Khởi nghiệp bằng nguyên liệu “xanh”, chàng trai có trong tay 5 “không”, bị xem là “kẻ điên”
Hành trình khởi nghiệp kinh doanh các sản phẩm gia dụng từ tre, nứa của Nguyễn Lê Hoàng Nhân bắt nguồn từ mong muốn: Đem lại môi trường “xanh” cho các loài sinh vật biển, giúp những người quanh mình có cuộc sống tốt hơn, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tự nhiên trên quê hương.
Tuy nhiên, để khởi nghiệp bằng số vốn ít ỏi tích cóp từ tiền bán sáo trúc và học bổng, chàng trai tuổi đôi mươi quê Lâm Đồng ấy đã gặp không ít khó khăn. Hoàng Nhân tiết lộ, đỉnh điểm của gian khó là khi anh vấp phải sự hoài nghi, bị chính những người thân thiết nhất xem là “kẻ điên” vì ý tưởng sản xuất các sản phẩm “xanh”.
“Năm 2019, dự án đã chạy được một thời gian nhưng sản phẩm sản xuất ra rất nhiều nhưng chưa thể tiếp cận tới người dùng. Lượng hàng tồn kho quá lớn, thời tiết Đà Lạt lại có độ ẩm cao, tôi cũng không biết cách bảo quản nên hàng hóa bị hư hỏng rất nhiều. Dự án gặp khó khăn, niềm tin từ những người thân trong gia đình dành cho tôi cũng dần vơi bớt. Thậm chí, nhiều người cho rằng tôi “điên rồi” vì thời điểm đó chẳng ai nghĩ dự án này sẽ thành công” , Nguyễn Lê Hoàng Nhân chia sẻ.
Việc phát triển kinh doanh tập trung vào việc tạo ra các giải pháp và sản phẩm có tác động tích cực đến môi trường và xã hội khiến Nhân hào hứng. Nhưng khởi nghiệp xanh không phải là con đường êm ả.
Trong những ngày cảm tưởng như bị “cả thế giới” quay lưng ấy, có khi Nhân cảm thấy bế tắc. Một ngày nọ, anh tìm đến gặp sư thầy chùa Linh Sơn, với ý định ban đầu là… kể khổ.
Sư thầy như thể nhìn thấu hoài bão và cả sự đơn độc của Nhân. Thầy khuyên bảo, an ủi nếu ví cuộc đời là một hành trình, thì những sỏi đá, những xóc nảy Nhân gặp trên đường chỉ là một đoạn thử thách, đòi hỏi kiên nhẫn hơn một chút, dũng cảm ơn một chút.
Ông cũng khuyên Nhân cân nhắc về việc xây dựng mạng lưới xã hội và nhớ đến tâm sơ khiến Nhân bắt đầu hành trình đầy thách thức này: Giúp ích cho cộng đồng “xanh” hơn.
“Bế tắc, tôi tìm tới ngôi chùa Linh Sơn trên Đà Lạt để chia sẻ với sư thầy ở đây. May mắn là thầy đồng cảm với tôi và rất thích ý nghĩa của dự án Đà Lạt Bamboo.
Tôi nhớ tới lời hứa với những người dân đang đồng hành cùng tôi trong dự án này, rằng tôi sẽ cố gắng đến cùng nhằm giúp họ có công ăn việc làm ổn định hơn. Thú thực, tôi cảm thấy sự giúp đỡ của sư thầy khi đó như một mối duyên lành được gửi tới đúng thời điểm, giúp tôi có thêm động lực để bước về phía trước.”, Nhân nhớ lại.
Nhờ đó, Hoàng Nhân xốc lại tinh thần, tiếp tục giữ nhiệt huyết với dự án, củng cố lại hoạt động của xưởng. Sau hơn 3 tháng, chàng trai đã bước đầu đạt được thành công ngoài mong đợi.
Nam doanh nhân trẻ thừa nhận, con đường của anh đi không dễ dàng nên việc vấp phải những hoài nghi và khó khăn là điều dễ hiểu. Bản thân anh cũng khởi nghiệp từ những ý tưởng rất gần gũi, giản dị: “Học năm thứ 2 Đại học Luật, tôi nhận được lời phát động từ Chính phủ, hướng tới thế hệ thanh niên, khuyến khích chúng tôi hãy có hành động thiết thực để xây dựng quê hương, bảo vệ môi trường và hỗ trợ cộng đồng.
Nhìn lại những người dân xung quanh tôi, những người đang mưu sinh bằng cách đi rừng lấy măng, lấy mật ong hằng ngày. Công việc này khá vất vả, nguy hiểm, thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu, lại khiến họ không có thời gian dành cho con cái.
Cũng trong thời gian này tôi bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ rút 1 chiếc ống hút nhựa từ mũi chú rùa biển. Tôi biết chú rùa biển rất đau và tôi không thể tưởng tượng được suốt thời gian qua, chú rùa đó đã sống như thế nào với chiếc ống hút nhựa ở trong mũi. Hình ảnh đó đã thôi thúc tôi phải làm gì đó để xoa dịu những nỗi đau này, giúp chúng không còn gặp phải nguy cơ tương tự nữa.
