Gỡ “nút thắt cuối cùng” trong chuyển đổi số
Đây là một trong những nội dung được triển khai tại sự kiện Diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử với chủ đề “Phát triển hợp đồng điện tử an toàn” do Bộ Công Thương tổ chức.
Tại sự kiện, lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng các đơn vị, doanh nghiệp đã cung cấp nhiều thông tin về hợp đồng điện tử. Diễn đàn cũng tạo không gian trao đổi giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai hợp đồng điện tử an toàn trên toàn quốc trong giai đoạn 2024–2025.
Chuyển đổi số là chìa khóa cho phát triển bền vững
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương Lê Hoàng Oanh cho biết, thương mại điện tử đã và đang trở thành động lực chủ chốt trong nền kinh tế số, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 25% trong năm 2023 và dự kiến sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025.
“Trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động không ngừng, khả năng linh hoạt và sẵn sàng chuyển đổi là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”, bà Oanh nói.
Do đó, trong thời gian qua, Bộ Công Thương triển khai các giải pháp chính sách nhằm phát triển thị trường thương mại điện tử. Điều này giúp thương mại điện tử phát triển theo hướng cạnh tranh lành mạnh, xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực thích ứng với những xu thế kinh doanh và công nghệ mới.
Ngoài phát triển thương mại điện tử, bà Oanh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp đồng điện tử.
Theo Cục trưởng Lê Hoàng Oanh, hợp đồng là hình thức thể hiện cơ bản của các mối quan hệ dân sự và thương mại, là khởi đầu của các quy trình giao dịch trong đời sống xã hội và hoạt động kinh tế. Đến hết tháng 8/2024, có hơn 490.000 hợp đồng điện tử đã được chứng thực, với sự tham gia của gần 49.000 doanh nghiệp.
Để phát triển hợp đồng điện tử trong thời gian tới, lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số định hướng cần hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách về hợp đồng điện tử; công nhận và quản lý các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; thúc đẩy sử dụng hóa đơn điện tử kết hợp với hợp đồng điện tử; phát triển công nghệ kỹ thuật để nâng cao chất lượng, tính bảo mật của hợp đồng điện tử; tăng cường hợp tác, hỗ trợ giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong phát triển hợp đồng điện tử an toàn.
Doanh nghiệp chung tay chuyển đổi số
Ngoài quyết tâm từ Bộ Công Thương, cộng đồng doanh nghiệp cũng hưởng ứng việc thực hiện hợp đồng điện tử, chữ ký số trong giao dịch.
Theo ông Đỗ Kế Công – Giám đốc Trung tâm chữ ký số và hợp đồng điện tử VNPT, thời gian qua, đơn vị đã cung cấp hơn 1 triệu hợp đồng điện tử trong nhiều lĩnh vực. Khó khăn phổ biến được đại diện VNPT chỉ ra khi áp dụng hợp đồng điện tử gồm: chi phí, thủ tục phức tạp và thiếu sự chấp nhận từ các bên thứ ba (như cơ quan thuế, kho bạc).
“Để khắc phục, VNPT đưa ra nhiều giải pháp cải tiến, chẳng hạn như loại bỏ phí khởi tạo chữ ký số và cung cấp các gói ký với chi phí linh hoạt chỉ từ 1.000 đồng mỗi lượt ký”, ông Công nói.
Ông Đỗ Kế Công – Giám đốc Trung tâm chữ ký số và hợp đồng điện tử VNPT
Đồng quan điểm, ông Đỗ Quang Yên, Giám đốc Trung tâm Giải pháp C-SUITE, Công ty TNHH Tổng công ty Công nghệ và Giải pháp CMC cho rằng, chuyển đổi số là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các hệ thống CRM, ERP, Big Data và AI để tối ưu hóa quy trình, tăng cường trải nghiệm khách hàng. Tuy nhiên, hợp đồng điện tử đóng vai trò “nút thắt cuối cùng” trong chuỗi chuyển đổi số, đảm bảo sự minh bạch và tự động hóa giữa các bên tham gia, từ khách hàng, đối tác đến quản lý nội bộ.
Để giải quyết “nút thắt cuối cùng” này, ông Yên giới thiệu giải pháp công nghệ của CMC được thiết kế với các tính năng bảo mật như xác thực thời gian ký, danh tính người ký và tính toàn vẹn của hợp đồng, đảm bảo hợp pháp và an toàn cho các giao dịch trực tuyến.
Theo ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch công ty TNHH FPT IS, việc triển khai các giải pháp giao kết và xác thực điện tử là một xu hướng quan trọng và cần thiết tại Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích trong việc thúc đẩy kinh tế số. Tuy nhiên, để các tổ chức và cá nhân có thể khai thác hiệu quả những giải pháp này, vấn đề an toàn và bảo mật trong giao dịch điện tử được đánh giá là yếu tố then chốt.
Tương tự, ông Nguyễn Đăng Triển đại diện Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) đề cao vai trò của chữ ký số và định danh xác thực trong việc đảm bảo an toàn và phòng ngừa gian lận trong giao dịch điện tử.
Để giải quyết các bài toán về chữ ký số và thanh toán điện tử, ông Trần Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc VNPAY giới thiệu sản phẩm VNeDOC với tính năng dấu thời gian, chữ ký số và xác thực danh tính giúp thúc đẩy chuyển đổi số.
Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp tham gia đều đồng thuận rằng cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách liên quan đến hợp đồng điện tử để giải quyết những khó khăn thực tế. Các vấn đề như chi phí cao, thủ tục phức tạp, và sự chấp nhận hạn chế từ các bên thứ ba (cơ quan thuế, ngân hàng…) vẫn là rào cản đáng kể.
Do đó, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và các cơ quan chức năng sớm ban hành các văn bản liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật để hợp đồng điện tử có thể được chấp nhận bởi bên thứ ba cũng như tăng cường sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để hợp đồng điện tử trở thành công cụ giao dịch phổ biến.
Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình kinh doanh mà còn thúc đẩy sự minh bạch, an toàn trong các giao dịch, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững trong môi trường kinh tế số.