Thế Giới

Loạt nước bị áp thuế đổi kế hoạch phút chót, “vây” đại diện Mỹ

Loạt nước bị Mỹ áp thuế đổi kế hoạch phút chót

Cuộc họp của các Bộ trưởng Thương mại APEC năm nay (15-16/5), vốn thường không có nhiều sự kiện nổi bật, đã trở nên cấp bách và mang tính chiến lược hơn trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đang nỗ lực thúc đẩy đàm phán với Mỹ, trước khi thời hạn 90 ngày đình chỉ áp thuế đối ứng kết thúc vào tháng 7.

Sự kiện được tổ chức vào tuần trước tại đảo nghỉ dưỡng Jeju (Hàn Quốc), đánh dấu cuộc họp tập thể đầu tiên của các thành viên APEC kể từ khi Tổng thống Donald Trump công bố — và sau đó tạm hoãn — các mức thuế quan đối ứng gây tranh cãi.

Tâm điểm của cuộc họp là Đại diện Thương mại Mỹ Jamison Greer, một trong hai nhà đàm phán chủ chốt đã đạt được thỏa thuận đình chiến thuế quan tạm thời với Trung Quốc vào cuối tuần trước nữa.

Tuy nhiên, ông Jamieson Greer đã từ chối trả lời phỏng vấn, viện dẫn lý do lịch trình dày đặc với các cuộc gặp song phương cùng đại diện nhiều quốc gia khác.

Theo Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Chung In-kyo, ban đầu nhiều nước chỉ định cử Thứ trưởng tham dự cuộc họp, nhưng sau đó đã thay đổi vào phút chót, quyết định cử đích danh Bộ trưởng — tất cả đều nhằm tìm cơ hội tiếp cận và đối thoại trực tiếp với ông Greer.

Đại diện Thương mại Mỹ Jamison Gree. Ảnh: Reuters

David Bolling, Giám đốc phụ trách thương mại Nhật Bản và châu Á tại Eurasia Group, nhận định rằng hầu hết các quốc gia tham dự đều đặt ưu tiên hàng đầu là gặp gỡ các quan chức Mỹ trong khuôn khổ hội nghị APEC lần này.

“Tất cả đều xoay quanh vấn đề thuế quan”, Bolling nói. “Đối với nhiều Bộ trưởng thương mại, việc đảm bảo một cuộc gặp riêng với Jamieson Greer sẽ là mục tiêu chính của họ. Họ muốn có một cuộc gặp với Jamieson Greer, ngay cả khi chỉ là cuộc gặp ngắn, để thảo luận về các mức thuế quan ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia. Ông ấy sẽ là đại diện thương mại bận rộn nhất  và lịch trình của ông ấy sẽ rất dày đặc”.

“Thật có ý nghĩa khi các bộ trưởng họp lại với nhau lần đầu tiên kể từ khi chính quyền Tổng thống Trump áp thuế quan lớn trên toàn thế giới và thảo luận về cách thức tiến lên cho hệ thống thương mại toàn cầu”, Yeo Han-koo, cựu Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc, hiện là thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết. Ông mô tả cuộc họp tuần này là nền tảng cho Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào tháng 11.

Hàn Quốc nắm giữ “con bài mặc cả” với Mỹ

Tháng trước, Tổng thống Donald Trump đã áp đặt thuế đối ứng lên hàng hóa từ hàng chục quốc gia. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau, trước phản ứng dữ dội từ thị trường tài chính toàn cầu, ông buộc phải tạm hoãn các mức thuế này trong vòng 90 ngày để tạo không gian cho đàm phán. Dù vậy, ông vẫn giữ nguyên mức thuế “cơ bản” 10% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu.

Ngay sau quyết định đó, nhiều quốc gia đã nhanh chóng cử phái đoàn đến Washington để tìm kiếm một thỏa thuận. Tuy nhiên, cho đến nay, Vương quốc Anh là đối tác thương mại duy nhất đạt được thỏa thuận với chính quyền Trump. Đây cũng là một trong số ít quốc gia có cán cân thương mại thặng dư với Mỹ — tức nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu — nên không nằm trong danh sách bị đánh thuế đối ứng.

