Hệ sinh thái cộng sinh trong kỷ nguyên mới
Đặt vấn đề
Quá trình hội nhập quốc tế một cách tích cực đã trở thành một tác nhân quan trọng thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ. Điều này đã đặt dân tộc và nền văn hóa Việt Nam đứng trước những cơ hội phát triển xưa nay chưa từng có, nhưng cũng đồng thời phải đối mặt với những thách thức mới. Bởi vậy, việc xây dựng cơ chế đầu tư và bảo trợ cho văn hoá, phù hợp hơn với giai đoạn mới, bảo đảm sự phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa – con người đã trở thành một nhu cầu bức thiết. Cho đến nay, hầu như tất cả các nền kinh tế lớn, các cường quốc trên thế giới đều là đối tác chiến lược của Việt Nam. Giờ đây, chúng ta đã đi cùng thế giới với tư thế đĩnh đạc và nỗ lực cùng chia sẻ những giá trị tốt đẹp của nhân loại.
Ngày nay “sản phẩm văn hoá” là một sản phẩm/dịch vụ thị trường, cung ứng cho người tiêu thụ một sự phản biện, kích thích tinh thần họ hơn là thỏa mãn họ. Tính giải trí đại chúng là lợi ích của nó. Và ở đầu kia là một khoản đầu tư. Hội nhập kinh tế thị trường, toàn cầu hoá văn hóa, toàn diện về trí tuệ, tâm tư và tình cảm đã san một cái nền phẳng cho văn hóa đại chúng toàn cầu, ôm gọn văn hoá nghệ thuật vào trong lòng nó. Sáng tạo ở phân mảnh nào cũng bắt đầu bằng tiền và kết thúc bằng tiền theo quy luật thị trường. Thực hành văn hoá nghệ thuật hiện tại vận hành ngày càng giống như khoa học và công nghệ. Song thay vì một sự nhất nguyên, chúng ta dường như đồng thuận về bản chất đa nguyên và hỗn độn của nghệ thuật ở cả quan niệm, định nghĩa lẫn thực hành, kết quả là sự phân mảnh rời rạc của đời sống nghệ thuật từ sản xuất – phân phối đến tiêu thụ.
Thế giới có nhiều kinh nghiệm, nhiều “tấm gương” thần kỳ – nhưng Việt Nam cũng không thể máy móc làm theo, lý do đơn giản là thời thế đã thay đổi và Việt Nam không giống họ. Bởi mỗi quốc gia/con người đều có phẩm chất và đặc thù văn hóa khác nhau.
1. Đầu tư vào thương hiệu văn hoá với chiến lược bền vững
Ngày nay, khi mà sức mạnh kinh tế không còn là yếu tố tiên quyết chi phối quyền lực quốc gia, “quyền lực mềm” gắn với sức mạnh văn hóa ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của quốc gia. Thương hiệu văn hoá quốc gia chính là hệ quả của những gì quốc gia đó đã, đang và sẽ làm với các giá trị văn hoá bản địa. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy cách trả lời câu hỏi này từ quốc gia láng giềng Đông Nam Á: Thái Lan, Indonesia, Singapore…
Cách thức hiệu quả nhất mà nhiều quốc gia đã thực hiện thành công trong việc tạo dựng thương hiệu quốc gia chính là việc kết nối đầu tư công/tư với di sản văn hoá địa phương, tích hợp thương hiệu doanh nghiệp địa phương vào cùng một chuỗi giá trị với thương hiệu quốc gia trong một chỉnh thể thống nhất. Và chính thương hiệu quốc gia sẽ tiếp thêm sức mạnh cho từng thương hiệu doanh nghiệp trong quốc gia đó. Nhưng quan trọng hơn, chính thương hiệu doanh nghiệp lại là những viên gạch để góp phần xây nên thương hiệu quốc gia.
Hiện nay, khách hàng và xã hội ngày càng dành sự chú ý đặc biệt cho các thương hiệu tôn trọng thiên nhiên, di sản văn hoá, môi trường và con người. Việc tài trợ, bảo trợ văn hóa là một cách quảng bá thương hiệu, sản phẩm một cách tinh tế và hữu hiệu. Thương hiệu đồng hành cùng di sản văn hoá quốc gia. Các sự kiện nhận được sự chú ý của cộng đồng nên hình ảnh của thương hiệu được giới thiệu rộng rãi tới công chúng một cách có giá trị, cùng với cảm nhận sâu sắc của người trực tiếp tham dự sự kiện. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu thông qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật không đơn thuần chỉ là vấn đề của năng lực tài chính. Nếu như không có những tính toán kỹ càng về mục đích, khéo léo trong cách tổ chức và truyền tải thông điệp tới công chúng, thì sự đầu tư cho văn hoá của nhà nước hay doanh nghiệp sẽ rời rạc, khó mang lại hiệu quả bền vững.
