Kinh Tế

Ký ức khó quên về chuyến bay lịch sử cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong cuộc trò chuyện mới đây với phóng viên, khi nhắc lại khoảng thời gian đó, cơ trưởng Vũ Tiến Thắng, lái chính của chuyến bay này, vẫn nhớ như in cảm xúc ngày nhận nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

“Cảm xúc của tôi khi đó thật lẫn lộn, vừa đau xót trước sự ra đi của Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, vừa cảm thấy trách nhiệm và có phần lo lắng khi nghĩ tới nhiệm vụ phải thực hiện chuyến bay một cách trọn vẹn và an toàn”, ông kể.

Chiếc chuyên cơ ATR 72, số hiệu chuyến bay VN103 chở linh cữu Đại tướng

Theo tiết lộ của cơ trưởng Vũ Tiến Thắng, đó là một chuyến bay đặc biệt nên có lẽ những nhân sự được lựa chọn cho chuyến bay đó hầu hết đều xuất thân từ quân đội. Như cơ trưởng Vũ Tiến Thắng từng là sĩ quan tốt nghiệp trường Sĩ quan Không quân Nha Trang, có gần 20 năm phục vụ trong quân đội và là một trong những phi công có thâm niên và giờ bay tích lũy lớn nhất của đội bay. Đồng thời, khi thực hiện nhiệm vụ này, ông đang là đội trưởng phụ trách đội máy bay ATR-72 và là giám sát viên bay của cục Hàng không dân dụng Việt Nam.

Còn cơ phó là đội phó đội bay ATR-72 Phạm Văn Hải, phụ trách an toàn – khai thác. Tổ tiếp viên làm nhiệm vụ hôm đó cũng đều là những cựu quân nhân đeo cra-vát màu đen và có bài phát thanh riêng trên chuyến bay.

Cơ trưởng Vũ Tiến Thắng cho biết, chuyến bay chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đó được sử dụng dòng máy bay ATR-72 mà không phải dòng máy bay khác là bởi ATR-72 tuy nhỏ hơn nhưng có ưu điểm là cửa máy bay rộng, chiều cao phù hợp, thuận lợi cho việc di chuyển linh cữu từ xe đại pháo vào khoang hành khách và ngược lại.

Cơ trưởng Vũ Tiến Thắng là người đảm nhận nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đưa linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp về quê hương Quảng Bình

Cơ trưởng Vũ Tiến Thắng là người đảm nhận nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đưa linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp về quê hương Quảng Bình

Trong khi, 2 dòng máy bay Boeing 777, Airbus A321 – các máy bay cỡ lớn hiện đại nhất lúc bấy giờ thì cửa máy bay ở vị trí cao nên sẽ phải sử dụng xe nâng hoặc các giải pháp hỗ trợ khác để đưa linh cữu lên, không phù hợp với nghi lễ.

Thế nên, sau khi bàn bạc và nghiên cứu kỹ lưỡng, tổ thực hiện nhiệm vụ quyết định sử dụng ATR-72. Để đáp ứng được việc di chuyển thuận lợi, 4 hàng ghế đầu của chiếc máy bay này và vách ngăn giữa khoang hành khách, khoang hành lý đã được tháo dỡ để tạo khoảng trống cho việc đặt linh cữu của Đại tướng.

Trước thời gian chuyến bay đưa linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được khởi hành, một chi tiết xuất hiện từng khiến toàn bộ những người tham gia vào “nhiệm vụ đặc biệt” đều vô cùng lo lắng. Lúc bấy giờ, có 3 cơn bão đang hoành hành. Một cơn bão đang tàn phá phía nam Ấn Độ, một cơn bão đã đổ bộ vào biển Đông và một cơn bão khác đang áp sát Philippines.

Trước tình hình đó, các phương án bất thường khi điều kiện thời tiết trở nên xấu hơn, các sân bay dự phòng đều được tổ bay tính kỹ. Thế nhưng, điều kỳ diệu đã xảy ra, chuyến bay lịch sử này đã hạ cánh an toàn và đúng như kế hoạch đã định vào ngày 13.10.2013. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về với đất mẹ. Mọi công việc và nghi lễ sau đó cũng đều diễn ra suôn sẻ và tốt đẹp.

Chuyến bay VN103 đưa vị tướng huyền thoại trở về an nghỉ ở quê hương Quảng Bình đã trở thành dấu mốc trong lịch sử của hàng không Việt Nam. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ vinh dự của Đoàn bay 919 và Vietnam Airlines.

Còn đối với cơ trưởng Vũ Tiến Thắng, đó không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ quan trọng mà còn sự tự hào khi đưa vị Đại tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam về với quê hương bình an. Trước đó, cơ trưởng Vũ Tiến Thắng từng là người thực hiện chuyến bay chở hài cốt của cố Tổng bí thư Trần Phú từ TP.HCM về Hà Tĩnh năm 1999. Mỗi một nhiệm vụ, với ông, đó đều là dấu mốc không thể quên trong cuộc đời và sự nghiệp của người quân nhân QĐND Việt Nam, nguyên cơ trưởng máy bay ATR-72 – Đoàn bay 919.

Nguồn