(KTVN 250) – “Xu hướng xây dựng “thành phố có rừng, thành phố trong rừng” đã được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai thành công. Với Việt Nam, xu hướng này chắc chắn sẽ được nhiều người dân ủng hộ, bởi lẽ môi trường sống xanh, an lành là mơ ước của hầu hết cư dân đô thị trước bối cảnh tỉ lệ cây xanh, mặt nước, không gian công cộng đang thiếu trầm trọng.
Vai trò của đô thị, hành lanh xanh trong cấu trúc bền vững
Năm 2009, Luật Quy hoạch đô thị ra đời với nội dung xây dựng liên quan tới vấn đề của đô thị. Đến Luật Xây dựng 2014, chương II đã nêu về quy hoạch xây dựng trong đó có các khu chức năng đô thị và nông thôn. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang sớm hoàn thành xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Có thể thấy, từ năm 2009 đến nay, sau gần 15 năm triển khai thực hiện, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng đã đi vào cuộc sống, hệ thống đô thị và nông thôn.
Từ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch các ngành đến hệ thống quy hoạch của đô thị và nông thôn đã được phủ kín, quy hoạch nông thôn cơ bản đang triển khai. Vì vậy, bộ mặt đô thị tại Việt Nam ngày càng phát triển, bộ mặt kiến trúc và quy hoạch đô thị nông thôn thay đổi từng ngày.
Trong quá trình đổi mới phát triển đất nước, Hà Nội đã có sự phát triển rất nhanh về đô thị, như quận Hà Đông, nhiều năm trở lại đây hạ tầng giao thông phát triển đa dạng, nhiều khu đô thị văn minh, hiện đại được xây dựng. Các huyện Đông Anh, Gia Lâm cũng phát triển rất nhanh về hạ tầng đô thị. Khu vực đường vành đai 3 trước đây chỉ có tính chất ngoại vi của đô thị nhưng Hà Nội giờ đã phát triển đến vành đai 4.
Bức tranh về phát triển đô thị hiện nay cho thấy, Việt Nam có hệ thống khoảng 902 đô thị, 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I còn lại là các đô thị loại II, loại III, loại IV, loại V. Với hệ thống đô thị phát triển như vậy đã đóng góp lớn cho sự tăng trưởng của đất nước, đóng góp GDP khoảng 75%.
Thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã rất quan tâm đến vấn đề phát triển đô thị. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết 06 về quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam bền vững đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết xác định xây dựng các đô thị Việt Nam ngang tầm thời đại, ngang tầm quốc tế.
Cụ thể, Nghị quyết cũng đặt mục tiêu xây dựng 03 đến 05 đô thị mang tầm quốc tế. Hiện nay, Việt Nam có 5 đô thị trực thuộc Trung ương, trong đó Hà Nội và TPHCM là 02 thành phố 10 triệu dân có thể coi như đại đô thị.
Nghị quyết quan tâm đến xây dựng và quản lý quy hoạch, trong đó quy hoạch phải có hệ thống phù hợp với yêu cầu phát triển của quốc gia, phải có cây xanh, hệ thống công viên, mặt nước đủ điều kiện đúng tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Xây dựng ban hành.
Việc xây dựng những đô thị lớn, đô thị loại I cần phải có hệ thống quy hoạch, cơ cấu, cấu trúc quy hoạch phù hợp với yêu cầu phải có “hành lang xanh, nêm xanh”; gồm tổ chức về cây xanh, mặt nước, công viên, hệ thống cây cách ly, vườn ươm… tạo nên bộ mặt của những đô thị lớn, quy mô khoảng 1-2 triệu dân trở lên.
Đối với Hà Nội, hành lang xanh rất quan trọng, trong quy hoạch cần tính toán giữ được 70% cây xanh, mặt nước; còn 30% đất để xây dựng đô thị bao gồm cả giao thông.
Khi Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính có cơ cấu 72% là nông thôn, 28% là đô thị. Vì vậy, cần có quy hoạch nông thôn, quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao, những khu vực làng mạc dày đặc và làng nghề truyền thống, cụm công nghiệp.
Hành lang xanh khác nêm xanh như thế nào?
Khái niệm về “Hành lang xanh” bắt nguồn từ năm 2008, khi Thủ đô Hà Nội được mở rộng đô thị, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng triển khai xây dựng quy hoạch mới cho Thủ đô Hà Nội. Lúc này, Hà Nội sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Hà Tây, 04 xã của tỉnh Hòa Bình và huyện Mê Linh với diện tích từ 920km2 lên 3.344km2. Với không gian mở rộng, Hà Nội sở hữu hành lang xanh, vành đai xanh với nhiều nêm xanh, công viên xanh. Khu vực làng xóm, đất đai, sông suối chảy đang trong quá trình phát triển đô thị được sáp nhập và nằm trong hành lang xanh Thủ đô.
Cụ thể khu vực ngoại thành có hành lang sông Nhuệ, hành lang sông Tích, hành lang sông Đáy. Trong nội đô có hành lang sông Kim Ngưu, hành lang sông Tô Lịch trong đô thị tạo hệ thống mặt nước, cây xanh phong phú.
