“Qua cách thể hiện rõ ràng bằng hình học các mối liên hệ về mặt địa lý, lịch sử và con người, chúng tôi mong muốn làm nổi bật lên sự độc đáo và bản sắc của nơi chốn. Đây là một công việc đòi hỏi tính bền bỉ. Khi kiến trúc được quốc tế hóa, đất và lãnh thổ vẫn mang nét đặc trưng riêng, chứa đựng trong nó lịch sử và bản sắc của thành phố”. Christine Dalnoky.
Tại Hà Nội, một thành phố ngàn năm tuổi ở Việt Nam, sự hiện diện của các hồ nước cho thấy dấu tích cổ xưa của sông Hồng. Không gian ven hồ theo thời gian đã trở thành không gian công cộng chính của thành phố, là nơi duy nhất ta có thể nhìn thấy được đường chân trời. Đặc trưng về mặt địa lý góp phần cấu thành nên mạng lưới đô thị của thành phố. Đó là sự xuất hiện những không gian đa dạng, bản sắc, và có tầm nhìn hướng ra mặt nước.
Ở những nơi này, đường nét quanh co của địa lý hòa nhập với mạng lưới đường theo trục của thành phố, dấu tích của những con sông là thứ mà chúng ta không bao giờ có thể kiểm soát được…
Phương án thiết kế được phát triển dựa trên mối tương quan giữa địa lý và hình học.
Sự kết hợp giữa hình học góc cạnh của kiến trúc và đường nét uốn lượn, mềm mại của thiên nhiên là ngọn nguồn khơi gợi cảm xúc, giống như một áng thơ.
Sự đối lập giữa “hình học và địa lý” tạo nên một câu chuyện:
- Những công trình kiến trúc luôn được đặt trong mối tương quan với đặc điểm địa lý và ngược lại;
- Cách tổ chức không gian cần phù hợp và hiệu quả với tính chất linh hoạt, ngẫu nhiên vốn có của tự nhiên.
Đó là sự giao thoa của đất và nước, nơi gặp gỡ của núi và đồng bằng. Nơi những đường nét uốn lượn của bờ sông kết hợp với các đường thẳng hình học của kiến trúc được kiến tạo bởi con người.
Dấu ấn trên mặt đất của thành phố ngày một mở rộng, thiên nhiên ngày càng trở nên nhân tạo ở các vùng ngoại ô, những vùng đất giàu dinh dưỡng và dễ thấm của trái đất đang bốc hơi, những dòng sông và đặc điểm địa lý đang bị xóa nhòa… Thiên nhiên trong thành phố dần bị thay thế bởi các khu vực khô cằn.
Hồ là không gian công cộng đặc trưng của Hà Nội, nơi ta có thể chiêm ngưỡng đường chân trời. Đây là không gian rất đa dạng và linh hoạt trong cách sử dụng.
Những mảng xanh xung quanh công viên có vai trò như phần rìa, là bộ lọc ánh sáng và ô nhiễm. Nếu đường phố là không gian tập trung các hoạt động và tiếng ồn, thì xung quanh hồ là không gian tĩnh lặng, nơi tạm dừng các hoạt động mà trong đó mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên được xoa dịu.
Những đường dạo ven hồ thơ mộng là ranh giới giữa hai không gian mặt nước quý giá, mang đậm bản sắc.
Vấn đề kinh tế và sinh thái
Để đối phó với sự phát triển kinh tế toàn cầu dựa vào chuẩn hóa, quan niệm phát triển mang tính sinh thái, tôn trọng con người có thể là một lựa chọn thay thế. Sáng tạo mang tính sinh thái có thể là động lực cho một nền kinh tế phát triển và tạo ra nhiều lợi nhuận trong đó quy hoạch đô thị sẽ là trọng tâm của hệ thống năng động này.
Việt Nam và Hà Nội còn có thể lựa chọn nhiều con đường phát triển để tận dụng cơ hội tuyệt vời vào đầu thế kỷ 21 và vào thời điểm Hà Nội bước sang thiên niên kỷ mới.
