Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

Đóng góp cho “Phương án phát triển khu vực nông thôn” trong Báo cáo Quy hoạch Thủ đô

(KTVN) – Nông thôn Hà Nội chiếm 59% đất đai và hơn 50 % cư dân Thủ đô, do vậy đây là nội dung quan trọng, quyết định tới chất lượng Quy hoạch Thủ đô. 

Hiện trạng về nông dân, nông thôn, nông nghiêp trong báo cáo Quy hoạch.

Đất nông nghiêp Thủ đô 1.983 km2, chiếm 58,96% tổng diện tích tự nhiên (1.983 3.360 km2). Đất nông nghiệp diện tích được tưới nước 1.305km2, trong đó chỉ có 50 % chủ động, còn lại phải dùng trạm bơm dã chiến lấy nước bơm vào kênh mương dẫn vào đông. Nguồn nước tưới lấy từ các sông Hồng (70%), sông Tích (30%). Trong 20 năm trở lại đây, nước sông Hồng , sông Tích ít dần, việc lấy nước khó khăn hơn. Các sông nhỏ kênh mương đi qua các khu dân cư, làng nghề nhận nước thải ô nhiễm nên nước tưới giảm về số lượng cũng như chất lượng. Trong tổng diện tích canh tác 1.140km2 có 900km2 trồng lúa, 170km2 trồng rau, 70 km2 trồng hoa.

Thống kê năm 2022: Tổng dân số Hà Nội 8,453 triệu người, trong đó có 4,291 trệu người sống ở nông thôn (50,49%); Lực lượng lao động Hà Nội có 4.012 nghìn người (50,49%). Lao động nông nghiệp chiếm 48,8% (năm 2011) giảm xuống còn 7,4% ( năm 2022). Năm 2022 chỉ còn khoảng 0,3 triệu người làm nông nghiệp, còn 1,7 triệu lao động sống ở nông thôn chuyển sang các công việc như “dịch vụ bán hàng cá nhân và bảo vệ”( 23,7%); “thợ thủ công có kỹ thuật và các thợ kỹ thuật khác có liên quan” (18,6%); “thợ lắp ráp và vận hành” (11,5%) và “lao động giản đơn” (12,4%). Thu nhập từ làm nông nghiệp và các công việc đơn giản mang lại thu nhập thấp, thu nhập khu vực nông thôn thấp hơn đô thị 3,6 lần(231/64,5 triệu đồng/người/ năm). Trong giai đoạn 2011-2020, Hà Nội chuyển đổi gần nghìn km2 đất nông nghiệp thành đất đô thị, thu ngân sách từ đất 246,4 nghìn tỷ đồng mà đầu tư vài chục tỷ đồng để đào tạo nghề mới cho nông dân là rất khiêm tốn. Các trung tâm đào tạo Hà Nội có khả năng tiếp nhận 0,24 triệu người học/ năm và dạy 200 nghề, nhưng phần lớn là đào tạo ngắn hạn lại không phù hợp, nên chỉ vài % lao động trẻ nông thôn học nghề mới và vay vốn lập nghiệp.

Báo cáo Quy hoạch Thủ đô có 1246 trang , đã dành 10 trang trình bày Phương án phát triển khu vực nông thôn” đề xuất mô hình “Điểm dân cư sản xuất : lúa, chăn nuôi lợn, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, trồng rau an toàn, cây ăn quả, hoa, chăn nuôi bò sữa, bò thịt… Xây dựng nông thôn hiện đại tăng thu nhập, giảm nghèo đa chiều, đào tạo nghề cao. Nông thôn hiện đại gắn với phát triển văn hóa – xã hội – môi trường. Ứng dụng công nghệ số quản lý nông thôn, đào tạo kiến thức mới, khả năng làm chủ máy móc, thiết bị công nghệ,… cho nông dân. Qua đó: “người nông dân sẽ tự cập nhật các vấn đề mới để nghiên cứu, phân tích và giải quyết các yếu tố liên quan đến năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm; đồng thời, chủ động hơn trong xử lý tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, sử dụng hiệu quả giống mới, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm”.