Đặc biệt, có 01 dải hành lang xanh rất quan trọng đó là sông Hồng, không gian ở giữa mặt nước, 2 bên cây xanh, bãi bồi, dòng nước chính là hệ thống không gian, cây xanh, công viên, hành lang xanh tạo nên trục không gian chính của Hà Nội.
Mỗi hành lang xanh có một diện tích khác nhau, bề dày khác nhau tạo nên lớp lang để đô thị phát triển, bổ sung về không gian xanh, khí hậu, cảnh quan môi trường. Hành lang xanh cần được xác định là một thực thể tự nhiên, trải dài và rộng, đôi khi kéo dài hàng cây số dọc theo hai bờ sông, hai bên là làng xóm. Tóm lại, khu vực làng xóm và không gian nông thôn, làng mạc, đất nông nghiệp, đường đi bộ trong bờ bãi, ruộng vườn, trồng màu, ao hồ, sông suối đều nằm trong hành lang xanh.
Trong quy hoạch, khu vực hành lang xanh không được xây dựng nhà cao tầng, không xây dựng mới, tạo nên một thực thể thống nhất kết hợp với khu vực đô thị nhà cao tầng và khu dân cư nông thôn. Qua những vành đai đó tạo nên khu vực hành lang xanh.
Khái niệm về “nêm xanh” đô thị không chỉ trải dài trên diện tích lãnh thổ mà còn có những khoảng xanh vài trăm m đến 1km gồm vùng cây xanh và con. Nêm xanh được các nhà kiến trúc quy hoạch đánh giá trên cơ sở tổ chức của không gian đó cũng như yếu tố địa hình để tính toán nêm xanh hợp lý.
Với những đô thị loại I, đô thị đặc biệt, nêm xanh thường xuyên xuất hiện, nêm xanh đi vào hệ thống cây xanh chung của thành phố, ngoài công viên có vườn hoa, công viên lớn với chức năng như lá phổi xanh cho đô thị như công viên Hòa Bình, trong tương lai có công viên Cổ Loa, cùng nhiều loại hình như công viên động vật hoang dã, công viên thủy cung, công viên rừng Ba Vì.
Hà Nội – Thành phố có rừng?
Trên thế giới đã xuất hiện nhiều “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”, điển hình như: Công viên trung tâm Central Park nằm giữa lòng đô thị quận Manhattan rộng lớn, sầm uất của thành phố New York (Mỹ). Công viên này được mệnh danh là “lá phổi xanh” của New York, với diện tích lên đến 340ha. Nhìn từ trên cao, Central Park như một cánh rừng rộng lớn trong lòng đô thị, không chỉ giúp điều hòa không khí mà còn là địa điểm hút khách du lịch tại New York; Thành phố Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc đai diện cho “Rừng trong thành phố” vì Côn Minh nằm trên địa hình cao, là thành phố của Festival hoa thế giới quy tụ, thành phố có hệ thống cây xanh rất lớn và rừng Thạch Lâm.
Ở Việt Nam, thành phố Đà Lạt với những rừng đồi thông bao phủ, làng hoa nông nghiệp công nghệ cao, hồ Xuân Hương như tấm gương soi chiếu cho đô thị. Ở khu vực phía Bắc, Thị xã SaPa là thành phố trong rừng, với địa hình núi cao, sở hữu đa dạng tài nguyên rừng cùng thảm thực vật phong phú.
Trong phạm vi bao trùm toàn Thủ đô Hà Nội, hiện nay có tới 2/3 diện tích bao gồm rừng, cây xanh, mặt nước, núi đá, đất đai. Cần nhắc đến rừng Ba Vì, rừng Sóc Sơn, rừng Hương Sơn, tất cả một màu xanh ngắt của rừng từ phía Bắc kéo xuống phía Tây Hà Nội, vì vậy cần khẳng định Hà Nội có rừng trong thành phố. Câu chuyện làm thế nào để rừng phát huy giá trị không chỉ là lá phổi của thành phố mà trở thành điểm đến nghỉ dưỡng, vui chơi của người dân Thủ đô đang là vấn đề đáng quan tâm.
Ngày 9/4/2024, trong cuộc họp Báo cáo Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh, quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội nên dựa trên kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn, cần chứng minh tầm nhìn của yêu cầu quy hoạch. Quy hoạch phải xem xét, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, báo cáo cấp thẩm quyền, xin chủ trương, kiến nghị hướng xử lý đối với những vấn đề mới đặt ra như trong thành phố có rừng, thành phố trong rừng…
Xu hướng xây dựng “thành phố có rừng, thành phố trong rừng” đã được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai thành công. Với Việt Nam, xu hướng này chắc chắn sẽ được nhiều người dân ủng hộ, bởi lẽ môi trường sống xanh, an lành là mơ ước của hầu hết cư dân đô thị trước bối cảnh tỉ lệ cây xanh, mặt nước, không gian công cộng đang thiếu trầm trọng.
Trước bối cảnh đó, vấn đề xây dựng quy hoạch, triển khai và quản lý quy hoạch phù hợp, đồng bộ và bài bản để kịp thời khuyến khích những tổ chức, cá nhân tạo dựng những mảng nêm xanh, rừng trong thành phố hay rộng hơn nữa là những hành lang xanh của đô thị. Qua đó, tạo động lực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi mô hình sản xuất, giống cây trồng để phát triển các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn, du lịch sinh thái… một cách hiệu quả, bền vững./.
KTS Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam