Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam – PVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 với doanh thu thuần đạt gần 517.000 tỷ, giảm gần 8% so với cùng kỳ. Phần lớn doanh thu đến từ hoạt động thương mại và phân phối, chiếm 41% doanh thu chưa loại trừ nội bộ và hoạt động chế biến dầu khí, chiếm gần 26%.
Giá vốn hàng bán giảm thấp hơn doanh thu với gần 2% khiến lợi nhuận gộp của PVN giảm 36% so với năm 2022 đạt 59.220 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp giảm từ 16,62% xuống 11,46%.
Trong năm vừa rồi, doanh thu tài chính của Tập đoàn đạt hơn 26.900 tỷ, tăng 42% so với cùng kỳ nhờ lãi tiền gửi, tiền cho vay; lãi chênh lệch tỷ giá; lãi từ đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu; … tăng.
Trừ đi các chi phí, PVN lãi trước thuế gần 56.390 tỷ đồng, giảm 26% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 40.280 tỷ đồng, giảm 29% so với năm 2022.
Trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của PVN vượt mức hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 2,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, các khoản tiền mặt và tiền gửi là gần 347.600 tỷ đồng. Nợ phải trả của Tập đoàn tại cuối năm 2023 hơn 479.000 tỷ, trong đó, tổng nợ vay hơn 262.000 tỷ. Vốn chủ sở hữu của PVN ở mức 532.000 tỷ.
Trong số các doanh nghiệp Việt hiện nay, PVN là doanh nghiệp duy nhất không phải ngân hàng có quy mô tài sản vượt mốc 1 triệu tỷ đồng. Các doanh nghiệp phi ngân hàng khác có tài sản lớn hiện cách PVN khá xa gồm Vingroup, đạt 668 nghìn tỷ và EVN đạt 649 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù không phải ngân hàng nhưng điều thú vị là PVN hiện là doanh nghiệp duy nhất là công ty mẹ nắm quyền kiểm soát một ngân hàng là PVCombank. Do đó, kết quả kinh doanh hợp nhất của PVN cũng đã bao gồm cả ngân hàng này. Tại thời điểm cuối năm 2023, quy mô tài sản của PVCombank đạt 221 nghìn tỷ đồng.