Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

Dự án cầu 3.900 tỉ ở Rạch Giá ‘vướng’ tĩnh không sân bay

Vi phạm quy định chiều cao tĩnh không sân bay Rạch Giá?

Ngày 25.10, gần một tháng sau khi 5 tác phẩm vào chung khảo trình bày trực tiếp trước Hội đồng tuyển chọn (ngày 27.9), kết quả cuộc thi phương án kiến trúc cầu trên tuyến đường bộ ven biển kết nối An Biên – TP.Rạch Giá vẫn chưa được công bố. Trước đó, ông Lê Việt Bắc, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kiên Giang (chủ đầu tư dự án) cho biết, kết quả cuộc thi dự kiến công bố vào đầu tháng 10.

Tuy nhiên, liên quan đến cuộc thi trên, hiện 2 trong số 5 đơn vị có tác phẩm lọt vào chung khảo đã gửi công văn đề nghị Sở GTVT tỉnh Kiên Giang và Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (TP.HCM, đơn vị tổ chức cuộc thi) làm rõ giới hạn tĩnh không của sân bay Rạch Giá tại vị trí xây dựng cầu.

Vị trí cầu bắc qua cửa sông Cái Lớn, Cái Bé và giới hạn tĩnh không sân bay Rạch Giá theo bản đồ nhiệm vụ thi tuyển được phê duyệt

Hai đơn vị này cho biết trong quá trình nghiên cứu, họ phát hiện 1/5 phương án lọt vào vòng trong vi phạm yêu cầu về chiều cao tĩnh không tối đa tại vị trí cầu và không đảm bảo công bằng giữa các đơn vị dự thi. Cụ thể, phương án này có chiều cao vượt xa so với giới hạn chiều cao tối đa quy định là 45m so với mực nước biển, do cầu nằm trong vùng kiểm soát không lưu của sân bay Rạch Giá. Giới hạn độ cao này cũng đã được nêu trong nhiệm vụ thi tuyển được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt và Sở GTVT phổ biến tại buổi công bố cuộc thi ngày 19.7.2024.

Đoạn gần cửa sông Cái Lớn nhìn từ “siêu” cống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé

Trong công văn của mình, hai đơn vị trên cũng trích dẫn các quy định về quản lý độ cao công trình sân bay quân sự và quy hoạch cảng hàng không của Chính phủ, trong đó quy định giới hạn chiều cao tối đa tại vị trí cầu là 45m.

Kết nối ven biển và là biểu tượng du lịch của Kiên Giang

Như Thanh Niên đã thông tin, công trình cầu trên tuyến đường bộ ven biển kết nối từ An Biên – TP.Rạch Giá được HĐND tỉnh Kiên Giang thông qua năm 2023 với tổng mức đầu tư dự án 3.900 tỉ đồng. Tổng chiều dài tuyến khoảng 3,71 km, trong đó cầu qua vịnh Rạch Giá dài khoảng 2,8 km. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 – 2029, sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh. Tháng 7.2024, Sở GTVT tỉnh Kiên Giang tổ chức thi tuyển rộng rãi để tìm phương án kiến trúc cho cây cầu quy mô đặc biệt này.

Một góc khu lấn biển TP.Rạch Giá nhìn ra vịnh Rạch Giá, Kiên Giang

Quy chế thi tuyển đặt ra hai yêu cầu then chốt cho các phương án dự thi là giới hạn chiều cao tĩnh không và tổng mức đầu tư. Các yêu cầu này đòi hỏi thiết kế kiến trúc vừa phải độc đáo, vừa phải đảm bảo an toàn hàng không; đồng thời phải tính toán chi phí xây dựng hợp lý, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả kinh tế trong điều kiện thi công tại khu vực cửa sông, cửa biển có địa hình và thời tiết phức tạp. Sau đó, Hội đồng tuyển chọn cuộc thi đã xem xét 28 phương án dự thi từ 10 đơn vị tư vấn và chọn ra 5 phương án vào vòng chung kết.

Trước đó, tại buổi công bố cuộc thi, ông Lê Việt Bắc, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kiên Giang, cho biết, bên cạnh yêu cầu kỹ thuật, tiêu chí lựa chọn phương án thiết kế cầu nối An Biên – TP.Rạch Giá còn phải đẹp, độc đáo, hài hòa với cảnh quan vịnh Rạch Giá.

Đặc biệt, vị trí cây cầu “vắt” qua cửa sông Cái Lớn, Cái Bé, nhìn ra vịnh Rạch Giá, thuộc tuyến đường ven biển nối Kiên Giang với Cà Mau, kết nối với khu đô thị lấn biển (bao gồm sân golf và đô thị hiện đại). Ngoài vai trò kết nối các địa phương ven biển, cây cầu còn được kỳ vọng trở thành biểu tượng phát triển kinh tế và du lịch của tỉnh Kiên Giang, góp phần thúc đẩy giao thương, vận chuyển hàng hóa và phát triển du lịch sinh thái.


Nguồn

Exit mobile version