Bất Động Sản

Giải pháp thiết kế thụ động cho nhà ở thấp tầng vùng ven biển Kiên Giang

Phát triển bền vững là mục tiêu then chốt mà hầu hết các xu hướng kiến trúc hiện nay đều hướng tới. Để đạt được mục tiêu đó, tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà luôn là vấn đề được ưu tiên cân nhắc kỹ lưỡng trong quá trình thiết kế. Trong số nhiều giải pháp hướng đến việc giảm sử dụng năng lượng, thiết kế thụ động được ưu tiên hàng đầu và mang lại hiệu quả lâu dài trong suốt vòng đời của công trình. Nghiên cứu này nhằm đề xuất giải pháp kiến trúc nhà ở thấp tầng vùng ven biển Kiên Giang theo hướng thiết kế thụ động. Trong đó, khu đô thị lấn biển Tây Bắc thành phố Rạch Giá được lựa chọn để phân tích và đề xuất như một trường hợp điển hình.

KĐT lấn biển Tây Bắc TP Rạch Giá (nguồn: CIC Group)

Những tác động bất lợi của sự nóng lên toàn cầu và sự cạn kiệt tài nguyên năng lượng đã nhận được sự quan tâm trên toàn thế giới trong vài thập kỷ qua. Do đó, phát triển bền vững đã trở thành lĩnh vực nghiên cứu và thực hành được ưu tiên hàng đầu ở nhiều quốc gia. Ngành xây dựng tiêu thụ trung bình 1/3 tổng năng lượng được sản xuất và chịu trách nhiệm cho gần 40% lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng, vì thế các tòa nhà chịu trách nhiệm sâu sắc trong việc đáp ứng các nhu cầu do phát triển bền vững đặt ra. Những thách thức về môi trường đã đưa tính bền vững lên hàng đầu trong thực hành thiết kế, khiến nó trở thành một yếu tố quan trọng đối với những người tham gia thiết kế công trình và ngành xây dựng. Theo đó, cần có một cách tiếp cận bền vững để thiết kế các tòa nhà có thể giải quyết các nhu cầu đa dạng về bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng đương đại.
Tại COP27 diễn ra vào cuối năm 2022, Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết về chuyển đổi năng lượng, đẩy mạnh giảm phát thải trong nhiều lĩnh vực, trong đó có cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Tổng thể KĐT lấn biển Tây Bắc TP Rạch Giá
(nguồn: CIC Group, tác giả)

Ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), tỉnh Kiên Giang (KG) nói chung cũng như thành phố (TP) Rạch Giá nói riêng, tiềm ẩn nguy cơ chịu tác động mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu (BĐKH), một phần do tốc độ đô thị hóa đang tăng mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt là hoạt động lấn biển xây dựng đô thị. Theo kịch bản BĐKH của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các khu vực tiềm ẩn chịu tác động mạnh từ BĐKH là khu vực có tốc độ đô thị hóa và phát triển đô thị cao trong những năm gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh. Tỉnh KG có đến 80% diện tích thuộc khu vực bị ngập nặng. Theo UBND tỉnh KG, việc triển khai đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa to lớn và tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, tỉnh này sẽ phát triển 6 đô thị động lực, với TP. Rạch Giá là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và nhiều mặt khác của tỉnh. Thành phố Rạch Giá được định hướng phát triển thành trung tâm dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại tầm quốc gia và quốc tế, phát triển bền vững (PTBV), ứng phó với BĐKH. Ngày 19/03/2019, UBND tỉnh đã ban hành “Kế hoạch về việc phát triển đô thị tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh KG đến năm 2030” [4]. Trong bối cảnh đó, dự án khu đô thị (KĐT) lấn biển Tây Bắc TP. Rạch Giá do Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng KG làm chủ đầu tư được khởi công ngày 28/4/2015 có một vai trò quan trọng.

