Kinh Tế

Gai góc trên những tuyến đường mới mở

Điểm lại các công trình điện lực tại miền Nam cho thấy, đa phần công trình phải băng đồng – vượt sông – qua núi cao hiểm trở… để đến nơi chưa bao giờ có điện. Dây điện khoan vào lòng đất về nông thôn, xuyên lòng biển ra giữ đảo, men theo lối mòn thắp sáng bảo vệ biên cương… ôm trọn lấy trái tim đất nước, đều đều như mạch máu chảy về tương lai.

Những kỹ sư “du mục”

Tôi gọi các kỹ sư chuyên quản (kỹ sư quản lý các công trình điện) là những du mục thời đại mới. Kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn, người có kinh nghiệm trong việc quản lý các công trình điện của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), cho biết: “Làm đại diện chủ đầu tư vất vả lắm, phải vật lộn với đủ thứ, “gánh” từ nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, đến chính quyền địa phương, sở ban ngành ở tỉnh,… Thế nên, tâm trí luôn luôn phải thật tỉnh táo”.

Khó hơn nữa là hộ dân có công trình điện đi qua đất của họ. Thuyết phục, trao đổi, hợp tác “gỡ nghẽn” để có mặt bằng thi công gian lao vô cùng. “Hết công trình này nối tiếp công trình khác, đôi khi một mình phụ trách cùng lúc vài công trình, có dự án đằng đẵng nhiều năm, rong ruổi miết từ mặt bằng nọ, công trình kia nên xa nhà triền miên… nó cứ bám riết bên mình, khó buông ra được”, anh Anh Tuấn tâm sự.

Kỹ sư chuyên quản Nguyễn Anh Tuấn (áo sọc bên trái) báo cáo tiến độ giải phóng mặt bằng thi công dự án lưới điện 110kV tại tỉnh Cà Mau

Câu chuyện của kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn là một trong nhiều câu chuyện mà các kỹ sư, công nhân ngành điện miền Nam làm tại công trường trải qua. Chuyện của đội ngũ làm công tác quản lý dự án còn rất nhiều trải lòng. Đích cuối cùng là phải có được mặt bằng thi công, công trình chạy đúng tiến độ, đóng điện kịp thời, khai thác hiệu quả, tránh kéo dài lãng phí… Hoàn thành một công trình, trong nụ cười mừng vui còn có cả nước mắt hạnh phúc vì hoàn thành trách nhiệm.

Thế nên, để có được hệ thống lưới điện phủ kín như hôm nay, EVNSPC đã làm chủ đầu tư rất nhiều dự án, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, quốc phòng vững chắc và phát triển kinh tế tại địa bàn 21 tỉnh/thành phía Nam phát triển bền vững, ngày một tấn tới. Và để có được thành quả đó, những người như anh Tuấn đã phải hy sinh rất nhiều, xa gia đình, người thân thời gian dài…

Kỹ sư công trình cũng là những dân vận khéo léo

Cũng như kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn, kỹ sư Nguyễn Văn Tuyển, công tác tại Điện lực miền Nam có tuổi đời trẻ hơn. Chưa lập gia đình riêng nên Tuyển bám trụ miết ở công trường. Anh Tuyển bao đủ việc, từ đôn đốc thi công, báo cáo tiến độ lên cấp trên, đầu mối với các cơ quan ban ngành trong việc giải quyết gỡ rối công trình… Một chi tiết nhỏ là số điện thoại của anh được “nằm” trong hơn 10 nhóm Zalo, để giải quyết công việc, giải quyết vướng mắc các công trình lưới điện.

Có hôm, tôi giật mình khi thấy Tuyển gửi đoạn clip qua Zalo với lời nhắn: “Anh ơi, quýnh lộn rồi”. Một đoạn clip ngắn ghi cảnh hỗn loạn dưới móng trụ điện cao thế đang ngổn ngang, nhiều tiếng người ồn ào la mắng. Gọi cho Tuyển thì biết có cuộc xung đột nội bộ. Tức là gia đình người em đồng ý mức bồi thường để di dời thi công công trình điện, thế nhưng gia đình người anh không chấp thuận. Khi đơn vị xây lắp vào thi công thì người anh cản trở, lý do đất của ông bà để lại người em không có quyền tự quyết…

Xung đột lan từ người anh sang những người có mặt. Anh Tuyển và một số cán bộ có trách nhiệm khác phải tránh ra xa để hạ căng thẳng, nhưng tai tiếng “đánh nhau” thì các anh “điện lực” phải gánh chịu. 

