Bất Động Sản

Kinh nghiệm từ Thượng Hải – thành phố lớn nhất tại Trung Quốc về quản lý phát triển và tổ chức thực hiện Quy hoạch chung (Phần 2)

Tiếp tục bài viết đã đăng tải trong chuỗi hoạt động Hướng tới kỷ niệm 40 năm Hội KTS Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc giới thiệu phần 2 của bài viết “Kinh nghiệm từ Thượng Hải – thành phố lớn nhất tại Trung Quốc về quản lý phát triển và tổ chức thực hiện Quy hoạch chung”

4. Cải tạo và bảo vệ các khu phố lịch sử và các khu vực cũ: Hướng dẫn về cải tạo và bảo vệ đô thị

Kế hoạch 05 năm và Chương trình hàng năm phát triển thành phố mới không những phải hướng dẫn về xây dựng công trình mới mà còn phải đưa ra hướng dẫn về cải tạo và bảo vệ đô thị. Đặc biệt, tiến hành các cuộc điều tra, nghiên cứu chuyên sâu về các khu phố lịch sử và các khu vực cũ khác, từ đó lập kế hoạch sửa chữa đồng thời kết hợp với các kế hoạch tái phát triển và tái sử dụng dựa trên các yêu cầu chức năng mới. Các dự án cải tạo và bảo vệ các khu phố lịch sử và các khu vực cũ như Tianzifang (Điền Tử Phường), 1933 Old Changfang (Lão Tràng Phường), Bảo tàng nghệ thuật đương đại Thượng Hải, Trung tâm nghệ thuật Oil Tank, Trung tâm nghệ thuật đương đại Taopu (Đào Phố) và các dự án khác.

Hình 11: Phân bố các di tích lịch sử được bảo vệ và khu vực được bảo vệ ở Thượng Hải
Hình 12: Nhà máy điện Yangshupu (Dương Thụ Phố) thuộc Kế hoạch cải tạo di sản công nghiệp
Hình 12: Nhà máy điện Yangshupu (Dương Thụ Phố) thuộc Kế hoạch cải tạo di sản công nghiệp
Hình 12: “Vòng tròn 15 phút đi bộ” phục vụ đời sống cộng đồng (1)
Hình 12: “Vòng tròn 15 phút đi bộ” phục vụ đời sống cộng đồng (1)

Thượng Hải còn nhiều dự án cải tạo và bảo vệ các khu phố lịch sử và các khu vực cũ khác được xúc tiến, như việc cải tạo hơn 2 triệu m2 nhà cũ dưới cấp II (Khu dân cư đô thị cũ), xây dựng trong “Vòng tròn 15 phút đi bộ” phục vụ đời sống cộng đồng đô thị và nông thôn, cải tạo làng đô thị, cải tạo hạ tầng, v.v…

Căn cứ vào nội dung của “Luật Bảo vệ di tích văn hóa” và “Quy định về bảo vệ các thành phố, thị trấn và làng mạc văn hóa lịch sử nổi tiếng”, từ năm 2008 đến nay, tổng số các thành phố, thị trấn và làng mạc văn hóa lịch sử nổi tiếng cấp quốc gia của Trung Quốc là 142 thành phố.

Hệ thống bảo tồn và đặc trưng của các thành phố văn hóa lịch sử tại Trung Quốc (2). “Quy định về bảo vệ các khu di tích mang diện mạo lịch sử và công trình lịch sử ưu tú ở Thượng Hải” ban hành vào năm 2002 đã quy định các công trình đã được xây dựng trên 30 năm và các công trình kiến trúc có một trong các điều kiện dưới đây có thể được xác định là công trình lịch sử nổi bật, gồm:

  1. Phong cách kiến trúc, công nghệ xây dựng, công nghệ kỹ thuật có tính chất nghệ thuật kiến trúc đặc sắc và có giá trị nghiên cứu khoa học.
  2. Phản ánh đặc điểm lịch sử và văn hóa của kiến trúc khu vực Thượng Hải.
  3. Là công trình tiêu biểu của các kiến trúc sư nổi tiếng.
  4. Liên quan đến sự kiện lịch sử quan trọng, phong trào cách mạng hoặc nhân vật nổi tiếng.
  5. Là những nhà xưởng, cửa hàng, nhà máy, nhà kho tiêu biểu trong lịch sử phát triển công nghiệp Trung Quốc.
  6. Các công trình lịch sử nổi bật khác có ý nghĩa lịch sử, văn hóa.”