Từ hàng trên đến hàng dưới: Hình chụp thực tế các mẫu biệt thự, nhà phố và NOXH trong KĐT Tây Bắc TP. Rạch Giá (Nguồn: Tác giả)

Ở bước đầu tiên của quá trình thiết kế, các công trình cần phải được thích ứng một cách tự nhiên với bối cảnh hiện tại trước khi được cải thiện hiệu quả công trình bằng công nghệ. Vì vậy, thiết kế thụ động (TKTĐ – passive design) nên được áp dụng ngay từ bước đầu triển khai dự án. Theo Altan (2016), TKTĐ là “Thiết kế duy trì nhiệt độ thoải mái trong tòa nhà bằng cách sử dụng khí hậu và các yếu tố tự nhiên để đạt được lợi ích tối ưu và giảm hoặc loại bỏ sự phụ thuộc vào các hệ thống cơ khí để sưởi ấm, làm mát và chiếu sáng” [1]. Dựa trên định nghĩa này, nguyên tắc TKTĐ có thể được liệt kê là (i) làm mát thụ động (passive cooling) và (ii) chiếu sáng ban ngày (daylighting) hiệu quả. Trong đó, giải pháp làm mát thụ động bao gồm giảm tăng nhiệt (heat gain reduction) và thoát nhiệt bên trong công trình (internal heat dissipation).
Trong bài báo này, KĐT lấn biển Tây Bắc TP. Rạch Giá được lựa chọn như một trường hợp điển hình của tỉnh KG. Toàn bộ các mẫu nhà đã và đang xây dựng tại KĐT này được tiến hành khảo sát thực tế nhằm nhận diện thực trạng kiến trúc nhà ở thấp tầng (NOTT). Bài học về TKTĐ trong nhà ở truyền thống Nam bộ cũng được làm rõ. Tiếp theo, các nguyên tắc TKTĐ cho kiến trúc nhà ở sẽ được bàn luận. Cuối cùng, các nguyên tắc và giải pháp TKTĐ cho kiến trúc NOTT vùng ven biển KG được đưa ra.

Bài học từ nhà ở truyền thống Nam Bộ

Đặc điểm kiến trúc nhà ở truyền thống Nam Bộ

Trong những thập kỷ qua, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành trên toàn thế giới về kiến trúc bản địa nhằm rút ra những kiến thức hữu ích về tiết kiệm năng lượng (TKNL) và tiện nghi nhiệt. Gần đây, các câu hỏi về cách thiết kế các tòa nhà bền vững hơn để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường đã thu hút được sự chú ý của công chúng, đặc biệt là trong giới KTS và nhà nghiên cứu [2,3]. Nhu cầu này đã tạo ra xu hướng rút ra bài học từ các chiến lược và phương pháp thiết kế những ngôi nhà bản địa, thích ứng tốt với khí hậu địa phương và TKNL. Kiến trúc bản địa dựa trên các phương pháp xây dựng truyền thống và tài nguyên bản địa để giải quyết nhu cầu địa phương [7,13]; do đó, nó thích nghi với điều kiện tự nhiên, văn hóa và xã hội của khu vực cụ thể.

Một thành phần quan trọng của di sản kiến trúc Việt Nam là những ngôi nhà dân gian truyền thống, chiếm hơn 65% diện tích nông thôn của cả nước. Những ngôi nhà này được thiết kế với sự hiểu biết sâu sắc và tôn trọng thiên nhiên cũng như môi trường xung quanh [12]. Do đó, phong cách kiến trúc truyền thống từ các vùng khác nhau mang lại những bài học quý giá về nhận thức, hành vi và phản ứng thực tế với môi trường xung quanh đã hình thành nên bản sắc địa phương cụ thể [8]. Những ngôi nhà ở miền Nam Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực ĐBSCL, thể hiện phong tục và lối sống độc đáo của địa phương, phù hợp với khí hậu và địa hình địa phương. Chúng bộc lộ những nét đặc biệt về tổ chức không gian, lựa chọn vật liệu và kết cấu cũng như nguyên tắc thích ứng với điều kiện khí hậu địa phương. Theo đó, cần phải nghiên cứu những đặc điểm về bố cục không gian độc đáo và tính bền vững của ngôi nhà dân gian truyền thống để chuyển đổi cho phù hợp với nhu cầu kinh tế xã hội đương đại của Việt Nam.

