Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

Không thể yêu cầu người dân mua một chai nước hay vé xe bus cũng phải xác thực sinh trắc

Tại Hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt” tổ chức mới đây, ông Phạm Tiến Dũng – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, để ngăn chặn tình trạng lừa đảo hiện nay, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại chỉ mở và sử dụng tài khoản từ xa bằng CCCD gắn chip, nếu không có CCCD gắn chip thì chỉ có thể thực hiện mở thẻ tại quầy.

Ông Phạm Tiến Dũng – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, ngày 15/5, Thủ tướng kí Nghị định 52 thay thế 101. Dưới Nghị định này, NHNN đang triển khai nhiều thông tư hướng dẫn kịp cho nghị định này. Trong đó, có thông tư về thẻ có nhiều điểm mới, ví dụ lo ngại câu chuyện về eKYC (phương pháp định danh xác thực khách hàng điện tử) thẻ. 

“Chúng ta không ngăn cấm ai. Tuy nhiên, có thẻ CCCD gắn chip, ngân hàng xác thực được thì được mở thẻ eKYC, còn nếu không ra quầy giao dịch. Giống như chúng ta đi lên cao tốc,nếu có thẻ thu phí không dừng thì được đi vào làn không dừng. Nếu thanh toán tiền mặt thì phải chịu chậm hơn một chút. Trên thực tế, Bộ Công an công bố là hầu hết công dân đủ điều kiện đã được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip rồi nên không có lý do gì ngân hàng không bổ sung quy định này”, ông nói thêm. 

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng cho biết thêm, từ 1/7, để ngăn chặn nguy cơ lừa đảo, các ngân hàng áp dụng chính sách giao dịch trên 10 triệu đồng thì phải xác thực khuôn mặt của người giao dịch trùng khớp với khuôn mặt của chủ tài khoản đã được kiểm tra với cơ sở dữ liệu từ căn cước công dân gắn chip do Bộ Công an cấp. Trường hợp này để tránh việc thuê mượn tài khoản cũng như người dân kiểm tra, rà soát lại thông tin tài khoản.

Liên quan đến con số giao dịch trên 10 triệu đồng, ông Dũng cho biết, NHNN đã kết hợp với rất nhiều bên và nghiên cứu kỹ lưỡng về con số này. Mức 10 triệu không ảnh hưởng nhiều khách hàng. Bởi 70% giao dịch ngân hàng trực tuyến là giao dịch dưới 1 triệu đồng. 

“Không thể bắt người dân mua 1 chai nước hay 1 cái vé xe bus phải kiểm tra sinh trắc học. Không một nước nào làm như thế cả. Chúng tôi không thể làm gián đoạn trải nghiệm của người dân khi thực hiện giao dịch thông thường. NHNN quy định giao dịch nhỏ lẻ với tổng giá trị 20 triệu đồng mỗi ngày sẽ làm xác thực một lần. Chúng tôi cũng quy định, khi cài sang một thiết bị khác cũng phải yêu cầu sinh trắc học. Thông qua một số biện pháp, câu chuyện bảo vệ quyền và lợi ích người dùng sẽ được nâng cao”. 

Phó Thống đốc nhấn mạnh, an ninh bảo mật là vấn đề cập nhật liên tục và năm nào NHNN cũng có chỉ thị về vấn đề này. Và đây là vấn đề hết sức quan trọng của tất cả các ngân hàng.

Về vấn đề tiếp tục triển khai mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam, theo ông Phạm Tiến Dũng, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD và các đơn vị liên quan tích cực triển khai có hiệu quả Nghị định số 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn Nghị định mới tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ phát triển thẻ tín dụng nội địa; Triển khai tốt các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng tại Quyết định 2345/QĐ-NHNN để đảm bảo an toàn, phòng ngừa gian lận, lừa đảo, tăng cường lòng tin của người dùng khi sử dụng các phương tiện điện tử.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, tiện ích, an toàn, mở rộng hạ tầng, mạng lưới chấp nhận thanh toán; phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông nhằm tiếp cận và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, thanh toán chính thống, góp phần phổ cập tài chính toàn diện và hạn chế tín dụng đen.


Theo Đức Anh

Nguồn

Exit mobile version