Các yêu cầu bảo vệ đối với những công trình kiến trúc lịch sử nổi bật được phân chia thành bốn nhóm khác nhau, dựa trên giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật và mức độ nguyên vẹn của công trình, cụ thể:

  • Nhóm thứ nhất: Không được phép thay đổi mặt tiền, hệ thống kết cấu, bố cục mặt bằng và trang trí nội thất của công trình.
  • Nhóm thứ hai: Không được phép thay đổi mặt tiền, hệ thống kết cấu, bố trí mặt bằng cơ bản và trang trí nội thất mang tính đặc trưng của công trình kiến trúc, tuy nhiên các bộ phận khác được phép thay đổi.
  • Nhóm thứ ba: Không được phép thay đổi mặt tiền và hệ thống kết cấu công trình, nhưng được phép thay đổi kiến trúc bên trong công trình.
  • Nhóm thứ tư: Mặt tiền chính của tòa nhà không được thay đổi, các bộ phận khác được phép thay đổi.

Những tòa nhà, công trình kiến trúc lịch sử nổi bật được Chính phủ phê duyệt và chính quyền thành phố Thượng Hải tổng hợp, đưa vào danh sách chính thức để bảo vệ, quản lý theo đúng yêu cầu của “Quy định bảo vệ diện mạo phong cách Thượng Hải”. Đối với các công trình lịch sử nằm trong danh sách bảo vệ này, các cơ quan chức năng có liên quan của thành phố sẽ xây dựng “Quy chuẩn kỹ thuật bảo vệ các công trình lịch sử ưu tú” dựa trên cơ sở điều tra, khảo sát kỹ lưỡng và các đợt công bố trước đó.

Quy chuẩn kỹ thuật này sẽ bao gồm những nội dung cụ thể như: mức độ bảo vệ, các ưu tiên trong công tác bảo vệ, các biện pháp bảo vệ cần thiết, cùng với các quy định chi tiết về phạm vi bảo vệ và phạm vi kiểm soát xây dựng. Đây chính là cơ sở kỹ thuật quan trọng để thực hiện quản lý thường xuyên đối với các tòa nhà, công trình kiến trúc lịch sử nổi bật. Việc xây dựng và áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật này nhằm đảm bảo sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả và đồng bộ các di sản kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa của thành phố.

Hà Nội đã có nhiều nhà xưởng, nhà máy, nhà kho, cửa hàng phân phối,…tiêu biểu trong lịch sử phát triển công nghiệp của Thủ đô và cả nước, phần nhiều trong số đó đã bị phá bỏ, rất đáng tiếc. Hà Nội có thể tham khảo kinh nghiệm của Thượng Hải về các phương cách cải tạo, bảo vệ các khu phố lịch sử và các khu vực cũ để giữ gìn các di sản kiến trúc có giá trị còn lại (tại đô thị trung tâm hay tại các thành phố mới trong tương lai). Ví dụ: khu Cao – Xà – Lá; khu Nhà máy xe lửa Gia Lâm,…

5. Thiết lập khu vực sáng tạo ven sông: Lấy con người là trung tâm, sinh thái là nền tảng và văn hóa là linh hồn

Thượng Hải mở cảng vào năm 1843, với sự du nhập của nền văn minh công nghiệp phương Tây vào thế kỷ 19, các ngành công nghiệp cận đại như đóng tàu, dệt may, nhà máy điện và nhà máy nước lần lượt xuất hiện dọc theo ven bờ hệ thống.