Làng cổ Đông Hòa Hiệp được thành lập từ thế kỷ 18 tại tỉnh Tiền Giang, nằm ở trung tâm ĐBSCL, cách TP HCM khoảng 110 km về phía Tây Nam. Ở ngôi làng này vẫn còn rất nhiều ngôi nhà truyền thống ẩn sau những hàng cây xanh rậm rạp, một số ngôi nhà đã hơn 100 năm tuổi. Bất chấp tuổi tác và sự tàn phá của chiến tranh, chúng vẫn được bảo tồn tốt và giữ được những nét kiến trúc truyền thống của khu vực. Trong làng, những ngôi nhà không liền kề nhau mà là những ngôi nhà độc lập, xen kẽ với những vườn cây ăn quả tươi tốt, tạo nên một phong cách rất riêng.

Làng cổ Đông Hòa Hiệp, Tiền Giang

Nhờ không gian thoáng đãng và sự ưu đãi của thiên nhiên, những ngôi nhà ở miền Nam mang đặc điểm là vườn cây ăn quả xung quanh, giúp ngôi nhà thích nghi tốt hơn với khí hậu nhiệt đới. Mái nhà thường có kết cấu nhiều lớp với khung kèo gỗ lợp ngói tráng men hoặc tôn. Mái nhà vươn rộng bao phủ ngôi nhà để bảo vệ không gian bên trong khỏi bức xạ trực tiếp và mưa. Mái dốc một mặt giúp thoát nước mưa nhanh chóng, dễ dàng, mặt khác nhiệt nóng sẽ thoát ra qua các lỗ thông hơi ở đầu hồi. Cửa ra vào và cửa sổ được bố trí ở mọi phía của công trình, tối đa hóa khả năng lấy gió, thông thoáng tự nhiên cho ngôi nhà. Tường ngăn các phòng bên trong có kết cấu bên dưới đặc và vững chắc; tuy nhiên, vẫn có những khung rỗng kết hợp với một số họa tiết ở phía trên, theo kiểu thượng song hạ bản. Do đó, không khí từ bên ngoài đi vào nhà có thể đi qua tất cả các phòng, từ đó tối ưu hóa khả năng thông gió xuyên phòng [6].

Chiến lược TKTĐ rút ra từ kiến trúc nhà ở truyền thống Nam Bộ

Dựa trên việc phân tích những ngôi nhà cổ, có thể tìm hiểu chiến lược TKTĐ để phát triển các mô hình nhà ở hiện đại ở vùng ĐBSCL. Các bài học có thể được tóm tắt thành ba loại, bao gồm thông gió tự nhiên (TGTN), trồng cây và vùng đệm (Bảng 1). Đầu tiên, TGTN là giải pháp phổ biến và thiết thực để cải thiện chất lượng trong nhà và tiện nghi về nhiệt. Ở những vùng có khí hậu nóng ẩm cần tối ưu hóa khả năng thông gió tự nhiên. Thông gió chéo giúp tản nhiệt và làm mát tòa nhà, đồng thời làm mới không khí trong nhà bằng không khí trong lành bên ngoài. Để tối đa hóa khả năng làm mát bằng TGTN, cần có khu vực đầu vào và đầu ra, với đầu vào nằm ở vùng áp suất dương và đầu ra ở vùng áp suất âm [9]. Để tận dụng gió Tây Nam để thông gió tự nhiên, các tòa nhà được hướng về phía Nam, Tây Nam hoặc Đông Nam [5]. Việc lựa chọn hướng xây dựng phù hợp còn giúp giảm lượng bức xạ mặt trời (BXMT), từ đó hạn chế đáng kể sự hấp thụ nhiệt bên trong các công trình.

Nhà cổ ông Xoát là ngôi nhà cổ lâu đời nhất ở Đông Hòa Hiệp. (Ảnh: @tuilabammm)
Nhà cổ ông Ba Đức trên 160 tuổi (được dựng năm 1850) (Ảnh: VOV)

