Bất Động Sản

Dự án nghệ thuật công cộng trên phố đi bộ Trần Nhật Duật: Khi di sản, nghệ thuật và thiên nhiên cùng gắn kết

Dự án được thực hiện trong hơn 4 tháng bởi Giám tuyển – Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cùng 3 Nghệ sĩ thị giác: Vũ Xuân Đông, Lê Đăng Ninh, Cấn Văn Ân và nhóm cộng sự. Dự án được UBND Quận Hoàn Kiếm đặt hàng với sự đồng hành và tài trợ bởi ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội MBbank. 

Tiếp nối chuỗi dự án nghệ thuật công cộng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm Hà Nội – Từ Dự án nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng, Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, lần này Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật được thực hiện ở một vị trí rất quan trọng tại điểm nút giao thông kết nối khu phố cổ và khu vực Phúc Tân, vốn bị chia cắt bởi con đường Trần Nhật Duật. Có lẽ do cách tiếp cận từ lịch sử nên mặc dù cùng nằm trên địa bàn Quận Hoàn Kiếm nhưng khu vực Phúc Tân ngoài đê vẫn bị mang một định kiến là một khu vực ngụ cư với hạ tầng và điều kiện sống thấp hơn khu phố cổ, thêm cái tiếng về khu vực khá phức tạp về an ninh…dẫn tới phần lớn cây cầu đi bộ chủ yếu để phục vụ người dân từ khu vực Phúc Tân đi sang phố cổ đi học đi làm, hiếm khi có người từ khu Phố Cổ đi sang, hay chỉ sang khi có việc thật sự cần. Chính yếu tố này dẫn tới việc Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân dù đã hoàn thành và ra mắt từ 4 năm trước (năm 2020) với qui mô và sự đầu tư tâm huyết của cả nghệ sĩ và chính quyền cũng như người dân, song rất ít công chúng tới trải nghiệm trực tiếp, nếu so với dự án nghệ thuật Phùng Hưng đã ra đời 7 năm trước đây. Có lẽ chính sự trở ngại về mặt tâm lý còn lớn hơn nhiều trở ngại về mặt giao thông, mặc dù hai khu vực chỉ cách nhau một con đường.

Cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật là một lối giao thông đi bộ kết nối khu Phố Cổ và khu vực Phúc Tân cửa khẩu Thanh Yên, thuộc quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Thực tế khảo sát cả ban ngày và buổi tối, chúng tôi quan sát chủ yếu người sử dụng là những người lớn tuổi, người bán hàng gánh rong…và phần nhiều là học sinh đi học, cụ thể là học sinh trường tiểu học Trần Nhật Duật. Buổi tối ánh sáng chưa đủ, nên mặt cầu khá tối. Nhóm nghệ sĩ đã có ý tưởng biến cây cầu đi bộ này trở nên vui tươi, sinh động hơn, được thắp sáng lên thêm vào buổi tối bởi ánh sáng của các tác phẩm sắp đặt nghệ thuật công cộng, có một phần được sử dụng từ vật liệu tái chế.

Dự án Nước với cụm tác phẩm sắp đặt ánh sáng

Với chủ đề “Nước”, các tác phẩm sắp đặt tương tác khắp các vị trí và địa hình đặc thù trên cây cầu đi bộ đã biến hóa cây cầu trở thành một bộ sưu tập các tác phẩm sắp đặt ánh sáng. Tác phẩm “Thuỷ cung” của hoạ sĩ Vũ Xuân Đông gợi cảm giác giống như một đường hầm Thuỷ cung đầy hấp dẫn với đủ loại mô hình đèn lồng tạo hình các loài cá đại dương đang bơi lội phía trên vòm cầu. Các loài cá, mực, sứa…được làm từ vỏ chai nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa, ni lông tái chế… được thu gom từ khắp nơi trong TP, từ chính các trường học khi kêu gọi các chương trình kế hoạch nhỏ của các em học sinh. Sắp đặt các loài cá đại dương được hấp thu ánh sáng bởi hệ thống đèn hắt dọc hai bên vòm cầu cũng như hệ thống ánh sáng đèn led bên trong. Vòm mái nhựa che phủ vòm cầu cũng trở thành một phần của tác phẩm tương tác cùng với hiệu ứng hình ảnh của sắp đặt Thuỷ cung.

