Ngày 3.11, tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), Ủy ban Kinh tế Quốc hội có buổi làm việc với các địa phương gồm: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TP.HCM về nội dung liên quan đến đầu tư xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam. Dự buổi làm việc có Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Minh Sơn; Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cùng lãnh đạo các tỉnh thành liên quan.
Theo Bộ GTVT, dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam có tổng chiều dài khoảng 1.541 km. Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục; dự án xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng. Đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất khoảng 10.827 ha; tổng mức đầu tư khoảng 1.713.594 tỉ đồng (tương đương 67,34 tỉ USD) theo hình thức đầu tư công. Dự án sẽ được khởi công vào năm 2027 và phấn đấu hoàn thành vào năm 2035.
Tại tỉnh Khánh Hòa, ga khách được đặt tại H.Diên Khánh; ga hàng đặt tại TX.Ninh Hòa và có 2 trạm bảo dưỡng được đặt tại xã Vạn Lương, H.Vạn Ninh và xã Cam An Nam, H.Cam Lâm.
Tại tỉnh Ninh Thuận, ga khách được đặt tại P.Phước Mỹ, TP.Phan Rang – Tháp Chàm và có 2 trạm bảo dưỡng được đặt tại xã Hộ Hải, H.Ninh Hải và xã Nhị Hà, H.Thuận Nam.
Tại tỉnh Bình Thuận, có 2 ga khách gồm: Ga Phan Rí, xã Phan Hòa, H.Bắc Bình và ga Phan Thiết, xã Hàm Hiệp, H.Hàm Thuận Bắc. 4 trạm bảo dưỡng được đặt tại xã Phan Hòa, H.Bắc Bình; xã Hồng Liêm, H.Hàm Thuận Bắc; xã Hàm Hiệp, H.Hàm Thuận Bắc và xã Tân Lập, H.Hàm Thuận Nam.
Tại tỉnh Đồng Nai, ga khách được đặt trong khu vực Cảng hàng không quốc tế Long Thành, xã Bình Sơn, H.Long Thành. Ga hàng hóa Trảng Bom được đặt tại xã Quảng Tiến để trung chuyển, kết nối với mạng đường sắt khu vực TP.HCM. Hai trạm bảo dưỡng đặt tại khu vực xã Lang Minh, H.Xuân Lộc và xã Cẩm Đường, H.Long Thành.
Tại TP.HCM, ga được đặt tại P.An Phú, TP.Thủ Đức; depot được đặt tại P.Long Trường, TP.Thủ Đức (gần nút giao đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây và đường vành đai 3).
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam mang lại nhiều giá trị to lớn cho phát triển kinh tế của đất nước, tăng cường liên kết vùng, tạo không gian phát triển mới, giúp hình thành các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ, tạo ra hàng triệu việc làm, giúp tăng giá trị của đất đai, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giảm chi phí logistics, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm của nền kinh tế quốc gia nói chung và các tỉnh, thành có đường sắt đi qua nói riêng.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu và có ý kiến thẩm tra chính thức về nội dung này, trong đó nhất trí về sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn cho việc xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án. Ngày 4.11, Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp toàn thể về nội dung này; nếu đã đầy đủ điều kiện sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.