Thương Hiệu

Giữ uy tín cho cà phê Việt Nam khi giá xuất khẩu tăng cao

Giá xuất khẩu cà phê quý 1 tăng mạnh 57,3%. Ảnh Minh Đăng

Giá xuất khẩu cà phê quý 1 tăng mạnh 57,3%

Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết trong tháng 3/2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 185.281 tấn cà phê với kim ngạch khoảng 680,86 triệu USD. So với cùng kỳ trước, giảm 11,9% về lượng nhưng tăng 41,1% về giá trị.

Về giá cà phê xuất khẩu, bình quân trong tháng 3/2024 tiếp tục tăng và đang ở mức cao nhất trong 6 tháng qua, đạt 3.555 USD/tấn, tăng 8% so với tháng trước và tăng 55,0% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung quý 1/2024 đạt 3.289 USD/tấn, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 579.449 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,93 tỷ USD. Mặc dù lượng chỉ tăng 4,9% nhưng giá trị tăng mạnh 57,3% so với cùng kỳ nhờ giá xuất khẩu tăng cao.

Trong đó, xuất khẩu cà phê Robusta nhiều nhất với 515.164 tấn, kim ngạch trên 1,57 tỷ USD; còn cà phê nhân Arabica chỉ xuất khẩu 16,474 tấn, kim ngạch trên 69,27 triệu USD. Đối với cà phê rang xay và hòa tan, xuất khẩu khoảng 35.853 tấn, đạt kim ngạch trên 246,41 triệu USD.

Những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân sống hàng đầu gồm có: Công ty Vĩnh Hiệp, Simexco Daklak, Louis Dreyfus Company Việt Nam, Tuấn Lộc Commodities, Intimex Group, Intimex Mỹ Phước, NKG Việt Nam, Phúc Sinh, Olam Việt Nam, và Mascopex…

Chủ tịch VICOFA Nguyễn Nam Hải đánh giá, đây là mức cao nhất trong những năm qua và mức tăng này là nhờ giá cà phê thế giới tăng cao. Trong 3 tháng đầu năm nay, châu Âu là thị trường nhập khẩu cà phê nhân của Việt Nam nhiều nhất với 278.718 tấn (chiếm 51,3%) và thị trường Đức dẫn đầu với khối lượng 69.924 tấn, Italy thứ 2 với 63.952 tấn, Tây Ban Nha thứ 3 với 43.287 tấn…

Hiện, mỗi tấn cà phê xuất khẩu có giá trên dưới 4.000 USD và giá cà phê nội địa là trên dưới 102.000 đồng/kg.

Cần làm gì để giữ chữ tín?

Giữa bối cảnh giá cà phê biến động lớn, các bên cần cùng nhau chia sẻ rủi ro, tránh thiệt hại dồn cho một phía.
Giữa bối cảnh giá cà phê biến động lớn, các bên cần cùng nhau chia sẻ rủi ro, tránh thiệt hại dồn cho một phía.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), khi xảy ra các vấn đề lớn liên quan đến nguồn cung cà phê, các bên trong chuỗi cung ứng cần hỗ trợ thông tin, hỗ trợ nhau. Khi xảy ra rủi ro thì cùng nhau tháo gỡ để giải quyết vấn đề một cách tốt nhất.

Năm ngoái, ở thời điểm Việt Nam gần như không còn cà phê, trong khi còn nhiều hợp đồng xuất khẩu phải thực hiện, Vicofa đã khuyến nghị các thành viên một số hướng giải quyết.

Một là nhờ các công ty nước ngoài mua cà phê từ những nguồn khác, còn công ty Việt Nam sẽ đền bù lại phần mua đó. Thứ hai là chủ động nhập khẩu cà phê từ Indonesia để giao hàng. Thứ 3 là với những hợp đồng có thể lùi lại được thì đàm phán lùi thời gian giao hàng vào đầu vụ mới. Những giải pháp đó được nhiều công ty nước ngoài đồng tình, ủng hộ. Nhờ vậy, cho đến thời điểm này, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam vẫn đang đảm bảo thực hiện các hợp đồng trong niên vụ 2023 – 2024.

