vì chi phí thấp, tiền lương chỉ từ 100 – 120 USD/người/tháng; trong khi Việt Nam khoảng 400 USD/người/tháng.
Dẫn số liệu tổng hợp từ Ngân hàng T.Ư Bangladesh, ông Cầm cho biết, 10 tháng năm 2024, xuất khẩu dệt may của nước này giảm 3,7%.
Bangladesh xuất khẩu được 27,7 tỉ USD, trung bình mỗi tháng khoảng 2,8 tỉ USD. Năm 2022, khi bùng nổ về cầu, Bangladesh xuất khẩu dệt may trên 4 tỉ USD/tháng. “Xuất khẩu dệt may của nước này phục hồi về thị phần trong tháng 9, tháng 10. Việt Nam cần hết sức lưu ý điều này”, ông Cầm nhấn mạnh. Tại Bangladesh, dệt may là xương sống của nền kinh tế, mang về 80 – 85% nguồn thu ngoại hối từ xuất khẩu nên dù bất ổn, nước này sẽ tập trung phục hồi ngành may mặc.
“Thời điểm sụt giảm sâu, mỗi tháng Bangladesh chỉ xuất khẩu dệt may khoảng 1,6 – 1,7 tỉ USD, giờ họ quay lại mức 2,8 – 3 tỉ USD/tháng. Năm 2025, ngành dệt may Việt Nam không còn hưởng lợi nhiều chuyển dịch đơn hàng từ Bangladesh”, ông Hiếu khẳng định.
“Trong kịch bản cơ sở Vinatex đưa ra, xuất khẩu dệt may của Bangladesh sẽ phục hồi lại mức bình thường từ sau quý 2/2025. Bangladesh có những lợi thế về thuế quan, ưu đãi cho nước kém phát triển. Chúng ta cần theo dõi sát và đưa ra nhiều giải pháp hơn”, ông Cầm lưu ý.
Phó chánh văn phòng HĐQT Vinatex thông tin, năm tới, Vinatex nghiêng về dự báo tổng cầu dệt may thế giới đạt 850 tỉ USD; xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt 45,5 – 46 tỉ USD.