Khắp nơi trên thế giới, tăng trưởng xanh có một tầm quan trọng lớn mang tính chính trị và kinh tế. Do đó việc xây dựng và mở rộng Hà Nội hiện nay một là cơ hội, điều mà mà các thành phố đã định hình không thể có được nữa. Cơ may này, “thời kỳ hoàng kim” này là duy nhất trong lịch sử của đất nước và sẽ không lặp lại.
Liên quan đến phát triển đô thị của Hà Nội, có thể xem xét bốn hướng chính sau:
- Phát triển các chính sách đô thị dựa vào các thể chế công, tức quản lý Nhà nước, cho phép sự tham gia có kiểm soát của khu vực chủ đầu tư là tư nhân;
- Xây dựng cơ sở hạ tầng và mạng lưới giao thông phù hợp với điều kiện Việt Nam (ưu tiên phát triển giao thông công cộng đô thị, phát huy các công nghệ giao thông nhẹ, sử dụng giao thông đường thuỷ…);
- Nghiên cứu và phát triển kỹ năng xây dựng trên vùng ngập úng, đặc biệt tại các vùng châu thổ để phòng ngừa lũ lụt, đồng thời phát huy giao thông đường thủy;
- Kiểm soát quá trình đô thị hóa phi mã tại các vùng ngoại vi thành phố, và gìn giữ các vùng sản xuất nông nghiệp nhằm giữ đất cho những mục đích sử dụng mới và để cho các thế hệ tương lai, các khu dự trữ sinh khối hay sinh quyển.
Chúng ta, các nhà kiến trúc, quy hoạch đô thị và kiến trúc cảnh quan, là những người kiến tạo nên không gian, làm hiển thị những gì mà mắt người bình thường không còn nhìn thấy hay không còn cảm thấy, chúng ta phải cùng nhau kiến tạo và thông qua đó đem lại cho tất cả các đối tác trong xây dựng (Nhà nước, các thành phố, người dân, các nhà đầu tư) nhiều cơ hội để hình thành những địa điểm độc đáo và khác biệt, luôn đa dạng, nên thơ và dồi dào tiềm năng kinh tế, nhưng đồng thời tôn trọng quá khứ, hiện tại và tương lai.
Bản sắc riêng của những địa điểm mà chúng ta kiến tạo chính là yếu tố đảm bảo cho sự bền vững, đây là cơ sở của một nền kiến trúc có định hướng và mang ý nghĩa.
Tầm quan trọng thiết yếu là phải tăng cường và thúc đẩy quá trình phủ xanh Hà Nội
Sự hiện diện mạnh mẽ của thực vật ở Hà Nội gắn liền với cấu trúc ban đầu là một thành phố vườn. Giá trị của việc trồng rừng đô thị nằm ở mối quan hệ lịch sử với kiến trúc được thừa hưởng từ khu phố Pháp trước đây.
Các loài cây trồng trong tương lai phải được lựa chọn dựa trên khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, mang lại sự thoải mái về nhiệt trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt… những tán cây lớn bảo vệ mặt đất khỏi 80% bức xạ mặt trời.
Hiệu ứng che bóng này liên quan đến hiện tượng thoát hơi nước của cây cho phép giảm nhiệt độ không khí của đường phố từ 10 đến 15 độ trong những giờ nóng nhất (3 giờ chiều) ở Hà Nội. Thảm cây bụi rậm rạp như những tấm bình phong mát mẻ cho những chiếc ghế ở quảng trường.
Các loại cây leo kết hợp với kết cấu kim loại phù hợp (hiệu ứng bóng mát của cây) cũng có thể được sử dụng ở những không gian hẹp hơn như trong ngõ chẳng hạn.
Để giảm nhiệt cho quảng trường và tăng khả năng thẩm thấu nước mưa, các khu vực trồng cây (đất trống hoặc trồng cỏ) sẽ được mở rộng trong giới hạn phù hợp với mục đích sử dụng của khuôn viên. Sự hiện diện của yếu tố nước cũng được tính đến (đài phun nước được cải tạo, mặt nước hoặc hồ phản chiếu)
Công viên có thể trở thành không gian mang đậm bản sắc Việt trong tương lai?
