Bất Động Sản

Gỗ Minh Long tổ chức tọa đàm “Sáng tạo – Tiếp biến kiến trúc bản địa” tại Sapa

Chiều ngày 6/9 vừa qua, tọa đàm “Sáng tạo – Tiếp biến kiến trúc bản địa” đã diễn ra thành công tại Lady Hill Sapa Resort, thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai, với sự tham gia của đông đảo các kiến trúc sư, các nhà thiết kế tại Lào Cai và các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc bao gồm Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Sự kiện do Gỗ Minh Long phối hợp với Hội KTS tỉnh Lào Cai đồng tổ chức.

Tọa đàm “Sáng tạo – Tiếp biến kiến trúc bản địa” quy tụ sự tham gia của các KTS tỉnh Lào Cai và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

Đây là hoạt động thứ 3 nằm trong chuỗi sự kiện M Series của Gỗ Minh Long, sau thành công của hội thảo “Thiết kế Vị Nhân Sinh” tại Nghệ An và “Hiện đại hóa di sản & bản địa” tại Hải Phòng – hướng đến mục tiêu xây dựng cộng đồng chung vững mạnh và ủng hộ sự phát triển – nâng cao nhận thức của cộng đồng xây dựng – kiến trúc – nội thất về giá trị văn hóa bản địa trong đời sống đương đại.

KTS Phan Doãn Thanh – Chủ tịch Hội KTS tỉnh Lào Cai phát biểu khai mạc tại sự kiện

Tại buổi tọa đàm, 4 diễn giả – những chuyên gia uy tín với nhiều năm nghiên cứu và hoạt động trong ngành đã chia sẻ những kinh nghiệm và hiểu biết của mình về chủ đề kiến trúc bản địa. KTS Hoàng Thúc Hào – Sáng lập Văn phòng thiết kế 1+1>2, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã chia sẻ chủ đề “Di truyền và biến dị” – nói về những thực trạng của sự phát triển nhanh và nóng của các đô thị tại miền núi. Đồng thời, KTS cũng chỉ ra những sự biến dị tích cực để cộng đồng chuyên môn cùng nhau học tập, cũng như những biến dị tiêu cực cần phải khắc phục trong vấn đề quy hoạch kiến trúc.

KTS Hoàng Thúc Hào – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam chia sẻ tại buổi tọa đàm với chủ đề “Di truyền và biến dị”

KTS. Vũ Thị Hương Lan – Bộ môn Kiến trúc Dân Dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch – ĐH Xây Dựng Hà Nội lại chia sẻ những quan điểm về vấn đề “Thích ứng bản địa trong quy hoạch và kiến trúc đô thị tại Sapa”. Chị đã đưa ra những tiêu chí đánh giá về khả năng thích ứng giữa quy hoạch kiến trúc với văn hóa bản địa. Những thông tin được cụ thể hóa trong cuốn sách “Sapa: Những đổi thay của kiến trúc và cảnh quan đô thị từ thời kỳ thuộc địa cho đến ngày nay” được giới thiệu tại tọa đàm.

TS. KTS. Vũ Thị Hương Lan chia sẻ về cuốn sách “Sapa: Những đổi thay của kiến trúc và cảnh quan đô thị từ thời kỳ thuộc địa cho đến ngày nay”

Ở một góc nhìn khác, KTS Emmanuel Cerise – Trưởng đại diện Vùng Ile-de-France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam đã nêu ra “Tầm quan trọng của cảnh quan trong thiết kế công trình kiến trúc trên địa hình đồi núi” bằng những ví dụ thực tế các công trình mà ông đã trải nghiệm hoặc nghiên cứu trên khắp thế giới.

KTS Emmanuel Cerise nêu ra “Tầm quan trọng của cảnh quan trong thiết kế công trình kiến trúc trên địa hình đồi núi”

Cuối cùng, đại diện cho công ty Cổ phần Kiến trúc FARC, ông Nguyễn Quang Dũng – Phó tổng giám đốc đã đưa ra những kinh nghiệm về sự va chạm và thích ứng với yếu tố văn hóa bản địa thông qua chính những công trình mà tập đoàn Flamingo thiết kế và thi công.

KTS Nguyễn Quang Dũng nêu một góc nhìn về kết nối kiến trúc bản địa mới tại buổi tọa đàm

Những phân tích chuyên môn và góc nhìn thú vị xoay quanh sự thay đổi về văn hóa và kiến trúc tại Sapa trong thời kỳ hiện đại hóa đã được đề cập, bàn bạc và trao đổi một cách rất sôi nổi tại tọa đàm. Cùng với sự dẫn dắt của KTS Nguyễn Việt Huy – Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và những chia sẻ rất có giá trị của ông Lê Bá Ngọc – Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công Việt Nam và các vị diễn giả, phiên thảo luận tại sự kiện đã chỉ ra sự cần thiết trong việc cân bằng giữa kiến trúc – bản sắc và bảo tồn kinh tế, giữa yếu tổ bản sắc truyền thống với quá trình hiện đại hóa. Những vấn đề thực tiễn bao gồm quy hoạch cảnh quan đô thị, khai thác quỹ đất, bảo tồn các giá trị di sản và phát huy tiềm năng kinh tế tại các khu vực có địa hình phức tạp cũng đã được đưa ra thảo luận, nhằm mang đến một cái nhìn toàn cảnh, khách quan và thiết thực dưới góc độ chuyên gia về vấn đề sáng tạo, kết nối kiến trúc – văn hóa bản địa tại Sapa.

Ông Lê Bá Ngọc – Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công Việt Nam chia sẻ về yếu tố sáng tạo và khác biệt hóa
Ông Nguyễn Minh Cương – đại diện công ty Gỗ Minh Long phát biểu cảm ơn và kết thúc chương trình

Phát biểu tại hội thảo, KTS. Phan Doãn Thanh – Chủ tịch Hội KTS tỉnh Lào Cai cho biết: Sự kiện lần này đã thu hút sự chú ý đông đảo từ các anh chị em trong ngành, tạo nên một cơ hội giao lưu vô cùng ý nghĩa. Không chỉ là nơi để kết nối và học hỏi, tọa đàm “Sáng tạo – Tiếp biến kiến trúc bản địa” còn góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng kiến trúc sư, củng cố và mở rộng mối liên kết trong các cộng đồng chuyên môn trên toàn quốc, giúp nâng cao trình độ và tạo động lực cho các kiến trúc sư tiếp tục cống hiến.

Các diễn giả trong phần tham luận của tọa đàm

Nằm trong chuỗi sự kiện M Series, tọa đàm “Sáng tạo – tiếp biến kiến trúc bản địa” tại Sapa nói riêng và những sự kiện sắp tới do Gỗ Minh Long tổ chức mong muốn góp một tiếng nói chung trong quá trình nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với văn hóa bản địa, củng cố niềm tin và phát huy những giá trị sáng tạo trên nền tảng văn hóa nhằm thúc đẩy một cộng đồng xây dựng – kiến trúc – nội thất Việt vững mạnh, phát triển có chiều sâu, lấy văn hóa làm yếu tố cốt lõi để cạnh tranh và tạo thêm nhiều dấu ấn thành công với những thiết kế vươn tầm thế giới.

© Tạp chí kiến trúc



Nguồn