Kinh Tế

Khởi công xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu

Theo ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu – Ngã ba Trung Sơn được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1636/QĐ-BGTVT ngày 14/12/2023. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.665 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Về tổng thể, dự án có tổng chiều dài khoảng 28,98 km; điểm đầu tại Chợ Chu (điểm cuối đoạn Chợ Mới – Chợ Chu), huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên; điểm cuối tại ngã ba Trung Sơn (giao cắt với QL.2C) huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp III miền núi vận tốc thiết kế 60 km/h quy mô 2 làn xe theo tiêu chuẩn TCVN 4054:2005. Mặt cắt ngang: bề rộng nền đường Bnền= 9 m; riêng đoạn tuyến đi qua thị xã Trung Sơn Bnền=14 m, bề rộng cầu phù hợp với bề rộng nền đường. Công trình cầu: bằng BTCT và BTCT DUL theo tiêu chuẩn TCVN 11823:2017 “thiết kế cầu dường bộ”…

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, thực hiện Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022, của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hết sức quan tâm, quyết liệt chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế chính sách có tính đột phá, tập trung ưu tiên bố trí mọi nguồn lực nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của khu vực, trong đó tiếp tục đầu tư hoàn thành khoảng 352 km đường bộ cao tốc, gồm: Hữu Nghị – Chi Lăng; Đồng Đăng – Trà Lĩnh; Tuyên Quang – Hà Giang; Hòa Bình – Mộc Châu, Chợ Mới – Bắc Kạn và một số tuyến cao tốc khác; đang chuẩn bị đầu tư cảng hàng không Sa Pa; tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng; ưu tiên đầu tư nâng cấp tuyến vận tải thủy Việt Trì – Yên Bái – Lào Cai (sông Hồng) và nâng cao hiệu quả khai thác vận tải thủy trên các lòng hồ thuỷ điện trong vùng.

Trong những năm tới, khi hoàn thành được các công trình hạ tầng giao thông quan trọng nêu trên; trong đó, có tuyến đường Hồ Chí Minh, sẽ càng đóng góp to lớn hơn, làm nên những “kỳ tích” mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và sự phát triển chung của tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Tuyên Quang và của khu vực.

Để dự án triển khai xây dựng đảm bảo tiến độ, chất lượng, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đã yêu cầu Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư), các đơn vị tư vấn, nhà thầu với trách nhiệm cao nhất, phát huy tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, phương án tổ chức thi công phù hợp, huy động đầy đủ nhân lực, máy móc, thiết bị để tập trung triển khai thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn và vệ sinh môi trường. Tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật, chỉ dẫn kỹ thuật… và hoàn thành dự án đúng thời hạn hợp đồng đã ký.

Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị UBND các tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang tiếp tục quan tâm chỉ đạo sớm hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các khu tái định cư và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; bố trí bãi đổ thải, ưu tiên cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cho Dự án; tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho Ban Quản lý Dự án Đường Hồ Chí Minh và các đơn vị thi công trong suốt quá trình triển khai xây dựng công trình; tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực triển khai Dự án.

Về phía Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND các địa phương, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc; quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện, đảm bảo chất lượng, tiến độ đã đề ra.

Về phía địa phương có dự án đi qua, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Thái Nguyên Đặng Xuân Trường khẳng định Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu – Ngã ba Trung Sơn là dự án quan trọng trong khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc, một trong những cơ sở hạ tầng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư, phát triển đô thị – công nghiệp – thương mại – du lịch – dịch vụ.

Đoạn Chợ chu – Ngã ba Trung Sơn địa phương và nhân dân được kỳ vọng tạo thành một hệ thống giao thông đường bộ liên vùng, giảm tải lưu lượng cho các tuyến đường bộ trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, du lịch, tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang nói riêng và khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc nói chung, qua đó sẽ khai thác hiệu quả các dự án hạ tầng giao thông lớn của quốc gia.

Về phía các địa phương cam kết phối hợp bộ, ngành và các đơn vị liên quan sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng bàn giao cho dự án, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và lao động trong quá trình thi công dự án trên địa bàn.

Dự án đường Hồ Chí Minh là công trình quan trọng quốc gia đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng tại các Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 03/12/2004, số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 và Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022. Dự án có tổng chiều dài 3.183 km, điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng) điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau).

Tư năm 2023 đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh triển khai thi công các đoạn tuyến còn lại để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2025; trong đó, đoạn Chợ Chu – Ngã ba Trung Sơn là mảnh ghép hoàn chỉnh để cơ bản nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết của Quốc hội.

Nguồn