Thứ hai, không gian mở và cây xanh cũng được coi là giải pháp tối ưu để cải thiện môi trường bên trong các công trình. Sân trong, kết hợp với cây xanh xung quanh, có thể làm giảm nhiệt độ không khí ngoài trời hoặc cường độ đảo nhiệt đô thị, đặc biệt là vào ban đêm, để cung cấp không khí tương đối mát mẻ để thông gió vào ban đêm. Nhà hiên – chức năng phổ biến trong các ngôi nhà truyền thống của người Việt – thường nằm ở phía trước khu vực sinh hoạt và đóng vai trò là vùng đệm, nhờ đó giảm thiểu tác động môi trường lên công trình. Ở vùng khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, mái hiên làm giảm tác động của mưa và bức xạ nhiệt lên công trình. Tùy theo diện tích khu đất mà diện tích sân trong được thiết kế phù hợp nhằm tối ưu hóa vai trò không gian đệm cho các công trình. Bên cạnh đó, tấm phên/dại/liếp, rèm che nắng bên ngoài là giải pháp phổ biến trong các ngôi nhà truyền thống tại Việt Nam. Giải pháp này rất thuận lợi khi các tòa nhà có hướng bất lợi, dẫn đến tác động không nhỏ của BXMT.

Cuối cùng, cách bố trí không gian là một bài học quan trọng có thể học được từ kiến trúc bản địa này. Ngôi nhà chính và các không gian phụ được ngăn cách và bố trí ở các vị trí khác nhau, liên kết thông qua một sân chung. Sân chung kết hợp với sân trước và hiên nhà đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc cải thiện thông gió chéo mà còn đảm bảo luồng không khí không bị gián đoạn.

Những đặc điểm không gian độc đáo và chiến lược TKTĐ được sử dụng trong thiết kế nhà bản địa ở Nam Bộ, đặc biệt là ở làng cổ Đông Hòa Hiệp ở khu vực ĐBSCL và tiềm năng ứng dụng của những chiến lược đó trong thiết kế nhà ở hiện đại là rất rõ ràng. Chìa khóa để TKTĐ cho NOTT là tận dụng điều kiện khí hậu và văn hóa địa phương. Từ góc độ này, nhà bản địa ở Việt Nam là một nguồn tài nguyên kiến trúc phong phú và là di sản văn hóa quan trọng, bởi người Việt đã áp dụng chiến lược thiết kế bền vững, phù hợp với khí hậu và văn hóa địa phương để đảm bảo sự tiện nghi và hạnh phúc trong thời gian dài. Những bài học về bền vững rút ra từ những ngôi nhà bản địa của Việt Nam có thể là điều kiện tiên quyết để phát triển nhà ở hiện đại [6].

Bảng 1. Chiến lược sinh khí hậu trong nhà ở truyền thống Nam bộ (Nguồn: [9])

Nhóm tác giả – TS.KTS Lê Thị Hồng Na và nhóm nghiên cứu (2022) đã nghiên cứu bố trí không gian, TGTN, định hướng ngôi nhà và các thiết bị che nắng thường được sử dụng để cải thiện chất lượng môi trường sống trong nhà ở ĐBCSL. Trong khi các cách bố trí khác nhau của ngôi nhà chính và các công trình phụ, cũng như vị trí của vùng đệm (gồm sân và hiên chung) giúp giảm tác động của các điều kiện môi trường bất lợi, khu vườn xung quanh còn mang lại không khí trong lành cho ngôi nhà và giảm thiểu tác động của môi trường, giảm hiệu ứng nhiệt đảo nhiệt. Cần khuyến khích lồng ghép tính linh hoạt về không gian với đặc điểm thiết kế thụ động của nhà ở bản địa ở ĐBCSL để phát triển nhà phố hiện đại và môi trường sống bền vững.

