Hà Nội sẽ hạn chế phương tiện giao thông ở 5 khu vực nào?
Để giảm lưu lượng xe và ô nhiễm môi trường trong khu vực nội đô, UBND TP Hà Nội đang giao các sở, ngành có liên quan xây dựng Nghị quyết Quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố.
Từ Nghị quyết này, thành phố sẽ dựa vào một số tiêu chí về đặc điểm dân cư – kinh tế; mức độ ô nhiễm không khí; tính khả thi về hạ tầng giao thông… để xác định vùng phát thải thấp. Dự kiến trong giai đoạn từ năm 2025 đến 2030, thành phố sẽ xây dựng 5 vùng có mức phát thải thấp (vùng an toàn) để hạn chế phương tiện giao thông.
Vùng phát thải thấp được xác định và đánh giá dựa vào 5 tiêu chí.
Thứ nhất là khu vực tập trung các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; mật độ dân cư cao, có các khu vực/địa danh cần được bảo tồn, có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa xã hội.
Thứ hai, khu vực đang bị ô nhiễm không khí do nguồn phát thải từ giao thông.
Thứ ba, khu vực có hạ tầng đáp ứng được yêu cầu của phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp, có khả năng tổ chức sắp xếp giao thông một cách phù hợp, thuận tiện và khoa học.
Thứ tư, khu vực đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện.
Thứ năm, khu vực mà chính quyền và người dân đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp.
Những khu vực được xác định vùng phát thải thấp sẽ phải áp dụng biện pháp về giao thông, kinh tế để giảm ô nhiễm không khí. Hà Nội dự kiến sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy tiến tới dừng ở các quận vào năm 2030 (theo nghị quyết của HĐND TP từ năm 2017).
Thành phố sẽ có chính sách thay thế xe máy cũ không đảm bảo an toàn giao thông và xả khí thải; quy định các khu vực cấm ô tô chạy dầu diesel, khu vực hạn chế xe máy, xe tải, taxi; chính sách khuyến khích thay thế xe buýt chạy dầu diesel bằng xe chạy điện.
Về biện pháp kinh tế, Hà Nội sẽ nghiên cứu ban hành các quy định nhằm khuyến khích thu hút đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, BRT, Mono rail, buýt bằng hình thức hợp tác công tư (PPP) nhằm phát triển nhanh, đồng bộ.
Đồng thời, thành phố có chính sách hỗ trợ khuyến khích đối với người sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho các nhóm đối tượng trong xã hội, đặc biệt là đối tượng cán bộ công chức, viên chức, người lao động để thu hút nâng cao tỷ lệ sử dụng vận tải hành khách công cộng góp phần giảm phương tiện giao thông cá nhân.
Cơ chế chính sách quy định về các loại phí, thuế phí khi xây dựng và thực hiện vùng phát thải thấp phù hợp với các chính sách, quy định chung.
Hà Nội cũng giám sát chặt chẽ chất lượng dịch vụ và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng vi phạm các quy định trong quá trình khai thác.
Về lộ trình thực hiện vùng phát thải thấp, cơ quan soạn thảo cho biết, sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm tại một số khu vực từ đầu năm 2025.