Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

Hạ tầng xanh đô thị Nền tảng để phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam

Tóm tắt: Nâng cao chất lượng hạ tầng đô thị luôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong mục tiêu phát triển đô thị tại bất cứ thành phố (TP) nào trên thế giới. Hiện nay, quá trình đô thị hóa vẫn không ngừng diễn ra ở nhiều nước, điển hình là ở các nước đang phát triển ở Châu Á như Việt Nam. Để phát huy những thế mạnh của đô thị văn minh hiện đại, tạo nền tảng phát triển đô thị bền vững cho tương lai tươi đẹp của các TP ở Việt Nam, phát triển hạ tầng xanh đô thị là một chiến lược khả thi và phù hợp đối với bối cảnh đô thị của chúng ta, nhất là khi thế giới đang và sẽ đối mặt với vấn đề Biến đổi khí hậu (BĐKH) nghiêm trọng hơn trong kỷ nguyên này. Có thể khẳng định rằng, “thời điểm vàng” để phát triển Hạ tầng xanh đô thị hiện đã và đang nằm trong tay Việt Nam, khi mà chúng ta có đầy đủ tiềm lực, cơ hội và các điều kiện cần thiết để phát triển đô thị đồng bộ, cùng với sự hợp tác liên ngành hiệu quả.

Bài viết này nhằm cung cấp thêm góc nhìn về Hạ tầng xanh đô thị, từ đó gợi mở những đề xuất có thể áp dụng mô hình hạ tầng xanh đô thị trong thực tế, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển đô thị bền vững phù hợp với bối cảnh tại Việt Nam.

Hình 1 – Các chiến lược Châu Âu kết nối với Hạ tầng xanh (1. Bản thiết kế bảo vệ nguồn nước Châu Âu, năm 2012/ 2. Sách trắng về việc thích ứng với BĐKH hướng tới khuôn khổ Châu Âu, năm 2009/ 3. Chiến lược đa dạng sinh học Châu Âu tới 2030 – đưa thiên nhiên trở lại cuộc sống của chúng ta/ 4. Lộ trình sử dụng tài nguyên hiệu quả/ 5. Bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên hoang dã, năm 2009/ 6. Thỏa thuận Xanh Châu Âu, năm 2019/ 7. Nghị sự Đô thị, năm 2016) – Nguồn: Interreg Centeral Europe.

Urban green infrastructure – The foundation contributes to sustainable urban development in Vietnam

Abstract: Improving the quality of urban infrastructure is always one of top important tasks in the goal of urban development in any city in the world. Currently, the process of urbanization is still taking place in many countries around the world, especially in developing Asian countries like Vietnam. In order to promote the strengths of modern civilized cities, create a foundation for sustainable urban development for the bright future of cities in Vietnam, urban green infrastructure development is a feasible goal and appropriate to our urban context, especially when the world is and will face the more serious problem of climate change in this era. It can be said that the “golden moment” to develop urban green infrastructure is now in the hands of developing countries like Vietnam, when we have full opportunities for synchronous urban development, if there is effective interdisciplinary cooperation. The early inclusion of the idea of urban green infrastructure development in strategic urban planning projects, emphasizing the importance of this idea in the goal of urban development in our cities, is a timely preparation steps, creating momentum for the development of sustainable urban areas of Vietnam

This article aims to provide more perspectives on urban green infrastructure, thereby suggesting proposals for applying urban green infrastructure models, contributing to promoting sustainable urban development in accordance with the context. urban areas in Vietnam

1. Hạ tầng xanh đô thị

Khái niệm hạ tầng xanh đô thị (Urban Green Infrastructure) đã được nhiều nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu và cả các chính phủ nhận định, phát triển theo thời gian. Thực tế, không có một định nghĩa duy nhất được chấp nhận rộng rãi, nhưng về cơ bản, khái niệm này nhằm đề cập đến mạng lưới các không gian tự nhiên và bán tự nhiên trong các khu vực đô thị mang lại nhiều lợi ích về môi trường, xã hội và kinh tế. Hạ tầng xanh đô thị thường bao gồm các công viên, không gian xanh, những con đường rợp bóng cây, các khu rừng đô thị, vùng đất ngập nước, các vườn đứng, mái nhà phủ cây xanh,… Benedict & Mc Mahon đã định nghĩa một cách ngắn gọn vào năm 2001 như sau: “Hạ tầng xanh đô thị được xem như là mạng lưới không gian xanh, liên kết với nhau để bảo tồn các giá trị và chức năng của hệ sinh thái tự nhiên và cung cấp các lợi ích cho con người”. Trong những năm gần đây, Hạ tầng xanh đô thị đã và đang trở thành chủ đề nghiên cứu thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học tại Châu Âu. Năm 2013, Liên minh Châu Âu đã nhấn mạnh định nghĩa về hạ tầng xanh đô thị, nhằm xác nhận vai trò không thể thiếu trong các nhiệm vụ quy hoạch không gian và phát triển lãnh thổ ở tất cả các quốc gia thành viên, bao gồm mục tiêu thúc đẩy đa dạng sinh học của môi trường thiên nhiên trong châu lục. CHLB Đức là một trong những nước tiên phong, đề ra những chương trình hành động nhằm bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và gìn giữ đa dạng sinh học trong phát triển đô thị, thông qua những mục tiêu phát triển hạ tầng xanh đô thị cho tương lai. [1]

Hạ tầng xanh đô thị chứa đựng rất nhiều những ưu điểm nổi trội như: Hỗ trợ nâng cấp chất lượng sống, đẩy mạnh sự phát triển hệ sinh thái và bảo đảm sự phát triển bền vững trong các đô thị… [1].