Tôi nghĩ đến việc sản xuất ra những chiếc ống hút thay thế ống hút nhựa, đó sẽ là sản phẩm thân thiện với môi trường, với các sinh vật biển. Tôi quyết định thử sản xuất ống hút làm từ tre, nứa, bởi đây là nguyên liệu sẵn có tại quê hương tôi, nếu đặt nhà xưởng sản xuất tại địa phương, nhiều người dân cũng sẽ có công việc ổn định, an toàn hơn”.
Nguyễn Lê Hoàng Nhân tiết lộ, anh xây dựng thương hiệu đồ gia dụng “xanh” có tên Đà Lạt Bamboo từ “5 không”: Không vốn, không nhà xưởng, không quy trình sản xuất, không thị trường và không đối thủ:
“Tôi khởi nghiệp với số vốn khoảng 30 triệu đồng, số tiền này được tôi tích cóp từ học bổng nhận được ở trường và tiền tôi bán sáo trúc trước đó. Với số vốn ít ỏi như vậy, cộng thêm việc đây là mặt hàng khá đặc biệt chưa từng được phổ biến trên thị trường nên chính tôi cũng phải “mò mẫm” rất nhiều.
Không có tiền thuê nhà xưởng, tôi mượn nhà của một người bạn, ngôi nhà này nằm trên một quả đồi sát cánh rừng nên rất thuận tiện trong việc xử lý nguyên liệu và đặt máy móc phục vụ sản xuất.
Dòng sản phẩm “xanh” này chưa từng có quy trình sản xuất, tôi phải tự đi tìm tòi, học hỏi ở nhiều nơi, từ những nghệ nhân làm gỗ, làm mây tre đan. Tôi học từ cách bảo quản nguyên liệu, bảo quản sản phẩm cho tới cách xử lý nguyên liệu.
Đơn cử, việc sản xuất ống hút bằng nứa, nếu sử dụng lưỡi cưa thông thường để cắt, ống hút sẽ bị tưa. Tôi bắt buộc phải mày mò thử nghiệm để tìm ra loại lưỡi cắt phù hợp với nguyên liệu này. Cũng có nhiều loại máy móc để gia công hàng tre nứa được tôi tự “độ, chế” ra vì trước đó cũng không có ai sản xuất mặt hàng này nên nhiều loại trang thiết bị phục vụ việc sản xuất không có sẵn trên thị trường.
Những sản phẩm “xanh” thời điểm đó khá mới mẻ nên tôi vấp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là việc “không có thị trường”. Đơn cử như một chiếc thớt tre khi tung ra, nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Thớt nhựa, thớt gỗ đã quá phổ biến rồi, tại sao phải thay đổi sang dùng thớt tre? Tôi cũng mất khá nhiều thời gian để thuyết phục người tiêu dùng, định hướng thị trường.
Để sản phẩm dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng, mỗi dòng sản phẩm trước khi tung ra thị trường sẽ được tôi viết cho 1 câu chuyện: Sản phẩm này làm từ nguyên liệu gì, hành trình đến tay mọi người ra sao, nó đem lại giá trị gì cho mọi người…”.
Hoàng Nhân chia sẻ thêm rằng dự án Dalat Bamboo đang hỗ trợ cho gần 30 bà con việc làm thường xuyên, hơn 40 bà con việc làm thời vụ.
Dalat Bamboo đã liên kết với 46 hộ trồng Tre và dự án đang cố gắng mở rộng hơn đến các tỉnh thành khác, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa. Qua đó có thể tạo việc làm bền vững cho người dân, đóng góp cho kinh tế địa phương.
Không chỉ phát triển sản phẩm ở trong nước, Hoàng Nhân và dự án của mình đang chuẩn bị kế hoạch tốt nhất để tiếp cận thị trường quốc tế trong thời gian sớm nhất.
Động lực và cách Nguyễn Lê Hoàng Nhân khởi nghiệp đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người quan tâm tới chủ đề “sống xanh”.
Lê Nguyễn Hoàng Nhân cho hay, mỗi người đều có thể “sống xanh” từ những hành động nhỏ nhất, đơn cử như việc hạn chế sử dụng ống hút nhựa: “Ống hút tre có thể tái sử dụng, trung bình 1 ống hút tre thay thế cho 30-50 ống hút nhựa, vì vậy mà khi ống hút tre ra đời ống hút nhựa sẽ được giảm thiểu. Từ đó, chúng ta cũng sẽ hạn chế được lượng rác thải nhựa ra môi trường xung quanh. Ống hút tre sau khi dùng xong thì rửa với nước là được, bên tôi cũng có làm cọ rửa ống hút từ xơ dừa để vệ sinh bên trong ống. Tuỳ theo nhu cầu sử dụng mà ống hút có tuổi thọ từ 4-6 tuần”.
