Hội thảo “Nhà ở xã hội – thực trạng và tầm nhìn”: Từ cơ chế đến công nghệ để hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người dân
Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh các chủ trương, chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển nhà ở xã hội nhằm bảo đảm an sinh cho số đông người dân, ngày 10/5/2025, tại TPHCM, Hội Kiến trúc sư TPHCM phối hợp cùng đại diện Tập đoàn Ong&Ong tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Nhà ở xã hội – Thực trạng và tầm nhìn”. Sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới chuyên môn, cơ quan quản lý, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc, Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM – nhấn mạnh vai trò thiết yếu của nhà ở xã hội trong việc bảo đảm một xã hội phát triển bền vững, công bằng. Theo ông, tổ chức hội thảo không chỉ là cơ hội để lắng nghe các ý kiến từ chuyên gia và các bên trực tiếp tham gia vào thực tiễn dự án, mà còn nhằm tổng hợp và đề xuất các giải pháp khả thi, làm cơ sở tham mưu cho UBND TP.HCM trong việc hoạch định chính sách phù hợp hơn cho loại hình nhà ở đặc thù này.
So sánh thể chế và bài học từ khu vực: Malaysia thay vì Singapore
Hội thảo tập trung phân tích sâu sắc các khác biệt trong việc triển khai nhà ở xã hội giữa Việt Nam, Singapore và Malaysia. Các chuyên gia chỉ ra rằng mô hình nhà ở công cộng tại Singapore – dù rất thành công – lại được xây dựng trên nền tảng thể chế đặc biệt: sự tham gia toàn diện của nhà nước, cơ chế tài chính ưu đãi sâu rộng, hệ thống pháp lý và hành chính tập trung cao. Trong khi đó, Malaysia – với điều kiện tương đồng hơn với Việt Nam về mặt địa lý, xã hội và cơ chế phân bổ nguồn lực – lại mang đến những bài học thực tiễn, linh hoạt hơn cho Việt Nam tham khảo.
Ông David Ching – Tổng Giám đốc Điều hành Tập đoàn Ong&Ong – chia sẻ: “Điểm mấu chốt trong phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam là phải linh hoạt hóa chính sách, xây dựng riêng các tiêu chuẩn thiết kế – đầu tư – tài chính phù hợp với điều kiện thu nhập của từng nhóm dân cư. Tránh việc áp dụng một mô hình cứng nhắc, xa rời thực tế.” Ông nhấn mạnh, việc ban hành bộ tiêu chuẩn chuyên biệt cho nhà ở xã hội là điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư và triển khai hiệu quả.
Công nghệ xây dựng tại chỗ – Chìa khóa giảm giá thành, tăng chất lượng
Một nội dung nổi bật tại hội thảo là việc giới thiệu và thảo luận về công nghệ xây dựng tại chỗ (on-site construction technology). Theo các chuyên gia, công nghệ này cho phép rút ngắn thời gian thi công ít nhất 40%, tiết kiệm nhân công khoảng 50%, đồng thời tận dụng vật liệu linh hoạt tại địa phương – giúp giảm đến 30% giá trị đầu tư công trình.
Điều đáng chú ý là công nghệ xây dựng mới này vẫn bảo đảm chất lượng công trình đạt các tiêu chuẩn bền vững, đồng thời góp phần quan trọng vào việc giảm giá bán căn hộ nhà ở xã hội. Đây được xem là giải pháp mang tính đột phá, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp và trung bình.
Hạ tầng giao thông đa dạng – Bệ đỡ cho các khu nhà ở xã hội ngoài trung tâm
Phần tham luận quan trọng khác của hội thảo xoáy sâu vào tầm quan trọng của việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hệ thống vận chuyển hành khách và hàng hóa tại các khu nhà ở xã hội nằm xa trung tâm đô thị. Các chuyên gia đề xuất phát triển các tuyến giao thông công cộng trên cao, bao gồm cả hệ thống cáp treo – vốn đang được triển khai rộng rãi ở nhiều nước như Colombia, Brazil, Mexico để phục vụ khu dân cư vùng cao hoặc xa trung tâm.
Với chi phí đầu tư chỉ bằng khoảng 1/5 so với tuyến metro, tốc độ thi công trung bình 1 km/tháng, mô hình giao thông công cộng bằng cáp treo mang lại triển vọng rất lớn trong việc mở rộng khả năng tiếp cận giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển và giảm tải cho khu vực nội đô. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc quy hoạch hợp lý các quỹ đất nhà ở xã hội, tạo điều kiện để phát triển những khu đô thị vệ tinh có kết nối thuận tiện và chi phí sống hợp lý.
Cơ hội hợp tác và chiến lược đầu tư dài hạn
Ông Nguyễn Văn Vương – Điều phối viên Dự án nhà ở xã hội của Tập đoàn Ong&Ong (vuongnguyennoxhvietnam@gmail.com) – chia sẻ: “Chúng tôi đang tìm kiếm các địa phương có tầm nhìn dài hạn, sẵn sàng khai thác hiệu quả quỹ đất và đồng hành phát triển các khu nhà ở xã hội quy mô hàng chục nghìn căn. Khi kết hợp công nghệ xây dựng mới với chiến lược giao thông công cộng phù hợp, chúng tôi tin rằng có thể tạo nên những mô hình nhà ở xã hội thực sự đáng sống, hiệu quả về kinh tế, đồng bộ về hạ tầng.” Một điểm nhấn đáng chú ý trong phần thảo luận là tính khả thi của mô hình này. Ông David Ching và cộng sự đã minh chứng bằng dự án thực tế triển khai thành công tại Đà Nẵng năm 2011, cho thấy công nghệ và chiến lược phát triển có thể áp dụng hiệu quả ở Việt Nam nếu có chính sách hỗ trợ phù hợp.
Dù thời lượng hội thảo có hạn, nhiều vấn đề quan trọng về cơ cấu tài chính và mô hình quản lý dự án đã được khơi gợi và phân tích sơ bộ. Các đại biểu đặc biệt quan tâm đến việc làm thế nào để Việt Nam sớm hình thành được một hệ sinh thái đầu tư – vận hành nhà ở xã hội bền vững, minh bạch và hấp dẫn nhà đầu tư.
Tín hiệu tích cực từ cộng đồng chuyên môn và nhà đầu tư quốc tế
Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, nhà thầu xây dựng, các nhà phát triển dự án đến từ Singapore, Malaysia, cùng đông đảo đơn vị báo chí, truyền thông trong và ngoài nước. Điều này cho thấy sự quan tâm ngày càng cao đối với lĩnh vực nhà ở xã hội – không chỉ như một trách nhiệm an sinh mà còn là một thị trường tiềm năng nếu có chính sách phù hợp. Kết thúc hội thảo, các bên thống nhất cần có thêm nhiều diễn đàn chuyên sâu hơn nữa để tiếp tục làm rõ các vấn đề chính sách, tài chính, kỹ thuật và mô hình phát triển, từ đó thúc đẩy hình thành một chiến lược quốc gia về phát triển nhà ở xã hội – phù hợp, bền vững, nhân văn và hướng đến số đông.
Minh Ngọc