Kể từ thời điểm ban đầu, khi khái niệm hạ tầng xanh đô thị được đưa ra, nhiều học giả và các nhà nghiên cứu trên thế giới đã giành sự quan tâm nghiên cứu, đề xuất các chính sách, nguyên tắc và cách thức thực hiện. Những cuộc luận bàn khoa học vẫn đang diễn ra về việc làm sao thiết lập được phương pháp thực hiện hiệu quả và hợp lý nhất để chia sẻ giá trị của hạ tầng xanh trong đô thị [2].

Hình 2 – Hạ tầng xanh đô thị giúp thiết lập nên các không gian kết nối con người với thiên nhiên
(Nguồn: https://www.nature.scot )

Việc bảo tồn môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học trong các đô thị, bằng các giải pháp dựa trên tự nhiên (Nature-based Solutions – NbS), là cách tiếp cận hiệu quả và có tính khả thi rất cao của mô hình hạ tầng xanh đô thị.

Tại Châu Âu, CHLB Đức là một trong những quốc gia đã sớm xây dựng chiến lược nhằm áp dụng mô hình này cho các TP và các địa phương, các công cụ lập kế hoạch phát triển hạ tầng xanh đô thị chính thức và không chính thức đã được thiết lập và áp dụng trong chiến lược phát triển đô thị.

Phát triển hạ tầng xanh đô thị sẽ giúp nâng cao chất lượng các không gian ở, tăng cường các hoạt động kết nối giao thông, giúp giảm thiểu áp lực thoát nước đô thị, hạn chế ô nhiễm môi trường; thậm chí có thể sản xuất lương thực – như một phần của hệ sinh thái đô thị rộng lớn hơn. Môi trường tự nhiên hài hòa trong đô thị có thể tạo ra những địa điểm hấp dẫn cho con người, dễ dàng gắn kết với thiên nhiên, từ đó có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe và hạnh phúc của con người.

Theo nghiên cứu được hoàn thành năm 2013 của David C. Rouse và các cộng sự, hạ tầng xanh đô thị hàm chứa tính bền vững quý giá: Ba chữ “E” về tính bền vững là Environment (môi trường), Economy (kinh tế) và Equilty (công bằng)

Hình 3 – Hạ tầng xanh đô thị sẽ giúp “hồi phục những tổn thương” của môi trường đô thị, do quá trình bùng nổ đô thị hóa đã và đang gây ra (Nguồn: georgetownclimate.org)

1.1. Tác động tới Môi trường

Hạ tầng xanh đặc biệt hữu dụng với bản chất tận dụng thiên nhiên để điều tiết việc tiêu thoát nước mưa. Trong các đô thị lớn, khi mà rất nhiều không gian bị “bê tông hóa” với nhiều mặt đường không thấm nước, gây ngập lụt giao thông khi có những trận mưa lớn (như ở Hà Nội những năm vừa qua), nếu như hệ thống Hạ tầng xanh đô thị chứa đựng những thảm thực vật và đất có khả năng thẩm thấu, hấp thụ nước tốt đã được ưu tiên quy hoạch trong đô thị, thì áp lực nước chảy tới hệ thống cống rãnh của TP sẽ được giảm thiểu đi rất nhiều. Thông qua cây xanh, công viên và vùng đất trũng có thể chứa nước, được thiết lập một cách khoa học, các TP lớn hoàn toàn có thể giảm bớt áp lực lên hệ thống thoát nước, giúp tạo ra các tác động hữu ích khác tới môi trường tự nhiên nói chung.

  • Hạ tầng xanh đô thị giúp hấp thụ nước mưa, giảm dòng chảy và các tác động liên quan như lũ lụt và xói mòn;
  • Giúp cải thiện chất lượng môi trường bằng cách loại bỏ các chất ô nhiễm có hại từ không khí và nước;
  • Hỗ trợ điều hòa khí hậu địa phương và giảm bớt hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, góp phần bảo tồn năng lượng;
  • Giúp bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên và cung cấp môi trường sống cho hệ động vật và thực vật bản địa;
  • Giúp giảm nhẹ BĐKH bằng cách giảm lượng phát thải nhiên liệu hóa thạch từ phương tiện, giảm mức tiêu thụ năng lượng của các tòa nhà và cô lập và lưu trữ carbon.

1.2. Tác động tới Kinh tế

  • Hạ tầng xanh có thể tạo ra cơ hội việc làm và kinh doanh trong các lĩnh vực như quản lý cảnh quan, giải trí và du lịch;
  • Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hạ tầng xanh đô thị có thể kích thích doanh số bán lẻ và các hoạt động kinh tế khác hoạt động ở các khu kinh doanh địa phương;
  • Giúp có thể làm tăng giá trị tài sản/bất động sản trong khu vực đô thị;
  • Hạ tầng xanh đô thị giúp thu hút du khách, người dân và doanh nghiệp đến với một cộng đồng;
  • Giúp giảm chi phí năng lượng, chăm sóc sức khoẻ và cơ sở hạ tầng xám, làm lợi hơn cho các mục đích khác.

1.3. Tác động xã hội (tính công bằng) tới cộng đồng.

  • Hạ tầng xanh đô thị giúp thúc đẩy lối sống lành mạnh bằng cách cung cấp các tiện ích ngoài trời cơ hội giải trí và tạo điều kiện cho mọi người đi bộ hoặc đi xe đạp như một phần của thói quen hàng ngày của họ;
  • Hạ tầng xanh đô thị cải thiện điều kiện môi trường (ví dụ: Chất lượng không khí, nước) và ảnh hưởng của chúng tới sức khỏe cộng đồng;
  • Giúp thúc đẩy sự công bằng xã hội và tạo khả năng tiếp cận môi trường sống tốt hơn cho những người kém may mắn trong xã hội (cư dân thu nhập thấp, người tàn tật…);
  • Góp phần cung cấp nơi để mọi người tụ tập, giao lưu và xây dựng tinh thần cộng đồng;
  • Góp phần nâng cao chất lượng thẩm mỹ của phát triển đô thị và ngoại ô;
  • Có thể tạo cơ hội cho nghệ thuật công cộng thể hiện các giá trị văn hóa;
  • Hạ tầng xanh đô thị còn có thể kết nối con người với thiên nhiên. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sức khỏe tốt hơn, cải thiện thành tích giáo dục và có thể giảm bạo lực trong cộng đồng.

2. Mô hình Hạ tầng xanh đô thị

Mô hình hạ tầng xanh đô thị tập trung vào việc kết hợp các yếu tố tự nhiên vào cấu trúc hạ tầng của TP để cải thiện chất lượng môi trường đô thị. Do vậy, về cơ bản, mô hình này gồm các hệ thống gắn kết với hạ tầng đô thị, liên quan đến nước, đất, các không gian xanh đô thị, và các yếu tố sinh thái, giúp tăng cường khả năng giảm thiểu các vấn đề nguy hại của BĐKH và đồng thời nâng cao chất lượng sống của con người trong đô thị, cải thiện sức khỏe cộng đồng. Các hệ thống cơ bản của Hạ tầng xanh đô thị bao gồm:

Công viên xanh và không gian xanh (Green Spaces) trong đô thị:

Đây là “lá phổi xanh” của các đô thị, cung cấp không gian vui chơi, giải trí và nghỉ ngơi cho cư dân. Các không gian xanh này sẽ giúp điều hòa khí hậu, giảm nhiệt độ đô thị, bên cạnh đó, giúp tạo lập ra một môi trường sống cho các loài động thực vật, góp phần bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.

Hình 4 – Hạ tầng xanh đô thị và những lợi ích trong đô thị
(Nguồn: Researchgate)

Hệ thống thoát nước bền vững (Sustainable Urban Drainage Systems)

Hệ thống thoát nước bền vững để ứng phó với hiện tượng mưa lớn và ngập lụt do BĐKH gây ra. Hệ thống này có thể bao gồm các kênh rạch, hồ chứa nước và vườn mưa, giúp thu gom và xử lý nước mưa trước khi xả ra môi trường. Các công viên và quảng trường công cộng cũng có thể được thiết kế để trở thành các “vùng chứa nước dự phòng” khi cần thiết, hỗ trợ giảm thiểu rủi ro ngập lụt.

Mái nhà xanh (Green Roofs)

Những mái nhà xanh có thể giúp cách nhiệt cho các tòa nhà, giảm tiêu thụ năng lượng mà còn cung cấp không gian xanh cho cư dân, góp phần tăng cường đa dạng sinh học và cải thiện chất lượng không khí; trong đó điển hình là khả năng giúp giảm thiểu hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị” đang đe dọa tới chất lượng sống trong đô thị của nhiều nước đang phát triển ở Châu Á.

Giao thông xanh và thân thiện với môi trường

Hệ thống giao thông công cộng hiệu quả và thân thiện với môi trường, đặc biệt tạo lập hệ thống tàu/ xe buýt điện không khói, giúp phát triển mạng lưới giao thông xanh với các tuyến đường xe đạp, hệ thống giao thông công cộng hiện đại và khuyến khích sử dụng phương tiện không phát thải.

