Kinh Tế

Doanh nghiệp vật liệu xây dựng chịu áp lực trả nợ lớn

Suất đầu tư lớn, tiêu thụ sản phẩm chậm lại khiến các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng gặp áp lực lớn khi trả nợ, lãi vay ngân hàng.

Báo cáo tại hội nghị ngày 15/6, Bộ Xây dựng cho biết tình hình tài chính của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng còn khó khăn do họ, đặc biệt các doanh nghiệp xi măng, đầu tư vốn rất lớn vào dự án sản xuất.

Do đó, giai đoạn đầu khi mới vận hành nhà máy, các doanh nghiệp phải trả gốc, lãi vay cao, dẫn đến áp lực trả nợ rất lớn, theo Bộ Xây dựng.

Tiêu thụ sản phẩm chậm trong thời gian gần đây cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải dừng một số dây chuyền sản xuất sản phẩm. Việc này dẫn đến dòng tiền tài chính để trả nợ cho ngân hàng và chi phí nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất rất khó khăn.

“Nhiều nhà máy vật liệu xây dựng, đặc biệt là nhóm xi măng sản xuất không hiệu quả, thua lỗ, dẫn đến nợ xấu”, Bộ Xây dựng cho hay.

Để tháo gỡ, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Ngân hàng Nhà nước rà soát, sửa các quy định về khoanh, giãn, hạ lãi suất ngân hàng với các khoản nợ của các doanh nghiệp cho phù hợp với năng lực tài chính của họ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị ngành vật liệu xây dựng, ngày 16/5. Ảnh: VGP

Về phía doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu họ cơ cấu lại nguồn vốn, tiết giảm chi phí để bảo đảm dòng tiền trả nợ ngân hàng và chi phí sản xuất. “Doanh nghiệp phải sử dụng linh hoạt nguồn vốn”, ông nói, nhấn mạnh nguyên tắc là không sử dụng các vốn ngắn hạn để đầu tư trung, dài hạn.

Cùng đó, doanh nghiệp trao đổi với ngân hàng để khoanh, giãn, có lộ trình trả nợ; sử dụng các nguồn vốn để thanh toán khoản vay cũ lãi suất cao, vay các khoản mới lãi suất thấp để tiết giảm chi phí tài chính.

Thủ tướng cũng đề nghị doanh nghiệp tái cấu trúc quản trị, tài chính, đầu tư và nguyên liệu đầu vào để nâng chất lượng, hiệu quả, cạnh tranh của sản phẩm.

“Đầu tư công nghệ, thiết bị theo chiều sâu sẽ giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, giảm phát thải”, ông nói, thêm rằng việc này cũng giúp tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm.

Doanh nghiệp phải rà soát lại hệ thống đại lý bán hàng; cắt giảm các bộ phận, khâu trung gian từ nhà máy sản xuất tới khách hàng tiêu thụ; giảm các chi phí bán hàng phù hợp. Cùng đó, họ cần tìm kiếm, mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.

Tổng giá trị doanh thu hàng năm ngành vật liệu xây dựng, gồm xi măng, sắt thép ước đạt gần 47 tỷ USD, chiếm khoảng 11 % GDP quốc gia.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành và địa phương không đùn đẩy, né tránh, tập trung xử lý, tháo gỡ về sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng trong năm 2024. Việc này sẽ đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội, tăng trưởng trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Trong đó, Bộ Tài chính, Tài nguyên & Môi trường cùng Bộ Xây dựng nghiên cứu chính sách ưu đãi cụ thể với các nhà máy sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng khác nếu dùng nhiên liệu thay thế từ rác thải, và sử dụng các nguyên liệu thay thế là phế thải của các ngành công nghiệp như tro xỉ, thạch cao nhân tạo,… trong sản xuất xi măng.

Các bộ ngành sớm hoàn thiện chính sách thuế để khuyến khích sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu. Bộ Xây dựng nghiên cứu các biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá với các sản phẩm gạch ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng nhập khẩu.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư sử dụng giải pháp cầu cạn bê tông cốt thép với các dự án đường bộ cao tốc trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, phù hợp từng dự án, đoạn tuyến, bảo đảm hiệu quả cao nhất.

Phương Dung


Nguồn