Ngày 9/5, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết ông có kế hoạch thành lập một bộ mới thuộc Chính phủ để giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia về tỷ lệ sinh cực thấp trong bối cảnh nước này đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng sâu sắc, đồng thời cam kết sẽ tận dụng mọi khả năng sẵn có của quốc gia để khắc phục tình trạng này.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết ông sẽ yêu cầu Quốc hội Hàn Quốc hợp tác để thành lập Bộ Kế hoạch chống tỷ lệ sinh thấp.
Ông Yoon Suk-yeol nói: “Chúng tôi sẽ huy động mọi khả năng của quốc gia để khắc phục tỷ lệ sinh thấp – có thể coi là tình trạng khẩn cấp quốc gia”.
Phát biểu sau đó trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ tháng 8/2022 được tổ chức để đánh dấu hai năm nắm quyền, ông Yoon Suk-yeol thừa nhận chính quyền của ông đã thất bại trong nỗ lực cải thiện cuộc sống của người dân. Ông cam kết sẽ sử dụng 3 năm tiếp theo của nhiệm kỳ để cải thiện nền kinh tế và giải quyết thực trạng tỷ lệ sinh thấp.
Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Theo đó, vào năm 2023, trung bình một phụ nữ ở Hàn Quốc chỉ sinh 0,72 trẻ trong đời, giảm so với mức 0,78 của năm trước đó và là mức giảm nhiều nhất trong chuỗi giảm tỷ lệ sinh hàng năm.
Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc hiện đang ở mức thấp nhất thế giới (Ảnh: Yonhap)
Đây cũng là tỷ lệ sinh thấp nhất trong số các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong khi độ tuổi sinh con trung bình ở phụ nữ Hàn Quốc là 33,6 – cao nhất trong OECD. Với tỷ lệ sinh như hiện nay, dân số Hàn Quốc được dự báo sẽ giảm chỉ còn một nửa vào năm 2100.
Quốc gia này cần tỷ lệ sinh là 2,1 trẻ/phụ nữ để duy trì dân số ổn định trong trường hợp không có người nhập cư.
Dữ liệu nhấn mạnh “quả bom hẹn giờ” về nhân khẩu học mà Hàn Quốc và các quốc gia Đông Á khác đang phải đối mặt khi xã hội già đi nhanh chóng chỉ trong vài thập kỷ sau quá trình công nghiệp hóa.
Nhiều quốc gia châu Âu cũng đang phải đối mặt với tình trạng dân số già nhưng tốc độ và tác động của sự thay đổi đó đã được giảm nhẹ phần nào do tình trạng nhập cư. Tuy nhiên, các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đã tránh tình trạng nhập cư ồ ạt để giải quyết tình trạng suy giảm dân số trong độ tuổi lao động.
Các chuyên gia cho biết lý do dẫn đến những thay đổi về nhân khẩu học trong khu vực bao gồm yêu cầu trong văn hóa làm việc, tiền lương thấp hoặc không tăng, chi phí sinh hoạt tăng cao, thay đổi quan điểm đối với hôn nhân và bình đẳng giới cũng như sự “vỡ mộng” gia tăng trong thế hệ trẻ.
Trên thực tế, các khuyến khích, hỗ trợ về tài chính để người dân sinh thêm con tỏ ra không hiệu quả. Vào năm 2022, ông Yoon Suk-yeol thừa nhận rằng hơn 200 tỷ USD đã được chi để cố gắng tăng dân số trong 16 năm qua nhưng không đạt mục tiêu mong muốn.
Các sáng kiến như kéo dài thời gian nghỉ thai sản được hưởng lương, cung cấp “phiếu chứng nhận sinh con” bằng tiền cho những người mới làm cha mẹ và các chiến dịch xã hội khuyến khích nam giới tham gia chăm sóc con cái và làm việc nhà… cho đến nay vẫn chưa thể đảo ngược xu hướng này.