Hình 13: Cảnh quan ven sông Hoàng Phố
Hình 13: Cảnh quan ven sông Hoàng Phố

Một dòng sông, một nhánh sông” (Nhất giang nhất hà), trở thành nơi khai sinh ra ngành công nghiệp cận đại của Trung Quốc. Khoảng những năm 1990, với sự điều chỉnh cơ cấu công nghiệp đô thị và việc di dời các bến cảng nội địa, dọc tuyến bước vào thời kỳ suy thoái. Lịch sử phát triển hai con sông khác nhau trong một quy hoạch thống nhất (Hoàng Phố là là tổ chức đối với hoạt động thương mại dịch vụ; Tô châu là tổ chức đối với các hoạt động khu dân cư).

Thượng Hải bắt đầu tiến hành cải thiện toàn diện chất lượng nước và môi trường sông Tô Châu vào năm 1996, đến năm 2002 tiến hành phát triển toàn diện hai bờ sông Hoàng Phố, với mục tiêu xây dựng “Dòng sông của nhân dân”. Đồng thời, gắn với 04 nhóm/phương án bảo tồn, phát huy giá trị di sản công nghiệp dọc hai bên sông. Việc tổ chức xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm thế giới Thượng Hải 2010 đã nâng cao đáng kể ảnh hưởng của khu vực ven sông và đẩy nhanh quá trình nâng cấp chức năng của các khu vực ven sông. Đến khoảng năm 2015, các khu vực chính dọc theo hệ thống “Một dòng sông, một nhánh sông” về cơ bản đã thực hiện việc chuyển đổi từ đường ven sông có chức năng phục vụ công nghiệp thành đường ven sông sở hữu chức năng toàn diện cho sinh hoạt, định hình lại môi trường và hình ảnh tổng thể, đồng thời phục hồi hệ sinh thái tự nhiên ven sông.

Cải tạo, tái thiết đô thị dọc sông Hoàng Phố và sông Tô Châu gồm 03 giai đoạn: (1) Trước 2014: giải quyết mâu thuẫn không gian ở. Hồi sinh các khu đất công nghiệp. 1+1+n; (2) 2014-2021: giải quyết mâu thuẫn đất và chức năng công cộng, vệ sinh môi trường: Nhất giang nhất hà (sông Hoàng Phố / sông Tô Châu) có phạm vi cải tạo 2-5km từ bờ sông sang hai bên; (3) 2021-Nay: giải quyết mang tính toàn diện, tổng thể mang chiều sâu về sinh thái và văn hóa. Cải tạo, tái thiết đô thị được bắt đầu từ đồ án “Thiết kế đô thị tổng thể dọc 02 bên sông hợp nhất” tạo thành công cụ pháp lý cho lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.

Năm 2019, với tư cách là giải pháp quan trọng để thực hiện cụ thể hóa Quy hoạch chung đô thị Thượng Hải giai đoạn 2017-2035, “Quy hoạch xây dựng các khu vực dọc sông Hoàng Phố và sông Tô Châu giai đoạn 2018-2035” đã được Chính quyền thành phố phê duyệt.

Quy hoạch xây dựng các khu vực dọc sông Hoàng Phố và sông Tô Châu giai đoạn 2018-2035” với tư tưởng chỉ đạo phát triển lấy con người là trung tâm, sinh thái là nền tảng và văn hóa là linh hồn của quy hoạch đã đưa ra các yêu cầu mang tính nguyên tắc đối với quy hoạch và xây dựng nhằm tạo ra “Một không gian truyền thông các chức năng cốt lõi của các thành phố toàn cầu và một không gian sinh hoạt công cộng đô thị với ý nghĩa nhân văn phong phú” từ 05 khía cạnh kỹ thuật: bố trí chức năng; không gian công cộng; xanh hóa sinh thái; lịch sử và nhân văn; cảnh quan không gian. Đồng thời đưa ra chiến lược phát triển trên 10 khía cạnh kỹ thuật về: mức năng lượng, nhiệt độ đô thị, sự tập trung và khả năng phục hồi tự nhiên, v.v… giới thiệu các khám phá sáng tạo kỹ thuật, các quy hoạch mang tính hệ thống và phương pháp thiết kế mang tính đổi mới hệ thống “Một dòng sông, một nhánh sông” (3). Một số trường hợp điển hình mang lại thành công như: kết nối Bờ Đông, khai trương khuôn viên trường Đại học Chính pháp Hoa Đông (Huazheng) và Công viên Trung Sơn (Zhongshan), quy hoạch và thiết kế tổng thể Bến Thượng Hải phía Bắc và phần phía Nam của Bờ sông Dương Phố (Yangpu) gắn với 04 phương án bảo tồn, phát huy giá trị di sản công nghiệp. Trên quan điểm phát triển hai bên sông Hoàng Phố với “Mục tiêu mới – Mô hình mới – Không gian mới”, trong đó: Chú trọng phát triển đổi mới; Chú trọng phát triển mở cửa; Chú trọng phát triển hài hòa; Chú trọng phát triển chia sẻ; Chú trọng phát triển xanh. Hướng tới: đổi mới sáng tạo hơn; nhân văn hấp dẫn hơn; sinh thái bền vững hơn.