Gai góc trên những tuyến đường mới mở- Ảnh 2.

Công trình đường dây 220kV vượt biển Kiên Bình – Phú Quốc có mặt bằng thi công trên mặt biển rất khó khăn đối với lịch sử ngành điện Việt Nam

Tuy nhiên không phải địa phương nào cũng gặp cảnh không mong muốn ấy bởi trong thực tế, các kỹ sư công trình có kinh nghiệm khá nhiều trong việc trao đổi, thuyết phục người dân và chính quyền địa phương trong thời gian giải tỏa, thi công công trình. Lâu dần, họ được gắn danh là những người làm công tác “dân vận khéo – dân vận giỏi”. Đơn cử trường hợp ông Nguyễn Văn Thành, ngụ ấp Bến Cát, xã Định Trung, huyện Bình Đại tỉnh Bến Tre. Ông Thành chia sẻ: “Ban đầu mình cũng băn khoăn vì dự án đi qua phải đốn mấy chục cây dừa, trong khi đó là nguồn thu nhập chính của gia đình, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống. Tuy nhiên, khi được cán bộ, các ban ngành vận động, gia đình tôi hiểu ra nên tiên phong bàn giao 110m2 đất cho địa phương để làm đường dây điện. Tất cả vì lợi ích chung, mỗi người hy sinh chút có gì đâu”.

Gai góc trên những tuyến đường mới mở- Ảnh 3.

Thành viên HĐTV EVNSPC Bành Đức Hoài trực tiếp đến gặp gỡ các hộ dân để trao đổi tháo gỡ những vướng mắc về mặt bằng thi công dự án 110kV

ẢNH: ĐIỆN LỰC TRÀ VINH

Đó là điển hình trong câu chuyện vận động người dân tại tỉnh Bến Tre để bàn giao mặt bằng thi công “Công trình đường dây 110kV Phú Thuận – Bình Đại”. Với những người như ông Thành, chủ đất có công trình lưới điện đi qua, họ đã có sự cảm thông, hiểu biết, thể hiện tinh thần gương mẫu trong thời đại số. Sau khi nghe giải thích từ những người có trách nhiệm, lãnh đạo tại địa phương, nhiều người dân hiểu chấp thuận ngay. Nhờ sự đồng thuận cao của người dân đã giúp các công trình lưới điện được thi công đúng tiến độ. Họ gạt lợi ích riêng hy sinh cho cái chung với quan điểm mộc mạc, rằng “để mình có điện xài thì cũng có gia đình khác hy sinh nhiều hơn nữa”.

Gai góc trên những tuyến đường mới mở- Ảnh 4.

Để có được mặt bằng thi công là rất khó khăn. Chủ tịch HĐTV EVNSPC Lê Văn Trang đang nghe báo cáo về tình hình mặt bằng thi công tại Bến Tre

ẢNH: ĐIỆN LỰC BẾN TRE

Sau những tiếng vỗ tay khánh thành các công trình điện là biết bao nhiêu nụ cười, trong đó sướng nhất là nụ cười tự mãn nguyện của người dân vì đã có điện để mong đổi đời. Đặc biệt là sự đóng góp thầm lặng của những “kỹ sư du mục”. Còn rất nhiều những chiến công thầm lặng, những khó nhọc phải trải qua của những kỹ sư chuyên quản, khi họ nhận nhiệm vụ đi tham gia xây dựng công trình lưới điện phục người dân, để tô điểm vùng đất phương nam tiến lên cùng đất nước… mà chưa thể kể hết ra đây.

Với triết lý giản dị “Công trình đến trước – niềm tin đến ngay”, ngành điện miền Nam đã và đang mang đến nhiều giá trị tươi mới, niềm hy vọng về sự hưng thịnh cho cả một vùng đất trong hành trình 50 năm xây dựng, phát triển và thắp sáng niềm tin của EVNSPC (30.4.1975 – 30.4.2025).

Cuộc thi viết “50 năm thắp sáng niềm tin” có tổng giải thưởng lên đến 100 triệu đồng.

– Nhận bài thi đến hết ngày 30.4.2025.

– Email: 50namdienmiennam@thanhnien.vn. Mời quý bạn đọc xem thể lệ cuộc thi trên thanhnien.vn/evnspc.vn.

Nguồn