Năm 2024, đánh dấu nhiều mốc phát triển quan trọng của đất nước, từ những thành tựu hay thách thức về kinh tế, chính trị, đến các nỗ lực ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tiếp tục khẳng định vai trò trong việc góp phần vào sự phát triển của ngành kiến trúc. Trong năm qua, Hội KTS Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, gắn với trách nhiệm xã hội của giới nghề và bảo tồn những giá trị kiến trúc của dân tộc. Những chương trình thiết thực đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là những vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Tạp chí Kiến trúc điểm lại những hoạt động nổi bật của Hội KTS trong năm qua, thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với sự phát triển giới nghề và cộng đồng.
1. Tích cực triển khai và hoàn thành Giai đoạn 1 cho 05 đề án được Chính phủ giao chủ trì, thực hiện theo Định hướng Phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Sau khi hoàn thành đề án Xây dựng, phát triển hệ thống lý luận, phê bình kiến trúc Việt Nam (2022-2023) theo kế hoạch, Hội KTS Việt Nam tiếp tục chủ trì thực hiện và hoàn thành Giai đoạn 1 cho 4/5 đề án nghiên cứu 7 năm (2022-2028) của Chính phủ giao theo Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050 (Quyết định 1246/2021/QĐ-TTg). Trong năm qua, đã có nhiều Hội thảo, Tọa đàm chuyên môn được tổ chức, thu hút sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình kiến trúc,… Các sự kiện này không chỉ tạo cơ hội chia sẻ, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm, mà còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị kiến trúc Việt Nam.
Các đề án bao gồm: (1) Đề án kiến trúc nông thôn từ truyền thống đến hiện đại, gắn kết thời kỳ hội nhập; (2) Đề án đào tạo, đổi mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kiến trúc sư theo hướng hội nhập quốc tế; (3) Đề án lưu giữ, trưng bày các giá trị bản sắc kiến trúc của dân tộc Việt Nam; (4) Đề án nghiên cứu về bảo tồn, phát huy, làm mới trong phát triển kiến trúc Việt Nam.
2. Hội nghị BCH TW lần thứ 6, khóa X và Hội thảo Gặp gỡ mùa thu “Kiến trúc nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu” tại Vĩnh Long
Ngày 16/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Hội KTS Việt Nam lần thứ 6, Khóa X đã diễn ra thành công tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Vĩnh Long, dưới sự chủ trì của TS.KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam. Tham dự Hội nghị có 95/105 Ủy viên BCHTW Hội và 25/35 Chủ tịch các Hội KTS cơ sở, Chi hội trực thuộc. Đây là Hội nghị BCH lần cuối của nhiệm kỳ, ngoài việc tổng kết hoạt động của Hội trong năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025, Hội nghị đã bàn bạc, đóng góp ý kiến cho Dự thảo các văn kiện Đại hội XI, và công tác nhân sự BCH, Ban Thường vụ khóa tới. Hội nghị đánh giá cao sự chỉ đạo năng động, sáng tạo, hiệu quả đảm bảo tính dân chủ, công khai của Ban Thường vụ và Thường trực lãnh đạo Hội cùng sự điều hành của đ/c Chủ tịch trong hoạt động Hội.
Sáng cùng ngày, các Ủy viên BCH, Chủ tịch Hội KTS cơ sở, Chi hội trực thuộc; các đại biểu, khách mời và hơn 300 KTS đến từ nhiều địa phương trên cả nước đã tham dự Hội thảo Gặp gỡ Mùa Thu 2024 với chủ đề “Kiến trúc nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu” và Triển lãm Kiến trúc nhà ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu. Tại đây, các chuyên gia đã thảo luận về các giải pháp kiến trúc bền vững, nhấn mạnh việc thiết kế nhà ở phù hợp với điều kiện khí hậu đặc trưng của từng vùng, sử dụng vật liệu xanh và tiết kiệm năng lượng. Hội thảo đã tạo cơ hội để các kiến trúc sư, chuyên gia trao đổi ý tưởng nhằm ứng phó với thách thức biến đổi khí hậu.
3. Chủ tịch Hội đồng các cuộc thi tuyển Kiến trúc – Quy hoạch quy mô lớn trên toàn quốc
Trong năm 2024, giới Kiến trúc ghi nhận nhiều cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch, phương án kiến trúc với quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các dự án kiến trúc, quy hoạch nổi bật của đất nước. Các cuộc thi này không chỉ mang tính chất chuyên môn cao mà còn góp phần thể hiện tầm nhìn chiến lược cho phát triển hạ tầng, văn hóa và môi trường đô thị trong tương lai. TS. KTS. Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam được Chủ đầu tư mời tham gia với vai trò Chủ tịch Hội đồng thi tuyển trong các cuộc thi kiến trúc – quy hoạch có quy mô lớn, thể hiện sự tín nhiệm cao của cộng đồng với vai trò lãnh đạo Hội KTS Việt Nam.
