Hồ Tây – Di sản văn hoá thiên nhiên trong lòng người Hà Nội
(KTVN 252)
Phi lộ
Hồ Tây, hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất trong nội đô được Mẹ thiên nhiên ban tặng cho Hà Nội, như một phần ruột thịt của sông Cái (sông Hồng) được cắt ra. Từ ngàn đời nay, Hồ Tây với người Hà Nội vẫn luôn là những huyền tích bước ra từ cuốn sách giáo khoa, hoặc đọng lại trong tiếng mẹ ru, hoặc vương vấn trong những vần thơ và câu hát. Hồ Tây với người Hà Nội hôm nay là một ví dụ minh họa điển hình trong lý thuyết về không gian nơi chốn, nơi để hoài niệm và tìm về, nơi ký ức luôn được cảm nhận, thẩm thấu bằng nhìn, bằng nghe, bằng nếm, chạm được vào và cả bằng hơi thở.
Không như cái nhìn của một người ngược xuôi mỗi ngày ba, bốn lần trên những tuyến phố gần Hồ Tây như thấy người – xe, những ngôi nhà – cửa hàng cũ mới san sát. Cũng không như cái nhìn của một người tìm hiểu nghiên cứu tổng thể Hồ Tây từ rất cao bằng công cụ tìm kiếm hiện đại của Google Earth. Trong những ngày kỷ niệm 70 năm tiếp quản Thủ đô này, người viết muốn cùng khám phá Hồ Tây thật bình thản, không quá bức xúc, cũng không quá xa vời để cùng một chút hoài niệm, một chút “giá như” và một chút “nên chăng”, khi chiêm ngưỡng một trong những vưu vật mà thiên nhiên đã ưu ái.
Ngược dòng lịch sử
Sách “Tây Hồ chí” ghi lại rằng, Hồ Tây đã tồn tại từ thời kỳ Hùng Vương, khi đó nó là một bến thuyền nằm sát bên bờ sông Hồng thuộc vùng Lâm Ấp, được gọi là bến Lâm Ấp tại thôn Long Đỗ. Về địa lý, Hồ Tây là hồ ngoại sinh, có dạng lòng chảo, ngành địa chất lịch sử đã chứng minh được Hồ Tây là một phần của sông Hồng. Trong thời Hai Bà Trưng, bến này được kết nối với sông Hồng và xung quanh Hồ Tây là một khu rừng phong phú với nhiều loài cây như tre ngà, bàng, lim, lau sậy và gỗ tầm… cùng với một số loài động vật quý hiếm đã đi vào truyền thuyết như voi rừng thời Lý, cáo – hồ ly trong sách Lĩnh Nam Chích Quái thời Trần hay những loài còn nổi tiếng đến tận bây giờ như sâm cầm, tôm Hồ Tây.
Từ chốn rừng rậm, đầm lầy hoang hóa, qua công lao khai khẩn xây dựng của bao thế hệ, Hồ Tây đã trở thành một thắng cảnh văn hóa – du lịch nổi tiếng của Kinh đô Thăng Long – Hà Nội. Các địa danh ấp, thôn, làng nghề… quanh Hồ Tây gắn với những công cuộc khai hoang, tạo nghề bởi dấu ấn của các công chúa, vương phi các triều Lý, Trần, Lê… như công chúa Từ Hoa con vua Lý Thần Tông, công chúa Túc Trinh con vua Trần Thánh Tông, Thiên Trân công chúa Linh con vua Trần Nhân Tông, Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Xuyến (Vương phi của Chúa Trịnh Tạc thời Hậu Lê)… Hồ Tây tự xưa đã được ví như nhụy hoa của 13 cánh hoa Thập Tam Trại – 13 làng nghề phía Tây thành Thăng Long.
