Giá vàng ‘lao dốc’, Hội đồng Vàng thế giới nói gì?
Nhà đầu tư “quay xe” thần tốc với vàng
Kể từ khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ đến nay, giá vàng thế giới liên tục “lao dốc”, kéo theo đà giảm mạnh của giá vàng trong nước.
Trả lời Thanh Niên chiều 15.11, ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng T.Ư Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới, khẳng định “không hề ngạc nhiên trước đà giảm giá này”.
Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ thấy rất sát nhau, chỉ chênh một chút. Phân tích tác động của các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đối với giá vàng trong lịch sử từ trước tới nay thấy rằng, khi người của Đảng Dân chủ đắc cử, giá vàng có xu hướng tích cực hơn; khi người của Đảng Cộng hòa đắc cử, giá vàng sẽ giảm đi.
Về lý do giá vàng “sập” mạnh, ông Shaokai Fan phân tích: “Chỉ số đồng USD tăng lên so với các đồng tiền chủ chốt khác. Ngoài ra, ngay sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, các nhà đầu tư có sự thay đổi về khẩu vị đầu tư, nhiều tài sản rủi ro hơn được chọn lựa. Các nhà đầu tư đã dịch chuyển rất nhanh từ đầu tư vào vàng chuyển sang đầu tư vào các nhóm tài sản có rủi ro cao hơn vàng”.
Đề cập tới xu hướng diễn biến giá vàng trong thời gian tới, ông Shaokai Fan không đưa ra con số dự báo cụ thể mà tập trung phân tích nhiều yếu tố có thể tác động mạnh tới giá vàng.
Cụ thể, ông Donald Trump đã đề xuất một số chính sách mới như sẽ áp dụng thuế nhập khẩu cao hơn đối với các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, siết chặt vấn đề nhập cư. Như vậy sẽ có những tác động liên quan tới lạm phát, có khả năng tác động tích cực với vàng.
Trong nhiệm kỳ tới đây của ông Donald Trump, rất có thể Israel sẽ “rảnh tay” hơn, ít bị giới hạn hơn để có thể thực hiện những ý đồ, chiến dịch của mình, từ đó làm leo thang căng thẳng ở khu vực Trung Đông, có khả năng tác động tích cực tới vàng.
Rất nhiều người cho rằng, một yếu tố tác động tích cực tới vàng trong thời gian tới là căng thẳng đối đầu thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ tăng lên.
“Ở chiều ngược lại, dưới thời ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ, giả sử đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa Ukraine và Nga sẽ làm giảm rủi ro về căng thẳng địa chính trị, điều này lại có khả năng tác động tiêu cực tới vàng”, ông Shaokai Fan nói.
Triển vọng về vàng vẫn rất sáng trong 2025
Theo ông Shaokai Fan, nhu cầu về vàng trong năm tới vẫn tiếp tục ở mức mạnh trong nhiều phân khúc khác nhau.
Thứ nhất, khối ngân hàng T.Ư vẫn tiếp tục mua vào từ nay đến hết năm 2024 cũng như trong năm 2025.
Vừa qua, một số nhà đầu tư đã bắt đầu dịch chuyển, thay vì đầu tư vào vàng thì đầu tư vào những nhóm tài sản có mức độ rủi ro cao hơn. Tuy nhiên, rất có thể họ sẽ đánh giá lại những nhân tố của chính quyền ông Donald Trump tới đây ảnh hưởng thế nào tới vàng. Giả sử, việc đánh giá lại dẫn tới kết luận rằng các chính sách của chính quyền ông Donald Trump có lợi cho vàng, có thể họ sẽ quay trở lại găm giữ vàng nhiều hơn.
Phân tích sâu ở góc độ thị trường, ông Shaokai Fan đặc biệt nhấn mạnh câu chuyện tại 2 thị trường vàng lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ.
Chính phủ Trung Quốc hiện rất mạnh tay đẩy mạnh các giải pháp kích thích phát triển nền kinh tế. Giả sử các biện pháp đó đem lại khả năng phục hồi và phát triển kinh tế, rất có thể sẽ kéo theo nhu cầu đầu tư vào vàng tăng lên.
Với thị trường đứng thứ hai thế giới về nhu cầu vàng là Ấn Độ, việc Chính phủ cắt giảm thuế nhập khẩu với vàng đã kích thích, kéo theo nhu cầu đầu tư về vàng tăng lên. “Khi cả hai thị trường trên cùng diễn ra xu hướng như vậy, triển vọng về vàng rất sáng trong 2025”, ông Shaokai Fan nhấn mạnh.
Báo cáo về xu hướng nhu cầu vàng trong quý 3 được Hội đồng Vàng thế giới công bố mới đây cho thấy, tổng nhu cầu vàng đã tăng thêm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1.313 tấn, ghi nhận mức tăng kỷ lục trong quý 3.
Tính tới hết quý 3, lần đầu tiên trong lịch sử, tổng nhu cầu về vàng vượt hơn 100 tỉ USD, do các khoản đầu tư mạnh mẽ trong bối cảnh giá vàng tăng cao kỷ lục.
Đáng chú ý, giá vàng tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục trong quý 3, đạt mức trung bình 2.474 USD/ounce, khiến nhu cầu toàn cầu đối với vàng trang sức sụt giảm. Tổng mức tiêu thụ vàng trang sức giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái về khối lượng, nhưng tăng 13% về giá trị, cho thấy người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm vàng có khối lượng ít hơn.