Một số cuộc thi tiêu biểu trong năm 2024 bao gồm: Thi tuyển Ý tưởng Quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực Bãi nổi giữa và Bãi ven sông Hồng, thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu, thi tuyển Phương án kiến trúc Tháp Tài chính 108 tầng – Dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội, thi tuyển Ý tưởng Quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng Nông nghiệp Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình Trụ sở chung tại Khánh Hòa,…
Các cuộc thi tuyển không chỉ nâng cao chất lượng thiết kế trong các dự án lớn mà còn góp phần thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong cộng đồng kiến trúc sư Việt Nam, đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn trong quy hoạch và kiến trúc phù hợp với dự án đã được phê duyệt.
4. Triển khai chương trình Kiến trúc nông thôn với sổ tay hướng dẫn và ban hành đợt 1 gồm 200 kiểu nhà cho Vùng miền
Trước thực tại phát triển của kinh tế xã hội, biến đổi phức tạp của khí hậu, đòi hỏi cần phải có những nghiên cứu về kiến trúc nhà ở nông thôn trên tất cả các vùng miền. Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã triển khai chương trình Kiến trúc nông thôn với sổ tay hướng dẫn nhằm cung cấp cho người dân nông thôn những kiến thức cơ bản để tự hình thành các ý tưởng kiến trúc về ngôi nhà của, đưa ra các yêu cầu đối với kiến trúc sư, cùng các kiến trúc sư thiết kế công trình và kiểm soát toàn bộ công việc xây dựng nhà ở riêng lẻ của mình tại nông thôn. Trong năm 2024, Hội đã tổ chức tập hợp, chọn lọc, nghiên cứu thiết kế những kiểu nhà ở nông thôn thường xuyên cập nhật để giới thiệu với cộng đồng và ghi nhận trên 200 mẫu nhà cho Vùng, miền.
Dự kiến sổ tay sẽ giới thiệu các giải pháp thiết kế xây dựng, đảm bảo hiệu quả về sử dụng, tiết kiệm kinh phí, an toàn, an sinh, có thể biến đổi linh hoạt (phân chia, tách hộ hoặc ghép các nhóm thành viên trong gia đình, thay đổi hoạt động kinh tế của hộ gia đình…) và hình thức kiến trúc có được bản sắc vùng miền. Kết hợp kinh nghiệm truyền thống với kỹ thuật, sử dụng vật liệu và công nghệ hiện đại một cách hợp lý. Đồng thời, giới thiệu một số giải pháp xây dựng đơn giản giảm nhẹ tác động của thiên tai.
5. Thiết kế tái thiết làng Nủ và thôn Nậm Tông ở Lào Cai theo chương trình khẩn cấp Chính phủ
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Đài Truyền hình T.Ư và Hội KTS Việt Nam triển khai thiết kế khẩn cấp xây dựng bản Nủ (huyện Bảo Yên) và thôn Nậm Tông (huyện Bắc Hà). Trong đó, Hội KTS Việt Nam chịu trách nhiệm lập quy hoạch chung (địa điểm Bản Nủ mới tại khu vực Đồi Sim, Bảo Yên, cách vị trí Làng Nủ cũ 2 km; địa điểm Thôn Nậm Tông mới tại xã Nậm Lúc, Bắc Hà do Tỉnh lựa chọn, quyết định) và thiết kế công trình. Viện Kiến trúc – Quy hoạch xây dựng tỉnh Lào Cai thực hiện quy hoạch chi tiết. Hội KTS Việt Nam đã kịp thời tiếp cận, khẩn trương thành lập nhóm KTS đặc trách đảm nhiệm thiết kế kiến trúc do KTS Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội chủ trì, tổ chức đi thực địa, khảo sát để lên phương án quy hoạch chung và thiết kế các công trình nhà ở, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng với sự phối hợp của các chuyên gia về kết cấu, điện nước và dân tộc học trong thời gian sớm nhất. Với quan điểm, thiết kế kiến trúc phải bền vững, sinh thái, kinh tế, bản sắc và có khả năng lắp ghép cấu kiện, thời gian thi công nhanh, đảm bảo chất lượng. Nghiên cứu từ quy hoạch, thiết kế lựa chọn vị trí, tính toán phương án kiến trúc nhà đảm bảo phòng tránh thiên tai, đảm bảo tính bền vững, hài hòa với thiên nhiên và chú ý đến yếu tố văn hóa đặc trưng của các dân tộc, phù hợp với kiến trúc truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào Tày (thôn Làng Nủ) và đồng bào Mông (thôn Nậm Tông). Các mẫu thiết kế của Hội KTS Việt Nam đã được Lãnh đạo Tỉnh, chính quyền địa phương chấp thuận và được sự đồng thuận của bà con ở Làng Nủ và thôn Nậm Tông.
Đây là một phần trong nỗ lực tái thiết và phát triển bền vững các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nhằm cải thiện điều kiện sống cho người dân địa phương. Thông qua dự án này, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng hạ tầng và cải thiện đời sống người dân tại các khu vực khó khăn.
Ngày 22/12/2024, các dự án tái thiết khu dân cư Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng đã chính thức khánh thành vượt tiến độ đề ra với sự ủng hộ của các bộ, ngành, các quỹ, các nhà tài trợ; đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng của tỉnh Lào Cai, Binh đoàn 12 và các đơn vị thiết kế, thi công.