Trải qua nhiều vương triều, Hồ Tây cũng từng có nhiều tên gọi gắn với các truyền thuyết như đầm Xác Cáo, hồ Long Đỗ, Kim Ngưu, Lãng Bạc, Đoài Hồ… nhưng còn được nhắc nhiều nhất là hồ Dâm Đàm – mù sương của ngày xưa và Hồ Tây của hôm nay. Với diện tích hơn 500ha và chu vi gần 18km, Hồ Tây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Hà Nội hôm nay nhưng lại là rất nhỏ so với ngày xưa, khi cung điện Trăm mái trong Hoàng Thành của Vũ Như Tô xây dựng thời Lê Tương Dực còn “hắt bóng Tây Hồ” hay bến thuyền ven hồ còn sát thềm Đền Quán Thánh mới đầu thế kỷ trước.
Danh thắng Tây Hồ – Con đường di sản
Được tạo dựng từ ngàn năm hơn, Hồ Tây hôm nay được bao quanh mình một miền di sản thiên nhiên – văn hóa, vật thể và phi vật thể gắn với những huyền tích và lịch sử tạo dựng.
Hồ Tây từ xa xưa đã là thắng cảnh nổi tiếng. Từ thời Lý – Trần, các vua chúa đã lập quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí như cung Thuý Hoa đời nhà Lý, tức điện Hàm Nguyên đời nhà Trần nay là khu chùa Trấn Quốc; cung Từ Hoa đời nhà Lý nay là khu chùa Kim Liên; điện Thuỵ Chương đời nhà Lê nay là khu Trường Chu Văn An.
Xung quanh hồ ngày nay vẫn còn tồn tại nhiều di tích văn hoá – ngôi làng cổ xưa, mỗi ngôi làng đều kể lại một truyền thuyết lịch sử riêng như: làng Nghi Tàm, quê hương nhà thơ Bà huyện Thanh Quan với chùa Kim Liên có kiến trúc độc đáo; làng Nhật Tân với chùa Tào Sách và nghề trồng hoa đào nổi tiếng; làng Tứ Tổng với chùa Vạn Phúc và nghề trồng dâu nuôi tằm, sau này chuyển sang trồng quất cảnh. Quất cảnh Tứ Liên (tên mới của Tứ Tổng) đẹp nhất trong tất cả các vùng trồng quất cảnh ngày nay; làng Xuân La với chùa Thiên Niên (Thiên Niên cổ tự) thờ bà tổ nghề dệt lĩnh Phạm Thị Ngọc Đô thứ phi của vua Lê Thánh Tông; làng Kẻ Bưởi (An Thái) với nghề làm giấy (giấy dó) cổ truyền, với đền Đồng Cổ (hiện nằm trên đường Thụy Khuê) nơi bách quan hội thề đời nhà Lý; làng Thuỵ Khuê với chùa bà Đanh, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc; làng Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh; Phủ Tây Hồ (thờ Liễu Hạnh Công chúa) nổi tiếng là một di tích và là một thắng cảnh.
Từ những thập niên đầu của thế kỷ XX, Trường Trung học Bảo hộ (Nay là trường THPT Chu Văn An), nhà ga thủy phi cơ, biệt thự Shneider (nhà bát giác trong khuôn viên trường Chu Văn An ngày nay) và một số biệt thự bên hồ cũng là những dấu ấn người Pháp để lại trở thành những điểm du lịch check in hôm nay.
Trong ký ức nhiều người ở Hà Nội từ sau năm 1954, Hồ Tây dường như cũng bắt đầu từ một con đường, cho đến nay, vẫn là con đường đẹp nhất, đặc biệt nhất, nên thơ nhất của Hà Nội – đường Thanh Niên, do thế hệ đàn anh bồi đắp mở rộng đường Cổ Ngư từ cuối những năm 50. Con đường ngăn giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch này cũng gắn với những địa danh kiến trúc cổ như đền Quán Thánh và chùa Trấn Quốc cùng bến Nhà thuyền – nơi khởi đầu của những chuyến dạo hồ thơ mộng nhất, rất Hà Nội, của những cặp đôi.