Trong một nền kinh tế sáng tạo, chúng ta đều biết và hay nói về những “thành tố” quan trọng, cấu trúc nên một nền tảng bền vững như vật thể, phi vật thể, chủ thể văn hoá, nghệ sĩ… Nhưng nếu chỉ dừng ở mức chung chung thì chỉ là các “khái niệm”. Sức sống đằng sau nó là các thiết chế văn hoá và hệ sinh thái cộng sinh, được ràng buộc bằng chính sách của nhà nước và các lợi ích mang lại cho cộng đồng, cá nhân và doanh nghiệp.
2. Trường hợp châu Âu với Chương trình Creative Europe
Quỹ cho Chương trình Creative Europe đến từ Liên minh Châu Âu (EU). Chương trình được tài trợ thông qua khuôn khổ tài chính đa niên (MFF) của EU. Đây là ngân sách dài hạn, phân bổ kinh phí cho nhiều chính sách và chương trình khác nhau của EU, bao gồm văn hóa và truyền thông.
Chương trình Creative Europe bao gồm giai đoạn 2021–2027. Trong giai đoạn này, chương trình có ngân sách khoảng 2,44 tỷ euro, hỗ trợ các lĩnh vực văn hóa, nghe nhìn và sáng tạo trên khắp Châu Âu. Ngân sách được chia thành ba nhánh chính:
- Nhánh văn hóa: Dành cho các dự án thúc đẩy hợp tác văn hóa, di sản và sự đa dạng;
- Nhánh truyền thông: Tập trung vào lĩnh vực nghe nhìn, bao gồm phim và truyền hình;
- Nhánh liên ngành: Khuyến khích sự hợp tác giữa các lĩnh vực sáng tạo khác nhau và hỗ trợ báo chí.
Ngân sách được trích từ các khoản đóng góp của các quốc gia thành viên EU vào ngân sách EU, được bổ sung bằng doanh thu như: Thuế hải quan và một phần thuế VAT thu được tại các quốc gia thành viên. Các quốc gia ngoài EU tham gia Chương trình Châu Âu sáng tạo, chẳng hạn như một số quốc gia EFTA và các quốc gia ứng cử viên, cũng đóng góp tài chính. Chương trình này nhằm mục đích nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đồng thời thúc đẩy sự hợp tác và đa dạng văn hóa của châu Âu.
3. Châu Âu có một số chương trình và sáng kiến tài trợ hỗ trợ các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo khác.
Bao gồm:
Hướng dẫn tài trợ CulturEU: Công cụ trực tuyến và sổ tay hướng dẫn có thể in này cung cấp thông tin về các cơ hội tài trợ cho các dự án văn hóa và sáng tạo tại EU;
- Chương trình InvestEU: Chương trình này nhằm mục đích kích thích đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo, cũng như sản xuất nghe nhìn;
- Cơ sở bảo lãnh: Tùy chọn gói tài trợ do EU hỗ trợ giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các khoản vay hơn;
- Quỹ đầu tư và cấu trúc EU: Các quỹ này có thể được sử dụng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, có thể tạo ra việc làm và tăng trưởng liên ngành.
4. Một số ví dụ về các quốc gia đã hoàn thiện mô hình phát triển của ngành văn hoá
4.1. Mỹ
Ngành điện ảnh: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hollywood và các hãng phim tư nhân nhỏ vào những năm đầu của thế kỷ 20 đến Bervely Hills đã dựng nên tiền đề cho kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood với vị thế hàng đầu trong suốt hơn 100 năm qua. Chính quyền tại các địa điểm giảm thuế để thu hút đầu tư vào ngành giải trí và điện ảnh như: New york: 20%, Georgia: 20% đến 25%, Louisiana: 30% đến 40% (phần trăm ưu đãi thuế sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào độ lớn của dự án). Với điều điện là dự án phải sử dụng ít nhất 1 đối tác cung ứng tại địa phương hoặc studio tại địa điểm.
Bởi vậy, tất cả các quốc gia lấy văn hóa làm trọng tâm phát triển đều bắt đầu bằng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ lớn mạnh. Đồng thời ban hành những chính sách thu hút các tập đoàn tư nhân lớn đầu tư vào công nghiệp văn hóa, để tạo nên những tập đoàn công nghiệp văn hóa có tầm hoạt động toàn cầu làm đầu tàu dẫn dắt cả cộng đồng doanh nghiệp.
