Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

Lỗ gần 600 tỷ trong năm 2023

Ảnh minh họa

Chủ đầu tư dự án Điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam lỗ gần 600 tỷ trong năm 2023

Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam vừa công bố thông tin về tình hình tài chính năm 2023 với lỗ sau thuế gần 593 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi hơn 81 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của Công ty tại ngày 31/12/2023 đạt 1.831 tỷ đồng, giảm 24% so với cuối năm 2023. Hệ số nợ phải trả/VCSH là 4,977, tương ứng với nợ phải trả hơn 9.100 tỷ đồng. Tổng tài sản Trung Nam Thuận Nam tại ngày cuối năm 2023 hơn 10.900 tỷ đồng.

Dư nợ trái phiếu của Trung Nam Thuận Nam tại cuối năm 2023 khoảng 4.780 tỷ đồng, giảm khoảng 3% so với cuối năm 2022.

Theo số liệu trên HNX, Trung Nam Thuận Nam còn 10 lô trái phiếu đang lưu hành, mã từ TRUNGNAMSOLAR_BOND2020_01 đến TRUNGNAMSOLAR_BOND2020_10 với dư nợ hơn 5.144 tỷ đồng.

Công ty TNHH Điện Mặt Trời Trung Nam Thuận Nam, nằm trong hệ sinh thái của Công ty cổ phần Đầu Tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group). Công ty được thành lập vào năm 2018, từng có tên gọi là Công ty cổ phần Điện mặt trời Phước Minh.

Địa chỉ trụ sở chính công ty ở xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Chủ tịch công ty là ông Nguyễn Tâm Thịnh, giám đốc là ông Vũ Đình Tân. Vốn điều lệ công ty hơn 2.411 tỷ đồng.

Công ty này là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận và huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) với tổng công suất 450MW, diện tích 557ha.

Dự án Nhà máy Điện Mặt Trời Trung Nam – Thuận Nam 450Mw kết hợp Trạm biến áp 500Kv có tổng chi phí xây dựng là 12.000 tỷ đồng.

Sai phạm tại Dự án Điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam

Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng – Ảnh: BCA

Theo kết luận điều tra bổ sung, năm 2017, Thủ tướng khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Giai đoạn 2016-2018, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, ngoài 3 dự án điện mặt trời đã có, Thủ tướng phê duyệt bổ sung 5 dự án vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, còn Bộ Công thương phê duyệt bổ sung 24 dự án vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận.

Cuối năm 2017, Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam đề xuất, được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận đề nghị bổ sung dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, công suất 50MW vào Quy hoạch điện VII.

Bộ Công thương đã thực hiện một số thủ tục thẩm định, nhưng thời điểm đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến chỉ xem xét bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh với các dự án đã hoàn thành thẩm định. Do đó, Bộ Công thương dừng việc thẩm định, bổ sung quy hoạch các dự án điện mặt trời nói chung, gồm dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam.

Tuy vậy, bị can Hoàng Quốc Vượng bị cáo buộc vẫn chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo dự thảo quyết định quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo hướng mở rộng diện đối tượng được hưởng giá điện ưu đãi, trái với nghị quyết và chỉ đạo của Thủ tướng.

Chỉ đạo trên của bị can Hoàng Quốc Vượng nhằm tạo cơ chế cho dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam được hưởng giá điện ưu đãi, đồng thời bị can này cũng lợi dụng chức vụ là Thứ trưởng Bộ Công thương thống nhất chủ trương đề xuất cho dự án trên được phê duyệt bổ sung quy hoạch và cố ý xin cơ chế giá ưu đãi vượt phạm vi cho phép.

Quá trình điều tra, ông Hoàng Quốc Vượng khai, đã nhận 1,5 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam. Tuy nhiên, do chưa đủ tài liệu chứng minh động cơ, mục đích cụ thể của việc đưa và nhận tiền, trong khi thời hạn điều tra đã hết, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an sẽ tiếp tục làm rõ trong giai đoạn tiếp theo.

Gia đình ông Vượng đã nộp lại số tiền 1,5 tỷ đồng nhận được từ doanh nghiệp để khắc phục hậu quả.

Ông Vượng và đồng phạm bị cáo buộc, trong thời gian đương nhiệm, vì động cơ vụ lợi đã cố ý điều chỉnh nội dung chính sách để doanh nghiệp được bán điện với giá ưu đãi, gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng cho EVN.

Nguồn

Exit mobile version