Tường xanh (Green Walls)

Những bức tường xanh, thẳng đứng, được phủ đầy cây xanh sẽ không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn giúp cải thiện chất lượng không khí và giảm nhiệt độ môi trường xung quanh và cũng như hệ thống mái xanh, giúp hạn chế hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị” hiệu quả. Bên cạnh đó, mô hình tường xanh này sẽ góp phần tạo ra cảnh quan đô thị đẹp, là điểm nhấn đáng nhớ trong đô thị.

Hệ thống nông nghiệp đô thị (Urban Agriculture)

Tạo lập các trang trại/khu vườn đô thị, giúp cải thiện an ninh lương thực và cung cấp thực phẩm tươi cho cộng đồng, từ việc tái tạo lại các khu vực bị bỏ hoang và tạo ra công việc cho người dân địa phương, nơi người dân đô thị có thể trồng rau quả và thực phẩm ngay trong lòng TP, tăng cường khả năng tự cung tự cấp thực phẩm trong mỗi đô thị, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhập khẩu và từ đó tăng cường an ninh lương thực.

Hồ điều hòa và kênh mương xanh (Water Management Systems)

Mô hình này là một sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ và môi trường, nhằm mục tiêu quản lý tài nguyên nước bền vững; vừa giảm thiểu nguy cơ ngập lụt do mưa lớn trong đô thị, tăng cường chức năng thoát nước; vừa tạo nên các không gian tự nhiên như công viên và các khu vực công cộng, môi trường không khí trong lành cho cư dân đô thị.

Hệ thống năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng

Các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió, điện mặt trời và hệ thống sưởi ấm khu vực bằng năng lượng tái tạo. Hệ thống tiết kiệm năng lượng có thể được áp dụng rộng rãi trong các tòa nhà và cơ sở hạ tầng đô thị, giúp hướng tới mục tiêu tạo lập các TP trung hòa carbon.

Có thể thấy rằng, với các ưu điểm rất cụ thể như khả năng kết hợp các yếu tố tự nhiên và nhân tạo để giải quyết các vấn đề môi trường, cải thiện chất lượng sống và tăng cường khả năng chống chịu của TP đối với vấn đề BĐKH, rõ ràng rằng, việc áp dụng mô hình hạ tầng xanh đô thị sẽ là một chiến lược đóng vai trò đáng kể, góp phần đạt được mục tiêu phát triển đô thị bền vững ở các TP và vùng đô thị. [3]

3. Tiềm năng phát triển Hạ tầng xanh đô thị tại Việt Nam

3.1. Yêu cầu đổi mới trong phát triển đô thị tại Việt Nam

Chủ trương “Lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng” được nhấn mạnh tại Đại hội XIII của Đảng, được coi như là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển đất nước cho thập kỷ mới từ 2021 tới 2030, trong đó: “Trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông đô thị lớn”; “Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị”. Trong văn kiện Đại hội, các chỉ tiêu phát triển đô thị đã được đặt ra: Cho đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%; và năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Đại hội xác định rõ các nhiệm vụ: tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; kết nối nông thôn với đô thị; tăng cường quản lý đô thị, phát triển các đô thị vệ tinh, hạn chế xu hướng tập trung quá mức vào các đô thị lớn. Dựa trên định hướng tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022, về “quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Có thể coi như đây là nghị quyết toàn diện của Đảng trong việc chỉ đạo việc phát triển đô thị 1 cách tổng thể và toàn diện, bao gồm các quan điểm chính như: “Nâng cao nhận thức về vai trò vị trí của đô thị Việt Nam để tận dụng lợi thế phát triển; đô thị hóa là tất yếu và là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới; công tác quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước để đảm bảo sự phát triển hài hòa, cân bằng đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng đô thị với tốc độ, quy mô đô thị hóa nhằm đạt được sự phát triển trật tự, ngăn nắp và tạo điều kiện cho phát triển mạnh mẽ; chú trọng công tác cải tạo tái thiết đô thị trong đó khơi thông nguồn lực phát triển đô thị và phát huy bản sắc đô thị; phát triển đô thị theo mô hình xanh, thông minh, BĐKH để phù hợp với xu thế và hướng đến sự bền vững. Trong đó, cụ thể các chỉ tiêu về quy hoạch (tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị 100%), chỉ tiêu thúc đẩy năng lực hạ tầng, giao thông đô thị (tỷ lệ các đô thị loại III trở lên hoàn thành các tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng y tế, giáo dục, đào tạo, công trình văn hóa cấp đô thị là 100%; ít nhất 130 đô thị từ loại III trở lên hoàn thiện các tiêu chuẩn hạ tầng đô thị, đầu tư khép kín các đường vành đai, đường xuyên tâm, bến, bãi đỗ xe tại các đô thị; tăng thêm ít nhất 400km2 đất giao thông đô thị), cải tạo không gian đô thị và tạo không gian xanh và không gian công cộng (tỷ lệ các đô thị hiện có và đô thị mới có chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết và phát triển đô thị: 100%; khoảng 700 phường thuộc đô thị từ loại III trở lên đạt chuẩn, phát triển tăng thêm ít nhất 30 triệu m2 cây xanh tại các đô thị loại III, II, I và 10 triệu m2 cây xanh công cộng tại các đô thị loại đặc biệt), nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28m2 năm 2025 và 32m2 năm 2030… phấn đấu đến năm 2035 có 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN”. [4]