Xa hơn nữa, Hồ Tây trong ký ức là Khu biệt thự – Nhà khách đầy tôn nghiêm và không dễ gần, là rặng ổi găng nổi tiếng và hồ bơi Quảng Bá vốn được ngăn lại từ một phần Hồ Tây. Quanh đây cũng là những hồ sen, đầm sen ngát hương Tây Hồ. Tới Quảng Bá – Quảng An, cũng đã là những điểm khá xa, nơi còn có thể cho những người trong nội thành tìm kiếm sở hữu những mảnh vườn thời kỳ trước những năm chiến tranh phá hoại. Bởi qua làn ranh ước lệ ấy đã là đào, quất Nhật Tân bạt ngàn của ngoại thành trong tiềm thức hồi đó.
Bờ Nam hồ, khi theo đường Thụy Khuê đi tàu điện đến Bưởi – bến cuối cũng là điểm cuối của những cuộc phiêu lưu thưở học trò, ấn tượng làng thật rõ nét với những cổng, những chùa đền đình và những con đường lát gạch rêu phong dẫn tới căn nhà có vườn ra sát mép nước, với những bụi hoa nhài và dăm gốc bưởi, có mùi hương quyện ngát rất lạ.
Hồ Tây hôm nay, bắt đầu từ những mảng xanh và mặt nước
Người viết những dòng này chưa có đủ thông tin để kiểm chứng lại diện tích Hồ Tây thay đổi (tất nhiên theo hướng thu hẹp lại) bao nhiêu từ sau năm 1954 qua các thập niên 60, 70, 80, 90 của thế kỷ trước và 10 năm nay. Có lẽ bắt đầu vào những năm sau đổi mới (nửa cuối những năm 80), mở màn bằng những cuộc “chinh phạt”- mua đất xây nhà ở phía bắc hồ từ Yên Phụ đến bán đảo Nghi Tàm. Không khó để nhận ra rằng, những vệt xanh, cụm xanh, mảng xanh vốn có quanh Hồ Tây đã biến mất một cách đáng kể ở khu vực này, để dần nhường chỗ cho mầu đỏ ngói của các loại Biệt thự – Nhà phố. Trong không gian cảnh quan tự nhiên của Hồ Tây, bán đảo Nghi Tàm chiếm một vị trí quan trọng và là một mảng xanh đáng tự hào. Quá trình vườn – cây cảnh – biệt thự – biệt thự liền kề – nhà phố diễn ra từ đầu những năm 90 đã làm mất dần không gian xanh, mật độ xây dựng tăng lên từng ngày; Và giật mình, nhìn sang phía Tây Bắc hồ theo hướng đường Lạc Long Quân đã thậm chí chỉ còn là những điểm xanh.
Theo lý thuyết kiến trúc cảnh quan, cây xanh mặt nước là hai thành tố không thể tách rời làm nên giá trị của những vùng xanh đô thị, hình thành một đại công viên sinh thái tự nhiên trong lòng thành phố như trường hợp Hồ Tây. Danh thắng Tây Hồ không phải được làm nên chỉ bởi mặt nước mà còn bởi những khoảng xanh, mảng xanh, vườn xanh, đường xanh… thậm chí đến những điểm xanh.Tất cả được làm nên bởi bàn tay tạo tác của con người bên mặt nước tự nhiên.
Nhìn Hồ Tây hôm nay, về màu sắc mà nói, ngoài màu xanh của cây, màu đỏ của ngói, vệt vàng của tường nhà và cái lung linh huyền ảo nhiều sắc màu của mặt nước, còn có màu trắng bạc của con đường bờ Hồ Tây. Có lẽ khá lạ với những con đường ở vị trí ven hồ thường thấy, trong các cuốn sách quy hoạch. Con đường này trước hết đảm nhận việc chống sự xâm lấn kè hồ lấn đất, thu hẹp mặt nước. Và quả là nó đã làm tốt chức năng này.
