Bất Động Sản

Hội thảo khoa học: “Ứng dụng công nghệ hóa học trong công tác bảo quản vật liệu di tích”

Hội thảo sẽ diễn ra trong hai ngày 20-21/10/2024. Đây là cơ hội chia sẻ, công bố và khẳng định các kết quả nghiên cứu ứng dụng bảo quản vật liệu gạch, đá trong di tích. Từ đó, trao đổi, tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia về các nội dung liên quan.

Bảo quản di tích là giai đoạn đầu tiên trong công tác bảo tồn di tích, nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tác động từ môi trường tự nhiên và xã hội. Quá trình này phải đảm bảo không làm thay đổi các yếu tố gốc của di tích như vị trí, cấu trúc, chất liệu, kỹ thuật xây dựng, chức năng và cảnh quan. Việc bảo quản giúp giữ gìn tối đa tính chân thực và nguyên bản của di tích, từ đó phát huy giá trị văn hóa và lịch sử mà di tích mang lại.

Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các phương pháp bảo quản di tích tiên tiến như hóa học, vật lý và sinh học đang được áp dụng ngày càng phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, xu hướng bảo quản bằng phương pháp hóa học đang được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng rộng rãi.

Phương pháp này đã mang lại những kết quả tích cực ban đầu, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về việc duy trì tính toàn vẹn và gia tăng tính bền vững cho di tích, đồng thời mở ra tiềm năng lớn cho việc bảo tồn lâu dài các di sản văn hóa, lịch sử của đất nước.

Với mong muốn tạo ra một diễn đàn khoa học để các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, đội ngũ chuyên gia, các nhà lãnh đạo, quản lý trong nước và quốc tế trao đổi, chia sẻ thông tin, thảo luận và công bố những công trình nghiên cứu khoa học cũng như kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan đến bảo quản vật liệu trong di tích, Viện Bảo tồn di tích tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Ứng dụng công nghệ hóa học trong công tác bảo quản vật liệu di tích”.

Thời gian và địa điểm tổ chức Hội thảo

  • Thời gian: 02 ngày, thứ Hai và thứ Ba ngày 20-21/10/2024
    • Ngày thứ nhất: Đón tiếp các đoàn đại biểu từ xa đến tham dự Hội thảo
    • Ngày thứ hai: Tổ chức Hội thảo
  • Địa điểm: Bảo tàng tỉnh Quảng Nam – Thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam

Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề lý luận và thực tiễn về: Thực trạng và các vấn đề về quản lý bảo quản vật liệu gạch, đá trong di tích; Kỹ thuật và công nghệ bảo quản vật liệu gạch, đá hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới; Một số định hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ hóa học trong bảo quản vật liệu gạch, đá di tích và khả năng áp dụng cụ thể của các công nghệ, giải pháp và sản phẩm bảo quản các nhóm vật liệu gạch, đá trong di tích.

Sau 2 tháng triển khai kêu gọi bài viết, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 25 bài viết khoa học của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý. Sau quá trình phản biện độc lập kỹ càng. Hội đồng biên tập đã lựa chọn được 20 bài đăng Kỷ yếu Hội thảo. Do thời gian có hạn, Ban Tổ chức đã chọn ra 10 báo cáo khoa học tiêu biểu để trình bày và thảo luận tại Hội thảo.

Cũng trong khuôn khổ của chương trình Hội thảo, các đại biểu sẽ được tham quan thực tế một số kết quả ứng dụng thử nghiệm trong bảo quản bề mặt vật liệu tại di tích tháp Chăm Chiên Đàn, tháp E7, B4 – Khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Uyên Thư – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc



Nguồn