1) Thủ Thiêm là một công viên giữa lòng thành phố, mang đậm tính đặc trưng của thảm thực vật và bóng mát tại miền Nam Việt Nam – một đất nước nhiệt đới.
Quảng trường Thủ Thiêm ở Sài Gòn (Dự án 2008 của DE-SO/Dalnoky) minh họa cho sự kết hợp giữa tính linh hoạt của vị trí địa lý sông Sài Gòn với các đường hình học chính xác của trung tâm thành phố. Hệ thống chòi nghỉ và nền đất nung làm nổi bật sự mềm mại của hồ nước, mô phỏng đặc điểm tự nhiên của vị trí thông qua việc tổ chức một công viên rợp bóng mát với phần nền đất dễ thẩm thấu nước mưa, nhằm mục đích đưa thiên nhiên vào trong thành phố.
Dự án mang đến khái niệm mới về “Quảng trường – Công viên”, bằng cách làm nổi bật lên đặc trưng vị trí địa lý của địa điểm và đem đến những góc nhìn mới, đa dạng về bức tranh toàn cảnh của thành phố trong quá trình chuyển đổi, thể hiện mối quan hệ độc đáo của công trình kiến trúc với dòng sông và thiên nhiên ngay trong trung tâm thành phố, ưu tiên sự thoải mái và trong lành, kèm theo chất lượng dịch vụ để tạo nên một điểm đến hấp dẫn. Văn hóa và cảnh quan địa phương được nghiên cứu và tái cấu trúc trong thiết kế công trình khiến cho cảnh quan của dự án trở nên thân thuộc với người dân Việt Nam và gợi nhiều liên tưởng cho du khách tham quan.
Các chức năng và mục đích sử dụng được đề xuất nhằm tăng số lượng khách tham quan, biến nó trở thành một địa điểm công cộng quan trọng trong trung tâm thành phố dành cho tất cả mọi người.
2) Quảng trường Diên Hồng, không gian dành cho người đi bộ
Mọi công tác quy hoạch cải tạo trên không gian công cộng của Quận Hoàn Kiếm là chủ đề được quan tâm đặc biệt và thận trọng cân nhắc để tiến hành thực hiện chỉnh trang đô thị.
Vào thời kỳ Pháp thuộc, thành phố Hà Nội được tái cấu trúc để trở thành một thành phố kiểu Pháp ở miền Viễn Đông, kiến trúc và quy hoạch đô thị được thực hiện một vai trò quan trọng trong việc định hướng phát triển mở rộng và sáng tạo thiết lập khu đô thị mới.
Các nguyên tắc thiết kế đô thị cổ điển của nhà thị trưởng lỗi lạc Adolphe Alphand (trong tác phẩm “Khu phố đi bộ Paris”, được cơ bản trình bày về quyết định hành động thiết kế đô thị Paris của Alphand, xuất bản năm 1873) sau đó tiếp nối ý tưởng thành phố vườn ở Hà Nội: vỉa hè được mở rộng ở mỗi bên đường để thiết kế hàng cây xanh ven đường, tích hợp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đường bộ (đường cấp thoát nước, đường cáp điện và phụ trợ…).
Cuối thế kỷ 19, để thực hiện xây dựng Hà Nội là thành phố của người Pháp, là cơ quan quản lý hành chính trung tâm thuộc địa (cụ thể là xây dựng hệ thống đường bộ đô thị, hệ thống tòa nhà dân dụng và hạng mục kiến trúc trung tâm) và một mặt tích hợp hệ thống công trình công để cung cấp các dịch vụ cần thiết cho đô thị, mặt khác thiết kế không gian công cộng như một sự hỗ trợ cho giao lưu cộng đồng và sáng tạo nghệ thuật không gian sống trong thành phố điển hình văn hóa Pháp trong các thành phố lớn.
Do đó, các khu phố, đại lộ, quảng trường và vườn hoa của Hà Nội thể hiện sự sáng tạo không gian đô thị mang tính hòa nhập, hiện đại và tôn trọng màu sắc bản địa hơn là một đô thị bảo thủ và độc đoán.
