Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

Gấp rút tìm cơ hội đàm phán với ông Trump ngay trước giờ G, hơn 50 nước liên hệ với Nhà Trắng

Hơn 50 quốc gia liên hệ với Nhà Trắng 

Hơn 50 quốc gia đã liên hệ với Nhà Trắng để bắt đầu đàm phán thương mại, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Kevin Hassett, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Donald Trump tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với ABC News ngày 6/4. 

“Tối qua tôi nhận được thông tin từ [Đại diện Thương mại Mỹ] rằng hơn 50 quốc gia đã liên hệ với tổng thống để bắt đầu đàm phán. Họ làm như vậy vì họ hiểu rằng họ phải chịu phần lớn thuế quan. Và do đó, tôi không nghĩ bạn sẽ thấy tác động lớn đến người tiêu dùng ở Mỹ”, ông Hassett nói với người dẫn chương trình George Stephanopoulos của ABC News.

Một số nhà lãnh đạo thế giới hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với ông Trump và ngăn chặn hậu quả kinh tế trong khi số khác cân nhắc các biện pháp đối phó.

Thông tin được ông Hassett chia sẻ chỉ 1 ngày sau khi các nhân viên hải quan Mỹ bắt đầu thu mức thuế sàn 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và vài ngày nữa là đến 9/4 – thời hạn mức thuế đối ứng cao hơn (từ 11% đến 50%) áp cho 57 đối tác thương mại của Washington có hiệu lực. 

Hàng nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải chịu mức thuế 20%, trong khi hàng hóa từ Trung Quốc sẽ bị đánh thuế 34%, nâng tổng mức thuế mới áp cho Trung Quốc lên tới 54%.

Bắc Kinh hôm 5/4 khẳng định: “Thị trường đã lên tiếng” khi phản đối mức thuế mà ông Trump đưa ra. Trung Quốc đã áp dụng một loạt các biện pháp đối phó, bao gồm cả việc đánh thuế bổ sung 34% đối với tất cả hàng hóa của Mỹ và hạn chế xuất khẩu một số khoáng sản đất hiếm.

Các nước thuộc Liên minh châu Âu thì đang bàn bạc tìm cách thể hiện một lập trường chung trong những ngày tới để phản đối thuế quan của Mỹ. Theo Reuters, khối này có thể sẽ phê duyệt một loạt các biện pháp đối phó đầu tiên nhằm vào 28 tỷ USD hàng nhập khẩu của Mỹ, từ chỉ nha khoa cho tới kim cương.

“Chiến tranh thương mại không có lợi cho bất kỳ ai. Chúng ta phải đoàn kết và kiên quyết bảo vệ công dân và doanh nghiệp của mình”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết trong một bài đăng trên X.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Anh Keir Starmer bày tỏ trên Telegraph rằng ông sẵn sàng “sử dụng chính sách công nghiệp để giúp bảo vệ doanh nghiệp Anh khỏi cơn bão”, nhưng nhấn mạnh tới ưu tiên của chính phủ Anh là cố gắng đảm bảo một thỏa thuận thương mại với Mỹ, có thể bao gồm các cơ chế miễn trừ thuế quan.

Trong khi đó, Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á khẳng định sẽ không trả đũa mức thuế thương mại 32% mà Mỹ đưa ra cho nước này. Bộ trưởng Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết trong một tuyên bố rằng Indonesia sẽ theo đuổi phương án ngoại giao và đàm phán để tìm ra các giải pháp cùng có lợi.

Văn phòng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, ngày 6/4 ông khởi hành đến Washington để họp với ông Trump nhằm thảo luận về mức thuế mới 17% mà Mỹ áp cho Israel.

Thủ tướng Shigeru Ishiba của Nhật Bản, quốc gia phải đối mặt với mức thuế 24%, cũng đang tìm cơ hội điện đàm trao đổi với Tổng thống Mỹ, Reuters cho hay. 

Thuế quan = Tái định vị khôn ngoan?

Ông Trump đã làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu sau khi công bố các mức thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ hôm 2/4, làm dấy lên nỗi lo về một cuộc chiến tranh thương mại và suy thoái khắp thế giới. 

Chứng khoán Mỹ đã giảm khoảng 10% trong vòng 2 ngày kể từ khi ông Trump công bố các mức thuế “Ngày Giải phóng”. Tổng cộng trong 2 phiên, vốn hóa các công ty thuộc chỉ số S&P 500 dã bốc hơi 5.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của ông Trump coi thuế quan là “sự tái định vị khôn ngoan” của Mỹ trong trật tự thương mại toàn cầu và khẳng định tình trạng gián đoạn kinh tế chỉ xảy ra trong ngắn hạn. Nhiều quan chức Mỹ đã lên tiếng, tìm cách bảo vệ quyết định áp thuế của ông Trump.

Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Kevin Hassett đã phủ nhận quan điểm cho rằng thuế quan là một phần trong chiến lược của ông Trump nhằm làm sụp đổ thị trường tài chính để gây áp lực buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất. Ông khẳng định sẽ không có tình huống “ép buộc chính trị” nào đối với ngân hàng trung ương.

Trong một cuộc phỏng vấn trên Meet the Press của NBC News, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của tình trạng thị trường chứng khoán sụt giảm và cho rằng không có lý do gì để dự đoán một cuộc suy thoái kinh tế dựa trên các mức thuế quan, viện dẫn mức tăng trưởng việc làm mạnh hơn dự kiến ​​của Mỹ.

“Chỉ số việc làm hôm 4/4, cao hơn nhiều so với kỳ vọng, cho thấy chúng ta đang tiến về phía trước, vì vậy tôi không thấy có lý do gì khiến chúng ta phải tính tới suy thoái”, ông Bessent nói.

Nguồn

Exit mobile version