Nhưng, cũng thật tiếc, điểm lại toàn tuyến đã được xây dựng thì mặt cắt phổ biến vẫn là nhà (mặt phố) – đường – bờ kè hồ – mặt nước. Hiếm có đôi chỗ giữa đường và mặt nước có được công viên nhỏ hoặc thậm chí đường dạo – hàng cây ghế đá. Vô hình trung con đường đã tước đi cái quyền tiếp cận, hưởng thụ của mọi người dân đến với hồ. Từ góc nhìn cảnh quan, con đường này lẽ ra nên đóng vai trò hình thành chuỗi điểm nhìn từ những chuyển động chậm phi cơ giới chứ không phải một tuyến giao thông bổ sung. Và cũng ở đây, trên con đường vốn muốn được dành cho giao thông không khói này hình thành một cấu trúc xanh quanh hồ, nơi có thể theo trào lưu sống chậm, cảm nhận về giá trị của khoảng lặng trong đô thị ngày một sâu sắc hơn.
Tuy nhiên, con đường dạo ven hồ (có thể trong ý tưởng ban đầu) đã dần biến thành con phố quanh hồ. Mà đã là phố thì đương nhiên các loại shop, dịch vụ tiện ích và hàng quán quy mô lớn nhỏ đua nhau phát triển. Rồi các mô hình lưu trú từ nhà nghỉ, nhà khách, khách sạn mini… cho đến các condotel thời thượng. Và tất nhiên là lại vấn nạn kẹt xe, khi mặt cắt con đường (5,5m) chỉ trù tính cho cả hai làn xe xuôi ngược…
Bài học khai thác cảnh quan ven hồ ở xứ người cũng thật nhiều mà sao để thực hiện ở ta lại khó làm vậy. Bỗng dưng, lại nhớ đến bản quy hoạch Hà Nội mà các nhà quy hoạch Liên Xô đã giúp ta trước đây. Quanh Hồ Tây (kể cả bán đảo Nghi Tàm) là một miền xanh, như một vùng sinh thái vừa bảo vệ, vừa khai thác tôn vinh giá trị cảnh quan thiên nhiên của Hồ Tây. Trải qua các thời kỳ điều chỉnh quy hoạch chung và đặc biệt sau những cơn bão của cơ chế thị trường, miền xanh sinh thái Hồ Tây đã dần biến mất, và nhà cửa phố phường tới sát mép nước. Cũng vì vậy, ta vẫn phải cảm ơn con đường – dù nó chỉ là đường kè hồ, đã giữ không cho hình hài hồ bị thay đổi và diện tích bị thu hẹp.
Kiến trúc quanh hồ – silhouette (hình bóng) và những mái nhà
Từ điểm nhìn từ phía Nam Hồ Tây, có thể thấy một panorama với những kiến trúc cao thấp, mới cũ trên nền mờ xa của sông Hồng. Đáng chú ý là các công trình cao tầng ở những vị trí mà khoảng cách khác nhau nhưng trong vùng kiến tạo nên silhouette của Hồ Tây (Tất nhiên, silhouette đánh giá được, có thể khác nhau ở điểm nhìn động – khi di chuyển quanh hồ hoặc trên hồ, và ở điểm nhìn tĩnh, khi từ vị trí quan sát nhất định).
Không khó để có thể thấy, những công trình cũ có một cách ứng xử với Hồ Tây tốt hơn công trình mới, cả về khoảng cách lẫn hình khối không gian. Làng Việt Nhật và Khách sạn Somerset Westlake ở bờ Nam, Khách sạn Sofitel Plaza và tòa nhà Hanoi Lake Wiew ở bờ phía Đông Bắc, không phải ngẫu nhiên đều chọn giải pháp giật cấp. Trong khi đó, làm nền ở khoảng cách tương đối xa nhưng vẫn tham gia tạo điểm nhìn và silhouette cho Hồ Tây lại là những cao ốc quá đơn điệu của Khu Ciputra. Khách sạn Sheraton, thì dường như có dáng vẻ chỉn chu, nghiêm túc quá và thật vô tình với cảnh hồ (có lẽ phần nào vì tính thực dụng trong hình thức).