Ý tưởng này cũng tình cờ được nảy sinh khi nhóm hoạ sĩ đi khảo sát cây cầu vào 3 năm trước, khi quan sát cây cầu với hệ mái vòm nhựa xanh mát gợi cảm giác giống như đi dưới hầm thuỷ cung. Dọc suốt hành lang thành cầu, tác phẩm sắp đặt ánh sáng với chủ đề “Sóng” của hoạ sĩ Lê Đăng Ninh gợi lại ký ức của những lớp sóng sông Hồng chuyên chở phù sa suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Hoạ tiết sóng cổ được nghiên cứu và cách điệu từ nguyên mẫu tạo hình sóng thời nhà Lý và nhà Trần xuất hiện trên các chạm khắc đá. Kỹ thuật khắc nổi tạo hình phù điêu trên đá của từ những đôi tay tài hoa điêu luyện của những người nghệ nhân xưa giờ được chuyển hoá tiếp nối thành kỹ thuật cắt trổ khắc laser hiện đại của người hoạ sĩ ngày hôm nay. Kỹ thuật cắt khắc trổ thủng bằng công nghệ hiện đại đã được hoạ sỹ Lê Đăng Ninh thể nghiệm từ tác phẩm “Nhà nổi” tại dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân khi thực hiện trên bề mặt của những thùng phi sắt gỉ.

Xen giữa những lớp sóng là hình ảnh vẽ tay in mộc bản tái hiện những người lao động đủ các ngành nghề quanh khu vực Hà Nội thời đầu thế kỷ 19 trong nghiên cứu về “Kỹ thuật của người An Nam” của Henri Oger được hiện lên dưới ánh đèn led đủ màu sắc tân kỳ, hiện lên đầy cuốn hút vào mỗi tối khi đèn điện được tư động bật lên. Phía chân cầu thang đi bộ từ cả hai hướng được hoạ sĩ Cấn Văn Ân vẽ các bức “Cá chép vượt Vũ Môn” từ kho tàng tranh dân gian Hàng Trống gợi nhắc hành trình học tập rèn luyện của các em học sinh mỗi ngày leo thang bộ đi học giống như hành trình “cá chép hoá rồng”. Tác phẩm này như một lời mời sự tương tác một cách tự nhiên với mỗi bước chân của những người sử dụng khi đi lên cầu. Hình tượng sóng nước ước lệ trong tranh dân gian hàng Trống cùng hoà nhịp với hình tượng sóng trong các tác phẩm khác cộng hưởng với chủ đề “Nước” của dự án.

Hoạ sĩ Cấn Văn Ân tiếp tục với một tác phẩm vẽ 3D tương tác với trụ cột cầu thành hình kéo khoá nước chảy tràn từ trên xuống và một bức tranh 3D phía sau bức tường đê với hình ảnh những con thuyền giấy rất thân thuộc với tuổi học trò đang lao cùng dòng nước chảy tràn ra đê. Thủ pháp vẽ tranh 3D của Cấn Văn Ân cũng nhóm cộng sự đã góp phần tạo nên năng lượng chuyển động cho cả cây cầu.

Cây cầu đi bộ với chủ đề “Nước” giống như một gạch nối về mặt địa lý giữa hai khu vực Phố Cổ trong đê và khu vực Phúc Tân ngoài đê để trở thành một không gian nghệ thuật công cộng nối dài với không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân và khu phố cổ với địa điểm Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Ba địa điểm và không gian nghệ thuật này khi được kết nối với nhau sẽ tạo thành một tour nghệ thuật đi bộ hấp dẫn thu hút khách thăm quan du lịch, kích thích phát triển kinh tế, văn hoá và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người dân địa phương. Dự án này cũng giúp thúc đẩy thói quen đi bộ khám phá các di sản văn hoá nghệ thuật trong đô thị, một thói quen cũng dần phát triển trở lại trong những năm gần đây.

Tác phẩm sắp đặt Thuỷ Cung và tác phẩm Sóng

Người dân và du khách mỗi dịp cuối tuần khi lên Phố Cổ đi bộ, trải nghiệm ẩm thực và văn nghệ đường phố có thể thêm lựa chọn nối dài buổi trải nghiệm của mình khi dạo bước qua cầu đi bộ Trần Nhật Duật ngắm nhìn các tác phẩm sắp đặt ánh sáng và tiến ra ngoài bờ sông, khu vực Phúc Tân để ngắm nhìn thêm cụm các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt ngoài trời cũng như có cơ hội tham gia trải nghiệm các trò chơi ngoài thiên nhiên tại dự án sân chơi Công viên Rừng Phúc Tân của nhóm Think playgrounds (Nghĩ về sân chơi trong phố) ngay dưới chân cầu Long Biên lịch sử. Nghệ thuật giúp gắn kết di sản và thiên nhiên ngay trong lòng phố cổ Hà Nội, và quan trọng hơn có khả năng giúp gắn kết con người với nhau, cũng như gắn kết con người với thiên nhiên sinh thái và văn hoá lịch sử của từng nơi chốn.

HS Nguyễn Thế Sơn
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 4-2024)



Nguồn