Thực trạng kiến trúc nhà ở thấp tầng ven biển Kiên Giang

 Thực trạng kiến trúc nhà ở thấp tầng KĐT lấn biển Tây Bắc TP. Rạch Giá

KĐT lấn biển Tây Bắc TP. Rạch Giá ban đầu được dự kiến đáp ứng cho cuộc sống của gần 10.000 dân cư, với quy mô 99,4 ha, tổng vốn đầu tư 3.714 tỷ đồng [4]. KĐT này có tổng cộng 3431 căn NOTT, bao gồm 483 biệt thự, 1426 nhà phố thương mại, 511 nhà tái định cư (kiểu nhà phố) và 1011 nhà ở xã hội (NOXH). Có 36 mẫu NOTT đã được đưa ra, gồm 9 mẫu nhà biệt thự song lập và 27 mẫu nhà liên kế (nhà ở thương mại, nhà tái định cư và NOXH). Trong đó, mẫu nhà biệt thự chiếm tỷ lệ cao nhất là các mẫu có diện tích đất là 195m2 (19.5m x 10m) và 312.5m2 (25m x 12.5m) với cùng 25%. Mẫu nhà liên kế chiếm tỷ lệ cao nhất là các mẫu có diện tích đất 100m2 (20m x 5m) với 38% và 110m2 (22m x 5m) với 20%. Mật độ xây dựng (MĐXD) của biệt thự là 60%, nhà phố thương mại là 80% và NOXH là 100%. Các mẫu nhà biệt thự được sắp xếp theo các hướng Tây Nam (31,9%), Đông Bắc (22,7%), Đông Nam (18,2%), Tây Bắc (18,2%) và Bắc (9%) trong khi đó mẫu nhà liên kế được quy hoạch theo các hướng Đông Nam (29,9%), Tây Nam (28,6%), Đông Bắc (22%), Tây Bắc (19,5%) (Bảng 2).

Tại KĐT này, hiện nay đã có hơn 400 căn biệt thự, hơn 1000 nhà phố thương mại và khoảng 300 căn NOXH đã được xây dựng và đưa vào sử dụng. Một số ngôi nhà khác đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Hầu hết những ngôi nhà tái định cư còn đang ở tình trạng đất trống và chưa xây dựng. Hình chụp thực tế các mẫu nhà đã được xây dựng và bản vẽ một số mẫu nhà được trình bày trong các Hình 2, 3, 4 và 5.

Đặc trưng kiến trúc nhà ở thấp tầng KĐT lấn biển Tây Bắc TP. Rạch Giá

Sự khác biệt đáng chú ý về kiến trúc nhà ở riêng lẻ tại KĐT lấn biển phía Tây Bắc TP. Rạch Giá so với các KĐT mới trên đất liền ở ĐBSCL là do chịu ảnh hưởng trực tiếp của khí hậu biển. Nền móng công trường xây dựng nhà yếu hơn nền tự nhiên nên cần có giải pháp kết cấu phù hợp. Khi thiết kế cảnh quan cần chú ý hỗ trợ việc khai hoang đất và giảm thiểu tác hại của nước biển dâng. Một lợi thế là có thể tận dụng được vị trí gần biển nên cần ưu tiên khai thác tầm hình hướng biển.

Các giải pháp thiết kế nhà ở riêng lẻ tại KĐT lấn biển Tây Bắc TP. Rạch Giá đã quan tâm đến việc tận dụng năng lượng tự nhiên để làm mát và chiếu sáng tự nhiên (CSTN) thay vì các giải pháp nhân tạo. Tuy nhiên, cần có những giải pháp cải tiến, nhất là đối với lớp vỏ bao che công trình nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng của chúng trong việc che nắng, cách nhiệt, góp phần tiết kiệm năng lượng và đảm bảo sự thoải mái cho người cư ngụ. Thực tế cho thấy, các dãy nhà hiện hữu còn thiếu các mảng cây xanh cảnh quan.

Nguyên tắc thiết kế thụ động cho  NOTT ven biển Kiên Giang

TP. Rạch có tọa độ 10°1′35″ vĩ Bắc – 105°6′20″ kinh Đông. Vùng trung tâm đô thị nằm trải dài bên bờ Đông vịnh Thái Lan với 20 km đường bờ biển, chiếm 1/10 chiều dài bờ biển của tỉnh KG. Là trung tâm hành chính và là địa phương mang hầu hết những đặc trưng khí hậu của tỉnh KG, TP. Rạch Giá có 5 phân vùng sinh khí hậu (SKH) theo Biểu đồ SKH xây dựng Việt Nam là: (i) hơi lạnh, (ii) tiện nghị, (iii) mát ẩm, (iv) hơi nóng và (v) nóng ẩm. Tương ứng với mỗi vùng SKH sẽ có những yêu cầu thiết kế kiến trúc riêng biệt [10].

