“Nếu lãi suất thấp thì không ai đầu tư”
Tại cuộc gặp mặt giữa Thường trực Chính phủ với 200 doanh nhân tiêu biểu ngày 4.10, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân bày tỏ ủng hộ việc thực hiện 2 siêu dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông và đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Thách thức đặt ra là nguồn vốn để thực hiện các dự án. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị Chính phủ xem xét, có đề án cụ thể thu hút nguồn vốn trong nhân dân. Có thể phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia.
Xung quanh câu chuyện hút vốn trong dân để triển khai các siêu dự án, đặc biệt là đường sắt cao tốc Bắc – Nam, trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Trần Toàn Thắng cho rằng:
“Nếu lãi suất thấp thì không ai đầu tư, không ai bỏ tiền ra mua trái phiếu. Lãi suất cao thì khả năng Nhà nước không chịu được. Quan trọng là phát hành trái phiếu với mức lãi suất như thế nào và ngân sách có chịu được không”, ông Thắng nói.
Chính phủ gửi Quốc hội tờ trình dự án đường sắt tốc độ cao trước 21.10.2024
Vị này phân tích thêm, với dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, nếu Chính phủ phát hành trái phiếu ở mức lãi suất cao thì các ngân hàng có thể sẽ dồn tiền vào mua. Như vậy, Chính phủ trở thành vay ngân hàng, đồng nghĩa với việc nguồn vốn cho vay sản xuất, kinh doanh giảm đi. Loanh quanh cũng là câu chuyện tái phân bổ vốn.
“Vốn trong dân cũng nằm trong ngân hàng dưới dạng gửi tiết kiệm. Nếu phân bổ sang công trình này thì sẽ giảm ở các lĩnh vực đầu tư khác”, ông Thắng nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh phân tích, việc phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc những hình thức huy động vốn khác để triển khai các dự án, Nhà nước vẫn đang làm. Đề xuất của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam không có gì đặc biệt.
“Phát hành bao lâu cho phù hợp, lãi suất thế nào cho thỏa đáng. Hiện nay không thể bắt ép người dân mua trái phiếu được, phải có chế độ phù hợp, lãi suất thỏa đáng thì người dân sẽ mua”, ông Thịnh nói.
“Vay nước ngoài không phải lựa chọn tồi”
Đặt ra câu chuyện trông thêm vào nguồn vốn vay từ nước ngoài, ông Thịnh cho rằng, hoàn toàn có thể vay vốn từ các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Tương tự, ông Thắng cũng đánh giá, trong vay nguồn vốn từ nước ngoài, vốn ODA với lãi suất thấp và ân hạn nhiều nay đã không còn, chỉ còn vay với lãi suất thương mại.
Hiện nay, chênh lệch lãi suất trong nước và ngoài nước không nhiều, xu hướng chung là lãi suất bên ngoài đang giảm. Tuy nhiên, lãi suất ở mức 3 – 4%/năm, so với vay trong nước, vay của nước ngoài vẫn có lợi hơn.
Khẳng định “vay nước ngoài không phải lựa chọn tồi”, ông Thắng nhấn mạnh đây là giải pháp khả thi trong bối cảnh hiện nay.
“Nhu cầu cho vay của các tổ chức như WB, ADB khá nhiều, vấn đề là Việt Nam có dám vay hay không. Vay đối tác nước ngoài thì câu chuyện phải cân nhắc là vay nước nào, nhà thầu ở đâu.
Thông thường, vay vốn nước nào thì nhà thầu nước đó sẽ đảm nhận dự án, vì liên quan tới chi phí vay và chi phí sử dụng nhà thầu, công nghệ… Câu chuyện là mình lựa chọn công nghệ nào với đường sắt cao tốc Bắc – Nam, phải cân nhắc kỹ các yếu tố”, vị chuyên gia lưu ý.
Xung quanh chuyện kiếm tìm nguồn vốn phù hợp để triển khai các siêu dự án kể trên, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, phân tích theo Bộ Tài chính, năm 2023 tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam là 37%; trong khi trần nợ công Quốc hội đặt ra 60%.
Trong bối cảnh hiện tại, nếu vay vốn để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, có thể thấy khả năng vay quy mô này vẫn đáp ứng đảm bảo nợ dưới ngưỡng trần nợ công.
“Trong các lựa chọn vay, vay thông qua phát hành trái phiếu là khả thi nhất vì Chính phủ được toàn quyền kiểm soát sử dụng nguồn tiền.
Bù lại, với những dự án chưa làm bao giờ, Việt Nam cũng phải đi học hỏi kinh nghiệm và công nghệ; trong phần học hỏi, có lợi ích của việc vay qua đối tác quốc tế. Các đối tác đa phương như ADB hay WB, thường có phần hỗ trợ kỹ thuật; đi cùng với cho vay tiền còn có hỗ trợ kinh nghiệm thẩm định, quản lý, đánh giá dự án…”, ông Hùng đánh giá.
Theo ông Hùng, mấu chốt câu chuyện không phải là có vay đủ tiền hay không mà là vay tiền về để thực hiện phần nào của dự án cho hiệu quả nhất; cần xem xét vay tiền về triển khai dự án hiệu quả đến đâu.
Thông thường, hiệu quả của dự án không phải chỉ đánh giá việc hoàn thiện ban đầu mà còn phải cả khâu duy tu, bảo dưỡng, vận hành trong khoảng 30 – 50 năm. Những yếu tố này đều có thể đưa vào tính toán trong các phương án của dự án.
Bất ngờ giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Có rẻ hơn máy bay?
Một chuyên gia kinh tế rất am hiểu lĩnh vực đầu tư công khi chia sẻ với Thanh Niên nhấn mạnh, ngoài phát hành trái phiếu hay vay vốn từ các đối tác đa phương, Chính phủ có thêm lựa chọn vay song phương. Với vay song phương, có thể kèm thêm một số phương án về kỹ thuật, công nghệ.
“Ví dụ, vay tiền của Nhật thì mua tàu Nhật, vay tiền của Pháp thì mua tàu Pháp, vay tiền Trung Quốc thì mua tàu Trung Quốc… Tiền nào của ấy, nếu rẻ mà nhanh hỏng, chẳng thà mua đắt hơn một chút mà chạy bền thì có lợi hơn. Tất cả các khía cạnh này phân tích như vậy đã là đơn giản hóa sự phức tạp của dự án, nhưng cũng còn rất nhiều yếu tố phải cân nhắc kỹ lưỡng”, vị chuyên gia nói.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được đề xuất đầu tư với chiều dài 1.541 km, quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350 km/giờ, bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình khoảng 67 km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa.
Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM).
Mục tiêu cụ thể, phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư trước năm 2025; giải phóng mặt bằng, khởi công trước năm 2030; hoàn thành toàn tuyến trước năm 2045.
Tổng mức đầu tư dự án sơ bộ vào khoảng 67,34 tỉ USD.