4.2. Hàn Quốc
Ngành giải trí: CJ, từ một công ty sản xuất đường ăn – sau 20 năm nhận được sự ưu đãi của chính phủ về thương mại đã đầu tư mạnh mẽ cho công nghiệp văn hóa – trở thành doanh nghiệp định hình việc ăn, mặc, nghe, xem, chơi của hàng triệu người dân Hàn Quốc và châu Á, và là 1 “cheabol” dẫn dắt làn sóng Hallyu lan tỏa những giá trị văn hóa Hàn Quốc trên khắp hành tinh. Nếu không có doanh nghiệp nghìn tỉ trong công nghiệp văn hóa, chúng ta sẽ không thể có nền công nghiệp văn hóa “tỉ đô”.
4.3. Mô hình bảo trợ văn hóa tại Hy Lạp
Mô hình này được xây dựng trên nền tảng sự kết hợp giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức tư nhân, nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa. Hy Lạp, với lịch sử lâu dài và di sản văn hóa phong phú, đã áp dụng các mô hình bảo trợ khác nhau để duy trì các giá trị văn hóa và tạo ra các cơ hội cho nghệ sĩ, tổ chức văn hóa và các dự án sáng tạo.
4.3.1. Nguyên tắc của mô hình bảo trợ văn hóa tại Hy Lạp
Mô hình bảo trợ văn hóa tại Hy Lạp dựa vào sự hợp tác giữa các cơ quan công quyền và khu vực tư nhân, với các nguyên tắc cơ bản sau:
- Kết hợp giữa công và tư: Chính phủ Hy Lạp đóng vai trò chủ đạo trong việc cung cấp ngân sách cho các hoạt động văn hóa, nhưng các doanh nghiệp tư nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ và bảo trợ cho các dự án văn hóa, nghệ thuật. Các mối quan hệ đối tác này đảm bảo nguồn lực tài chính bền vững cho các dự án văn hóa lớn.
- Bảo tồn di sản văn hóa: Với một di sản lịch sử và văn hóa phong phú, việc bảo tồn và phát huy các di sản của Hy Lạp là một trong những trọng tâm của mô hình bảo trợ văn hóa. Chính phủ và các tổ chức tư nhân hợp tác để duy trì các di tích, bảo tàng và các hoạt động bảo tồn khác.
- Khuyến khích sáng tạo nghệ thuật: Hy Lạp cũng khuyến khích sự sáng tạo trong các lĩnh vực văn hoá và nghệ thuật đương đại thông qua các khoản tài trợ và các cơ hội phát triển nghề nghiệp cho các nghệ sĩ, nhà sáng tạo, và các tổ chức văn hóa.
4.3.2. Các hình thức bảo trợ văn hóa tại Hy Lạp
- Bảo trợ tài chính từ nhà nước
Chính phủ Hy Lạp thông qua Bộ Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm cung cấp các khoản tài trợ cho các dự án văn hóa, bảo tồn di sản và các sáng kiến nghệ thuật. Các khoản tài trợ này được cấp cho các bảo tàng, nghệ sĩ, và các tổ chức văn hóa, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của các lĩnh vực văn hóa.
Ví dụ: Chính phủ Hy Lạp tài trợ cho các dự án bảo tồn các di tích cổ, như các đền thờ Hy Lạp cổ đại tại Athens và Delphi. Các quỹ này giúp bảo vệ các di sản văn hóa không chỉ phục vụ cho nghiên cứu lịch sử mà còn tạo ra các cơ hội du lịch văn hóa.
- Hỗ trợ tài trợ từ các doanh nghiệp tư nhân
Các doanh nghiệp tư nhân đóng một vai trò quan trọng trong mô hình bảo trợ văn hóa tại Hy Lạp, đặc biệt là trong việc tài trợ cho các sự kiện văn hóa, triển lãm nghệ thuật và các dự án sáng tạo.
Ví dụ: Các công ty lớn (như Coca-Cola HBC và Alpha Bank) đã tài trợ cho các sự kiện văn hóa lớn như Athens Epidaurus Festival (Lễ hội Athens Epidaurus), một sự kiện biểu diễn nghệ thuật quan trọng ở Hy Lạp. Sự tài trợ của các doanh nghiệp này giúp tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật, lễ hội, và triển lãm quốc tế.