3.2. Cơ hội phát triển Hạ tầng xanh cho đô thị Việt Nam

a. Tiềm năng phát triển

Bằng việc ra Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã thể hiện sự quyết tâm trong việc lãnh đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện rõ ràng bằng các định hướng cụ thể cho các đô thị lớn tại Việt Nam phát triển bền vững. Rõ ràng, tiềm năng phát triển hạ tầng xanh đô thị Việt Nam là rất lớn, bởi đó là xu thế thời đại, là một phần quan trọng của đô thị bền vững; việc phát triển mô hình hạ tầng xanh đô thị chắc chắn sẽ được các cơ quan ban ngành hỗ trợ cả về mặt quản lý hành chính lẫn chuyên môn. Khi mà Việt Nam chúng ta vẫn đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện các hệ thống hạ tầng đô thị hiện đại mới tại nhiều TP trên cả nước, rõ ràng là cơ hội vẫn rất rộng mở để chúng ta có thể kịp thời đưa ý tưưởng và mô hình hạ tầng xanh đô thị vào trong thực tế một cách hài hòa, phù hợp với bối cảnh thời đại.

b. Chiến lược và mục tiêu

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các mô hình phát triển đô thị hiện đại và bền vững như xây dựng hạ tầng xanh đô thị, các chính sách phát triển đô thị đóng vai trò quan trọng, tạo hành lang pháp lý và sự minh bạch trong triển khai và thu hút sự tham gia của toàn xã hội trong phát triển đô thị. Việc điều chỉnh các quy định luật pháp phù hợp hơn với sự thống nhất liên ngành sẽ giúp cho quá trình phát triển đô thị của Việt Nam đúng hướng và hiệu quả hơn.

  • Thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh, bền vững, có năng lực chống chịu với BĐKH, đảm bảo hiệu quả kinh tế – sinh thái, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng, tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh và thân thiện môi trường, tiết kiệm thời gian đi lại; ưu tiên phát triển hệ thống vận tải công cộng đô thị với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế trong đầu tư phương tiện, khai thác vận tải hành khách công cộng (Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050).
  • Tạo lập và phát triển đô thị tăng trưởng xanh ở Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, hiệu quả, bền vững, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nâng cao năng lực chống chịu ứng phó BĐKH của hệ thống các đô thị, đóng góp cho cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính (Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030).

c. Tiến trình thực hiện

  • Về cơ chế, chính sách

Hoàn thành Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 294/QĐ-TTg ngày 24/02/2020. Hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá liên quan đến lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống hạ tầng xanh đô thị. Ban hành cơ chế, chính sách định hướng, khuyến khích đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong đô thị theo hướng tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện, tháo gỡ các khó khăn, rào cản, tạo động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, quản lý khai thác.

  • Về nguồn lực thực hiện

Tập trung ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị. Lấy ngân sách là hạt nhân, tạo sức hút các nguồn vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị. Mở rộng phương pháp tiếp cận, hoàn thiện các cơ chế thu hút tối đa các nguồn lực. Quản lý chặt chẽ, ngăn chặn thất thoát, lãng phí, phát huy cao nhất hiệu quả của các nguồn lực trong và ngoài ngân sách. Nâng cao chất lượng cán bộ quản lý kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị từ trung ương đến địa phương, từ hoạch định chính sách đến tổ chức triển khai thực hiện. Coi trọng việc sử dụng cán bộ quản lý phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Lấy chất lượng làm tôn chỉ cho công tác đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ quản lý. Sử dụng nguồn lực tạo ra từ quá trình phát triển đô thị để tạo điều kiện tài chính đầu tư, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng, trong đó có mục tiêu phát triển Hạ tầng xanh, nhằm tạo nên nền tảng cho quá trình phát triển bền vững của đô thị.

  • Ứng dụng khoa học công nghệ

Với những sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ trong thế kỷ mới, việc ứng dụng những thành tựu công nghệ trong phát triển đô thị là xu thế không thể thay đổi, chúng ta không ngừng cập nhật công nghệ trong đô thị, thúc đẩy việc đào tạo nhân lực có đủ năng lực áp dụng các ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần kiến tạo nên các không gian đô thị văn minh cho con người trong thế kỷ mới.

  • Tập trung đầu tư phát triển đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật

Đầu tư phát triển đô thị đồng bộ, có sự kết nối liên vùng, giữa TP và nông thôn, đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông thông minh, xử lý rác thải, nước thải đô thị bằng các ứng dụng khoa học hiện đại…nhằm xây dựng kế hoạch, đầu tư xây dựng không gian công cộng đô thị, xanh hóa cảnh quan đô thị một cách hiệu quả.

Thúc đẩy và tạo điều kiện ứng dụng các công nghệ khoa học trong xây dựng phát triển hạ tầng đô thị xanh ngay từ những giai đoạn đầu của mỗi dự án phát triển đô thị, điều đó sẽ giúp tạo ra sự đồng bộ trong các không gian đô thị với những ứng dụng công nghệ hiện đại, được cập nhật kịp thời [5]

Hình 5 – Các thành phần tích hợp Hạ tầng xanh và Hạ tầng kỹ thuật đơn thuần trong đô thị (Nguồn: Rieke Hansen et al., 2018)

4. Các giải pháp khả thi áp dụng mô hình hạ tầng xanh trong đô thị góp phần kiến tạo nên các đô thị bền vững

a. Kinh nghiệm trên thế giới

Với mục tiêu phát triển các đô thị bền vững, trong đó nhiệm vụ cấp thiết hiện nay là giảm thiểu các tác động tiêu cực của BĐKH và cải thiện chất lượng sống trong đô thị. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang thực hiện một số giải pháp áp dụng mô hình hạ tầng xanh đô thị trong thực tế.

  • Đối với quy mô đô thị: Thiết lập hệ thống thu gom và tái sử dụng nước mưa (Rainwater Harvesting Systems) tại Berlin, Đức. Hệ thống này giúp TP có thể thu gom và tái sử dụng nước mưa cho tưới cây xanh đô thị và làm mát không gian công cộng. Với mô hình này, lợi ích rõ rệt nhất là việc đô thị giảm được áp lực lên hệ thống cấp nước, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.

Xây dựng hệ thống thấm nước (Permeable Pavements) trong đô thị tại Oregon, Mỹ, bằng việc sử dụng vật liệu lát thấm nước để giảm nguy cơ ngập lụt và ô nhiễm nguồn nước. Với mô hình này, đô thị TP đã giảm thiểu lượng nước mưa tràn bề mặt, giảm tải cho hệ thống thoát nước trong đô thị hiệu quả.

Hình 6 – Lợi ích của việc sử dụng hệ thống thu nước mưa và mái xanh.
(Nguồn: Researchgate)

Tại TP Copenhagen, Đan Mạch, chính quyền ưu tiên xây dựng hệ thống hồ điều hòa với mục tiêu rõ ràng là để trữ nước mưa, giúp tránh ngập lụt và cải thiện cảnh quan đô thị. Mô hình này giúp điều hòa dòng chảy nước mưa hiệu quả, kiểm soát tác động của lũ lụt hữu hiệu và cũng tạo ra không gian tự nhiên giúp cải thiện hệ sinh thái trong đô thị.

Xây dựng hệ thống công viên mưa bão (Stormwater Park) tại Quin, Trung Quốc, với khả năng thấm nước, lọc nước và phòng chống ngập lụt. Mô hình này giúp TP vừa có thể kiểm soát được lượng nước mưa lớn trong mùa mưa bão, bảo vệ đô thị khỏi ngập lụt, vừa tạo ra các không gian xanh giải trí cho cư dân đô thị.

Hành lang xanh (Green Corridors) tại Singapore giúp nối liền các “khu rừng đô thị” với nhau, cho phép động vật di chuyển và kết nối môi trường sống tự nhiên. Mô hình này đặc biệt mang lại lợi ích rất quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng không khí, giảm nhiệt độ đô thị.

  • Đối với quy mô công trình:

Tạo lập hệ Vườn đứng (Vertical Gardens) tại tòa nhà chung cư cao tầng Bosco Verticale, Milan, Ý đã giúp mở ra giải pháp mới cho việc thiết kế mặt đứng các công trình trong đô thị đương đại, theo hướng bền vững. Tòa nhà chung cư này với các ban công trồng cây xanh tạo không gian xanh thẳng đứng là một công trình điểm nhấn tại Milan, giúp giảm nhiệt độ môi trường xung quanh và hấp thụ CO2. Mô hình này rõ ràng đã giúp tăng cường không gian xanh trong đô thị mà không cần chiếm thêm diện tích đất, cải thiện chất lượng không khí và cách nhiệt cho tòa nhà; đặc biệt góp phần làm giảm thiểu đáng kể hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị” ở các TP lớn.

Mái nhà xanh (Green Roofs) tại Central Park, Sydney, Úc, với các tòa nhà có mái được phủ cây cối và thảm cỏ, giúp cách nhiệt, giữ nước mưa và tạo môi trường sống cho động thực vật. Mô hình này cũng góp phần đáng kể việc giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, bên cạnh đó, tăng cường khả năng quản lý nước mưa, cải thiện thẩm mỹ và tạo ra môi trường sống tự nhiên trong đô thị.

Tại Đức, hệ thống thu gom và tái sử dụng nước mưa (Rainwater Harvesting Systems) cũng được áp dụng cho nhiều công trình xây dựng hiện đại, hệ thống này được thiết kế và tạo lập liền mạch từ mái cho tới các không gian sân vườn của các tòa nhà, giúp hỗ trợ công tác quản lý nước, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước hiệu quả. [8]

b. Lựa chọn mô hình hạ tầng xanh đô thị thích ứng với bối cảnh của Việt Nam.

Như đã đề cập ở phần trước, tiềm năng áp dụng mô hình hạ tầng xanh tại Việt Nam chúng ta còn rộng mở và hoàn toàn khả thi. Với sự thống nhất về mặt quản lý nhà nước trong các chiến lược phát triển đô thị, trong bối cảnh phát triển đô thị của chúng ta, hạ tầng đô thị tại nhiều TP hiện vẫn đang phát triển, mở rộng quy mô xây dựng và hoàn thiện tổng thể trong tương lai. Một số giải pháp nhằm áp dụng mô hình Hạ tầng xanh đô thị tại Việt Nam như sau:

  • Hệ thống thoát nước bền vững (Sustainable Urban Drainage Systems) Mô hình thoát nước bền vững của Copenhagen (Đan Mạch) và Portland (Mỹ) hoặc công viên Stormwater Park như ở Trung Quốc, có thể là những bài học kinh nghiệm thực tế, để áp dụng giải quyết vấn đề thoát nước trong đô thị tại các TP lớn như Hà Nội và TP. HCM, hạn chế tình trạng ngập lụt sau các cơn mưa lớn; khi mà các hệ thống thoát nước đô thị hiện không còn đáp ứng đủ nhu cầu. Các TP như Hà Nội, rõ ràng cần cải tiến hệ thống cống thoát nước hiện tại, kết hợp với việc phát triển vườn mưa, hồ điều hòa và các khu vực chứa nước tạm thời trong công viên và các khu đô thị mới, sẽ giúp giảm áp lực cho hệ thống thoát nước và ngăn chặn ngập lụt hiệu quả. Công viên xanh và không gian xanh (Green Spaces): Mô hình phát triển công viên xanh, các hành lang xanh (Green Corridors) như ở Singapore có thể được nhân rộng tại các TP lớn của Việt Nam. Việc phát triển và mở rộng các công viên như Công viên Thống Nhất ở Hà Nội hay Công viên Tao Đàn ở TP. HCM sẽ cung cấp không gian xanh cho cộng đồng, cải thiện chất lượng không khí và tạo ra môi trường sống trong lành.
    Tăng cường không gian xanh trong các khu đô thị mới: Các dự án đô thị mới nên được quy hoạch để tích hợp nhiều không gian xanh, đảm bảo cư dân có môi trường sống thân thiện với thiên nhiên. Những khu vực ven sông Hồng là những địa điểm lý tưởng để thực hiện ý tưởng phát triển các hành lang xanh cho TP Hà Nội trong tương lai gần.
  • Khuyến khích phát triển Mô hình mái nhà xanh (Green roofs): Ở các TP lớn của Việt Nam thông qua các kinh nghiệm thực tiễn tại Berlin (Đức). Việc khuyến khích xây dựng mái nhà xanh trên các tòa nhà công cộng và tư nhân sẽ giúp cách nhiệt hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và tăng cường không gian xanh, giảm đáng kể nhiệt độ môi trường trong nội thành cho đô thị lớn như TP Hà Nội (hiện đang đối diện với vấn đề “đảo nhiệt đô thị” đáng báo động).
  • Phát triển giao thông xanh, thân thiện với môi trường chính là xu thế của thời đại, vì vậy, mô hình này rất nên được khuyến khích áp dụng ở Việt Nam; các tín hiệu tích cực đã xuất hiện ở TP Hà Nội khi hiện nay đã có xe buýt điện, xe đạp điện cũng như hệ thống tàu điện trên cao đang được sử dụng nhiều hơn. Khi chúng ta phát triển đồng bộ được hệ thống giao thông công cộng hiệu quả, kết hợp với mạng lưới đường xe đạp và các phương tiện giao thông không phát thải, thì các TP như Hà Nội và TP. HCM, với mật độ giao thông cao sẽ dần giảm thiểu vấn đề ô nhiễm không khí đáng lo ngại trong những năm gần đây.
  • Mô hình tường xanh (Green Walls) cũng là một giải pháp có thể áp dụng ở Việt Nam, khi mà các không gian xanh trong các khu trung tâm đô thị lớn đang bị thu hẹp như ở Hà Nội và TP HCM, đặc biệt là trên các tòa nhà cao tầng và khu vực đông dân cư để cải thiện chất lượng không khí và giảm nhiệt độ môi trường xung quanh. Cần khuyến khích xây dựng tường xanh tại các khu vực công cộng và tư nhân như tại các trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng và các khu dân cư mới… tích hợp các bức tường xanh để tăng cường không gian xanh trong đô thị.
  • Khuyến khích phát triển hệ thống năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam, đặc biệt là trong các khu đô thị mới và ở các dự án phát triển công nghiệp. Sử dụng năng lượng mặt trời, gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác sẽ giúp giảm thiểu phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và bảo vệ môi trường. Các dự án mới nên được yêu cầu tích hợp các giải pháp tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch. Bước sang thế kỷ 21, mục tiêu phát triển đô thị bền vững không thể thiếu đi nỗ lực tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo ở bất cứ nơi đâu, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Trong bối cảnh phát triển đô thị mạnh mẽ ở Việt Nam hiện nay, chúng ta có thể kết hợp và điều chỉnh các mô hình hạ tầng xanh này để phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng TP và từng khu vực. Với những nội dung đề cập ở trên, việc áp dụng các mô hình hạ tầng xanh đô thị không chỉ giúp giải quyết các vấn đề môi trường đô thị hiện tại mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai, đảm bảo chất lượng sống tốt hơn cho cư dân đô thị của chúng ta.