Ngày 25/8/2021, Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Thành phố Thượng Hải đã chính thức bỏ phiếu thông qua “Quy định đổi mới thành phố Thượng Hải” có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2023. Đây là lần đầu tiên các quy định liên quan đến đổi mới đô thị của Thượng Hải được nâng lên thành văn bản pháp luật cấp địa phương. Điều này được xem là một trong những quy định nhằm cụ thể hóa chủ trương “Thành phố của nhân dân vì nhân dân” của Trung ương, thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình phát triển đô thị lấy người dân làm trung tâm, đổi mới nhằm cải thiện và nâng cao khả năng cạnh tranh của mỗi cấp Địa phương/Thành phố.

Hà Nội có sông Hồng, sông Đuống là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là không gian văn hóa di sản, du lịch và dịch vụ, kết nối Vùng Thủ đô và Vùng Đồng bằng sông Hồng. Tuy có sự khác biệt (về không gian thoát lũ theo Luật đê điều), song Hà Nội có thể mời các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, v.v. từ thành phố Thượng Hải để tư vấn, góp ý, phản biện (hoặc tham gia một số dự án/đồ án cụ thể) nhằm phát huy nội lực, khai thác có hiệu quả các tiến bộ về nhân văn, về khoa học và công nghệ, hoặc thiết lập một số khu vực sáng tạo ven sông phù hợp với điều kiện thực tế của Hà Nội.

6. Phát triển cây xanh đô thị: Địa phương truyền thông, cộng đồng tham gia

Trên thực tế, đã có giai đoạn người dân Thượng Hải không đủ kiến thức để hiểu một cách toàn diện các hành động trong công tác quản lý cảnh quan, phát triển sinh thái, đặc biệt là đối với quản lý và phát triển hệ thống cây xanh đô thị. Việc thông tin, truyền thông và giáo dục về cây xanh đầy đủ làm cho người dân thay đổi hành vi và trở thành các chủ thể thực sự trong công tác trồng và bảo dưỡng cây xanh.

Hình 14: Cơ cấu tỷ lệ đất phát triển sinh thái và cây xanh đô thị Thượng Hải đạt 60%
Hình 14: Cơ cấu tỷ lệ đất phát triển sinh thái và cây xanh đô thị Thượng Hải đạt 60%

Sự tham gia của cộng đồng trong công tác trồng và bảo dưỡng cây xanh thể hiện trên các phương diện:

  • Chính quyền tuyên truyền, giáo dục người dân về cây xanh nên các hành vi xâm hại cây xanh đã giảm đáng kể.
  • Chính quyền khuyến khích người dân trồng cây, trồng hoa ở không gian công cộng và khu đất vườn của gia đình họ.
  • Việc khuyến khích người dân trồng cây bằng cách: Thành phố đã huy động mọi tầng lớp tham gia từ người lớn tuổi, các phụ nữ và đặc biệt là các em học sinh trong các trường tiểu học và trung học.

