Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

Hiến kế để phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam

Nhiều ý kiến, hiến kế để phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam.

Tiếp nối thành công của lễ hội “Tôn vinh cà phê – trà Việt” năm 2023, lễ hội năm nay là nhịp cầu hỗ trợ kết nối giao thương cho các doanh nghiệp; truyền thông và tiếp thị sản phẩm, thương hiệu cà phê và trà; đưa văn hoá thưởng thức cà phê, trà lên tầm cao mới để xứng đáng với vị thế của hai loại thức uống phổ biến này.

Cá nhân hóa mặt hàng cà phê

Tại lễ hội, bà Đỗ Việt Hà, tùy viên thương mại Thương vụ Việt Nam tại Đức nói, cà phê Việt Nam đã hiện diện ở nhiều hệ thống phân phối trên thế giới và được người tiêu dùng nước ngoài đánh giá khá cao. Chúng ta bàn giải pháp xuất khẩu cà phê đạt 5 tỉ USD nhưng quan trọng là làm sao để duy trì bền vững.

Theo tôi, giải pháp không nằm ở vấn đề kỹ thuật, thị trường, chế biến mà là làm cách nào để người sản xuất và xuất khẩu đạt được sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia, qua đó thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị cho hạt cà phê. Bài học của cà phê cũng là bài học chung cho nhiều cây trồng khác.

Ông GRUBER ALEXANDER LUKAS, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ rang xay chuyên nghiệp Sài Gòn, chia sẻ, Năm 2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam vào thị trường Đức tăng mạnh, đưa nước ta lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu cà phê vào Đức.

Những năm gần đây, người Đức rất chú trọng sản phẩm có lợi cho sức khỏe và có xu hướng tiêu dùng cà phê hữu cơ, cà phê chất lượng cao. Doanh nghiệp Việt cần nắm bắt kịp thời xu thế tiêu dùng, các quy định về an toàn thực phẩm tại Đức cũng như yêu cầu về chứng nhận tiêu dùng hữu cơ quốc tế để xây dựng thương hiệu gắn với câu chuyện về nguồn gốc sản phẩm, cách chế biến một cách trung thực nhất, từ đó gia tăng cơ hội bán hàng vào thị trường tiềm năng này.

Còn ông Dương Hải Đăng, Trợ lý Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên phân tích, một trong những giải pháp để xuất khẩu cà phê đạt 5 tỉ USD trong năm 2024 là cá nhân hóa mặt hàng này. Chúng tôi đầu tư cà phê rang xuất khẩu, cà phê cao cấp ALAMBE, tạo giá trị gia tăng thông qua việc cá nhân hóa cà phê cộng với việc rang và đóng gói tại Việt Nam.

Cần đầu tư xây dựng thương hiệu, tạo nên chất lượng độc đáo, phân loại cà phê thành các hạng tốt, thượng hạng, tiêu chuẩn… và đẩy mạnh xuất khẩu có giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, cần tăng tiêu dùng nội địa bằng cách tạo ra sản phẩm cà phê địa phương.

Muốn xuất khẩu tốt, phải phát triển bền vững ở nội địa

Sơ chế cà phê hữu cơ tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Ảnh: Vân Anh

Cũng tại lễ hội, Ông Nguyễn Hoài Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk nói, cà phê đặc sản là khái niệm được tạo ra từ cà phê Arabica theo phong cách Ý, trong khi thế mạnh của Việt Nam là cà phê Robusta.

Chúng ta phải ý thức được lợi thế lớn của ngành cà phê Việt Nam, đó là thế giới đang dịch chuyển sang sử dụng loại cà phê này vì nhiều nơi không trồng được cà phê Arabica. Trong khi đó, cà phê Robusta Việt Nam có chất lượng tốt nhất thế giới.

Muốn xuất khẩu tốt, phải phát triển bền vững ở nội địa. Làm sao tận dụng được cơ hội, bảo vệ sự bền vững của cà phê ở thị trường nội địa? Cần xây dựng được “hàng rào” ý thức để người Việt Nam có ý thức dùng hàng Việt, thương hiệu Việt.

Ngành hàng cà phê đang lớn mạnh về nhiều mặt, có sự đầu tư lớn về chất lượng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều nhiều quốc gia. Do đó, cần thúc đẩy các khâu từ sản xuất, chế biến đến xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường mới có thể cải thiện được giá trị cũng như bảo đảm phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam.

Nông sản nói chung của Việt Nam, kể cả cà phê, chưa chú trọng nhiều tới chất lượng, tiêu chí để đánh giá… Do đó, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chặt chẽ hơn, từ quy trình sản xuất đến thu hái để đưa ra thị trường, tránh tình trạng chất lượng không bảo đảm, tỉ lệ trái xanh cao như hiện nay. Bên cạnh đó, nhà nước, doanh nghiệp cần chiến lược cụ thể, kết nối, hỗ trợ nông dân bứt phá mạnh mẽ để tiếp cận thị trường tốt nhất.



Nguồn

Exit mobile version