Đây là vấn đề thiết kế đô thị ở khu nội đô lịch sử Hà Nội, một ví dụ cho chất lượng không gian đô thị cung cấp giải pháp ưu tiên cho người đi bộ.
Ở đây cũng đề cập tới việc phát huy và làm nổi bật các di sản kiến trúc xung quanh tích hợp tiện ích cảnh quan và đô thị đặc trưng khu nội đô thành phố Hà Nội.
Việc quảng bá và làm đẹp không gian công cộng quanh khu vực Nhà hát lớn ở Hà Nội nhằm nâng tầm khu phố lịch sử mang tính biểu tượng của Thủ đô.
Vườn hoa Diên Hồng mới được cải tạo trên hai nguyên tắc thiết kế trọng điểm:
- Ưu tiên cho người đi bộ trong khu vực di sản và làm giảm vai trò chủ đạo giao thông xe cơ giới như ô tô và xe máy;
- Củng cố và tăng cường sự hiện diện của không gian cây xanh để đáp ứng những thách thức về biến đổi khí hậu về sự nóng dần toàn cầu và ô nhiễm không khí mà thành phố Hà Nội ngày càng phải đối mặt;
Tăng cường thêm nhiều không gian thoải mái dành cho người đi bộ: Không gian công cộng của khu vực Nhà hát Lớn có xu hướng bị chiếm dụng bởi phương tiện giao thông và bãi đỗ xe gây ra sự xuống cấp của không gian đô thị: Suy giảm cảm quan về khu di sản biểu tượng của Hà Nội, suy giảm chất lượng môi trường-nhiệt độ không khí, biến mất các mục đích sử dụng khác của khu phố chỉ là giao thông đường bộ.
Nếu thiếu đi sự quyết tâm mạnh mẽ từ cơ quan chính quyền trong việc duy trì bảo vệ chất lượng không gian ở trung tâm thành phố, tình trạng này sẽ có xu hướng trở nên tồi tệ hơn.
Phân luồng cho các phương tiện giao thông giúp duy trì tất cả các mục đích sử dụng không gian công cộng để biến khu nội đô sống động, thương mại và hấp dẫn hơn.
Sự xuất hiện của tàu điện ngầm ở khu nội đô Hà Nội (ga gần Hoàn Kiếm) sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến khu vực trung tâm và đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống dành riêng cho người đi bộ thực sự trong tương lai sẽ đổ về trung tâm.
Giá trị chủ yếu của không gian xanh trong đô thị là nhằm cải thiện môi trường sống ngày càng trở nên quan trọng.
Việc đảm bảo tính bền vững của di sản cây xanh phong phú ở Hà Nội và phát triển nó để duy trì sự cân bằng sinh thái mà cây xanh mang lại là một việc hết sức cần thiết:
- Điều tiết nhiệt trong thành phố bằng việc giảm hiện tượng đảo nhiệt;
- Giảm ô nhiễm đô thị (giảm thiểu lượng carbon và hấp thụ các chất ô nhiễm,…);
- Điều tiết nước mưa và bảo vệ đất;
- Là nhân tố chính trong cảnh quan và hỗ trợ đa dạng sinh học;
- Tác động tích cực của cây xanh tới sự thoải mái và sức khỏe con người…
Sự hiện diện của thiên nhiên trong thành phố cũng được người dân hưởng ứng bởi những lợi ích xã hội và khả năng cải thiện môi trường sống tuyệt vời mà nó mang lại, đặc biệt có giá trị ở các thành phố đông đúc. Nhất là đối với Hà Nội, nơi mà có tỷ lệ không gian xanh trên mỗi người dân là 0,9m2 thay vì tối thiểu 10m2 như khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới WHO.
Các nhà khoa học cũng cảnh báo về những đợt nắng nóng ngày càng kéo dài, nhiệt độ đạt mức kỷ lục mới (41,3°C năm 2019 so với 36,7°C năm 1975) và đang kêu gọi tăng cường không gian xanh ở Thủ đô – (Hiệu ứng đảo nhiệt đô thị mang lại nhiệt độ kỷ lục ở Hà Nội) – Anh Tùng Thu – ngày 11/7/2019.