Năm nay, Hàn Quốc là nước chủ nhà APEC với chủ đề chính là “Xây dựng tương lai bền vững” và đặt mục tiêu đạt được tiến triển trong việc hiện thực hóa Tầm nhìn Putrajaya 2040 mà các nhà lãnh đạo, bao gồm cả Tổng thống Trump vào năm 2020, đã nhất trí “cùng nhau hợp tác để tạo ra một môi trường thương mại và đầu tư tự do, cởi mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch và có thể dự đoán được”.

Trong cuộc họp báo ngày thứ Sáu (16/5), Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Chung In-kyo cho biết ông đã có cuộc trao đổi với ông Greer để cập nhật tiến trình đàm phán song phương Mỹ-Hàn Quốc. Ông cũng chia sẻ với phía Mỹ về “tình hình nội bộ Hàn Quốc” và những khó khăn trong việc xúc tiến đàm phán thương mại khi quốc gia này đang bước vào giai đoạn tranh cử trước thềm bầu cử ngày 3/6.

Tổng thống Donald Trump đã áp mức thuế 25% đối với Hàn Quốc — một đồng minh lâu năm của Mỹ — khiến Seoul rơi vào thế khó. Trong bối cảnh chính trị nhạy cảm trước thềm bầu cử ngày 3/6, các quan chức Hàn Quốc đang nỗ lực tìm cách đàm phán với Washington nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ chính sách thuế mới.

Tại cuộc họp APEC, ông Jamieson Greer cũng đã có cuộc gặp với Phó Chủ tịch Hyundai Heavy Industries, một trong những doanh nghiệp công nghiệp nặng chủ chốt thuộc Tập đoàn Hyundai. Cuộc trao đổi xoay quanh các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu — một ngành được cả Seoul và Washington xác nhận là trọng tâm trong các cuộc thương lượng thương mại song phương. Giới chức Hàn Quốc coi đây là “con bài mặc cả” quan trọng trong bàn đàm phán với chính quyền Tổng thống Trump.

Theo truyền thông Hàn Quốc, ngoài các cuộc gặp với đại diện nước chủ nhà, ông Greer cũng đã có cuộc trao đổi với ông Lý Thành Cương — Đại diện thương mại Trung Quốc và là thành viên của đoàn đàm phán Trung Quốc đã làm việc với ông Greer cùng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessant vào cuối tuần trước nữa.

Theo thỏa thuận tạm thời đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc, Washington sẽ giảm thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ mức 145% xuống còn 30%, trong khi Bắc Kinh cũng cam kết hạ mức thuế đối với hàng hóa Mỹ từ 125% xuống 10%. Tuy nhiên, việc nới lỏng này chỉ mang tính tạm thời và dự kiến sẽ kết thúc vào đầu tháng 8 nếu không có tiến triển mới trong đàm phán.

Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – Mỹ và Trung Quốc – là tâm điểm nổi bật tại cuộc họp APEC vừa qua. Tác động dây chuyền từ cuộc chiến thuế quan đã buộc APEC phải điều chỉnh mạnh dự báo kinh tế trong khu vực. So với mức dự báo đưa ra chỉ hai tháng trước — thời điểm Tổng thống Trump chưa công bố các mức thuế đối ứng — triển vọng tăng trưởng đã bị hạ đáng kể.

Trong số 21 nền kinh tế thành viên APEC, hơn một nửa đã chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các biện pháp thuế trả đũa do chính quyền Trump áp đặt. 

Với vai trò là diễn đàn chiếm gần 50% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu và khoảng 60% GDP toàn cầu, APEC đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay xuống còn 2,6%, giảm so với mức 3,3% được đưa ra trước đó. 

Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Thương mại APEC Carlos Kuriama cảnh báo rằng việc suy giảm thương mại với Mỹ sẽ gây ra tổn thất khó có thể bù đắp trong ngắn hạn.

“Mỹ là thị trường lớn nhất, là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tỷ trọng của Mỹ trong thương mại và đầu tư toàn cầu là cực kỳ cao nên việc mất đi một phần đáng kể cơ hội từ thị trường này sẽ là cú đánh mạnh vào tăng trưởng”, ông Kuriama nhấn mạnh. “Không dễ gì có thể tìm ra một phương án thay thế tương đương trong bối cảnh hiện tại”.

 (The New York Times, Japan Times)

Nguồn