Với thực trạng đất ruộng,nguồn nước, nông dân và đầu tư của Thành phố cho nông nghiệp hiện nay mà vẽ lên viễn cảnh nông nghiệp Thủ đô tạo nên kỳ tích, trong đó người nông dân phải “tự hóa rồng” để hoàn thành sứ mạng ấy thì thật là nhiệm vụ “phi thường”, còn ”Phương án phát triển khu vực nông thôn” trong Quy hoạch Thủ đô là bất khả thi.

Tháng 8/2023, tại Hội thảo Định hướng quy hoạch nông nghiệp Thủ đô, lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo “Nếu không đánh giá kỹ thì không đi vào thực chất, lập quy hoạch chỉ là trên giấy.” Sau Hội thảo 8 tháng, quy hoạch nông nghiệp Thủ đô vẫn không xuất hiện những nội dung có giá trị mới.

Quy hoạch nông thôn: phát triển nông nghiệp công nghệ cao hay bất động sản?

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050 (gọi tắt là QHC 1259, công bố 2021) định hướng Mê Linh phát triển dịch vụ và công nghiệp sạch, kỹ thuật cao gắn với dịch vụ hàng không, sân bay Nội Bài, hội chợ hoa và trung tâm khoa học công nghệ chuyên ngành hoa và cây cảnh.

Diện tích đất Mê Linh 141,64 Km2 QHC 1259 đã bố trí 59 Km2 phát triển đô thị để tiếp nhận 0,45 triệu người vào năm 2030. Đến năm 2019 dân số Mê Linh là 0,24 triệu người và đô thị hoang ở Mê Linh rất phổ biến. Huyện Mê Linh rà soát 64 dự án chậm tiến độ đã có tổng diện tích 20km2 ( hơn 1/3 đất đô thị ). Thực tế các dự án khác đã triển khai nhưng cũng xây dựng cầm chừng không có người ở. Khu công nghiệp Quang Minh sản xuất phụ tùng và chi tiết xe máy (trừ khung xe & động cơ), tôn lợp, cấu kiện thép xây dựng, may mặc, giày dép, chế biến thực phẩm, lương thực, lắp ráp máy nông lâm nghiệp, điều hoà … tạo ra những việc làm đơn giản không như kỳ vọng Quy hoạch

Quy hoạch Thủ đô đặt ra mục tiêu cho Mê Linh cao hơn: phát triển công nghiệp bán dẫn, điện tử – CNTT, cơ khí, ô tô, chế biến nông sản. Thương mại và logistics; Dịch vụ đa dạng và du lịch, Nông nghiệp công nghệ cao, nông sản sạch, thân thiện môi trường, đóng vai trò động lực phát triển ở phía Bắc Thủ đô. Dự báo dân số 0,54 triệu người vào năm 2030 và 0,85 triệu người vào 2050. Số dân dự báo này cao gấp đôi dự báo trong Điều chỉnh QHC: tới 2045 chỉ là 0,41 triệu người và cũng rất phi lý, làm sao có thể tăng dân số từ 0,24 triệu lên 0,54 triệu người trong 5 năm?. Dự báo dân số các quy hoạch mơ hồ, sai lạc khác nhau nhưng giống nhau là giảm đất nông nghiệp, tăng đất đô thị lên gấp 1,5 lần với QHC1259:từ 42% tăng lên65 % đất tự nhiên (92 km2/141,64 km2.).Vẽ đô thị tràn ra đất ruộng và mở rộng ra ngoài đê sông Hồng.

So sánh bản đồ các vùng nông thôn Bắc sông Đuống với các phương án mở rộng đất đai Đô thị Mê Linh trong khi thiếu thông tin kinh tế, văn hóa, lịch sử, xã hội địa phương

Bản đồ làng quê Bắc sông Đuống năm 1911, tỷ lệ 1/25.000 nhưng có đủ tên và ranh giới các làng xóm, địa hình gò đồi, sông hồ, ruộng cạn, ruộng ngập nước, trồng lúa, rau hay ngô .. đến khảo sát thành phần dân cư rất tỉ mỉ của các nhà khoa học địa lý nhân sinh khi đề cập tới nông thôn, nông nghiệp nông dân năm 1931. So với Quy hoạch Thủ đô (năm 2024) chỉ dựa vào con dự báo dân số tùy hứng để chuyển hàng ngàn ha đất nông nghiệp thành đất đô thị tại Mê Linh là rất bất ổn. Vẽ ra đô thị không có người là mở đường hợp thức việc chuyển khối lượng lớn đất xuất nông nghiệp (công sản) thành tài sản tư hưu: đất đô thị, bất động sản không dùng để ở, chỉ để mua đi bán lại kiếm lợi cá nhân, mà không đem lại lợi ích công cộng tổng thể. Nếu đất nông nghiêp – công sản mất đi thì không bao giờ lấy lại đươc, trong khi đây không chỉ là đất – hàng hóa, mà là không gian tuần hoàn vật chất, hấp thụ, tái dụng nước thải, rác thải cân bằng môi trường, thổ nhưỡng, là bảo tàng nhân sinh sống động, duy trì di sản văn hóa, xã hội, lịch sử, dự trữ và tái tạo tài nguyên nước.

Dân số Mê Linh năm 2019 có 241.883 người, với 160.6559 trong độ tuổi lao động. Có 41.128 lao động nông lâm nghiêp và thủy sản; 55.583 lao động công nghiệp và xây dựng, số còn lại làm dịch vụ và các việc khác. Bà con nông dân Mê Linh không thạo nghề điện tử bán dẫn hay sản xuất phụ tùng máy bay nhưng rất tháo vát kinh doanh sản xuất nông nghiệp. Các hộ trồng rau hoa nhập khẩu hạt giống từ Hà Lan để có hoa đẹp, rau ngon. Các hộ kinh doanh khai thác nông sản từ nhiều vùng miền để biến Mê Linh thành vựa phân phối rau hoa củ quả lớn nhất Thủ đô và lân cận, với quy mô hàng trăm xe container nông sản mỗi ngày. Vậy mà bao năm qua, Mê Linh chưa xây một chợ nông sản đúng tầm, chưa có một dự án thủy lợi phục vụ nông nghiệp xứng đáng.

Bà con nông dân Mê Linh có tài giỏi mấy nhưng những vấn đề lớn thì chỉ biết trông nhờ vào ông trời và nhà quản lý : định ra chiến lược đảm bảo an ninh nguồn nước, định hướng thị trường, tổ chức thu mua, chế biến phân phối nông sản và hỗ trợ quỹ đất phát triển nông nghiệp, ngăn chặn nạn thu hồi đất nông nghiệp mua bán bất động sản lòng vòng rồi bỏ hoang

Quy hoạch Thủ đô không phải là đề án phát triển kinh tế nông nghiệp nhưng là đầu bài để Quy hoạch chung (điều chỉnh) triển khai chuẩn bị đất đai, hạ tầng; Là cơ sở để xây dựng các điều luật trong Luật Thủ đô nhằm luật hóa các hoạt động phát triển kinh tế nông nghiệp Thủ đô hiện đại, bền vững, do vậy Quy hoạch Thủ đô không chỉ vẽ ra viễn cảnh mà phải đánh giá thực trạng thấu đáo,toàn diện từ đó định hướng giải pháp cụ thể, khả thi.

