Doanh Nghiệp

Đóng góp 1.000-1.200 tỷ đồng/năm vào ngân sách tỉnh, luôn sánh vai trong top đầu cùng THACO

Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam gửi văn bản đến UBND tỉnh Quảng Nam và Ban quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh để báo cáo về việc tạm dừng hoạt động dự án Nhà máy Bia Heineken Việt Nam, chi nhánh Quảng Nam (Nhà máy Bia Heineken Quảng Nam).

Heineken Việt Nam cho biết việc triển khai nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng đã góp phần thay đổi hành vi, thói quen mới của người tiêu dùng. Kết quả là thị trường bia Việt Nam đã sụt giảm liên tục doanh số. Do đó, để tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, Heineken quyết định tinh giản hoạt động, tạm dừng nhà máy tại Quảng Nam.

Trước khi tạm dừng, Nhà máy của Heineken tại Quảng Nam nằm trong các DN đóng góp ngân sách lớn nhất cho Tỉnh, cùng với các doanh nghiệp lớn như Thaco, nhóm công ty thuỷ điện…

Nhà máy của Heineken tại Quảng Nam đi vào hoạt động từ năm 2007, đóng tại Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn). Dù quy mô nhỏ nhất trong 6 nhà máy khắp cả nước, Heineken Quảng Nam vẫn là doanh nghiệp đóng góp lớn vào nguồn thu địa phương và được tỉnh Quảng Nam nhiều lần ghi nhận.

Trước COVID-19, bình quân mỗi năm Heineken đóng góp ngân sách Quảng Nam từ 1.000 – 1.200 tỷ đồng. Vài năm gần đây, con số này liên tục sụt giảm. 3 tháng đầu năm 2024, Heineken đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 20 tỷ đồng.

Thông tin cụ thể trên báo Quảng Nam hồi tháng 4/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho biết, một trong các khó khăn lớn ảnh hưởng đến thu ngân sách của Điện Bàn năm nay là sự sụt giảm nguồn thu từ doanh nghiệp sản xuất bia, nước giải khát.

“Nguồn thu dự toán cho Chi nhánh Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam tại Quảng Nam (KCN Điện Nam – Điện Ngọc) trong năm 2024 khoảng 570 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ điều tiết được hưởng từ nguồn này của Điện Bàn là 43%, tỉnh hưởng 39% và Trung ương 18%. Tuy nhiên đến hết quý I mới chỉ thu được 19,5 tỷ đồng, giảm rất sâu so với cùng kỳ năm 2023” – ông Quang nói.

Liên quan đến việc giải quyết quyền lợi với người lao động đang làm việc tại Quảng Nam, Heineken cho biết đội ngũ nhân sự sẽ được bố trí công việc tại các nhà máy khác. Với những người không thể bố trí được, doanh nghiệp sẽ giải quyết chính sách trên tinh thần quan tâm, tôn trọng, áp dụng gói hỗ trợ mất việc làm tốt hơn quy định hiện hành.

Hiện, Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam là liên doanh giữa Heineken và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra). Từ nhà máy đầu tiên tại Tp.HCM (1991), Heineken Việt Nam hiện có 6 nhà máy với 3.000 nhân viên trên khắp cả nước.

Heineken Việt Nam đang đầu tư 1 tỷ Euro tại Việt Nam, tạo ra gần 250 nghìn việc làm trong toàn bộ chuỗi giá trị, đóng góp 1,04% GDP quốc gia. Thương hiệu Heineken cũng đang dẫn đầu thị phần ngành bia tại Việt Nam.

Trước khi có quy định về nồng độ cồn, hàng năm Heineken mang về cho Công ty mẹ (Satra) 4.000-5.000 tỷ đồng lợi nhuận. Quy đổi từ mức độ sở hữu của Satra là 40% vốn của công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam và 40% vốn của công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading), ước tính lợi nhuận sau thuế của hệ thống Heineken Việt Nam rơi vào khoảng 10.000-12.000 tỷ đồng.

Năm 2023, tình hình khó khăn cho thấy con số lợi nhuận của hãng bia này đang giảm mạnh. Với việc lợi nhuận từ liên doanh liên kết của Satra năm 2023 chỉ còn 2.700 tỷ đồng thấp nhất nhiều năm thì ước tính lợi nhuận của hãng bia này chỉ còn 6.000-7.000 tỷ đồng, tức phần lợi nhuận sụt giảm năm ngoái còn nhiều hơn cả lợi nhuận của Sabeco và Habeco cộng lại.

Báo cáo tài chính của Tập đoàn Heineken (Hà Lan) cũng cho biết, sản lượng bia toàn cầu của hãng đã giảm 4,7%, chủ yếu do thị trường Việt Nam và Nigeria. Tại thị trường Việt Nam, sự đi xuống đến từ những khó khăn của nền kinh tế chung và sự siết chắt của chính sách thổi nồng độ cồn.

Báo cáo cũng cho biết, lợi nhuận hoạt động (Operating profit) tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Heneken giảm 20%, cũng do yếu tố chính là sự suy giảm của thị trường Việt Nam.

Nguồn