Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

Độc đáo nghề làm muối ở Bạch Long





Dù trải qua bao thăng trầm, diêm dân ở xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định vẫn nặng tình với hạt muối. Tuy vất vả, nhọc nhằn nhưng họ vẫn cần mẫn, dầm gót chân trần dưới ruộng để cào muối, bởi thứ được coi là ‘vàng trắng’ ấy đã đem lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.


NHỮNG Con người “cõng nắng, cõng gió”


Mặc dù đã ở những ngày cuối hè nhưng ở Nam Định trời vẫn nắng như thiêu như đốt. Thời tiết có khắc nghiệt nhưng trên cánh đồng muối Bạch Long (xã Bạch Long, huyện Giao Thuỷ) các diêm dân vẫn miệt mài làm việc để tạo ra những hạt muối trắng tinh khiết.


Đối với diêm dân, nghề sản xuất muối luôn là một thứ nghề vất vả, nhọc nhằn. Cái nghề mà quanh năm ai cũng cầu sao ngày nắng thật lớn chỉ vì lo mỗi trận mưa dông ập về càng thêm phần khó khăn, cực khổ. Cái nghề mà ngày ngày vẫn phải oằn lưng “cõng nắng, cõng gió” bởi nghề này chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết: nắng càng to, hạt muối làm ra càng trắng và đậm vị.










Chia sẻ với phóng viên, chị Mai – người dân xã Bạch Long, huyện Giao Thủy (Nam Định) cho biết: ” Nghề làm muối ở đây thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, khi những ngọn gió nồm thổi về và nắng vàng gay gắt là thời điểm thuận lợi nhất để làm ra được những hạt muối trắng to, đậm vị và chắc nhất. Khác với những nơi khác chỉ cần múc nước biển lên phơi, diêm dân Bạch Long phải thêm công đoạn phơi cát và lọc cát”.


Có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với nghề, ông Hoàng Tiến Xuân xã Bạch Long, huyện Giao Thủy (Nam Định) chia sẻ: “Để làm ra hạt muối, những diêm dân phải một nắng hai sương, làm việc hết sức vất vả. Không phơi trực tiếp nước biển như ở miền Trung hay miền Nam mà phải thêm công đoạn phơi cát và lọc cát để tăng nồng độ mặn. Lúc này sẽ thu cát thành từng luống rồi xúc lên xe cút kít đổ vào chạt để lọc lấy nước mặn. Sau đó mới là công đoạn phơi nước chạt trên sân phơi và thu hoạch muối.”






Ông Vũ Văn Nam – một hộ làm muối khác tại xã Bạch Long, huyện Giao Thủy (Nam Định) cũng cho biết: “Công đoạn đổ nước chạt cũng phải được tính toán kỹ càng. Lượng nước phải tùy thuộc vào mức độ nắng để điều chỉnh cho phù hợp. Nếu đổ quá nhiều, muối sẽ không khô và không thể thu hoạch. Nếu ít, muối sẽ bị khê hoặc không kết tinh được. Phơi đủ nắng, từ 6 đến 8 tiếng muối sẽ kết tinh thành hạt”.


Dưới cái nắng khắc nghiệt, hình ảnh những diêm dân trên cánh đồng muối vẫn đang oằn mình “cõng nắng”, cõng cả những mặn mòi của cuộc sống trên vai. Họ hối hả, tất bật dùng bạt, xẻng để gom những mẻ muối trắng ngần và chờ chất trên chiếc xe cút kít cho ráo nước để chở vào lều.


Dù mệt mỏi, vất vả là thế nhưng những nụ cười vẫn luôn hiện diện trên môi phản chiếu tinh thần lạc quan và sức sống mãnh liệt của người dân nơi đây.


cần tìm hướng đi mới để bảo tồn, phát triển nghề


Đã từng là cánh đồng muối lớn nhất miền Bắc với diện tích 230ha luôn tấp nập người, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, giờ chỉ còn duy trì được hơn 50ha muối đang sản xuất với khoảng hơn 500 lao động. Ngoài những ruộng muối có người dân làm, thì vẫn có rất nhiều diện tích đất bị bỏ hoang, cỏ cây mọc um tùm.


Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thi Tho, diêm dân xã Bạch Long: “Dù có gần 30 năm gắn với nghề làm muối nhưng chưa năm nào tôi thất mất mùa như năm nay. So với các năm trước thì không có bão đổ bộ vào nhưng năm nay mưa nhiều làm ảnh hưởng đến năng suất muối, hơn nữa giá muối cũng thấp hơn mọi năm, không chỉ nhà tôi mà rất nhiều hộ khác cũng gặp khó khăn”.


Qua tìm hiểu, giá muối hiện đang được các thương lái thu mua tại ruộng chỉ từ 1.600-1.800 đồng/kg. Nếu trời nắng to, một ngày diêm dân có thể làm được 80kg muối, tính ra một ngày làm quần quật trên cánh đồng muối dưới thời tiết nắng nóng cùng với những cơn gió biển thổi liên hồi, diêm dân cũng chỉ thu về được khoảng 160.000 – 200.000 đồng .






Ông Lại Viết Tiến – Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ Diêm nghiệp, Thủy sản và Môi trường Bạch Long cho biết, năm nay thời tiết bất thường, sản lượng muối của Bạch Long thấp hơn so với năm trước. Những người còn bám trụ với nghề muối chủ yếu là lao động lớn tuổi, yêu nghề và khó tìm được việc khác.


Để duy trì, khuyến khích diêm dân bám đồng ruộng, từ năm 2022 chính quyền địa phương đã phối hợp cùng với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thí điểm xây dựng mô hình sản xuất muối sạch cho xuất khẩu. Sản xuất muối sạch phát sinh thêm nhiều công đoạn, nhưng bù lại giá thu mua cao hơn.


Tham gia mô hình này, các diêm dân sẽ được đào tạo về quy trình sản xuất muối sạch, được hỗ trợ kinh phí tu sửa, cải tạo cơ sở vật chất phục vụ làm muối.


Ông Ngô Văn Tấn – người dân tham gia vào dự án muối sạch cho biết. khác với làm muối truyền thống, các công đoạn làm muối sạch cũng khắt khe hơn. Nước biển sau khi lấy về phải qua hệ thống téc lọc, củ lọc rồi mới đưa lên sân phơi, các ô kết tinh cũng phải được rửa sạch sẽ, không để cặn bẩn, khi thu hoạch muối chân, tay, dụng cụ lao động đều phải sạch…Tuy nhiều công đoạn, nhưng sản phẩm muối làm ra được bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn giá thị trường nên người dân cũng yên tâm.






Bên cạnh đó, để duy trì nghề muối và cải thiện đời sống diêm dân, chính quyền địa phương cũng thường xuyên tổ chức các lớp phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, sản xuất muối sạch, vận động người dân ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất muối. Hỗ trợ một số doanh nghiệp, hợp tác xã muối trên địa bàn tham gia các hội chợ giới thiệu nông sản an toàn, sản phẩm OCOP để quảng bá các sản phẩm muối tới tất cả mọi người.


Ngoài ra, địa phương còn đẩy mạnh phát triển du lịch trải nghiệm để tăng thêm giá trị cho sản phẩm muối, qua đó góp phần “hồi sinh” nghề truyền thống của địa phương.





Nguồn

Exit mobile version