Hà Nội có thể tham khảo kinh nghiệm của Thượng Hải và một số thành phố khác trong công tác quản lý cảnh quan có sự tham gia của cộng đồng dân cư đem lại những hiệu quả cụ thể cho mục tiêu phát triển bền vững không gian cảnh quan. Ngoài tuân thủ các quy định của địa phương trong tổ chức không gian và sử dụng vật liệu xây dựng theo quy định, cần tạo ra những động lực để cộng đồng dân cư hưởng ứng và tham gia trồng cây xanh, đặc biệt là không gian đệm giữa khu dân cư hiện có và khu đô thị mới. Chính quyền/Ban quản lý các khu đô thị mới có thể đề xuất thí điểm sử dụng các Quỹ phát triển, bảo trì (phát triển thành phố, bảo trì khu nhà ở đô thị mới,…) để hoàn lại tiền cho người dân khi họ có trình Hoá đơn mua cây xanh hợp pháp.

7. Xây dựng nông thôn mới tại các vùng ngoại thành: Chuyển từ lượng sang chất, từ “mỹ lệ hương thôn” đến “hương thôn chấn hưng”

Trong bối cảnh Trung Quốc hiện có diện tích đất canh tác bình quân đầu người lâu dài ở mức thấp, hiện nay vẫn chưa đạt 1,5m2/người.

Hình 15: Nông thôn ngoại thành Thượng Hải
Hình 15: Nông thôn ngoại thành Thượng Hải

Hai mươi từ của “Hương thôn chấn hưng” gồm: “Sản nghiệp hưng vượng (công nghiệp phát triển), sinh thái nghi cư (môi trường sinh thái tốt), hương phong văn minh (nông thôn văn minh), trị lý hữu hiệu (quản lý hiệu quả), sinh hoạt phú dụ (đời sống giàu mạnh). Giải quyết 07 vấn đề cơ bản nhằm hướng đến chấn hưng nông thôn, gồm: các chính sách của Đảng và Nhà nước về chấn hưng nông thôn; các chính sách ngăn chặn tình trạng tái nghèo trên quy mô lớn; thúc đẩy trình tự phát triển chấn hưng nông thôn (kinh nghiệm từ Phố Đông – Thượng Hải); tiêu chuẩn và quy hoạch dịch vụ công ở nông thôn; nâng cao chất lượng môi trường sinh thái nông thôn; cải thiện và nâng cao điều kiện cư trú ở nông thôn; Hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn.

Từ việc xây dựng kiến trúc và cảnh quan nông thôn tươi đẹp hơn, đến chấn hưng các giá trị văn hoá truyền thống đẹp – là quá trình chuyển từ lượng sang chất. Từ xây dựng “mỹ lệ hương thôn” đến “hương thôn chấn hưng” trở thành động lực phát triển, góp phần giữ gìn bản sắc, gắn kết và duy trì sức mạnh cộng đồng, bao gồm một số hành động: thúc đẩy cải tạo “lưỡng cựu nhất thôn” (hai khu vực làng cũ thành một khu vực làng mới); triển khai toàn diện dự án cải tạo “Làng trong khu vực đô thị” tại khu vực đô thị trung tâm; tạo dựng 1.000 khu dân cư “Nhà đẹp đặc trưng thời đại mới” và 100 khu dân cư “Kiểu mẫu nhà đẹp thời đại mới”. v.v…

Hình 16: Tích hợp thành phố và nông thôn
Hình 16: Tích hợp thành phố và nông thôn
Hình 17: 05 chức năng lớn của thành phố hiện nay (4)
Hình 17: 05 chức năng lớn của thành phố hiện nay (4)

Với 05 chức năng lớn của thành phố hiện nay, Thượng Hải đã thúc đẩy nhận thức và hành động nhằm “Đưa nông thôn tiến gần thành thị” trên mọi phương diện tiến bộ, nhân văn và phát triển bền vững.

Hà Nội có thể tham khảo kinh nghiệm của Thượng Hải trong xây dựng kiến trúc và cảnh quan nông thôn tươi đẹp hơn, chấn hưng các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp; xây dựng nông thôn mới chuyển từ lượng sang chất; triển khai tổng thể và toàn diện các đồ án quy hoạch chi tiết, các dự án cải tạo “Làng trong khu vực đô thị” mang bản sắc địa phương.