- Các quỹ và tổ chức tư nhân
Bên cạnh các khoản tài trợ từ chính phủ, Hy Lạp còn có các quỹ tư nhân và tổ chức phi lợi nhuận chuyên tài trợ cho các sáng kiến văn hóa. Các quỹ này hỗ trợ nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa trong việc thực hiện các dự án sáng tạo và nghệ thuật.
Ví dụ: Onassis Foundation là một tổ chức phi lợi nhuận nổi bật ở Hy Lạp, chuyên tài trợ cho các sáng kiến văn hóa, nghệ thuật và nghiên cứu. Quỹ này tài trợ cho các hoạt động nghệ thuật đương đại, các chương trình giáo dục văn hóa và các sáng kiến quốc tế.
- Bảo trợ thông qua các sự kiện văn hóa lớn
Hy Lạp nổi tiếng với các sự kiện văn hóa lớn được tổ chức thường xuyên, chẳng hạn như các lễ hội âm nhạc, kịch nghệ, triển lãm nghệ thuật, và các chương trình nghệ thuật truyền thống. Các sự kiện này không chỉ thu hút du khách mà còn là cơ hội để các tổ chức công và tư hợp tác nhằm phát triển các sáng kiến văn hóa.
Ví dụ: Athens Epidaurus Festival là một sự kiện văn hóa lâu đời của Hy Lạp, nơi diễn ra các buổi biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc và kịch tại các di tích cổ đại. Sự kiện này được bảo trợ và tài trợ bởi các công ty tư nhân lớn cũng như ngân sách nhà nước.
- Sự tham gia của các nghệ sĩ và cộng đồng
Một điểm đặc biệt của mô hình bảo trợ văn hóa tại Hy Lạp là sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển văn hóa. Các nghệ sĩ và cộng đồng thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa tại địa phương, và có sự hỗ trợ từ các tổ chức tư nhân và chính phủ để đảm bảo các sáng kiến này có thể tồn tại lâu dài.
4.3.3. Lợi ích của mô hình bảo trợ văn hóa tại Hy Lạp
- Bảo tồn di sản văn hóa: Mô hình bảo trợ giúp bảo tồn các di tích lịch sử và văn hóa của Hy Lạp, đặc biệt là những di sản có giá trị toàn cầu, như các công trình cổ đại và các tác phẩm nghệ thuật truyền thống.
- Khuyến khích sáng tạo và đổi mới: Chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân cung cấp các nguồn tài trợ cho các nghệ sĩ, giúp thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật đương đại, đặc biệt trong các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, và nghệ thuật biểu diễn.
- Tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa: Bảo trợ văn hóa cũng góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa, bao gồm các hoạt động du lịch văn hóa, các lễ hội, và các chương trình biểu diễn, tạo ra cơ hội việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách hợp tác công tư trong khai thác và quản lý các di sản văn hoá (ưu đãi thuế, tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ truyền thông, kết nối quốc tế…).
- Tạo dựng mối quan hệ đối tác lâu dài: Mô hình này giúp xây dựng mối quan hệ lâu dài giữa các tổ chức công và tư nhân, thúc đẩy sự hợp tác bền vững và nâng cao hiệu quả trong việc triển khai các dự án văn hóa.
4.3.4. Những thách thức và bài học từ mô hình bảo trợ văn hóa tại Hy Lạp
- Quản lý tài trợ hiệu quả: Một thách thức lớn là làm sao để quản lý các khoản tài trợ từ các tổ chức công và tư nhân một cách hiệu quả, đảm bảo rằng các nguồn lực này được phân bổ hợp lý và giúp ích cho cộng đồng văn hóa (bằng hình thức kiểm tra bởi các công ty kiểm toán và kiểm định độc lập).
- Đảm bảo tính độc lập nghệ thuật: Duy trì sự độc lập của nghệ sĩ và các sáng kiến văn hóa hoặc giá trị di sản trước sự can thiệp qua mức của các doanh nghiệp tài trợ, đặc biệt là khi các tổ chức tư nhân có thể mong muốn thúc đẩy thương mại một cách thiếu tinh tế thông qua các dự án văn hóa.
- Phát triển các sáng kiến văn hóa bền vững: Tạo ra các mô hình bảo trợ văn hóa bền vững (Các dự án và địa điểm di sản có thể tự vận hành và kinh doanh dịch vụ văn hoá bằng sự tham gia của các doanh nghiệp địa phương) và không phụ thuộc quá nhiều vào các khoản tài trợ nhất thời từ các doanh nghiệp hay chính phủ.