Bảo đảm an ninh nguồn nước cho Thủ đô cần giải pháp hành động cụ thể:

”Phương án phát triển khu vực nông thôn” bao gồm nhiều lĩnh vực, bộ môn chuyên ngành. Bài viết ưu tiên giới thiệu giải pháp tân tiến – khoa học để bảo vệ, nâng cấp môi trường nguồn nước qua ví dụ tại sông Hàn (Hàn Quốc ). Sông Hàn chảy qua Seoul, thủ đô của Hàn Quốc đã có vai trò quan trọng trong Quy hoạch Tổng thể Seoul 2040, trong đó có kế hoạch toàn diện, đồng bộ để nâng cấp cảnh quan sinh thái và chất lượng nước sông Hàn và các sông nhỏ trong khu vực Seoul. Bước tiếp theo là kiểm soát đầu nguồn sông Hàn, chảy từ vùng núi theo 3 hướng. Tổng chiều dài dòng chảy đầu nguồn sông Hàn khoảng 200 km, với hành lang hai bên sông được chia nhỏ thành 518 tiểu vùng. Mỗi tiểu vùng được phân tích đánh giá hiện trạng và lập kế hoạch loại trừ nguồn nước ô nhiễm đổ vào suối, chỉ có nước sạch chảy vào sông Hàn.

Tổng thể khu vực sông suối đầu nguồn sông Hàn được chia nhỏ thành 518 tiểu vùng. Ví dụ tiểu vùng 378 có diện tích 95.000m2 được khảo sát đánh giá và lập phương án nâng cấp cải tạo môi trường.

Khảo sát tổng thể toàn lưu vực, từng tiểu vùng bằng ảnh vệ tinh độ phân giải cao kết hợp với khảo sát mặt đất

“Kế hoạch quản lý khu vực đầu nguồn sông Hàn, giai đoạn 2024-2028 [1]được thực hiện bằng các công nghệ hiện đại: từ thám sát ảnh vệ tinh đến khảo sát mặt đất để xác định nguồn gây ô nhiễm, khoanh vùng ưu tiên can thiệp tại các tiểu vùng trọng yếu đến kiểm soát toàn bộ dòng sông, suối và các khu vực lân cận. Ứng dụng công nghệ cốt lõi của công nghiệp 4.0, triển khai hệ thống LIM (Landscape Information Modeling): Mô hình thông tin tổng hợp cảnh quan ven sông dựa trên Metaverse để mô phỏng hiện trạng, đề xuất giải pháp tối ưu đến quản lý giám sát suốt quá trình vận hành dự án.

Ứng dụng công nghệ thông minh để lập trình các hoạt động nhằm phát triển không gian sinh thái bảo vệ nguồn nước sông Hàn và triển khai hệ thống giám sát đánh giá toàn diện hệ sinh thái ven sông

Tại quyết định số 313/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô đã nêu rõ nguyên tắc lập quy hoạch là “Bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch. Đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn ,kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng”. Soi chiếu nội dung “ Phương án phát triển khu vực nông thôn” trong Báo cáo Quy hoạch Thủ đô hiện tại sơ sài hơn tư liệu khảo sát về nông thôn Việt Nam cách đây 100 năm và có khoảng cách rất xa với những công cụ, phương pháp quy hoạch hiện đại, đang dùng phổ biến khắp thế giới và đã sẵn có tại Việt Nam. Hy vọng những phát hiện trong bài viết sẽ giúp đơn vị thực hiện Quy hoạch sớm có giải pháp bổ sung những khuyết thiếu, đáp ứng yêu cầu trong Nhiệm vụ lập Quy hoạch đã đặt ra.

Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội, thành viên Hội đồng khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây Dựng)

[1] Tài liệu do GS Choi Jong-Kwon – Tiến sĩ Luật Hành chính và Luật Quy hoạch và Phát triển Đô thị (Viện Nghiên cứu Luật Đại học Quốc gia Seoul – Hàn Quốc) gửi cho City Solution



Nguồn

Exit mobile version