Bảng 2. Các mẫu NOTT trong KĐT Tây Bắc TP. Rạch Giá (Nguồn: Tác giả)

Đối với vùng hơi lạnh, khi thiết kế kiến trúc cần lưu ý đóng kín cửa, giảm thoát nhiệt từ trong ra ngoài, tận dụng năng lượng bên trong để làm ấm. Trong vùng tiện nghi, cần lưu ý tận dụng tối đa TGTN. Tại vùng mát ẩm, nên tận dụng tối đa TGTN kèm với các giải pháp giảm độ ẩm trong không khí. Ở vùng hơi nóng, cần mở cửa đón gió tự nhiên, tìm cách tăng vận tốc gió trong nhà (có thể dùng quạt cơ khí). Với vùng nóng ẩm, người sử dụng nên hạn chế nhiệt xâm nhập từ bên ngoài vào công trình, có thể sử dụng điều hòa không khí (ĐHKK) hỗ trợ.

Theo Alan (2016), TKTĐ là “Thiết kế duy trì nhiệt độ thoải mái trong tòa nhà bằng cách sử dụng khí hậu và các yếu tố tự nhiên để đạt được lợi ích tối ưu và giảm hoặc loại bỏ sự phụ thuộc vào hệ thống cơ khí để sưởi ấm, làm mát và chiếu sáng” [1]. Dựa trên định nghĩa, nguyên tắc thiết kế thụ động có thể được liệt kê là làm mát thụ động và chiếu sáng ban ngày hiệu quả.

Bảng 3. Mối quan hệ giữa 7 kỹ thuật TKTĐ của Phạm Thị Hải Hà và các nguyên tắc TKTĐ của Alan

TS. Phạm Thị Hải Hà và nhóm nghiên cứu (2022) đã đưa ra 7 kỹ thuật TKTĐ áp dụng cho kiến trúc khu vực nhiệt đới như Việt Nam, bao gồm (1) Quy hoạch, chọn hướng và hình khối nhà; (2) Bố trí công năng phù hợp với mặt trời và gió; (3) Tổ chức chiếu sáng tự nhiên; (4) Thiết kế mặt đứng; (5) Tổ chức TGTN; (6) Cách nhiệt cho tường và mái; và (7) Bố trí Cảnh quan điều tiết VKH [11]. Với 5 vùng SKH của TP. Rạch Giá, tất cả các giải pháp trong 7 kỹ thuật TKTĐ đều được đề xuất sử dụng để giúp công trình thích ứng với điều kiện khí hậu địa phương. Nội dung Bảng 3 chỉ ra mối liên hệ giữa các kỹ thuật TKTĐ của Phạm Thị Hải Hà và các nguyên tắc TKTĐ của Alan.

Đề xuất giải pháp thiết kế thụ động cho nhà ở thấp tầng ven biển Kiên Giang

Dựa trên cơ sở đã đánh giá và những nguyên tắc để đề xuất giải pháp cho NOTT trong KĐTlấn biển Tây Bắc TP Rạch Giá, các giải pháp được đề xuất trình bày dựa trên 7 kỹ thuật TKTĐ (Bảng 4).

Kết luận

Bảng 4. Đề xuất giải pháp TKTĐ cho NOTT KĐT lấn biển Tây Bắc
TP. Rạch Giá

TKTĐ cần phải dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về khí hậu địa phương. Điều này bao gồm sự hiểu biết về các yếu tố khí hậu ảnh hưởng đến một khu vực rộng lớn như một quốc gia, khu vực (khí hậu vĩ mô), một khu vực, địa điểm cụ thể (khí hậu trung bình) và tại chính công trường xây dựng, bên trong và bên ngoài tòa nhà (vi khí hậu). Cần phải tận dụng khí hậu và điều chỉnh vi khí hậu của vùng đất, thiết kế hình dáng, kết cấu công trình phù hợp, giúp nâng cao công năng sử dụng của công trình, mang lại những yếu tố có lợi như gió mát tự nhiên, ánh sáng ban ngày hoặc hạn chế các yếu tố bất lợi như nắng nóng, làm giảm hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị”. TKTĐ tiết kiệm chi phí đầu tư và vận hành ban đầu bằng cách giảm sự phụ thuộc vào hệ thống chiếu sáng nhân tạo và điều hòa không khí, đồng thời ở một số quốc gia còn có hỗ trợ tài chính, giúp việc xây dựng các công trình thụ động trở nên khả thi hơn rất nhiều.