3) Dự án thành cổ Sơn Tây
Việc cải tạo thành cổ Sơn Tây là cơ hội để bảo tồn một không gian xanh rợp bóng cây quý giá ở trung tâm thành phố và tạo ra một khu công viên công cộng.
Để tăng sức hấp dẫn về du lịch của khu thành cổ, một dự án giáo dục đầy tham vọng nhằm làm nổi bật di sản kiến trúc và hệ sinh thái vốn có được đề xuất. Trong tuần, đây sẽ là điểm tham quan của học sinh, sinh viên đến từ Hà Nội. Vào buổi tối và cuối tuần là không gian dành riêng cho người dân Sơn Tây.
Được bao quanh bởi hào nước, tòa thành được xây dựng vào thời Nguyễn ở thế kỷ 19, sau đó là người Pháp tiếp quản. Khu thành cổ được ví như lá phổi xanh, một không gian đa chức năng giữa lòng thành phố với xung quanh là các công trình công cộng quan trọng.
Dự án được hình thành dựa trên di sản kiến trúc hiện có của khu thành cổ. Trong đó, có 2 yếu tố cần chú ý:
- Công tác bảo tồn khu thành cổ và phát huy những di sản vốn có. Yếu tố vật liệu lát nền được tính đến đầu tiên, qua việc nghiên cứu những vật liệu vốn có của di tích (khoáng chất và thực vật) và tính thẩm thấu nước mưa của chúng. Thiết kế được lấy ý tưởng từ nguyên mẫu sẵn có và định hướng theo phong cách hiện đại, đồng thời liên kết chặt chẽ với lịch sử và họa tiết Việt Nam. Các cây di sản được bảo vệ tối đa để lấy bóng mát. Những bức tường đá ong bên ngoài được dọn sạch cỏ dại để làm nổi bật vẻ đẹp vốn có của vật liệu;
- Không gian bên ngoài xung quanh hào nước cũng được cải tạo nhằm tăng sự nhận diện về mặt thị giác của khu thành cổ vào ban ngày và ban đêm. Khu vực vỉa hè công cộng được điều chỉnh về cao độ và chỉnh trang để tránh ô nhiễm thị giác bởi vô số vật thể lộn xộn (ô tô, lan can, vật dụng đường phố). Đồng thời Công viên thành cổ cần được dễ dàng tiếp cận bằng phương tiện giao thông công cộng và gần các bãi đậu xe…
Kết luận
Thành phố xanh còn được gọi là thành phố bền vững, là xu hướng của tương lai, thể hiện bằng việc đem không gian xanh vào trong thành phố. Để Hà Nội có thể trở thành phố xanh, đòi hỏi tất cả các mảnh ghép thiên nhiên trong thành phố phải được gìn giữ. Điều này cần sự chung tay của tất cả mọi người.
Với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra và những thiệt hại mà nó gây ra, đòi hỏi ở mọi nơi trên thế giới, chúng ta phải có khoản đầu tư lớn hơn 18 lần khoản đầu tư công toàn cầu hiện nay để giảm thiểu biến đổi khí hậu… Con số này thật khủng khiếp vì nó thậm chí còn chưa đạt đến mức tối đa. Điều này liên quan đến dòng tài chính toàn cầu hiện tại. Tất cả chúng ta đều phải hành động, các chính trị gia, nhà quy hoạch đô thị, nhà cảnh quan, KTS và người dân, ở mọi quy mô để cải thiện môi trường sống trong thành phố.
Ở Việt Nam, việc thiếu quản lý quỹ đất ngay từ ban đầu đồng nghĩa với việc chỉ còn sót lại các khu vực sông ngòi, hoặc các khu vực thuộc vành đai đô thị ngoại vi của thành phố để tạo ra không gian công cộng và công viên.
Những dải đất ven sông là nơi duy nhất mà nước có thể thoát ra. Đó là một không gian “sống” với đa dạng sinh học phong phú, việc làm “ngạt thở” nó bằng các kết cấu kè bê tông như hiện nay sẽ mang lại cái chết từ từ cho những con rồng sống ở đó…
Oliver Souquet
© Tạp chí Kiến trúc