Cách tiếp cận với mặt nước của các công trình cũng là cái đáng phải bàn. Trong 3 công trình (đến thời điểm này) được phép xây trên mặt hồ là Khách sạn Thắng Lợi, Hanoi Club và Inter Continental Hotel Westlake, thì tôi vẫn cảm tình với cách ứng xử của Khách sạn Thắng Lợi, mặc dù nó cũ nhất. Hanoi Club đưa đến một sự phản cảm cả về quy mô lẫn motip và các loại ngôn ngữ quá lạc lõng với Hồ Tây nói chung, và vị trí cụ thể bên đình làng Yên Phụ nói riêng.
Inter Continental Hotel Westlake có một đẳng cấp Khách sạn bậc nhất, rất cầu kỳ khi xử lý những khối nằm trên hồ. Nhưng từ phía hồ và nhất là từ điểm nhìn bên này hồ, trên cao một chút tại các cao ốc, phần đế của các khối rõ ràng không thân thiện với mặt nước và cũng rõ ràng không được hồ tiếp nhận, giống như những ngôi nhà bị ngập trong lũ lụt vậy.
Khách sạn Thắng Lợi với hai khối ngủ ba tầng tọa lạc trên những hàng cột để trống chạy trên mặt hồ, tạo thành những không gian mở ra toàn cảnh Hồ Tây, cùng các hiên phòng với vách ngăn cách điệu với hình dáng phóng khoáng, tiếp xúc với thiên nhiên một cách tối đa. Quần thể kiến trúc được dàn trải trên bờ và lan xuống mặt nước một cách tự nhiên, cùng với hành lang cầu, bể bơi, bến thuyền tạo nên một tổng thể cân bằng về diện và khối, hài hòa với điều kiện tự nhiên. Hình thức kiến trúc, tiểu cảnh – vật liệu – cây xanh, cảnh quan kết hợp tạo nên một không gian nhiệt đới đặc biệt Việt Nam, hòa nhập với sen Nghi Tàm và chùa Kim Liên cổ kính. Có vẻ như không tìm ra cái tại sao được ở Khách sạn Thắng Lợi, chỉ thấy nó nhẹ nhàng, hòa quyện, làm nên một phần mơ hồ, mong manh của Hồ Tây, mà không cần có nhu cầu phải khẳng định chỗ đứng.
Tốc độ phát triển nhà cao tầng tại các khu đô thị mới phía Tây Hồ Tây trong vòng 10 năm qua đã tạo thành một lớp silhouette thứ hai, một lớp nền toàn cảnh, cho Hồ Tây. Tầm nhìn dần khép lại ở phía Tây Bắc hồ bởi những khu cao ốc đa dạng cho thấy tốc độ xây dựng rất cao theo hướng này. Dường như khoảng cách đến ven hồ cho thấy có sự tôn trọng nhất định trong ứng xử với không gian Hồ Tây thông qua việc khống chế chiều cao theo điểm lùi. Tuy nhiên cũng không khó để nhận ra qua lớp silhouette thứ hai này, một dàn hợp xướng thiếu bàn tay của nhạc trưởng.
Mười năm tới có lẽ sẽ chứng kiến sự phát triển của hướng Đông Bắc, nơi mà tầm nhìn hôm nay vẫn còn thấy rõ cầu Đông Trù, cũng như mới vài năm trước còn được chiêm ngưỡng 5 nhịp dây văng của cầu Nhật Tân từ phía bờ Nam Hồ Tây ở độ cao 45m. Một phần cư dân Hà Nội, cho dù có dịch chuyển lên những khu cao tầng, dần dần sẽ không còn được nhìn thấy những dãy núi Ba Vì hay Tam Đảo nữa, nhưng lại được chứng kiến sự cao dần của đô thị Hà Nội trong cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Bên cạnh silhouette, bức tranh kiến trúc Hồ Tây còn được tạo bởi dòng chảy – ngôi nhà – những con phố cũ bên bờ Nam thông qua quan sát những chuỗi mái nhà phố hay thường được gọi là mặt đứng thứ năm.