Bên cạnh đó, sự đồng hành của các ngân hàng là rất quan trọng. Thực tế cho thấy, một số ngân hàng đã tạo điều kiện về vốn để các doanh nghiệp cà phê có đủ tiền mua cà phê thực hiện các đơn hàng đã ký với khối lượng lớn trong bối cảnh giá cà phê tăng cao. Bằng chứng là trong 6 tháng đầu niên vụ cà phê 2023 – 2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024), Việt Nam xuất khẩu tổng cộng hơn 956 ngàn tấn cà phê, kim ngạch đạt hơn 3 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu chủ yếu cà phê robusta với trên 825 ngàn tấn, kim ngạch trên 2,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, mới chỉ có một số doanh nghiệp lớn được ngân hàng tin tưởng, tháo gỡ khó khăn về vốn. Vì vậy, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa, đề xuất, trước tình hình giá cà phê tăng cao so với niên vụ trước, ngân hàng cần xem xét tăng hạn mức cho vay và ưu tiên lãi suất cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu cà phê để đảm bảo thực hiện các hợp đồng cung ứng, xuất khẩu đã ký.

Về lâu dài, việc ổn định sản lượng cà phê Việt Nam sẽ là cơ sở rất quan trọng để giữ vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới và đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành cà phê.

Cũng theo ông Đỗ Hà Nam, trong “bão giá” cà phê, nhiều nhà cung ứng để giữ chữ tín đã phải bán nhà để mua hàng giá cao, thực hiện những hợp đồng giá thấp. “Tất nhiên, cũng có những đối tượng lợi dụng tình hình để trục lợi, là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Tôi được biết có những vụ tranh chấp thương mại đã được gửi ra tòa án, chờ xét xử” – ông Đỗ Hà Nam thông tin.

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Daklak), ví von ngành cà phê vừa trải qua trận “đại hồng thủy”. Phần lớn các DN xuất khẩu Việt Nam đã rất dũng cảm khi thực hiện các hợp đồng; tỉ lệ “xù” hợp đồng thấp, chủ yếu là các nguồn cung ứng nhỏ.

“Niên vụ cà phê 2023-2024 các DN FDI đã mua cà phê quá sớm, bắt đầu từ tháng 6-2023 (thời điểm giá cà phê còn thấp – PV) trong khi các DN xuất khẩu cà phê Việt Nam mua vào từ sau khi thu hoạch, tức bắt đầu từ tháng 11-2023. Sự chênh lệch giá quá lớn giữa 2 thời điểm đã gây ra nhiều rủi ro và đây là bài học lớn cho vụ mùa tới” – ông Huy phân tích.

Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Phó Chủ tịch VICOFA, nói rằng trong 20 năm qua, giá cà phê luôn ở mức thấp, nông dân không có lãi nên việc chuyển đổi cây trồng rất mạnh. Điều này khiến cho nguồn cung bị thiếu hụt, đẩy giá lên cao. “Sản lượng cà phê trong dân hiện còn rất ít. Để nông dân gắn bó với cây cà phê thì họ phải có lợi nhuận tốt, nếu không họ sẽ còn tiếp tục chuyển đổi sang sầu riêng, chanh leo” – ông Hiệp nhấn mạnh.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phụ trách phía Nam – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay đơn vị đã có chuyến khảo sát vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên. Ông Tùng tin tưởng sản lượng cà phê vụ tới sẽ không thiếu hụt nhiều. “Tuy vậy, để phát triển ngành hàng cà phê bền vững các bên cần liên kết chặt chẽ với nhau để ổn định sản lượng, chất lượng, tránh biến động quá lớn như vừa qua” – ông Tùng gợi ý.



Nguồn