Kết luận:

Trung Quốc đã tiến hành cải cách, đổi mới bắt đầu từ giáo dục và đào tạo đội ngũ quản lý đi trước một bước, phát huy tính tương quan về quyền lợi và trách nhiệm: Đảng viên là hạt nhân, nòng cốt thực hiện và tổ chức thực hiện mọi quan điểm, quy định của Chính phủ và Địa phương trong việc thiết lập hệ thống quy hoạch không gian lãnh thổ và giám sát việc thực hiện, về quản lý phát triển và tổ chức thực hiện Quy hoạch chung hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển nhanh chóng của các thành phố ở Trung Quốc cả về chiều rộng và chiều sâu.

Tuy có sự khác biệt về thế chế, kinh tế, chính trị không dễ rập khuôn áp dụng, song thành phố Hà Nội có thể tham khảo kinh nghiệm của thành phố Thượng Hải trong một số khía cạnh kỹ thuật để giải quyết một số vấn đề từ thực tiễn, cụ thể:

  1. Kế hoạch trao quyền cho trí tuệ nhân tạo (AI); sử dụng phương pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tiến hành “Đánh giá kép” đối với Quy hoạch vùng và Quy hoạch chung huyện, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển “từ dưới lên trên” của Địa phương và giải quyết những mâu thuẫn, xung đột với các ràng buộc, điều kiện “từ trên xuống dưới” của Quốc gia, Vùng.
  2. Thông tin và truyền thông thường xuyên đối với bản “Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” gắn với quản lý không gian đô thị và nông thôn, đặc biệt là các mục tiêu mới, mô hình mới, không gian mới.
  3. Đặt ra mục tiêu quản lý hiệu quả trong xử lý các vi phạm về giao thông và an ninh trật tự, thông qua việc lắp đặt tối đa số lượng và chất lượng cameras giám sát.
  4. Phương cách cải tạo và bảo vệ các khu phố lịch sử và các khu vực cũ để giữ gìn các di sản kiến trúc, di sản công nghiệp có giá trị còn lại tại đô thị trung tâm và các thành phố mới trong tương lai.
  5. Phát huy nội lực để khai thác có hiệu quả các tiến bộ về nhân văn, về khoa học và công nghệ, hoặc thiết lập một số khu vực sáng tạo ven sông phù hợp với điều kiện thực tế và tuân thủ pháp luật về đê điều.
  6. Quản lý cảnh quan có sự tham gia của cộng đồng dân cư đem lại những hiệu quả, cụ thể là đề xuất thí điểm sử dụng các Quỹ phát triển, bảo trì (phát triển thành phố, bảo trì khu nhà ở đô thị mới,…) để hoàn lại tiền cho người dân khi họ có trình Hoá đơn mua cây xanh.
  7. Xây dựng kiến trúc và cảnh quan nông thôn tươi đẹp hơn, chấn hưng các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp; xây dựng nông thôn mới chuyển từ lượng sang chất; triển khai tổng thể và toàn diện các đồ án quy hoạch chi tiết, các dự án cải tạo “Làng trong khu vực đô thị” mang bản sắc địa phương.

Trên đây là một số khía cạnh kỹ thuật mà Hà Nội chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm từ trường hợp thành phố Thượng Hải – một thành phố lớn nhất tại Trung Quốc về quản lý phát triển và tổ chức thực hiện Quy hoạch chung.

Ths. KTS. Lã Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội
© Tạp chí Kiến trúc

Xem thêm: Kinh nghiệm từ Thượng Hải – thành phố lớn nhất tại Trung Quốc về quản lý phát triển và tổ chức thực hiện Quy hoạch chung (Phần 1)


(1) Nguồn: Palm Cir,’ in Shanghai Concept Planning and Design Competition
(2) Nguồn: Gs. Trương Tùng (Zhang Song) – Đại học Đồng Tế
(3) Nguồn: Gs. Vương Thụ Quang, Viện Kiến trúc và Quy hoạch Đô thị, Đại học Đồng Tế
(4) Nguồn: Gs. Ngô Trí Cường, Đại học Đồng Tế – Học viện kĩ thuật Trung Quốc, Viện khoa học kĩ thuật Đức, Học viện Hoàng gia Thuỵ Điển.



Nguồn