4.3.5. Bài học cho Việt Nam từ mô hình bảo trợ văn hóa tại Hy Lạp
- Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân: Việt Nam có thể học hỏi cách Hy Lạp khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các hoạt động văn hóa, không chỉ tài trợ mà còn đóng góp vào việc phát triển các sáng kiến văn hóa sáng tạo bằng cách: tạo nên các cơ chế đặc thù hoặc thí điểm về giảm thuế cho các ngành được bảo trợ cụ thể, các dự án phối hợp công tư PPP, giao địa điểm công cho doanh nghiệp vận hành…
- Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa: Việc bảo vệ di sản văn hóa cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cả nhà nước và cộng đồng tư nhân, như Hy Lạp đã làm để bảo tồn các di tích cổ đại và tạo cơ hội cho du lịch văn hóa.
- Xây dựng chính sách bảo tồn kết hợp thương mại hóa: Bảo vệ di sản văn hóa đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng từ du lịch văn hóa.
- Tạo ra các mô hình bảo trợ bền vững: Việt Nam có thể phát triển các mô hình bảo trợ văn hóa bền vững, giúp các tổ chức văn hóa duy trì hoạt động lâu dài mà không phải phụ thuộc vào các khoản tài trợ ngắn hạn.
Hy Lạp là một ví dụ điển hình về cách thức kết hợp giữa công và tư trong việc tài trợ, bảo trợ văn hóa, từ bảo tồn di sản đến thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật. Những bài học từ mô hình này có thể giúp Việt Nam xây dựng một hệ sinh thái văn hóa cộng sinh mạnh mẽ và bền vững hơn.
5. Các yếu tố quan trọng cần nhìn nhận và cải thiện tại Việt Nam để thúc đẩy môi trường đầu tư cho văn hoá
- Cần những chính sách giảm bớt sự khác biệt và bất bình đẳng giữa 12 ngành kinh tế sáng tạo với các ngành sản xuất và dịch vụ khác. Đó là những chính sách thiết lập và phát triển một cơ chế thị trường hoàn chỉnh cho công nghiệp văn hóa.
- Cần một hệ thống chính sách khuyến khích gia nhập thị trường thuận lợi hơn cho sản phẩm văn hóa. Theo đó, giảm những sự can thiệp hành chính mang tính cảm tính của cơ quan quản lý là yếu tố quan trọng, tạo điều kiện điều tiết công bằng theo cơ chế thị trường, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo.
- Nhà đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa (đặc biệt là các mô hình kinh doanh phát triển các chất liệu di sản bản địa phi vật thể và vật thể) phải được coi như lực lượng sản xuất quan trọng và được ưu tiên trong các chính sách thuế, huy động vốn và hỗ trợ tiếp thị, phát hành, phân phối.
- Cần hệ thống các công cụ bảo hộ quyền lợi và sở hữu trí tuệ cho người làm sáng tạo. Hệ thống các văn bản pháp lý là rất cần nhưng chưa đủ. Cái chúng ta cần là chính sách và bộ máy công quyền đứng về phía người sáng tạo văn hóa, chọn bảo hộ sở hữu trí tuệ của người Việt Nam làm trọng tâm.
Phát triển là quá trình giải phóng những lợi ích cá nhân, tạo ra khuôn khổ cho các cá nhân, doanh nghiệp hành động vì lợi ích của họ nhằm mang lại lợi ích chung cho cộng đồng. Việc khuyến khích sự phát triển, tôn trọng khả năng tự tổ chức của xã hội công nghiệp và thúc đẩy cơ chế tự điều chỉnh của thị trường là một biện pháp quan trọng để chuyển đổi chức năng của Chính phủ từ quản lý sang kiến tạo; đồng thời tạo nên động lực phát triển từ sức mạnh nội sinh của từng chủ thể văn hóa, cộng đồng và doanh nghiệp.
Động lực mới của Việt Nam chính là sự thừa nhận rằng hệ thống nhà nước sẽ không huy động, phân phối hay điều tiết các nguồn lực mà sẽ chỉ đạo thông qua chính sách. Cách tiếp cận thay đổi của chính quyền sẽ khuyến khích các hợp phần trong khu vực văn hoá, nghệ thuật – sáng tạo; chủ động hơn trong việc mở rộng mô hình kinh doanh và nâng cao hiệu quả, thúc đẩy những thay đổi tích cực trong nền kinh tế. Điều này cũng sẽ mang tới môi trường tốt hơn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, mở ra các cơ hội về phát triển thương mại và hợp tác quốc tế thông qua văn hoá nhằm quảng bá hình ảnh của Việt Nam mới: Đa dạng, cởi mở, sâu sắc và chân thành.
Nguyễn Quốc Hoàng Anh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2024)