Trước hết, nói về con đường Thụy Khuê vốn mang nặng lịch sử của một nhánh sông Tô Lịch ngoài hoàng thành (đường Hoàng Hoa Thám) xưa. Ảnh tư liệu còn cho thấy bến sông lên đến cổng đền Quán Thánh bây giờ. Dãy số chẵn từ Khu tập thể Văn phòng Chính phủ, Xưởng phim Truyện, trường Chu Văn An, (những công trình công cộng) lên tới chợ Bưởi hầu hết theo dạng bám mặt phố – nhà vườn ra ngay hồ ở phía sau (chỗ hẹp) hoặc theo những ngõ nhỏ (ở những chỗ rộng) cũng dẫn ra hồ. Dãy số lẻ vẫn còn ảnh hưởng của tàn dư nhánh sông nên xây dựng tương đối hạn chế.
Nay, chỉ thấy mái nhà san sát, hầu như khó có thể nhận biết các đoạn uốn lượn tự nhiên theo con sông và bờ Hồ Tây xưa. Nhìn mái nhà cũng có thể đoán được mức giàu nghèo cả về vật chất lẫn tri thức và lối sống của từng nhà. Rất ít mái được thiết kế để tạo dáng tham gia vào kiến trúc, ngoại trừ một số biệt thự mới làm. Hầu như không còn nhà nào sử dụng sân thượng mái bằng, và cũng rất ít bàn tay của kiến trúc sư được với đến bản hợp ca lộn xộn – rất phố này. Vật liệu có tỉ lệ áp đảo là bằng tole. Hình thức cao thấp, 4 mái, 2 mái, mái che trực tiếp, mái che sân thượng, độ dốc khác nhau. Tự nhiên thấy buồn, ở những nơi khác “cái tôi – mái nhà”, bị hạn chế bởi những quy định bắt buộc khi đứng cạnh nhau và cùng nhau làm nên một tuyến phố.
Câu chuyện dòng chảy- mái nhà – con phố Thụy Khuê bờ Nam hồ cũng là câu chuyện không mới ở Yên Phụ bờ Bắc và ngay cả ở những con phố mới sát hồ như Nguyễn Đình Thi, Trích Sài…
Danh thắng Hồ Tây – Di sản thiên nhiên, Di sản văn hóa
Điểm qua các tiêu chí xét tặng công nhận di sản thiên nhiên, văn hóa cấp quốc gia đối chiếu lại với lịch sử hình thành, kiến tạo, Hồ Tây từng có đủ những điều kiện và hiện cũng nhiều tiềm năng để đáp ứng, nếu xem xét đến cả khát vọng của cả Hà Nội – Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử của không gian kiến trúc cảnh quan Hồ Tây.
Nhìn nhận chặng đường 70 năm với những bản quy hoạch và thực tiễn thay đổi của không gian kiến trúc cảnh quan Hồ Tây theo từng thời kỳ, thấy có quá nhiều những cái “giá như”. Tuy nhiên, trong các nỗ lực bảo tồn, phát huy những tiềm năng lợi thế sẵn có trở thành động lực để phát triển du lịch, từng bước đưa Hồ Tây trở thành trung tâm văn hóa – sáng tạo mới của Thủ đô, cần có nỗ lực loại bỏ những cái “giá như” đó khi vẫn còn có thể.
Bên cạnh các vấn đề cụ thể cần giải quyết, đã, đang và sẽ phải giải quyết như Quản lý không gian chức năng (không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại…); Quản lý môi trường nước và cải thiện không gian sinh sống của các loài thủy sản trong hồ; phát triển du lịch tâm linh kết hợp với làng nghề truyền thống (quất cảnh Tứ Liên, hoa đào Nhật Tân, trà sen Quảng An, xôi Phú Thượng, giấy dó phường Bưởi…); Xác định các giá trị văn hoá, cảnh quan, giá trị thiên nhiên cần được quản lý, bảo tồn, các không gian chức năng và ngành lĩnh vực ưu tiên phát triển của Hồ Tây và vùng phụ cận.