Chiến lược TKTĐ cần được áp dụng ngay từ khi bắt đầu dự án, ở giai đoạn thiết kế, dựa trên các giải pháp thiết kế về làm mát thụ động và chiếu sáng ban ngày. TKTĐ được áp dụng đúng cách có thể tạo bước đệm quan trọng và T cho giai đoạn tiếp theo khi thiết kế chủ động tiếp quản nhằm tối đa hóa sự thoải mái trong nhà cho người ở và giúp họ kiểm soát nhiều hơn môi trường sống của mình. Kết quả nghiên cứu này là hệ thống đề xuất các giải pháp TKTĐ cho nhà ở riêng lẻ trong KĐT lấn biển KG, dựa trên các nguyên tắc TKTĐ và 7 kỹ thuật TKTĐ cơ bản.

TS.KTS Lê Thị Hồng Na 1,2
KTS Lê Thái Bảo 2
1. Bộ môn Kiến trúc, Khoa Kỹ thuật xây dựng, ĐH Bách Khoa TP. HCM, ĐH Quốc gia TP HCM
2. Viện Đào tạo Sau đại học, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 3-2024


Ghi chú:
Trân trọng cảm ơn Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG-HCM đã hỗ trợ cho nghiên cứu này.

Tài liệu tham khảo
[1] Altan, H., Hajibandeh, M., Tabet Aoul, K. A. & Deep, A (2016), Passive design. ZEMCH: Toward the delivery of zero energy mass custom homes, pp 209-236;
[2] Altomonte, S. (2008), Climate Change and Architecture: Mitigation and Adaptation Strategies for a Sustainable Development, Journal of Sustainable Development, Vol.1, No.1, pp.97-110;
[3] Dekay, M. Brown, G. Z. (2014), Sun, Wind, and Light: Architectural Design Strategies, John Wiley & Sons, Hoboken, NJ;
[4] Lê Thái Bảo (2024) – “Giải pháp thiết kế thụ động cho nhà ở thấp tầng vùng ven biển Kiên Giang” – Luận văn thạc sĩ Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM;
[5] Le Thi Hong Na, Dang Hai Dang and Nguyen Dang Hoang Nhat Truong (2021), Architectural Solutions with Regards to Climate Change for the Rural Housing of Vinh Long Province, Vietnam, In Huong L.T.T., Pomeroy G.M. (Eds) AUC 2019. Advances in 21st Century Human Settlements. Springer, Singapore, pp.51-60;
[6] Le Thi Hong Na, Jin-Ho Park, Yangsook Jeon and Sejung Jung (2022), Analysis of vernacular houses in southern Vietnam, and potential applications of the learned lessons to contemporary urban street houses, Open House International, Volumn 47, pp 533-548;
[7] Mileto, C. Vegas, F. Garcia Soriano, L, Christini, V (2014), eds. Vernacular Architecture: Towards a Sustainable Future, CRC Press/Balkema, EH Leiden, The Netherlands;
[8] Nguyen Hoang Manh (2013), Cultural Behavior: Climatic Adaptive Approaches of Traditional Housing in Vietnam Northern Lowland Area, Procedia – Social and Behavioral Sciences, Vol.85, pp.39-355;
[9] Park, K. Hong, C. H. Kim, K. S. Lee, J. J. (2008), Effect of Endplate Shape on Performance and Stability of Wings-in Ground (WIG) Craft, International Journal of Aerospace and Mechanical, Vol.2, No.11, pp.1235-1241;
[10] Phạm Đức Nguyên (2008) – “Kiến trúc sinh khí hậu” – NXB Xây Dựng;
[11] Phạm Thị Hải Hà, Nguyễn Thị Khánh Phương, Đỗ Thành Công (2022) – “Hướng dẫn thực hành thiết kế thụ động đối với kiến trúc nhiệt đới Việt Nam” – Tạp chí Khoa học Công nghệ Xây dựng, ĐHXDHN;
[12] Tran Van Khai. (2018) – The integration of traditional and advanced design in the formation of sustainable New Rural Housing solutions, IOP Conference Series: Earth and Environmental Science, 143, 012053;
[13] Weber, W. Yannas, S, (2014), eds. Lessons from Vernacular Architecture, Routledge, New York;



Nguồn