Kinh Tế

Du lịch Việt hào hứng chờ “6 quốc gia, 1 điểm đến”

Kế hoạch 14 năm ấp ủ

Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra ngày 9.10 nhân dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 ở Lào, hai bên nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, trong đó có phối hợp với các nước liên quan triển khai thí điểm sáng kiến hợp tác du lịch “6 quốc gia, 1 điểm đến”. Visa “6 quốc gia, 1 điểm đến” được Thái Lan đề xuất từ tháng 4 nhằm đảm bảo khả năng di chuyển liền mạch cho khách du lịch giữa 6 quốc gia láng giềng, tạo đòn bẩy phát triển du lịch trong khu vực. “Anh cả” của ngành du lịch Đông Nam Á còn thể hiện tham vọng muốn tận dụng chính sách thị thực chung này để mang đi đàm phán với các nước trong EU, tiến tới đạt thỏa thuận miễn visa giữa Schengen và nhóm nước ASEAN này.

Chương trình “6 quốc gia, 1 điểm đến” sẽ tạo đòn bẩy rất mạnh để phát triển du lịch trong khu vực ASEAN

Thực tế, từ cách đây 14 năm, VN đã từng nêu ý tưởng thực hiện loại visa “5 quốc gia, 1 điểm đến” giữa 5 nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông gồm VN, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, nhưng vẫn chưa thể thực hiện. Đây cũng là điều khiến Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ vô cùng tiếc nuối. Là một trong những người đầu tiên phát kiến loại hình visa này vào giai đoạn những năm 2010 – 2011, ông Nguyễn Quốc Kỳ kỳ vọng có thể thông qua Ủy hội sông Mê Kông – Lan Thương, dựa vào thế mạnh chung dòng sông để thực hiện chương trình tour trải nghiệm đặc sắc cho du khách quốc tế. “Với tình hình kinh tế, mối quan hệ hợp tác song phương, đa phương mà VN đang có hiện nay, đến giờ mới bàn lại câu chuyện này là muộn. Tuy vậy muộn còn hơn không. Nếu chúng ta không muốn bị tụt hậu trong cuộc đua du lịch thì phải thúc đẩy thực hiện ý tưởng này càng sớm càng tốt”, ông Kỳ nhận định.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ phân tích rõ: Sau đại dịch, du lịch trở về trạng thái chân không, thị trường mở. Quốc gia nào hành động nhanh thì sẽ bắt được cơ hội vượt lên giành thế chủ động. Nhu cầu khách dồn lên, điểm đến nào có độ mở lớn, thuận tiện, an toàn, chính sách nhập cảnh thân thiện, dễ tiếp cận thì sẽ kéo khách về nhanh nhất. Đó là lý do thời gian qua Thái Lan, Malaysia hay Singapore liên tục triển khai rất nhiều chính sách “mở toang” thị trường. VN là quốc gia mở cửa sớm sau dịch, nhưng về độ cởi mở lại có phần chậm hơn các nước. Vì thế, tốc độ hồi phục dù có ghi nhận khá tốt nhưng nhìn sang các nước thì vẫn có phần yếu thế. Đến nay, VN mới miễn visa cho 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi con số này của Thái Lan đã gần chạm mốc 100. Nếu triển khai nhanh chóng “6 visa, 1 điểm đến”, VN có thể tận dụng được chính sách mở cửa của các nước để đón dòng khách lớn nhiều châu lục. Bên cạnh đó, xét về công tác xúc tiến quảng bá, 6 nước sẽ mở cơ hội lớn hơn rất nhiều so với 1 nước đơn độc đi cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh VN chưa có văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài.

“Nhìn chung, nếu triển khai được thì du lịch VN sẽ được hưởng lợi rất lớn. Thời gian tới, nguồn khách từ thị trường châu Á – Thái Bình Dương sẽ lên ngôi. Dự báo tới năm 2050, khu vực này vẫn giữ vai trò là khu vực có quy mô và mức chi tiêu lớn nhất trên thế giới. Trong đó, khu vực Đông Nam Á được đánh giá là điểm đến chủ chốt, rất năng động. Vì thế, VN phải tận dụng thật nhanh cơ hội này để vượt lên trên cuộc đua”, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation nhấn mạnh.

