Lễ hội chùa Tây Phương – Di sản văn hóa phi vật thể
Lễ hội truyền thống chùa Tây Phương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. |
Chùa Tây Phương có tên chữ là “Sùng Phúc Tự”, tên gọi khác là Tây Phương Cổ Tự. Ngôi chùa cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km, tọa lạc tại đỉnh đồi Câu Lâu, thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Vị trí tọa lạc của ngôi chùa được coi là nơi hội tụ linh khí của đất trời. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chùa Tây Phương vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính. Với giá trị nghệ thuật và tâm linh to lớn, chùa Tây Phương đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách thập phương và những người yêu thích tìm hiểu về văn hóa Phật giáo.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa ký Quyết định số 324 ngày 19/2/2025 về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với lễ hội truyền thống hội chùa Tây Phương tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Trước đó, năm 2014, Chính phủ đã công nhận chùa Tây Phương là Di tích Quốc gia đặc biệt về giá trị kiến trúc nghệ thuật. Năm 2015, ngôi chùa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, với 34 pho tượng thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ XVIII quý giá được vinh danh là bảo vật quốc gia.
Điều đặc biệt chỉ có ở Tây Phương cổ tự là hệ thống các pho tượng phật đã được đi vào thi ca Việt Nam qua bài thơ Các vị La hán chùa Tây Phương. Hệ thống tượng tại chùa Tây Phương được đánh giá là kiệt tác hiếm có trong nghệ thuật điêu khắc tôn giáo. Tiêu biểu là các pho Tuyết Sơn, Thập bát vị La Hán, Bát Bộ kim cương, có niên đại thế kỷ 18. Ngoài ra còn có nhiều pho tượng nổi tiếng khác, thuộc thế kỷ 19. Các pho tượng của Chùa Tây Phương đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2013.
Chùa Tây Phương là một ngôi chùa cổ kính ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền bí. Tương truyền rằng, ngôi chùa này gắn liền với truyền thuyết về quá trình du nhập Phật giáo vào Việt Nam. Có giai thoại kể lại rằng, vào thời Đường (864 – 868), tiết độ sứ Cao Biền khi cai trị An Nam xưa đã cho xây dựng một kiến trúc tôn giáo tại đây với mưu đồ ngăn chặn long mạch.
Theo sử sách ghi lại Tây Phương Cổ Tự là ngôi chùa cổ thứ 2 ở Việt Nam sau chùa Dâu Bắc Ninh. Năm 1632, dưới đời vua Lê Thần Tông, chùa xây dựng thượng điện 3 gian và hậu cung cùng hành lang 20 gian. Khoảng năm 1657 – 1682, Tây Đô Vương Trịnh Lạc cho phá đi chùa cũ, xây lại chùa mới và tam quan. Năm 1794, dưới thời nhà Tây Sơn, chùa được trùng tu hoàn toàn và có tên gọi mới là “Tây Phương Cổ Tự”. Hình dáng bên ngoài và kiến trúc của chùa được giữ lại hoàn toàn như ngày nay.
Đến với chùa Tây Phương, du khách sẽ được đắm mình trong không gian thanh tịnh, yên bình, tránh xa sự ồn ào. Dù rằng Thạch Thất là vùng đất của những làng nghề đang phát triển vượt bậc mỗi ngày. Khi bước qua vòm cổng rêu phong, du khách như bước sang một không gian khác, không gian của từ bi, không gian của hỉ xả, không gian của những điều thiện, không gian của văn hóa và niềm tự hào về bản sắc Việt.
Người theo đạo Phật quan niệm rằng khi chết, con người sẽ được vãng sanh về chốn Tây Phương cực lạc. Bởi thế, việc đến Tây phương để lễ Phật cầu an là một trong những mong muốn không ai chối từ. Không chỉ là một điểm đến tâm linh, chùa Tây Phương còn là là nơi khắc ghi nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của người Việt.
Chùa Tây Phương có gì?
Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương tại huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. |
Hành trình khám phá chùa Tây Phương bắt đầu từ chân núi Câu Lâu, nơi tọa lạc công trình đầu tiên – Tam quan hạ. Cổng chùa với ba lối vào, cửa chính giữa nổi bật với kích thước to rộng, mang ý nghĩa sâu xa về ba cách nhìn trong Phật giáo: hữu quan, không quan và trung quan. “Hữu quan” là thế giới hữu hình, vạn vật hiện hữu, còn “không quan” lại tượng trưng cho cõi vô thường, hư không. “Trung quan” chính là sự dung hòa giữa hai thái cực sắc – không, nhắc nhở con người về lẽ vô thường và sự cân bằng trong cuộc sống.
Vượt qua cổng tam quan uy nghiêm, du khách sẽ được trải nghiệm hành trình thú vị với 237 bậc đá ong dẫn lên tam quan thượng. Sắc vàng nâu trầm mặc của đá ong không chỉ hài hòa với cảnh quan thiên nhiên mà còn bền bỉ theo thời gian, chính vì vậy, loại vật liệu này thường được ưa chuộng trong kiến trúc truyền thống của các làng quê, chùa chiền Việt Nam.
Hai bên cột trụ tam quan thượng khắc họa đôi câu đối: “Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc/ Ba ngàn thế giới đón Như Lai”. Câu thơ như tái hiện lại khoảnh khắc thiêng liêng khi Đức Phật đản sinh, Ngài bước đi bảy bước, mỗi bước nở ra một đóa sen vàng. Đến bước thứ bảy, Ngài chỉ tay lên trời, tay kia chỉ xuống đất và tuyên bố: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” – khẳng định vị thế tối cao của đấng Giác Ngộ trong vũ trụ.
