Lào Cai thu hồi 444 ha rừng làm đường sắt kết nối Trung Quốc
Thông tin về quá trình chuẩn bị triển khai dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng được Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường chia sẻ tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong ngày 5.2, tại Lào Cai.
Dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng có chiều dài toàn tuyến là 388,1 km, với điểm đầu là ga Lào Cai và điểm cuối là cảng Lạch Huyện (TP.Hải Phòng), tổng mức đầu tư khoảng 194.929 tỉ đồng (tương đương hơn 8 tỉ USD). Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư khoảng 32.381 tỉ đồng.
Tuyến đường sắt này có 65,1 km đi qua địa phận tỉnh Lào Cai với 4 ga tại TP.Lào Cai, H.Bảo Thắng, TX.Lào Cai và H.Văn Bản. Trong đó, vị trí điểm nối ray với đường sắt Trung Quốc tại Km5+110 thuộc khu vực biên giới giữa 2 nước Việt Nam – Trung Quốc (lý trình Km0+000 từ tim ga Lào Cai).
Ông Trịnh Xuân Trường cho biết, ngay sau khi dự án được phê duyệt chủ trương, địa phương này đã chủ động lập tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai làm tổ trưởng và lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương là thành viên.
Thời gian qua, UBND tỉnh Lào Cai đã chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ GTVT rà soát, chuẩn bị giải phóng mặt bằng và các điều kiện cần thiết để triển khai dự án theo tiến độ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
Qua rà soát, Lào Cai sẽ thực hiện thu hồi 656 ha để triển khai dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Trong đó, 444 ha là diện tích rừng, 212 ha đất trồng, đất nông nghiệp, đất khác; tổng kinh phí hỗ trợ, tái định cư khoảng 3.758 tỉ đồng.
Trong dự án này, Lào Cai sắp xếp 451 hộ vào 11 khu tái định cư; sắp xếp, di chuyển các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Đông Phố Mới với 42 dự án.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai kiến nghị các nội dung liên quan đến xây dựng 4 nhà ga, kinh phí hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án này.
Ghi nhận các đề xuất trên, ông Nguyễn Minh Sơn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết ủy ban này sẽ có đánh giá cụ thể về sự cần thiết về cơ sở pháp lý, cơ chế, chính sách đặc thù, phương án đầu tư… để hoàn thiện dự án.