Thiết nghĩ, nên chăng vẫn bắt đầu từ Quy hoạch, cần có một quy hoạch tổng thể (bao gồm quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị), phân vùng bảo tồn không gian cây xanh mặt nước với các tuyến giao thông không khói. Trong đó, đảm bảo chức năng trong mơ của đường ven hồ, một con đường chỉ dành cho đi bộ và xe đạp, thân thiện với môi trường dài nhất Hà Nội.
Tất nhiên, để thực hiện được cái chức năng mà nó vốn phải có và cần có ấy, ngay từ bước quy hoạch đã phải giải quyết được các bài toán liên quan, trong đó đặc biệt là bài toán giao thông cơ giới tiếp cận. Nên chăng, giao thông cơ giới được tổ chức lại, trên cơ sở Quy hoạch phân khu Hồ Tây 2014, theo các tuyến vành đai bên ngoài: Thụy Khuê, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Nghi Tàm, Đường Thanh Niên.
Liệu còn có tính khả thi của việc quay lại thời điểm xuất phát của con đường quy hoạch ven hồ nay? Phải chăng đã quá muộn để đi tìm cái đã mất? Hay phải chăng chỉ có thể tổ chức cho từng khúc, theo thời vụ giới thiệu sản vật và văn hóa Tây Hồ? Hay chỉ vào dịp cuối tuần, theo mô hình Hồ Gươm, mở rộng khu đi bộ ở phố Trịnh Công Sơn trên toàn tuyến ven hồ?
Cũng trong Quy hoạch tổng thể này cây xanh mặt nước không chỉ còn dừng ở việc bảo tồn, vốn làm chưa tới trong hàng chục năm qua, mà còn phải được phát triển, mở rộng từ các điểm, các khu vực được khống chế mật độ xây dựng, hình thành các trục liên kết không gian văn hóa như Hồ Tây – Cổ Loa, Hồ Tây – Sông Hồng, Nhật Tân – Nội Bài bằng những trục liên kết không gian xanh…
Thay cho lời kết
Mặt nước Hồ Tây thật lạ, các làn sóng đan gợn chéo nhau, có lúc lăn tăn, nhưng cũng có lúc dữ dội, mà dường như mùa nào cũng đẹp. Mùa Đông đẹp mơ màng mà lãng đãng, sáng tới gần trưa vẫn mù sương như tên gọi Dâm Đàm thuở nào. Mùa Thu trời trong veo hòa xuống mặt hồ những ngày quang mây thoáng bóng những đội thuyền đua buổi sáng sớm và đêm tối lung linh ven bờ, chờ những du thuyền sẽ lại chậm rãi giữa lòng hồ. Cái hương vị sắc màu Xuân Hạ được tinh đọng bởi đào quất Nhật Tân, sen Nghi Tàm – Quảng Bá, nhài Yên Thái – Thụy Khuê, tan trong trời nước Tây Hồ. Tìm về đây để nghe âm thanh sóng vỗ dạt dào trước làn nước mênh mông phải chăng thật xa xỉ giữa một đô thị ken kín người – xe – xuôi – ngược hiện hữu?
Cảm ơn những địa danh tâm linh và những ngôi trường đã giữ được khuôn viên xanh cho Hồ Tây. Cảm ơn con đường Cổ Ngư mang tinh thần Thanh niên tiên phong giữ những trục đường xanh. Hồ Tây chờ ở chúng ta một cách ứng xử tương xứng của truyền thống Hà Nội ngàn năm. Và, Hồ Tây vẫn luôn là một Di sản thiên nhiên, văn hóa trong lòng người Hà Nội./.
TS.KTS Trần Thanh Bình