6. Toạ đàm: Giải pháp Kiến trúc, Quy hoạch để giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ lụt tại Việt Nam
Ngày 18/9/2024, sau những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3, Hội KTS Việt Nam đã nhanh chóng tổ chức toạ đàm: Giải pháp Kiến trúc, Quy hoạch để giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ lụt tại Việt Nam và quy tụ chuyên gia, nhà quản lý từ trung ương, tới địa phương để có những trao đổi từ thực tiễn, từ đó đưa ra các hướng cảnh báo, hướng dẫn giải pháp thiết kế trong công trình.
7. Festival sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ XIV – HUSC 2024: “Huế – Tuổi trẻ với di sản”
8. Tổ chức thành công Giải thưởng Loa Thành lần thứ 36 – Năm 2024
Giải thưởng Loa Thành là Giải thưởng được tổ chức hàng năm dành cho sinh viên các ngành Kiến trúc & Xây Dựng, cơ quan điều hành cao nhất là Hội đồng giải thưởng mà Chủ tịch Hội đồng luân phiên là đại diện từ các cơ quan chủ trì và Ban Tổ chức giải do Tổng hội Xây dựng Việt Nam làm thường trực. Giải thưởng Loa thành lần thứ 36 năm 2024 được tổ chức do Hội Kiến trúc sư Việt Nam chủ trì và chịu trách nhiệm Chủ tịch luân phiên Hội đồng giải thưởng.
Tham gia dự Giải Loa Thành lần thứ 36 năm 2024 có 22 trường Đại học với số lượng đồ án dự thi là 193 đồ án (tăng >6% so với năm 2023). Các đồ án dự thi là các đồ án của các trường đại học đào tạo về xây dựng, kiến trúc, công nghệ kỹ thuật xây dựng, giao thông, thủy lợi…của các trường đại học công lập và dân lập. Năm 2024, Giải thưởng Loa thành ghi nhận 02 giải Nhất, 18 giải Nhì, 24 giải Ba và 22 Giải khuyến khích.
9. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 thành công rực rỡ
Sau 9 ngày tổ chức (từ 9-17/11/2024), Lễ hội Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đã đón tiếp gần 30 vạn nhân dân và du khách tới thưởng lãm và tham gia. Lễ hội do Hội Kiến trúc sư Việt Nam và UBND TP Hà Nội chỉ đạo; Sở Văn hoá và Thể thao, Tạp chí Kiến trúc thường trực tổ chức, cùng sự đồng hành và phối hợp tổ chức của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Tập đoàn SOVICO; Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), UBND Quận Hoàn Kiếm, Thành đoàn Hà Nội, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, và các doanh nghiệp, nhóm cộng đồng, các chuyên gia và tài năng sáng tạo.
Bước sang kỳ thứ 4, đánh dấu 5 năm kể từ khi Hà Nội trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO, Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024 chủ đề “Giao lộ sáng tạo” đã được thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà nội và được mở rộng với hơn 110 hoạt động thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hoá tiêu biểu như kiến trúc, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo… Điểm nhấn là các diễu hành cộng đồng sáng tạo, công trình biểu tượng, sắp đặt không gian sáng tạo, hoạt động triển lãm – trưng bày, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm, các tọa đàm hội thảo quốc tế và trong nước. Bên cạnh đó, gần 50 hoạt động sáng tạo hưởng ứng từ các không gian sáng tạo đã mang lại không khí tưng bừng của Lễ hội Sáng tạo trên toàn Thành phố.
10. Tích cực hợp tác cùng doanh nghiệp thúc đẩy tối đa cho các hoạt động giao lưu, phát triển nghề nghiệp của Kiến trúc sư
Trong năm 2024, Hội KTS Việt Nam đã tích cực hợp tác, ghi nhận sự đồng hành của các doanh nghiệp trong các hoạt động của giới nghề nhằm phát huy thế mạnh của các bên, cùng nhau tạo ra các hoạt động ý nghĩa, bổ ích cho giới hành nghề kiến trúc – xây dựng tại Việt Nam.
Lễ ký kết với Công ty TNHH TOTO Việt Nam vào ngày 16/4/2024 khẳng định sự đồng hành sâu rộng giữa hai bên qua các các cuộc thi chuyên môn, đặc biệt là đồng tổ chức chương trình Architect Talk thường niên có sự tham gia của các KTS nổi tiếng tại Nhật Bản, góp phần chia sẻ và tạo sân chơi bổ ích cho giới hành nghề kiến trúc tại Việt Nam.
Ngày 22/4/2024, Lễ ký kết cùng Công ty CP kinh doanh gạch ốp lát Viglacera cũng khẳng định sự đồng hành cùng Hội KTS Việt Nam qua nhiều hoạt động với tinh thần cộng đồng cao. Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật và thông tin bổ ích về các công nghệ, vật liệu mới, giúp ích cho quá trình thiết kế, sáng tạo của các KTS.
ThS. KTS. Nguyễn Ánh Dương
Trưởng Ban Truyền thông Tạp chí Kiến trúc
© Tạp chí Kiến trúc