5. Thay lời kết

Ngày 27/7/2023, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã đưa ra cảnh báo mới nhất về tác động nghiêm trọng và khó lường của BĐKH, rằng kỷ nguyên của hiện tượng “ấm lên toàn cầu” đã chấm dứt và kỷ nguyên “nung nóng toàn cầu” đã bắt đầu! Trước các tác động không thể lường trước của BĐKH trên toàn cầu hiện nay, ý tưởng phát triển Hạ tầng xanh đô thị đã và đang là điều kiện không thể thiếu, góp phần tạo nên các đô thị “khỏe hơn”, bền vững hơn; bảo vệ và phát triển chất lượng sống tốt đẹp hơn cho con người ở các TP hiện đại trên thế giới như ở Mỹ và nhiều nước châu Âu. Ở Việt Nam, hệ thống hạ tầng đô thị vẫn đang trong quá trình được quy hoạch, xây dựng và phát triển, hay nói cách khác, hệ thống hạ tầng của chúng ta vẫn đang trong quá trình hoàn thiện để theo kịp các nước phát triển trên thế giới; Việt Nam có đầy đủ các tiềm năng để thiết lập các mô hình đô thị bền vững, đồng bộ hơn tại các TP lớn như Hà Nội, TP HCM,… Việc lựa chọn một số mô hình hạ tầng xanh đô thị phù hợp, gắn kết linh hoạt và hài hòa với cấu trúc hạ tầng tổng thể của các TP tại Việt Nam, nhằm mục tiêu giúp cho hạ tầng đô thị của chúng ta ngày một hoàn thiện hơn trong tương lai gần, để vừa có thể kiểm soát được các vấn đề BĐKH, vừa đồng thời nâng cao được chất lượng sống của cư dân đô thị, là hoàn toàn khả thi. Hi vọng rằng, với những chính sách quản lý, các chiến lược phát triển đô thị thống nhất từ chính quyền trung ương tới địa phương theo hướng bền vững, cùng sự phối hợp liên ngành của các nhà khoa học và các tổ chức phát triển đô thị hiện nay, sẽ giúp cho các đô thị hiện đại của chúng ta được phát triển đúng hướng, trong đó hạ tầng xanh đô thị sẽ là một mô hình được ưu tiên áp dụng và triển khai đồng bộ. Việc sớm đưa ý tưởng phát triển hạ tầng xanh đô thị vào các đồ án quy hoạch đô thị chiến lược, nhấn mạnh tầm quan trọng của ý tưởng này trong mục tiêu phát triển đô thị tại các TP của nước ta, chính là một bước chuẩn bị kịp thời, tạo đà hình thành và phát triển các đô thị bền vững, các đô thị thật sự đáng sống cho con người của Việt Nam.

TS.KTS Nguyễn Vinh Quang
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 7-2024)


Tài liệu tham khảo
1. Gian Luigi Rossi, Simone Ciadamidaro et al. 2020. Manual for Creating Evidence-Based Green Infrastructure Strategies and Action Plans. EU;
2. A Munoz Criado (2016). GREEN INFRASTRUCTURE for the U.S. Esri;
3. Anna Zaręba et al., 2016. Green infrastructure practices – strategies how to sustain life inmetropolitan areas. SEED;
4. Trần Thị Lan Anh (2022). Phát triển đô thị Việt Nam – những vấn đề đặt ra trong giai đoạn tới. truy cập tại link <https://moc.gov.vn/tl/tin-tuc/74077/phat-trien-do-thi-viet-nam-nhung-van-de-dat-ra-trong-giai-doan-toi.aspx>;
5. Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng (2022). Thực trạng và định hướng phát triển hạ tầng đô thị xanh tại Việt Nam. Truy cập tại link <https://www.moitruongvadothi.vn/thuc-trang-va-dinh-huong-phat-trien-ha-tang-do-thi-xanh-tai-viet-nam-a116859.html>;
6. Alida alves et al. (2018). Combining Co-Benefits and Stakeholders Perceptions into Green Infrastructure Selection for Flood Risk Reduction. Truy cập link < https://www.mdpi.com/2076-3298/5/2/29>;
7. Casey O’Brien (2019). Green Infrastructure is (de)paving a pathway to resilience. Truy cập link <https://www.shareable.net/green-infrastructure-is-depaving-a-pathway-to-resilience/>;
8. Zuzana Hudeková, 2018. Green Infrastructure Guide for the Municipalities. Interreg Europe.

 



Nguồn

Exit mobile version