Nép mình bên trái chùa chính, miếu Sơn Thần hiện lên với vẻ ngoài khiêm nhường, mang đậm nét kiến trúc truyền thống với gỗ và ngói đỏ. Không chỉ là nơi thờ Thần núi, miếu còn là không gian tôn nghiêm dành cho Đức Ông – vị thần quen thuộc trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, thường được thờ phụng tại các chùa Phật giáo. Truyền thuyết kể rằng, Đức Ông vốn là một thương gia giàu có ở Ấn Độ thời xưa, nổi tiếng với lòng mộ đạo sâu sắc. Tài sản kếch xù của ông đã được dùng để dát vàng khắp vườn Kỳ Đà, nơi Đức Phật thuyết pháp, và cúng dường cho Phật tử. Sự hào phóng vô song này đã khiến ông được tôn vinh là vị thí chủ vĩ đại nhất trong lịch sử Phật giáo.
Ngôi chùa chính uy nghi với kiến trúc độc đáo hình chữ “Tam”, gồm ba nếp nhà song song: chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Mỗi nếp nhà hai tầng tám mái được xây dựng theo kiểu chồng diêm, tạo nên nét kiến trúc đặc sắc. Bức tường gạch Bát Tràng mộc mạc phô diễn màu đỏ thắm, điểm xuyết bằng những ô cửa sổ tròn trắng tinh khôi, thể hiện triết lý “sắc sắc không không” đầy ý nghĩa của nhà Phật. Nơi đây còn lưu giữ những bộ tượng Hộ pháp mang đậm phong cách thời Tây Sơn. Các vị thần oai phong trong giáp trụ, tay cầm khí giới, biểu trưng cho sức mạnh trừ gian diệt ác, bảo vệ chúng sinh.
Vượt qua cổng chùa Hạ, du khách sẽ bắt gặp chùa Trung, công trình kiến trúc độc đáo nổi bật giữa không gian thanh tịnh của chùa Tây Phương. Khác biệt với lối kiến trúc thường thấy ở những ngôi chùa Việt Nam, chùa Trung tuy có diện tích hẹp nhưng lại được xây dựng cao hơn hẳn so với chùa Hạ và chùa Thượng. Mỗi nếp nhà đều mang nét kiến trúc đặc trưng với hai tầng mái chồng diêm độc đáo, cùng hệ thống cột gỗ vững chãi được kê trên những tảng đá xanh chạm khắc tinh xảo hình cánh sen. Bên trong chùa Trung là nơi thờ Phật Tuyết Sơn, pho tượng được tạo tác tỉ mỉ nhằm khắc họa lại thời kỳ khổ hạnh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trước khi giác ngộ.
Các pho tượng phật quý hiếm tại chùa Tây Phương. |
Chính điện chùa Thượng uy nghiêm với ba ngôi cao nhất, mỗi ngôi là nơi an vị của một vị Phật, đại diện cho một nghìn vị Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Dưới chân các Ngài, hàng tượng Thập Bát La Hán được bài trí theo hàng dọc, tượng trưng cho những sự kiện quan trọng trong cuộc đời Đức Phật. Tiếp đến, hàng thứ hai là nơi ngự trị của “Thập điện diêm vương”, những vị thần cai quản công lý ở cõi luân hồi, như một lời nhắc nhở con người hướng thiện, tích đức.
Thập Bát La Hán chùa Tây Phương, mỗi vị một vẻ, hiện lên với muôn hình vạn trạng, được xem là tuyệt tác điêu khắc, đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Không chỉ là những chi tiết tinh xảo trên trang phục, nếp gấp áo quần hay những đường nét gân guốc khắc khổ trên cơ thể được thể hiện sống động đến kinh ngạc, mà ngay cả những khắc khoải, suy tư rất đời, rất người cũng được lột tả rõ nét trên từng pho tượng.
Nhà Tổ và Nhà Mẫu, hai công trình kiến trúc quan trọng trong quần thể chùa Tây Phương, được xây dựng song song, kết cấu theo kiểu chữ “Nhị” độc đáo. Bên ngoài là nơi thờ phụng các vị Tổ sư, còn bên trong là không gian tôn nghiêm dành riêng cho Thánh Mẫu. Nằm nép mình bên sườn phải chùa chính là nhà khách, một công trình vừa được phục dựng gần đây. Tuy mới được xây dựng lại nhưng nhà khách vẫn giữ nguyên nét kiến trúc truyền thống, hài hòa với tổng thể cảnh quan và phong cách kiến trúc đặc trưng của chùa Tây Phương.
Chùa Tây Phương thực sự là một điểm đến hấp dẫn, nơi giao thoa giữa giá trị tâm linh, lịch sử và nghệ thuật. Không chỉ là chốn linh thiêng để du khách tìm về sự bình yên trong tâm hồn, chùa Tây Phương còn là nơi lưu giữ những di sản văn hóa quý giá của dân tộc, đặc biệt là bộ tượng Thập Bát La Hán độc đáo.
Lễ hội chùa Tây Phương diễn ra hàng năm, ngày chính hội là 6/3 Âm lịch, được tổ chức tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất. Lễ hội gồm phần lễ và phần hội với các nghi thức dâng lễ, cúng Phật; rước kiệu và diễu hành của phường Rối nước; dâng lễ vật của lãnh đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện… Phần hội có các trò chơi dân gian như: ném còn, đi cà kheo, cây đu; biểu diễn Múa Rối nước, biểu diễn văn nghệ, diễn xướng cồng chiêng; giao lưu vật dân tộc,… Bên cạnh đó, còn diễn ra khu vực trưng bày, bán các sản phẩm đặc sản của huyện Thạch Thất. |