Phải sẵn sàng mọi nguồn lực để cạnh tranh

Mặc dù cơ hội là rất lớn, song các chuyên gia nhìn nhận mở hệ thống visa liên thông 6 nước cũng làm gia tăng mức độ cạnh tranh giữa các nước trong liên minh. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho rằng việc liên minh 6 quốc gia chung 1 thị thực sẽ giúp miếng bánh thị phần của cả khối ASEAN to hơn, nhưng đồng thời cũng tăng cạnh tranh giành từng phần của chiếc bánh. VN muốn lấy một phần khách từ Thái Lan thì họ cũng muốn được chia một phần khách của VN. Trong “cuộc bắt tay” này, quốc gia nào có sản phẩm, điểm đến không đủ hấp dẫn thì sẽ bị kéo khách đi nhiều hơn. Vì vậy, song song với quá trình đàm phán sớm, ngành du lịch cũng cần lại rà soát từng điểm đến, chuẩn bị sẵn bộ sản phẩm đủ hấp dẫn, đủ chất lượng để khách tới VN sẽ ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.

“Họ mở ra cơ hội để chúng ta mở rộng nguồn khách, nhưng có nắm bắt được cơ hội hay không, phát huy được cơ hội đó hay không, thì chỉ có thể phụ thuộc vào năng lực của chính chúng ta. Chúng ta kỳ vọng đón được dòng khách châu Âu, Mỹ, khách thị trường xa từ Thái Lan qua VN thì chúng ta có gì để phục vụ họ, để buộc họ phải ở lâu khám phá, phải quay lại nhiều lần? Khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ sang đông hơn thì chúng ta khai thác thế nào, quản lý ra sao, làm sao để họ không chỉ tới đông mà còn chi nhiều tiền, sử dụng nhiều dịch vụ đa cấp…? Tất cả những vấn đề đó cần phải đặt ra ngay từ bây giờ và nghiêm túc tìm câu trả lời”, ông Cao Trí Dũng đặt vấn đề.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Kỳ đánh giá về cơ bản, văn hóa và lối sống của các nước trong khu vực châu Á tương đồng nhau. Tuy nhiên, VN vẫn có những điểm cơ bản khác biệt, tạm gọi là lợi thế để chúng ta có thể tận dụng xây dựng nên những sản phẩm độc đáo mang thương hiệu quốc gia. Đầu tiên là văn hóa. Du khách đi du lịch có nhu cầu được chạm vào nhiều nền văn hóa, được sống cuộc sống của người địa phương, trải nghiệm sự khác biệt giữa các nền văn hóa. Do đó, VN phải làm sao nhấn mạnh được sự khác biệt trong văn hóa so với các nước, có thể thông qua ẩm thực, văn hóa ẩm thực, các hoạt động lao động thường nhật của người bản địa… Bên cạnh đó, chúng ta sở hữu sự đa dạng về khí hậu và phân bổ sản phẩm từ ôn đới tới nhiệt đới phong phú trong cùng một thời điểm, tạo trải nghiệm đa dạng cho du khách. Chỉ trong một hành trình, du khách có thể được trải nghiệm nhiều loại địa hình khí hậu khác nhau theo từng vùng trải dọc đất nước, tạo nên những điều vô cùng thú vị.

“Mình muốn tận dụng độ mở của họ để đẩy dòng khách chảy qua nước mình thì bắt buộc phải hành động thật nhanh, có sản phẩm độc đáo, khác biệt. Ngay từ bây giờ, chúng ta phải lập tức nghiên cứu dòng khách chủ đạo của 6 quốc gia, thị trường nguồn của họ là gì, so sánh để xem điểm nào phù hợp để có thể nối dài đường tour cho những dòng khách mà ta mong muốn; sản phẩm họ có và mình có giống nhau chỗ nào, khác nhau chỗ nào, làm sao để nhấn được vào cái khác đó… Nếu không nghiên cứu kỹ, không chuẩn bị sẵn sàng thì chúng ta sẽ lại bỏ lỡ cơ hội để bắt vào cuộc chơi mới đầy tiềm năng này”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nêu quan điểm.

Nếu thật sự làm được “visa Schengen kiểu châu Á” thì sẽ là cú hích cực lớn nâng vị thế du lịch VN. Chúng ta vừa có cơ hội để vươn lên thể hiện sức hút điểm đến trong tổng thể chung nhóm nước, vừa hội nhập sâu vào du lịch thế giới. Thời gian qua, VN đã bước đầu thành công trong việc nâng tầm điểm đến. Giờ nếu có thể tiếp tục đa dạng được thị trường, thâm nhập sâu vào nhóm các quốc gia du lịch dẫn đầu, phù hợp với xu hướng nhu cầu du lịch liên tuyến thì hoàn toàn có thể vươn tới vị trí hub du lịch nội khối.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng


Nguồn