Nam doanh nhân hy vọng, chiếc ống hút tre sẽ phần nào thay đổi được thói quen của người sử dụng, giúp hạn chế rác thải nhựa ra môi trường: “Khi cầm 1 chiếc ống hút tre, bản thân mỗi người sẽ có sự tò mò: Tại sao lại là chất liệu tre mà không phải nhựa như mọi khi? Khi đó, chính mọi người cũng sẽ đi tìm hiểu và một lần nữa tác hại của rác thải nhựa tới môi trường sẽ được “tuyên truyền” tới họ một cách rất tự nhiên.
Tôi tin rằng từ những sự “tò mò” nho nhỏ đó, thói quen của người sử dụng cũng dần được thay đổi”.
Hoàng Nhân khẳng định, bản thân anh không bài xích đồ nhựa, anh chỉ mong muốn hạn chế lượng rác thải nhựa gây hại cho môi trường mà thôi: “Đồ nhựa là phát minh lớn của loài người nhưng nó cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực cho sức khoẻ con người và môi trường. Vậy nên tôi nghĩ sống xanh là xu hướng, cũng là cách để chúng ta giữ gìn môi trường tốt nhất cho thế hệ mai sau”.
Bản thân chàng doanh nhân trẻ của vùng cao nguyên lại cũng cái nhìn rất khác về khái niệm “sống xanh”: “Tôi cho rằng “sống xanh” không nhất thiết phải sử dụng toàn các sản phẩm “xanh”. “Sống xanh” trong mắt tôi có thể là những hành động đơn giản như phân loại rác tại nguồn hay hạn chế sử dụng túi nilon.
Tôi quan niệm, việc hình thành ý thức “sống xanh” tốt hơn nhiều so với việc thể hiện nó thông qua việc tiêu thụ những dòng sản phẩm nào”.
Với quan điểm đó, Nguyễn Lê Hoàng Nhân đã chọn cho mình cách “sống xanh” rất riêng biệt: “Tôi từng được một số người gọi đùa là “chàng trai vàng trong làng bỏ phố về rừng” khi tôi từ Đà Lạt về vùng Cát Tiên để khởi nghiệp. Đó quả thực là một hành trình thú vị đối với tôi.
Tuy nhiên, giá trị lớn nhất mà hành trình này đem lại cho tôi đó là có thể góp phần đem lại môi trường sống tốt hơn cho các sinh vật biển và hỗ trợ cộng đồng.
Khi tôi đem dự án này về vùng đồi núi Cát Tiên, người dân xung quanh đây có thể làm việc tại nhà, tại xưởng, sẽ bớt nguy hiểm hơn so với việc đi rừng, lại có thời gian chăm sóc các con mà vẫn có thu nhập ổn định từ dự án.
Các sản phẩm của Đà Lạt Bamboo cũng góp phần giảm bớt rác thải nhựa ra môi trường, như vậy những chú rùa biển hay các sinh vật khác sẽ bớt phần nào nguy cơ chịu đựng những nỗi đau từ rác thải nhựa”.
Không dừng lại ở đó, Nguyễn Lê Hoàng Nhân còn dùng lợi nhuận thu được từ dự án để giúp đỡ các em nhỏ khó khăn: “Kể từ khi bắt đầu dự án đến nay, tôi vẫn kiên định với nguyên tắc “chia lợi nhuận”: Một phần dùng để tái sản xuất cho dự án, một phần đóng góp cho quỹ bảo trợ trẻ em của Tony Buổi sáng”.
Và mong muốn “gieo hạt mầm xanh” của Nguyễn Lê Hoàng Nhân đã rất nhanh chóng bắt kịp xu hướng “sống xanh” đang lan rộng trên toàn cầu.
Năm 2020, Nguyễn Lê Hoàng Nhân có đơn hàng quốc tế đầu tiên cho các sản phẩm ống hút, đồ gia dụng từ tre, nứa mang thương hiệu Đà Lạt Bamboo. Nửa container chứa hơn 500.000 ống hút và các sản phẩm khác đã lên đường vượt biển tới Australia.
Đến năm 2021, mỗi tháng xưởng của anh sản xuất khoảng 50.000 ống hút tre, các sản phẩm khác khoảng 1.000 – 3.000 sản phẩm, tổng doanh thu của dự án đạt từ 300 – 500 triệu đồng mỗi tháng. Cũng trong năm này, anh đem dự án Đà Lạt Bamboo tham dự cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lần thứ 4 của tỉnh Lâm Đồng và giành giải Ba. Năm 2022, dự án này chắp cánh cho Nguyễn Lê Hoàng Nhân trở thành tấm gương Thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng.
Hiện tại, Đà Lạt Bamboo đang có khoảng hơn 70 sản phẩm gia dụng được sản xuất từ nguyên liệu “xanh”. Nguyễn Lê Hoàng Nhân vẫn miệt mài phát triển dự án trồng tre, sản xuất các sản phẩm gia dụng từ tre nứa để những sản phẩm “xanh” này sẽ tiếp tục vươn xa trên thị trường quốc tế, từ đó “tiếp thị” hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè thế giới.
Từ ý tưởng khởi nghiệp giản dị nhưng đầy sự trắc ẩn và mang đậm chất “sống xanh”, bản thân anh và những sản phẩm của mình đã trở thành “ngọn đuốc”, giúp lan tỏa lối sống xanh tới mọi người.